Thất tình ở tuổi vị thành niên là một trải nghiệm khó khăn, bởi trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm để xử lý những cảm xúc phức tạp và áp lực từ xã hội. Con cũng chưa có nhiều nguồn lực hỗ trợ như có tài chính ổn định, có mối quan hệ bạn bè, có không gian tự do.
Nếu không được giải quyết kịp thời, chuyện thất tình có thể khiến trẻ mất tự tin, trầm cảm, nổi loạn, sa ngã,… Vì vậy, hơn ai hết, ba mẹ cần biết cách giúp con vượt qua giai đoạn khó khăn này, đồng thời giúp con học hỏi và trưởng thành hơn.
Dấu hiệu nhận biết trẻ bị thất tình
Nếu con không thường xuyên chia sẻ về đời sống cá nhân, ba mẹ nên chú ý những biểu hiện thường thấy ở trẻ gặp vấn đề tình cảm như sau:
- Tính tình trở nên thất thường, dễ cáu gắt, buồn bã, tâm trạng thường xuyên dao động không ổn định, rối loạn cảm xúc.
- Trẻ tự cô lập bản thân, không muốn tham gia các hoạt động xã hội, không muốn chia sẻ với người khác.
- Rối loạn chế độ ăn uống, sinh hoạt.
- Mất tập trung, có thể kèm dấu hiệu rối loạn giấc ngủ.
Đây chỉ là một số dấu hiệu chung chung cho thấy trẻ đang gặp vấn đề. Mỗi người sẽ có cách biểu hiện khác nhau khi bị thất tình. Ba mẹ không nên vội kết luận mà hãy quan sát, lắng nghe con, hỏi thăm bạn bè thầy cô của trẻ để có thêm thông tin.
Những cảm xúc và suy nghĩ của con khi thất tình
Bạn có từng thất tình bao giờ chưa? Nếu đã từng, hẳn bạn có thể mường tượng phần nào những cảm xúc, suy nghĩ đang xảy ra trong lòng con trẻ. Những điều này còn tùy thuộc vào mức độ yêu thương, thời gian quen biết, lý do chia tay, cách ứng xử của người yêu cũ,… Một số cảm xúc và suy nghĩ phổ biến mà con có thể có là:
Buồn bã, đau khổ, thất vọng
Tình yêu là một phần quan trọng trong cuộc sống của tuổi vị thành niên, đặc biệt là mối tình đầu. Khi bị thất tình, trẻ sẽ buồn bã, đau khổ và cực kỳ thất vọng, không ít em cảm thấy “thế giới sụp đổ” và không còn ý nghĩa.
Tự ti, mặc cảm, chán nản
Việc thất bại trong tình cảm có thể khiến trẻ thấy mình kém cỏi, nhất là khi con so sánh mình với người khác. Trẻ có thể tự trách, thấy chán nản, uể oải, không còn thiết tha với điều gì khác. Nặng hơn, trẻ có thể cảm thấy tuyệt vọng và cho rằng bản thân không còn giá trị gì nữa.
Nổi loạn, dễ dàng sa vào những hành vi tiêu cực:
Con có thể nổi loạn, bỏ học, sử dụng chất kích thích, hoặc thậm chí là tự tử. Cũng không thiếu trường hợp trẻ nảy sinh tâm lý muốn trả thù người yêu cũ, hoặc tìm kiếm sự an ủi, sự thỏa mãn từ những người khác. Đây là những hành vi nguy hiểm có thể gây ra hậu quả không thể vãn hồi nếu ba mẹ không kịp thời hỗ trợ con.
Những điều ba mẹ nên làm khi con thất tình
Khi con thất tình, ba mẹ nên là chỗ dựa an toàn cho con và giúp con nhanh chóng vượt qua khó khăn. Đây là một số điều ba mẹ có thể làm cho con:
Lắng nghe và thấu hiểu
Đây là điều quan trọng nhất ba mẹ cần làm khi con thất tình. Hãy để con chia sẻ cảm xúc của mình, đừng phán xét hay áp đặt suy nghĩ lên trẻ. Chân thành, tôn trọng, cởi mở là kim chỉ nam cho bạn lúc này. Trẻ cần hiểu rằng nhận ra rằng con không cô đơn, con có ba mẹ luôn ở bên cạnh và sẵn sàng lắng nghe.
Chấp nhận cảm xúc của con
Vì thiếu kinh nghiệm, trẻ có thể cảm thấy thất tình là một trải nghiệm khủng khiếp. Ba mẹ cần giúp con biết rằng việc thất tình là điều bình thường, ai ai cũng có thể trải qua.
Do đó, con không cần phải che giấu hay kìm nén cảm xúc của mình. Bạn cần giúp trẻ hiểu rằng các cảm xúc này, dù tiêu cực, là hoàn toàn tự nhiên, hợp lý và cần thiết. Chúng sẽ qua đi và sẽ giúp con trở nên mạnh mẽ hơn.
Khuyến khích con chia sẻ
Ba mẹ cũng có thể khuyến khích trẻ chia sẻ với người thân, bạn bè. Cần hướng dẫn trẻ chia sẻ với những người con tin tưởng và cảm thấy an toàn. Việc có thể nói ra “bí mật” này sẽ giúp con thấy thoải mái và rất có thể trẻ sẽ nhận ra mình không phải người duy nhất thất tình. Trẻ cũng có thể nhận được nhiều lời khuyên hữu ích từ người khác.
Tạo điều kiện cho con tham gia các hoạt động lành mạnh
Các hoạt động lành mạnh như thể thao, học tập, tham gia các câu lạc bộ,… sẽ giúp con quên đi nỗi buồn và tập trung vào những điều tích cực khác. Việc tham gia hoạt động sẽ tạo cơ hội gặp gỡ, kết bạn mới, đây là điều rất tốt để giúp nhanh chóng vượt qua giai đoạn khó khăn.
Không nên ép buộc con quên người cũ
Việc quên người yêu cũ cần có thời gian. Ba mẹ cần hiểu và không ép buộc trẻ. Hãy thực sự trân trọng và tôn trọng cảm xúc của con. Ai cũng cần thời gian để xử lý cảm xúc. Ba mẹ càng không nên nói xấu, chê bai, chỉ trích người yêu cũ vì có thể khiến trẻ càng cảm thấy bản thân tồi tệ hơn.
Những hành động cần tránh
Đôi khi, ba mẹ có ý định tốt, muốn con nhanh chóng vượt qua cú sốc tình cảm nhưng lại thực hiện sai cách. Thậm chí, nếu không cẩn thận bạn sẽ làm tổn thương trẻ và dẫn tới hậu quả đau lòng. Đây là những hành động bạn nên tránh:
- Không ép con phải chia sẻ cụ thể những chuyện đã xảy ra.
- Không vội vã cho lời khuyên vì lúc này trẻ rất khó tiếp thu ý kiến bên ngoài một cách khách quan.
- Tuyệt đối không nên tự ý kể chuyện của con với người khác, dù với ý tốt là muốn giúp con có thêm “đồng minh”.
- Không chỉ trích, la mắng hay tỏ ra khinh thường rằng trẻ “yếu đuối” mới đau khổ vì thất tình.
- Ba mẹ cũng không nên tìm cách cho con giao tiếp với người yêu cũ hay ba mẹ của người ấy để tránh dẫn tới những tình huống nghiêm trọng hơn.
Thất tình là trải nghiệm cần thiết để trưởng thành. Không sớm thì muộn trẻ cũng cần trải qua bài học này để học được cách quản lý cảm xúc, cách giải quyết vấn đề, cách yêu thương bản thân và tôn trọng người khác. Ba mẹ hãy luôn là chỗ dựa, là người đồng hành và hướng dẫn thông thái để giúp con nhanh chóng vượt qua giai đoạn này nhé.