Mẹ Và Con - Bạn hãy thử trả lời vài câu hỏi ngắn gọn dưới đây để tự kiểm tra kiến thức của mình khi bước vào giai đoạn làm “bà bầu” nhé!

Trac nghiem ba bau
1. Mức tăng cân chuẩn trong giai đoạn mang thai là bao nhiêu để đảm bảo sức khỏe cho thai nhi?

a. Cứ ăn thoải mái theo sức ăn của mình, tăng bao nhiêu cũng được.

b. Tăng từ 10-12kg.

c. Mỗi tuần tăng trên 1kg là lý tưởng nhất.

>> Đáp án đúng là: Câu b.

Mức tăng cân của bà mẹ mang thai liên quan chặt chẽ tới cân nặng của trẻ khi sinh. Vì vậy, bạn không thể buông lỏng theo kiểu “tăng bao nhiêu cũng được”. Trong suốt thai kỳ, người mẹ cần tăng từ 10-12kg. Trong đó, 3 tháng đầu tăng 1kg, 3 tháng giữa tăng 4-5kg, và 3 tháng cuối tăng 5-6kg. Nếu 3 tháng giữa tăng dưới 3kg và 3 tháng cuối tăng dưới 4kg thì người mẹ cần ăn uống và bồi dưỡng tăng cường thêm.

Bạn cũng cần lưu ý là không phải tăng cân càng nhiều sẽ càng tốt. Nếu trong 3 tháng cuối, mỗi tháng tăng quá 2kg hay mỗi tuần tăng trên 1kg thì đó thường là dấu hiệu bệnh lý như phù, cao huyết áp. Bà mẹ cần phải đi khám để có những can thiệp kịp thời.

2. Nhu cầu canxi của phụ nữ mang thai cao nhất là khi nào?

a. Ba tháng đầu thai kỳ.

b. Ba tháng giữa thai kỳ.

c. Ba tháng cuối thai kỳ.

>> Đáp án đúng là: Câu c.

Canxi là chất khoáng rất cần thiết cho cơ thể con người. Ở phụ nữ có thai, nhu cầu canxi cao hơn bình thường tùy thuộc vào tuổi thai. Tuổi thai càng lớn thì nhu cầu canxi càng cao. Cụ thể trong 3 tháng đầu thai kỳ, nhu cầu canxi là 800mg/ngày, 3 tháng giữa thai kỳ là 1.000mg/ngày và 3 tháng cuối thai kỳ sẽ cần đến 1.500mg/ngày.

Để đáp ứng đủ nhu cầu canxi của cơ thể, bà bầu nên tăng cường uống sữa bột, sữa tươi, sữa chua (yaourt), ăn các loại thực phẩm như cua đồng, tôm đồng, rau cần… Ngoài ra, bạn cũng có thể bổ sung canxi cho cơ thể bằng cách uống các loại thuốc có canxi, nhưng bắt buộc phải tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ sản khoa khi sử dụng những loại thuốc này.

3. Thiểu ối ở đầu thai kỳ thường là dấu hiệu báo động:

a. Khuyết tật thai nhi ở thận và đường tiết niệu.

b. Sức khỏe của thai phụ có vấn đề về cao huyết áp, đái tháo đường, hoặc có vấn đề về nhau thai…

c. Cả hai nguyên nhân trên.

>> Đáp án đúng là: Câu c.

Thiếu ối ở đầu thai kỳ có nguyên nhân thường là khuyết tật thai nhi hoặc rò rỉ túi nước ối. Trong đó, khuyết tật thai nhi ở thận và đường tiết niệu là nguyên nhân thông thường nhất của tình trạng thiểu ối giai đoạn này.

Những thai nhi bị khuyết tật thận thường ít đi tiểu, do đó lượng nước ối không được tạo đủ. Ngoài ra, một số vấn đề sức khỏe của bà bầu cũng có liên quan tới tình trạng thiếu nước ối trong tử cung như: cao huyết áp, đái tháo đường, vấn đề về nhau thai.

Nước ối có chức năng rất quan trọng trong việc cung cấp dưỡng chất cho thai nhi, giúp thai tránh được sự chèn ép quá mức do co cơ tử cung (khi thiểu ối) làm ảnh hưởng đến sự cung cấp máu nuôi bào thai qua mạch máu rốn.

Vì vậy, khi phát hiện thiếu nước ối, thai phụ cần đến bệnh viện thường xuyên để bác sĩ theo dõi kích cỡ vòng bụng và lượng nước ối trong tử cung. Trong một số trường hợp, nước ối tự nhiên có thể được thay thế bằng dung dịch nhân tạo.

4. Để giảm bớt những khó chịu do ốm nghén trong giai đoạn đầu mang thai, bạn nên:

a. Ăn ít và ăn thường xuyên sau mỗi 2 giờ.

b. Đi bộ thường xuyên.

c. Tránh căng thẳng và tiếp xúc với các mùi khó chịu.

d. Nên thực hiện tất cả các việc trên.

>> Đáp án đúng là: Câu d.

Bạn nên ăn ít và ăn thường xuyên sau mỗi 2 giờ vì đói thường kèm theo cảm giác buồn nôn. Việc ăn ít và thường xuyên sẽ làm dịu biểu hiện khó chịu đó. Bạn có thể ăn một ít bánh quy lạt, uống ít sữa, nước hoa quả, trái cây (nhất là chuối). Trứng luộc và các món súp cũng rất tốt cho bạn.

Bên cạnh đó, việc tập luyện thường xuyên, đặc biệt là đi bộ cũng sẽ hỗ trợ cho việc tiêu hóa và ngăn chặn cảm giác buồn nôn. Một lưu ý nho nhỏ khác là bạn nên giữ cho tinh thần của mình thật thoải mái, nghỉ ngơi, thư giãn hợp lý.

Bạn có thể giữ bên mình một ít lá bạc hà, vài lát gừng vì những mùi này có khả năng giúp giảm buồn nôn. Khi nấu ăn nên mở cửa sổ để tránh hít phải các mùi khó chịu có khả năng kích thích bạn dễ bị ói.

Tags:

Bài viết liên quan

uống thuốc trị mụn

Bác sĩ giải đáp: Uống thuốc trị mụn có gây vô sinh không?

Mẹ và Con - Hiện nay trong lĩnh vực làm đẹp đã xuất hiện nhiều phương pháp trị mụn và gây ức chế sự phát triển của vi khuẩn gây mụn, ngăn ngừa sự tái phát của mụn. Trong đó, có nhiều chị em chọn cách uống thuốc trị mụn, tuy nhiên uống thuốc trị mụn có gây vô sinh không, có ảnh hưởng gì đến sức khỏe hay không? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây nhé!