Mẹ và Con - Sau chuyển phôi thì tỷ lệ thành công phụ thuộc vào rất nhiều yếu tốt. Việc cần phải làm gì, ăn gì và cả tư thế nằm ngủ sau chuyển phôi cũng có tác động đến kết quả thụ tinh trong ống nghiệm.

Dưới đây là các lưu ý giúp bạn hiểu được chuyển phôi là gì, có các vấn đề gì cần lưu ý sau chuyển phôi. Thông tin được diễn giải dễ hiểu, chi tiết giúp bạn hiểu để yên tâm chăm sóc sức khỏe bản thân.

Chuyển phôi là gì?

Thụ tinh trong ống nghiệm (In vitro fertilization – IVF) là phương pháp hỗ trợ điều trị vô sinh trong nhiều trường hợp mà các phương pháp hỗ trợ sinh sản khác đã “bó tay”. Trong đó, chuyển phôi là kỹ thuật cực kỳ quan trọng ở gần cuối quy trình IVF.

sau chuyển phôi nên làm gì

Đây là kỹ thuật đưa phôi thai khỏe mạnh đã được nuôi cấy thành công vào tử cung để phôi tiếp tục phát triển. Thông thường thủ thuật chuyển phôi sẽ được thực hiện vào độ ngày 18-20 của chu kỳ kinh nguyệt. Lúc này cần đảm bảo sức khỏe của người vợ ổn định, niêm mạc tử cung đã đủ dày để phôi làm tổ. Phôi được chuyển vào tử cung có thể là phôi tươi, hoặc phôi trữ đông từ các chu kỳ trước.

Thay đổi cơ thể sau chuyển phôi

Tùy thuộc vào cơ địa từng người mà các triệu chứng sau chuyển phôi đều khác nhau, không ai giống hệt ai. Thậm chí ở cùng một người nhưng các lần mang thai, chuyển phôi khác nhau đều không giống nhau. Thế nên bạn chỉ nên tham khảo dấu hiệu chuyển phôi chứ không nên lo lắng nếu thấy bản thân không có dấu hiệu nào đặc biệt. Và dù có dấu hiệu hay triệu chứng nào thì cũng không thể dựa vào đó để kết luận kết quả chu kỳ chuyển phôi. Sau đây là một vài triệu chứng sau khi chuyển phôi khá phổ biến:

  • Dịch tiết âm đạo bất thường: Đây là hiện tượng bình thường do tác dụng của progesterone đặt âm đạo gây tiết dịch.
  • Ra máu: Một vài giọt máu nâu là triệu chứng bình thường của quá trình đưa phôi vào tử cung.
  • Căng tức ngực: Do trước khi làm thủ thuật chuyển phôi thì cần dùng thuốc tăng estrogen và progesterone nên sẽ gây các thay đổi ở vú.
  • Nôn và buồn nôn: Khá phổ biến do thay đổi nội tiết tố trong cơ thể.
  • Đi tiểu nhiều hơn: Do nồng độ hCG tăng cao.
  • Khó chịu vùng bụng và lưng: Đau lưng, mỏi hai bên eo hay đau lâm râm ở bụng dưới là triệu chứng bình thường do thay đổi nội tiết tố, bạn không cần lo lắng.

Kinh nghiệm sau chuyển phôi quan trọng

Sau chuyển phôi nên ăn gì?

Trừ các loại thực phẩm không tốt cho sức khỏe như bia rượu, các món quá nhiều dầu mỡ thì nhìn chung bạn không cần kiêng khem khắt khe sau khi chuyển phôi. Hãy thiết lập chế độ dinh dưỡng cho bà bầu cân bằng, khoa học với nhiều rau củ xanh. Vitamin tự nhiên trong các loại rau trái sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh, giảm nguy cơ trĩ, táo bón, chuẩn bị cho một thai kỳ an toàn, dễ chịu.

sau chuyển phôi và những điều cần biết

Bạn nên tránh các loại thực phẩm mà mẹ bầu được khuyên nên tránh như nước dừa tươi, đu đủ xanh, rau má, rau ngót… vì chúng có thể gây co bóp tử cung sau chuyển phôi, tăng nguy cơ sảy thai.

Cần làm gì sau khi chuyển phôi?

Nghỉ ngơi và thư giãn rất quan trọng trong những ngày đầu sau chuyển phôi. Trong vòng 3 ngày đầu tiên bạn nên dành phần lớn thời gian để nằm nghỉ, thả lỏng và vận động hết sức nhẹ nhàng. Sau đó bạn có thể đi lại nhiều hơn, làm việc vặt nhưng phải tránh dùng sức, tránh tư thế gập bụng hoặc va chạm mạnh.

Bạn nhớ uống nhiều nước, đặc biệt tăng lượng nước uống nếu thời tiết nóng bức. Việc đi tiểu nhiều hơn bình thường không ảnh hưởng đến quá trình làm tổ của thai.

Ngoài ra, nếu chuyển phôi trữ đông thì có thể nhẹ nhàng quan hệ tình dục khi mang thai. Trong trường hợp chuyển phôi tươi thì phải kiêng quan hệ cho đến khi hết cảm giác căng tức bụng dưới (nếu có). Thông thường các cặp đôi sẽ kiêng quan hệ nhằm đảm bảo không ảnh hưởng tới phôi thai.

Tư thế nằm ngủ sau khi chuyển phôi

Ngay sau khi thực hiện thủ thuật chuyển phôi thì bạn nên nằm thẳng, khép chân và giữ yên tư thế ít nhất 30 phút để tử cung được ổn định. Nên theo dõi ít nhất 4-6 tiếng trước khi về nhà nghỉ ngơi. Nếu nhà ở xa bệnh viện thì nên ở lại 2-3 ngày để theo dõi tình trạng sức khỏe. Việc di chuyển đường dài ngay sau khi chuyển phôi có thể gây mệt mỏi, chấn động tử cung làm giảm tỷ lệ thành công.

Trong 14 ngày đầu tính từ khi làm thủ thuật chuyển phôi thì tư thế nằm ngủ rất quan trọng. Đây là thời gian phôi thai di chuyển trong tử cung để tìm vị trí thích hợp nhằm bám vào thành tử cung và làm tổ. Khi ngủ, bạn nên nằm hơi nghiêng người về bên trái, chân phải co lên và chân còn lại duỗi thẳng. Có thể kê thêm gối tựa mềm sau lưng, giữa hai chân sao cho thoải mái và dễ ngủ nhất. Chỉ cần cố gắng giữ gìn cho đến khi phôi làm tổ thành công thì bạn có thể yên tâm và thoải mái hơn nhiều.

Tư thế nằm ngủ sau chuyển phôi

Chú ý cơn co bóp tử cung sau chuyển phôi

Co bóp tử cung sau chuyển phôi là dấu hiệu thường gặp trong quá trình mang thai, đặc biệt là trong 2 tuần đầu tiên sau khi chuyển phôi. Việc thai nhi được chuyển vào tử cung và phát triển nhanh chóng có thể tạo các cơn co bóp cấp tính với tần suất dày. Mẹ nhớ lưu ý vị trí, cường độ và tần suất co bóp. Nếu các cơn co bóp tử cung kèm theo những dấu hiệu như đau lưng, đau thắt bụng dưới, ra máu… thì phải đến cơ sở y tế kiểm tra ngay.

Nhớ giữ tâm trạng thoải mái, tránh lo âu hoặc tự tạo áp lực cho bản thân bạn nhé. Sau chuyển phôi khoảng 2 tuần thì bạn có thể xét nghiệm để biết kết quả chính xác.

Bài viết liên quan