Mẹ&Con – Ngày chồng tôi chuẩn bị vào Nam, bạn bè nhiều người ngăn cản. Họ bảo tôi sao dại thế, xa mặt chắc chắn cách lòng. Làm gì có thể chấp nhận cảnh vợ chồng “em ở đầu sông, anh cuối sông” như thế.

Nhưng nghĩ bố mẹ mình ngày xưa xa xôi cách trở đến cả chục năm, không thể thư từ, điện thoại, email như bây giờ mà vẫn một lòng một dạ với nhau, tôi tự tin nhoẻn cười, vứt những âu lo đó ra ngoài tai lập tức! 

“Anh vào Nam, rồi sẽ đón em vào…!”

Nếu cách đây hai năm nói về anh, về gia đình mình, tôi sẽ ngẩng cao mặt, đầy tự tin để nói với mọi người rằng chúng tôi là một đôi vợ chồng nhiều người ao ước. Yêu nhau suốt những năm cấp 3 rồi cùng học chung Đại học, chúng tôi có đến cả chục năm trời tìm hiểu, yêu thương sâu sắc trước khi nên vợ nên chồng. Cưới nhau rồi, chỉ một thời gian ngắn là tôi có thai, sinh cho anh một cô công chúa đáng yêu. Hai năm sau nữa, chúng tôi có thêm một công chúa thứ hai bé bỏng đầy xinh xắn.

Cuộc sống của tôi ngày tháng đó tràn ngập màu hồng. Bạn bè nhìn thấy hình ảnh vợ chồng tôi trên blog cứ tấm tắc, trầm trồ không ngớt. Chúng tôi lại may mắn học hành ổn định, ra trường xong là kiếm ngay được việc làm tốt để phát triển vù vù về sự nghiệp. Đến thời điểm có thai rồi sinh con, tôi lui về sau một chút, tìm kiếm công việc nhẹ nhàng hơn để toàn tâm toàn ý chăm sóc gia đình. Anh thì vẫn vậy, công việc phát triển, sự nghiệp vững vàng. Trong công ty, anh là một trong những trưởng phòng trẻ nhất và được cấp trên quan tâm nhiều nhất.

Mọi thứ thật sự “như mơ” và không ít lần, các chị em đồng nghiệp của anh hay bạn bè tôi phải nhìn tôi với ánh mắt thoáng chút “ghen tỵ”. Họ bảo tôi rằng những gì tôi đang có chính là niềm ước ao của họ. Chồng ngày càng phong độ, đẹp trai, lịch lãm. Mà đã hết những ưu điểm của anh đâu! Với chừng đó thứ trong tay nhưng anh không hề lăng nhăng hay rượu chè. Vài ba buổi tiệc tùng xã giao bao giờ cũng có tôi cùng sánh đôi. Anh không bao giờ có chuyện “tăng hai”, “tăng ba”. Về đến nhà là tắt điện thoại, “cách ly” hẳn công việc, cùng với tôi nấu ăn, làm bếp, dọn dẹp nhà cửa hay chăm sóc các con.

Tôi phải nhắc lại tất cả những chuyện này, nêu hết mọi ưu điểm của anh để giải thích lý do tại sao tôi thần tượng chồng và tuyệt đối tin tưởng anh đến thế. Có thể tôi cũng có chút cảnh giác, đề phòng của phụ nữ nhưng chưa bao giờ tôi có thể “nghĩ xấu” cho chồng.

Chúng tôi là một! Anh hiểu, yêu thương và hết lòng hết dạ với tôi đến mức tôi luôn nghĩ rằng anh yêu tôi hơn cả bản thân mình. Tôi luôn tự nhủ, nếu có bất kỳ cách gì đó trong đời để chứng minh tôi tin tưởng, thần tượng và tuyệt đối yêu thương anh như thế nào, tôi sẽ sẵn sàng. Thậm chí, nếu chẳng may có một hoàn cảnh sinh tử ngặt nghèo, tôi luôn nghĩ tôi mong được nhường cho anh sự sống…

Xa mat toi mat ca chong

(Ảnh minh hoạ)

Nhưng…

Ông bà xưa bảo ở đời chẳng ai có thể học được chữ ngờ! Hễ cái gì tròn vẹn quá, hoàn hảo quá thì luôn tiềm ẩn trong đó những “cơn sóng” bất thường. Đến một ngày, anh về nhà và cho tôi biết công ty “mẹ” thành lập một công ty “con” trong miền Nam. Ban lãnh đạo muốn anh vào Nam, họ sẽ đài thọ tất cả mọi thứ, đưa ra mọi ưu đãi cũng như những điều kiện sống hoàn hảo để anh phát triển sự nghiệp của mình trong đó.

Anh cho tôi biết anh lưỡng lự với điều này đã nhiều ngày…

Anh ôm tôi vào lòng, bảo rằng không hình dung được chuyện xa tôi và hai con, dù chỉ một vài ngày chứ đừng nói chi là vài tháng hay thậm chí cả năm.

Thế nhưng, không thể phủ nhận việc anh vào Nam rất quan trọng với công ty, anh không thể từ chối trách nhiệm của mình. Thêm vào đó, đây lại là cơ hội lớn để anh thể hiện mình, thăng tiến và phát triển thêm nữa.

Chúng tôi băn khoăn cùng nhau bàn tính. Tôi và hai con cùng vào cả trong Nam với anh ngay thì không được rồi! Thời điểm đó, bố tôi đang ốm. Nhà neo người, nếu tôi vào Nam luôn thì thật khó. Bên nhà anh, ông bà cũng thương cháu vô cùng và không chịu nổi với chuyện các cháu vời vợi đi xa. Rồi thì vấn đề quan trọng nhất: đang là giữa năm học và chúng tôi không thể đột ngột gây xáo trộn với hai con, để chúng phải chuyển trường, vào Nam được.

Tính toán tới lui đủ cách, sau cùng, anh bảo: “Hay là anh vào Nam trước, ổn định công việc. Sau đó, chờ mọi thứ đâu vào đó, các con cũng kết thúc năm học, bố khỏe hơn rồi chúng ta sẽ tính chuyện cùng vào Nam? Hoặc cũng có khi, chỉ sau nửa năm đến một năm, công ty sẽ cử ai đó khác vào trong ấy để anh lại ra ngoài này, cuộc sống của mình sẽ lại y như cũ!”.

Tôi để anh đi. Và đã “mất” anh!

Những phân tích của chồng tôi đều hợp lý cả. Tôi đắn đo cả tuần rồi cũng đồng ý với anh. Bạn bè biết chuyện, cản ngăn, nhưng tôi gạt đi. Phần thì bố mẹ tôi ngày xưa, thời chiến tranh đã từng có quãng thời gian xa nhau đến cả chục năm trời, vẫn chung thủy sắt son một lòng một dạ đấy thôi. Phần thì chồng tôi hứa, anh sẽ gọi điện, giữ liên lạc hàng ngày. Tối đa mỗi tháng một lần sẽ tranh thủ về nhà hoặc tôi đưa các con vào chơi.

Rồi chúng tôi xa nhau…

Suốt thời gian đầu, mọi thứ quả thật vẫn y như cũ. Thậm chí tôi còn có cảm giác sự xa cách làm nỗi nhớ trong chúng tôi càng cháy bỏng, tha thiết hơn lên. Anh vẫn giữ thói quen đều đặn gọi điện cho các con, chat với tôi mỗi giờ ăn trưa. Anh làm tôi thật sự tin khoảng cách địa lý chẳng là gì nếu người ta thật sự thương nhau.

Thế nhưng… Thật đau lòng khi lại phải nói chữ “nhưng”…!

Không hiểu sao khi kết thúc năm học của các con, khi tôi bàn với anh chuyện đưa các con vào học trong miền Nam, anh lại thoái thác rồi từ chối.

Anh viện dẫn lý do bà nội thương nhớ hai đứa nhỏ quá (mẹ chồng tôi quả là như thế thật!), rằng bà đã xa con rồi, giờ xa cháu nữa chắc buồn nhiều lắm. Rồi thì anh bảo lối sinh hoạt trong Nam nhiều khác biệt, sợ các con lại phải mất thời gian hòa nhập. Rồi thì công ty hứa hẹn chỉ một năm nữa thôi anh lại ra ngoài Bắc, bây giờ cả nhà kéo nhau vào Nam rồi chỉ một năm lại kéo nhau ra Bắc thì hơi kẹt, quá xáo trộn với các con.

Anh nói nhiều lắm. Cuối cùng tôi đành phải vâng theo vẫn giữ cảnh “chồng Nam vợ Bắc”. Tuy nhiên, cùng khoảng thời gian này, tôi bắt đầu lờ mờ nhận ra những bất thường nho nhỏ giữa vợ chồng chúng tôi. Những chuyến về thăm nhà của anh giãn ra, thay vì mỗi tháng một lần như trước thì có khi đến 2-3 tháng. Tôi đưa các con vào thăm thì anh chỉ tập trung chơi với con là chính, ít có vẻ nồng nàn giữa vợ chồng với nhau như cũ.

Tôi lấy làm lạ, căn vặn thì anh bảo rằng anh vẫn thế thôi, có gì đâu. Rằng sao tôi nhạy cảm, rằng “trước kia em đâu có thế này, em làm anh mệt mỏi quá…”. Những trận cãi nhau nho nhỏ bắt đầu nảy sinh khi tôi gọi anh lúc giữa đêm mà điện thoại của anh lại đang bận! Tôi bực bội, tôi cáu bẳn, tôi khóc… thì anh im lặng như giận. Tôi cuống cuồng xin lỗi, hứa hẹn thì anh vẫn lạnh nhạt, rồi sau đó mới bình thường trở lại nhưng vẫn không có được sự nồng nàn. Chúng tôi lấn cấn với nhau đủ điều. Cho đến khi… cho đến khi có chị đồng nghiệp của anh oáng thoáng nói với tôi rằng: “Cẩn thận kẻo mất chồng như chơi đấy nhé em!”.

Tôi sắp xếp hết việc, gửi con cho nhà ngoại, âm thầm vào Nam mà không thông báo trước với anh bất cứ điều gì. Với sự giúp sức của một “thám tử” ở dịch vụ thám tử tư, chỉ một tuần canh chừng đường đi nẻo về của anh, tôi bàng hoàng cầm trên tay những “bằng chứng” rằng anh đưa đón, săn sóc cho một phụ nữ đang… mang bầu!

Xa mat toi mat ca chong

(Ảnh minh hoạ)

Trời đất sụp đổ dưới chân. Tôi không khó khăn để xin một cuộc hẹn gặp “riêng tư” và chết điếng khi người phụ nữ kia dịu dàng, điềm tĩnh bảo với tôi rằng: “Anh ấy là con người chứ không phải… cái bánh để bảo rằng người này giành hay người kia giật đâu chị ạ! Em nghĩ chị hãy để anh ấy quyết định. Còn với em thì đứa con này là kết quả cho tình yêu thật sự của… chúng em! Mong chị thông cảm và hiểu!!!”.

Tôi lật bài ngửa, làm rầm lên với hai gia đình, bảo anh chọn lựa. Nhưng đáp lại tất cả những cơn thịnh nộ, khóc lóc, vật vã của tôi, anh chỉ giữ thái độ im lặng đến dễ sợ. Anh bảo rằng tùy tôi quyết định. Nếu tôi thật sự muốn chia tay, thì anh đồng ý. Anh bảo anh sẵn lòng nuôi con hoặc chu cấp đầy đủ cho con.

Chỉ… thế thôi!

Tôi bàng hoàng vật vã, nỗi đau lớn đến mức tưởng chừng ngã quỵ. Tôi không còn tin vào cuộc sống, không biết mình sẽ thế nào. Khi cơn nóng giận qua đi, tôi cố tìm cách níu kéo anh, thì anh lại bảo trước những trận làm rầm lên của tôi, anh còn tính đường quay trở lại, nhưng bây giờ thì… hết thật rồi! Anh bảo anh và tôi đã “hết duyên”, bảo tôi hãy bình tâm sống cuộc sống của mình, chứ anh không muốn làm tôi đau khổ hay “mang tội” gì với tôi nữa cả.

Kể từ đó đến nay, chúng tôi trong tình trạng ly thân, đã nộp đơn ra tòa chờ ngày kết thúc. Anh vẫn gửi tiền về nhờ bà nội chuyển cho hai cháu, vẫn gọi điện thăm hỏi, nói chuyện với hai con, nhưng tuyệt nhiên không nói gì sâu hơn với tôi cả. Tôi nhắn tin bảo nhớ anh, anh không trả lời. Gọi điện thì nếu là chuyện con cái hay công việc anh mới nghe, còn chỉ cần tôi có ý gì nhắc đến chuyện chúng tôi, anh lại nhẹ nhàng bảo: “Em đừng ảo tưởng nữa, mọi thứ đã hết rồi. Em nên chấp nhận nó!” rồi cúp máy.

Cho đến giờ, khi chờ ngày tòa phân xử quyền nuôi con, tôi vẫn không hiểu nổi chuyện gì đã xảy ra với mái ấm gia đình mình. Một mái ấm tôi từng nghĩ vững vàng đến mức không gì có thể chuyển lay, vậy mà phút chốc tan thành bọt biển.

Anh vẫn ở trong Nam, ra Bắc thì chỉ ghé về nhà ông bà nội hoặc ghé qua thăm con chứ không ngủ lại. Tôi điều tra riêng, thì biết anh và người phụ nữ kia vẫn đi đi về về với nhau dù chưa chung sống hẳn. Cô ấy đã sinh nở được một bé trai kháu khỉnh. Nhìn những tấm ảnh mà “thám tử” chụp, người phụ nữ ngời ngời hạnh phúc ẵm con sóng bước bên anh trong công viên buổi sáng, tôi không khỏi nghẹn ngào khi nghĩ đến mình vài năm trước…

Chẳng lẽ, thật sự “xa mặt” luôn chỉ cho một kết quả “cách lòng”?

Chẳng lẽ trên đời này, tình yêu thương thật sự không còn? Rằng cho dù có một mái ấm hạnh phúc đến thế nào, thì những người đàn ông như chồng tôi vẫn tham lam vô hạn và luôn cần tìm… cái mới?

Tags:

Bài viết liên quan

sự tự ti về bản thân

Tự ti về bản thân là cách bạn tự tay phá hủy thành tựu của mình

Mẹ và Con - Cảm giác tự ti về bản thân là một trạng thái tâm lý phổ biến mà hầu hết mọi người đều từng trải qua ít nhất một lần trong đời. Nhưng khi điều này trở thành một trạng thái cảm xúc thường xuyên, bạn có thể ngày càng trở nên tiêu cực hơn. Vậy chúng ta có thể làm gì để khắc phục tình trạng tự ti về bản thân?