Mẹ và Con - Trong cuộc sống, thật khó để chúng ta kiểm soát chính mình và ngừng so sánh bản thân với người khác...

Hầu hết chúng ta đều cố gắng không so sánh bản thân với người khác nhưng đôi khi trong vô thức, chúng ta vẫn thốt lên những câu như “Ước gì mình giàu có như người A” hay “Ước gì mình có cuộc sống hôn nhân như người B”. Mặc dù việc so sánh có thể thúc đẩy chúng ta cải thiện bản thân nhưng việc liên tục so sánh bản thân với người khác có thể dẫn đến những suy nghĩ tiêu cực và vô tình phá hủy sự hạnh phúc trong cuộc sống của bạn.

Tất cả chúng ta đều so sánh bản thân với người khác

Nhu cầu được hiểu chính mình và khẳng định chính mình

Chúng ta được “thiết lập” để hiểu chính mình. Khả năng tự phản ánh này là một trong những đặc điểm nổi bật của loài người chúng ta. Nói cách khác, chúng ta có nhu cầu cơ bản để đánh giá bản thân và cách duy nhất để làm điều đó là tham khảo một người khác để biết rằng ngoại hình, tính cách, cuộc sống,… của họ có giống chúng ta hay không.

Ngoài ra, sự so sánh giúp chúng ta có thể “xác định và khẳng định bản thân”. Con người thực sự không thể tự xác định bản thân một cách nội tại hay độc lập. Chúng ta chỉ có thể xác định bản thân trong mối quan hệ với người khác. Đó là lý do chúng ta có nhiều khả năng so sánh bản thân với một đồng nghiệp ở cấp độ của chúng ta hơn là với Giám đốc điều hành, bởi chúng ta thật sự tìm thấy sự tương đồng giữa mình và người đồng nghiệp này.

Nói cách khác, chúng ta càng giống người khác theo một cách nào đó mà chúng ta cho là quan trọng thì chúng ta càng có xu hướng so sánh mình với người đó. Và xu hướng so sánh bản thân với người khác sẽ giảm đi khi sự khác biệt giữa quan điểm hoặc khả năng của chúng ta với người khác tăng lên.

ngừng so sánh bản thân với người khác

Áp lực trở nên “giống với những người thành công”

Một trong những lý do khiến bạn không thể ngừng việc so sánh bản thân với người khác đó chính là do những áp lực vô hình về sự thành công. Chúng ta càng nghĩ một nhóm người cụ thể nào đó càng quan trọng thì chúng ta càng cảm thấy áp lực phải tuân theo nhóm đó về khả năng và quan điểm của mình.

Thông thường, chúng ta có xu hướng đánh giá cao những người giàu có hoặc có sự nghiệp ổn định, những người có cuộc sống hôn nhân viên mãn. Chúng ta đánh giá cao những người đang sở hữu những điều mà đối với bản thân mình chỉ đang là “ước mơ”. Vì thế, chúng ta có áp lực so sánh bản thân mình với người khác để xem vì sao họ có được những điều này mà chúng ta không thể có.

Sự tác động từ bối cảnh xung quanh

Các nền tảng truyền thông xã hội như Twitter, Instagram và Facebook “tấn công” chúng ta bằng những bài đăng chia sẻ cuộc sống hào nhoáng, hạnh phúc hay sự thành công trong công việc, cuộc sống – những gì chúng ta còn thiếu. Những ứng dụng này là những cái bẫy so sánh khuyến khích chúng ta đặt câu hỏi về các khía cạnh trong cuộc sống của chính mình.

Thật dễ dàng để quên rằng mạng xã hội là thước phim nổi bật về cuộc sống của người khác. Chúng ta nhìn thấy những khoảnh khắc đẹp nhất của họ nhưng thường không chứng kiến ​​những nỗ lực của họ. Chúng ta thường so sánh những phẩm chất kém hơn của mình với những phẩm chất tốt nhất của một người, làm sai lệch khả năng phán đoán của chúng ta.

áp lực so sánh bản thân với người khác

Và ngay cả khi bạn đang cố gắng để không so sánh bản thân với người khác bằng cách phớt lờ những bài đăng trên mạng xã hội, bạn vẫn có thể vô tình bị đem ra so sánh.

Bố mẹ bạn so sánh với con nhà người ta, rằng sao con ông A đang đi nước ngoài làm việc trong khi con mình chỉ ở nhà, sao con ông B đã kết hôn và sinh con mà con mình mãi chẳng thấy sinh đứa nào,… Hàng xóm so sánh công việc của bạn với những người cùng tuổi trong xóm, lãnh đạo so sánh bạn với đồng nghiệp cùng công ty,…

Khi người khác đưa bạn ra như một vế để so sánh, dù bên ngoài bạn đang tỏ ra bình thường hay dù bạn đang khó chịu và phản đối lại sự so sánh này thì trong thâm tâm bạn cũng đang vô thức tự so sánh bản thân mình với người khác. Bạn sẽ tự đặt nghi vấn vì sao mình lại bị so sánh với những người này, có điều gì ở bản thân mình chưa ổn,…

Sự so sánh ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn như thế nào?

So sánh bản thân với người khác quá nhiều sẽ dẫn đến bất hạnh trong cuộc sống của chính bạn và hoàn toàn tước đi sự tự tin của bạn. Chúng ta trở nên thất vọng với chính mình vì “không đủ tốt” hoặc tức giận với người khác vì họ tốt hơn mình hay giỏi hơn, thành công hơn, hạnh phúc hơn mình.

Bạn nhìn thấy một người phụ nữ khác đi trên phố và nghĩ: “Ước gì mình xinh đẹp như cô ấy”. Và bạn bỗng đem ra ghét người này vì họ xinh đẹp hơn bạn. Hay bạn thấy một người nổi tiếng đăng trên Instagram về quá trình tập luyện của họ và tự nhủ: “Giá như cơ thể của mình trông giống anh ấy” để rồi bạn chán ghét chính mình vì cơ thể chưa “hoàn hảo”.

tự so sánh bản thân với người khác

Cảm giác ghen tị, thất vọng và tuyệt vọng sẽ xuất hiện nếu tiếp tục so sánh bản thân với người khác. Nếu những cảm xúc tiêu cực này không được giải quyết, chứng lo âu và trầm cảm mãn tính có thể xuất hiện.

Ở một khía cạnh khác, sự so sánh bản thân với người khác có thể giúp bạn nhận ra những yếu điểm của mình và biết mình cần cải thiện điều gì. Từ việc tự nhận định và đánh giá chính mình, bạn sẽ biết được đâu là cách để khiến mình trở nên tốt hơn hoặc hạnh phúc hơn.

Nhìn chung, việc so sánh bản thân với người khác là một điều khó tránh khỏi, bởi những lý do từ chính bản thân bạn và bởi cả những tác động bên ngoài. Và việc so sánh bản thân với người khác chính là con dao hai lưỡi, giúp bạn trở nên tốt hơn, nhưng cũng có thể phá hủy hạnh phúc của bạn. Do đó, điều quan trọng là bạn cần biết mình phải làm gì để có thể tận dụng được những lợi ích tốt nhất của việc so sánh bản thân với người khác thay vì khiến điều này làm ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn.

Bài viết liên quan