Mẹ và Con - Chẳng ai hy vọng con của mình nói dối cả. Tuy nhiên, nếu chẳng may chuyện này xảy ra thì cần xử trí như thế nào? Liệu trách phạt trẻ có ngăn được con nói dối ở những tình huống khác?

Trẻ nói dối là một tình huống mà bố mẹ thường gặp trong suốt hành trình phát triển của con. Không phải ai cũng có thể bình tĩnh xử trí được vấn đề mà thường chọn cách la mắng hoặc trách phạt trẻ. Tuy nhiên, đây chưa hẳn là một phương pháp dạy con đúng đắn.

Khi trẻ nói dối, nếu bố mẹ lập tức thể hiện sự tức giận, không hài lòng của mình với trẻ thì có thể dẫn đến tác dụng ngược, khiến trẻ ngày càng nói dối nhiều hơn…

Biểu hiện thường thấy khi trẻ nói dối

Nếu trẻ đang không trung thực với bố mẹ hoặc người lớn trong một trường hợp nào đó, bạn sẽ thấy trẻ có một số biểu hiện bất thường như:

  • Ấp úng, nói lắp, không thể nói một câu suôn sẻ mà ngập ngừng, nói vấp
  • Những câu chuyện trẻ nói thường không có logic
  • Trẻ có thể quên những tình tiết trong câu chuyện trẻ vừa kể
  • Khi nói chuyện, trẻ sẽ có cử chỉ không tự nhiên, có dấu hiệu bồn chồn, không thể ngồi yên, chân đung đưa, hai bàn tay bấu chặt vào nhau
  • Đầu thường cúi thấp, mắt chớp liên tục, không dám nhìn thẳng vào người lớn
  • Chọn cách im lặng hoặc ngập ngừng khi nhận những câu hỏi từ người lớn

trẻ nói dối

Vì sao trẻ nói dối?

Việc trẻ nói dối có thể xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Do vậy, bạn nên xem đâu là nguyên nhân dẫn đến việc nói dối của trẻ để có hướng xử lý phù hợp nhất. Lựa chọn không nói sự thật của trẻ có thể xuất phát từ những lý do sau:

  • Nỗi sợ hãi của trẻ: Tình huống này thường xảy ra khi trẻ đang làm sai một điều gì đó và sợ bị trách phạt nên sẽ nói dối để bố mẹ, người lớn không truy cứu vấn đề và giúp bé “thoát nạn”.
  • Trẻ thấy những người xung quanh mình nói dối: Khi đi học, trẻ thấy thầy cô/bạn bè nói dối hoặc về nhà thấy bố mẹ nói dối, trẻ sẽ cho rằng việc này là một điều hoàn toàn bình thường. Vì thế, trẻ sẽ bắt đầu học cách nói dối trong các tình huống mà con gặp phải.
  • Muốn nhận được sự chú ý: Trẻ nói dối có thể vì con muốn nhận được sự quan tâm, để ý từ mọi người. Điều này thường xảy ra khi trẻ thấy mọi người đang không chú tâm đến mình, chẳng hạn như khi mẹ sinh em bé thứ 2, trẻ sẽ nói dối rằng con đau bụng, con mệt để mọi người quan tâm con thay vì chỉ tập trung chăm sóc em bé.
  • Trẻ nói trước khi nghĩ: Với những trẻ bị rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD hoặc rối loạn hành vi, trẻ sẽ có xu hướng nói trước khi nghĩ dẫn đến việc nói những điều không đúng sự thật.
  • Trẻ không nhận được sự tin tưởng: Trong một số trường hợp, bố mẹ và người lớn thường bày tỏ thái độ nghi hoặc, không tin những gì trẻ đã nói. Điều này khiến trẻ cảm thấy thất vọng và lựa chọn im lặng hoặc nói dối ở những tình huống sau.

cách dạy con

Nên làm gì khi phát hiện trẻ nói dối?

Bình tĩnh

Cần hiểu rằng, việc trẻ nói dối có thể do nhiều lý do chủ quan và khách quan khác nhau. Đôi khi đây không phải là điều con thật sự mong muốn mà chỉ do con chưa biết cách xử lý tình huống như thế nào thì đúng nên con đã lựa chọn cách nói dối để mọi người không biết sự thật,

Lúc này, việc bạn thể hiện thái độ mất bình tĩnh, khó chịu, trách phạt trẻ có thể để lại những tổn thương trong con, khiến con gặp các trở ngại tâm lý. Thậm chí, điều này còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình hình thành tính cách của trẻ. Do đó, dù có phát hiện trẻ nói dối thì trước tiên cũng hãy thật bình tĩnh bạn nhé!

Tìm hiểu nguyên nhân trẻ nói dối

Một đứa trẻ 2-5 tuổi có thể nói dối vì con chưa biết cách để xử lý vấn đề hoặc đang khám phá mọi thứ, học cách giải quyết mọi thứ theo cách của riêng mình. Một đứa trẻ tiểu học có thể nói dối vì lúc này, con nhận ra việc nói dối có thể giúp con tránh được một số hậu quả như bị bố mẹ trách phạt. Và một đứa trẻ ở độ tuổi trung học nói dối có thể là để bố mẹ đồng ý một nguyện vọng nào đó hoặc để hoà nhập với bạn bè cùng trang lứa,…

Không phải đòn roi hay những lời trách móc, việc tìm ra nguyên nhân vì sao trẻ nói dối mới là phương pháp nuôi dạy con đúng đắn trong tình huống này. Bạn nên ngồi lại và tâm sự cùng trẻ, để con hiểu được rằng bạn đã biết hết sự thật và đang mong muốn lắng nghe lời giải thích từ con.

Sự kiên nhẫn và nhẹ nhàng sẽ chính là chìa khóa để trẻ mở lòng và chia sẻ với bạn nhiều hơn về nguyên nhân trẻ nói dối, từ đó bạn có thể tìm ra hướng giải quyết phù hợp để giúp đỡ trẻ.

tâm sự

Cho con thấy về tác hại của những lời nói dối

Khi trẻ nói dối, bạn có thể nghiêm túc kể cho con nghe về tác hại của việc này, để trẻ hiểu được rằng việc bố mẹ không đồng ý cho mình nói dối là điều đúng đắn. Hãy phân tích cho con các tình huống con có thể gặp phải sau khi nói dối, từ đó trẻ sẽ tự suy ngẫm và đưa ra lựa chọn của mình. Lúc này, trẻ sẽ tự chủ động không nói dối nữa thay vì chỉ kể sự thật do bị bố mẹ ép buộc.

Kể chuyện cho trẻ

Ngoài ra, bạn có thể kể cho con nghe một số câu chuyện dạy trẻ không nói dối, chẳng hạn như:

  • Chuyện dạy trẻ không nói dối “Cậu bé chăn cừu”: Câu chuyện kể về một cậu bé chăn cừu đã 2 lần lừa người dân trong làng về việc sói đến gần đàn cừu khiến người dân tức giận và không còn tin lời cậu bé nữa. Sau đó, khi sói đến thật, cậu bé hốt hoảng cầu cứu nhưng chẳng ai tin và đến giúp đỡ cậu bé, khiến sói ăn toàn bộ đàn cừu của cậu.
  • Chuyện dạy trẻ không nói dối “Cô sáo nói dối”: Câu chuyện kể về cô “Sáo Sậu” thường xuyên nói dối muôn loài trong bìa rừng, từ chuyện mình bị cảm nên không đi hát được để nghỉ ở nhà vào rừng bắt bướm đến chuyện nhà Cá Vàng mắc kẹt dưới khe đá để trêu chọc mọi người cho vui. Một hôm, khi Sáo Sậu bị ốm và chỉ có thể nằm im một chỗ, thấy Ong Nâu bay qua, Sáo Sậu liền cầu cứu nhưng chị Ong Nâu chẳng tin mà bay đi luôn. Mãi đến trưa khi Sáo Sậu ngất đi, muôn loài mới hốt hoảng đến chăm sóc cô và từ đó, Sáo Sậu mới nhận ra lỗi lầm của mình.

kể chuyện cho bé

Hướng dẫn trẻ xử lý vấn đề

Nếu trẻ nói dối vì chưa biết cách để xử lý tình huống, sau khi con chia sẻ sự thật, bạn nên hướng dẫn con xử lý vấn đề. Điều này giúp tránh được tình huống trẻ nói dối trong những lần sau và có thể rèn luyện cho trẻ cách để đối mặt với những điều đang xảy ra trong cuộc sống của con.

Trẻ nói dối có thể khiến bố mẹ tức giận, phẫn nộ. Tuy nhiên, hãy cố gắng giữ bình tĩnh và lựa chọn cách xử lý phù hợp để giúp trẻ từ bỏ tính xấu này và dần hoàn thiện nhân cách của mình bạn nhé! Và đừng quên theo dõi Tạp chí Mẹ và Con để cập nhật những thông tin bổ ích liên quan đến việc chăm sóc, nuôi dạy con.

Bài viết liên quan