Mẹ&Con - Nếu là 'chửa trâu' thì em phải làm sao? Mẹ con em có thể mẹ tròn con vuông được không? Xin cảm ơn bác sĩ nhiều lắm. Các dấu hiệu động thai không thể bỏ qua Những nghề nên tạm ngưng nếu muốn có thai Đừng coi thường chửa trứng

Thưa bác sĩ,

Em mang thai bình thường, sức khỏe cũng bình thường. Nhưng sao 9 tháng 10 ngày qua rồi mà em vẫn… chẳng thấy dấu hiệu chuyển dạ gì cả? Mẹ chồng em lo lắm vì đây là cháu đích tôn, siêu âm thấy là con trai nữa. Một số người nói em bị “chửa trâu”. Em thấy cơ thể mình vẫn bình thường, con vẫn đạp, nhưng nghe nói “chửa trâu” thì cũng lo. Xin hỏi bác sĩ, có phải em bị “chửa trâu” không ạ? Nếu là “chửa trâu” thì em phải làm sao? Mẹ con em có thể mẹ tròn con vuông được không? Xin cảm ơn bác sĩ nhiều lắm.

Lê Thị Hồng Hạnh
(Quận Tân Phú)

 chuyen gia mevacon

Bạn Hồng Hạnh mến,

Khái niệm “chửa trâu” là một cách nói trong dân gian, chỉ những thai phụ quá ngày dự sinh mà không thấy dấu hiệu chuyển dạ. Trong y học hiện đại, các bác sĩ hay gọi là thai quá ngày. Tuy nhiên, bạn đừng quá hoang mang nghĩ mình bị “chửa trâu”, vì thực tế một thai kỳ bình thường có thể dao động trong khoảng 37 tuần đến 41 tuần chứ không nhất thiết y boong 9 tháng 10 ngày là sinh. Trong khoảng thời gian này, các bác sĩ vẫn chỉ khám thai cho bạn thường xuyên và chờ đợi xem bạn có thể chuyển dạ tự nhiên không. Nếu tình trạng thai vẫn ổn, bạn khám thai đều, kết quả tốt thì không có gì đáng lo cả. Chỉ đến khi nào quá 42 tuần mà vẫn không chuyển dạ tự nhiên thì mới được gọi là thai già tháng hay “chửa trâu” thôi.

“Chửa trâu” thường xảy ra khi thai có bệnh lý bất thường như vô sọ, trục trặc về thần kinh – nội tiết… Khi bị quá ngày như vậy, nguy cơ cho cả mẹ và thai nhi sẽ tăng dần lên. Thai dễ bị chết trong tử cung do nhau thai bị xơ hóa, không còn đưa chất dinh dưỡng vào được nữa. Thêm vào đó, nước ối sẽ bị cạn nhanh, trao đổi oxy với thai nhi bị giảm. Nếu thai nhi cứu được cũng dễ gặp phải những biến chứng sau khi chào đời, vì sức đề kháng của trẻ bị giảm sút.

Để yên tâm, trong giai đoạn này, bạn cần khám thai theo đúng yêu cầu của bác sĩ để nếu có gì thì sẽ được can thiệp sớm, tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra. Ngoài ra, tôi cũng xin nhắc thêm với các bạn mới mang thai lần đầu là khi mới mang thai, trong 3 tháng đầu thai kỳ nên đi khám thai đầy đủ để xác định tuổi thai chính xác. Cũng nên tập cho mình thói quen ghi lại chính xác chu kỳ hàng tháng (từ lúc dự tính sẽ mang thai) để nếu có thai thì bác sĩ có thể căn cứ vào đó để tính ngày dự sinh cho chính xác.

Chúc bạn sớm mẹ tròn con vuông. Thân mến! 

Bác sĩ Nguyễn Thị Khánh Vân
(BV Đại học Y Dược) 

Tags:

Bài viết liên quan