1. Để khắc phục tình trạng phù chân khi mang thai, bạn nên…
a. Uống nhiều nước.
b. Không đứng quá lâu.
c. Dùng nước ấm ngâm chân.
d. Tất cả các câu trên đều đúng.
>> Đáp án đúng là: câu d.
Chứng phù chân rất dễ gặp ở phụ nữ mang thai. Thống kê trên thế giới cho thấy có đến 90% phụ nữ mang thai gặp phải rắc rối này. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến phù chân là do đứng lâu, lượng máu dồn về chân lớn hơn mức bình thường, sụt giảm hàm lượng kali trong chế độ ăn uống, hàm lượng acid uric trong máu tăng cao, hoặc do sự thay đổi hormone trong cơ thể thai phụ.
Để khắc phục hiện tượng trên, bạn cần thực hiện tất cả các việc như uống nhiều nước, không đứng quá lâu, dùng nước ấm để ngâm chân giúp chân thư giãn. Ngoài ra, bạn còn cần hạn chế thức uống có chứa caffein và cồn, vì những chất uống có hại này sẽ gây nên chứng phù nề cho thai phụ.
Thức ăn bạn đưa vào cơ thể cũng cần giảm tối đa lượng muối – nguyên nhân đưa đến phù chân. Khuyến khích ăn nhiều rau xanh như cải bắp, rau ngót… và các loại hoa quả, trái cây có chứa nhiều vitamin, canxi, kẽm.
2. Muốn ngăn ngừa sảy thai liên tiếp, bạn nên…
a. Kiêng mọi chất kích thích như cà phê, thuốc lá, bia rượu, ma túy…
b. Bổ sung viên sắt và acid folic.
c. Hạn chế quan hệ tình dục trong 3 tháng đầu thai kỳ.
d. Cả 3 câu trên đều đúng.
>> Đáp án đúng là: câu d.
Sảy thai là hiện tượng thai tuột ra tự nhiên trước 20 tuần của thai nghén tính từ ngày đầu tiên của chu kỳ kinh cuối cùng hoặc thai nặng dưới 500g. Tỷ lệ sảy thai tự nhiên chiếm tới trên 15% tổng số có thai. Riêng sảy thai liên tiếp là tình trạng dùng để chỉ những thai phụ bị sảy thai từ 3 lần trở lên.
Có nhiều nguyên nhân đưa đến sảy thai liên tiếp như bất thường nhiễm sắc thể, bất thường giải phẫu tử cung, rối loạn nội tiết hệ thống của mẹ… Ngoài các yếu tố bệnh lý, yếu tố môi trường cũng rất đáng lưu tâm vì có khả năng gây nên sảy thai liên tiếp.
Do đó, để tránh gặp phải tình trạng này, thai phụ cần tránh mọi chất kích thích, hóa chất độc hại. Uống bổ sung viên sắt và acid folic để tránh thiếu máu và thiếu acid folic, vì đây là một trong nguyên nhân dẫn đến sảy thai.
Việc hạn chế quan hệ tình dục trong 3 tháng đầu cũng là việc nên làm. Nếu đã xảy thai đến lần thứ hai không rõ nguyên nhân, hai vợ chồng nhất thiết cần đi kiểm tra sức khỏe toàn diện và làm các xét nghiệm đầy đủ để được chẩn đoán, tư vấn cho lần mang thai kế tiếp.
3. Cách nào sau đây có thể giúp bạn giảm nôn mửa trong thời gian mang thai?
a. Ăn nhiều trái cây có chứa đường glucose như cam, nho…
b. Ăn những thức ăn thanh đạm, dễ tiêu, kiêng thức ăn chiên, xào có nhiều dầu mỡ.
c. Chia nhỏ bữa ăn, ăn thành nhiều bữa khác nhau để giữ mức đường trong máu đừng hạ quá thấp.
>> Đáp án đúng là: Cả 3 đáp án trên đều đúng.
Nôn mửa khi mang thai thường xuất hiện vào lúc sáng sớm, khi chưa ăn gì, hay khi phải ngửi trực tiếp thấy mùi dầu mỡ khó chịu. Hiện tượng này được xem là phản ứng sinh lý tự nhiên của cơ thể, sẽ tự hết sau 3 tháng, không ảnh hưởng đến sức khỏe và không cần điều trị, trừ trường hợp nôn quá nhiều lần, kéo dài.
Để tránh nôn mửa, những gợi ý trong đáp án chính là những cách bạn có thể làm. Bạn cũng nên giữ tinh thần thoải mái, không quá căng thẳng, chú ý nghỉ ngơi nhiều và tránh mọi kích thích thần kinh như buồn bã, chán nản, đau xót… đều có thể khiến tình trạng ốm nghén và những trận nôn mửa gia tăng.
4. Tại sao phụ nữ mang thai lại có hiện tượng rạn da?
a. Cơ thể tăng nhanh về kích thước ở những vùng như bụng, ngực, đùi, mông nên da không giãn ra kịp.
b. Uống không đủ nước.
c. Thay đổi hormone ở cơ thể mẹ.
>> Đáp án đúng là: câu a.
Phụ nữ mang thai thường bị rạn da ở vùng bụng, ngực, đùi, mông… Nguyên nhân là do các vùng này tăng quá nhanh về kích thước, da không giãn ra kịp, các sợi collagen và elastin có tác dụng giúp da co giãn, đàn hồi bị đứt gãy liên tiếp tạo thành các vết rạn, nứt. Bạn cần để ý một việc quan trọng là nếu để lâu đến mãi sau khi sinh, khi các vết rạn sẽ chuyển thành sẹo màu trắng thì việc điều trị sẽ trở nên vô cùng khó khăn.
Để khắc phục tình trạng trên, khi bắt đầu có thai, bạn nên bôi kem tránh rạn da (hỏi ý kiến bác sĩ để chọn được loại kem phù hợp), massage để tăng sự lưu thông máu, ăn các thực phẩm có chứa vitamin C, E bồi bổ cho da.
5. Điều trị thiểu ối trong thai kỳ, bạn nên…
a. Đến bệnh viện thường xuyên để bác sĩ siêu âm, theo dõi kích cỡ vùng bụng và lượng nước ối trong tử cung.
b. Tăng cường uống nhiều nước, nhất là nước dừa.
c. Để bác sĩ truyền dung dịch qua tĩnh mạch để tăng cường lượng nước ối.
>> Đáp án đúng là: Cả 3 biện pháp trên đều đúng.
Nước ối là dưỡng chất ở thể lỏng, chứa trong buồng ối của thai phụ. Nước ối có chức năng tái tạo năng lượng. Vì vậy, loại chất này vừa có thể cung cấp dưỡng chất cho thai nhi vừa giúp thai tránh được sự chèn ép quá mức do co cơ tử cung (khi thiểu ối), làm ảnh hưởng đến sự cung cấp máu nuôi bào thai qua mạch máu rốn.
Khi chẳng may gặp phải tình trạng thiểu ối (được xác định qua siêu âm chẩn đoán), bác sĩ có thể chỉ định cho thai phụ được truyền dịch để duy trì đủ lượng nước ối cần thiết cho sự phát triển của thai. Ngoài ra, bác sĩ sẽ khuyến khích bạn tăng cường uống nước, ưu tiên nước lọc và nước dừa tươi. Bạn cũng cần đến bệnh viện thường xuyên để bác sĩ theo dõi kích cỡ vòng bụng và lượng nước ối trong tử cung.
Việc cuối cùng là bác sĩ sẽ kiểm tra, tìm hiểu nguyên nhân thiểu ối xem hai mẹ con có vấn đề sức khỏe nào đặc biệt không. Ví dụ như cao huyết áp, đái tháo đường, có vấn đề về nhau thai, thai bị khuyết tật ở thận và đường tiết niệu…
Mang thai là một hành trình đầy ắp thử thách nhưng cũng mang đến những trải nghiệm ngọt ngào, đúng không nào? Tạp chí Mẹ và Con chúc bạn nhiều sức khỏe và có một thai kỳ an toàn, hạnh phúc nhé!