Mẹ và Con - Khi mang thai bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm các mẹ nên cân nhắc kỹ lưỡng về việc sanh thường. Hãy cùng tìm hiểu những thông tin hữu ích trong bài viết này nhé!

Thụ tinh ống nghiệm là một trong những phương pháp hỗ trợ sinh sản phổ biến nhất hiện nay. Dù vậy, phương pháp này vẫn còn tiềm tàng một số nguy cơ cho cả mẹ và bé. Chính vì thế, việc lựa chọn sanh thường hay sanh mổ cũng khiến nhiều sản phụ phải đắn đo.

Mang thai bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm

Thụ tinh ống nghiệm (IVF) hiện nay là một trong những phương pháp hỗ trợ sinh sản dành cho chị em khó mang thai hoặc các cặp vợ chồng hiếm muộn. Cụ thể, thụ tinh trong ống nghiệm là phương pháp hỗ trợ tinh trùng và trứng được kết hợp với nhau trong ống nghiệm thay vì trong vòi tử cung của người phụ nữ.

Khi xuất hiện quá trình thụ tinh sẽ dẫn đến sự hình thành phôi thai và chuyển vào buồng tử cung của phụ nữ. Qua phương pháp thụ tinh ống nghiệm này, người mẹ vẫn có khả năng nuôi thai phát triển một cách tự nhiên cho tới lúc sinh.

Sau một thời gian nghiên cứu và tích lũy kinh nghiệm, trường hợp người mẹ mang thai bằng phương pháp này có khả năng vượt cạn thành công không còn quá xa lạ.

thụ tinh ống nghiệm
Thụ tinh ống nghiệm

Khả năng sinh thường với người thụ tinh ống nghiệm

Con sinh ra bằng phương pháp IVF thường hay gọi là “thai quý” do quá trình từ lúc thụ tinh cho đến khi mang thai là một chặng đường vô cùng khó khăn. Chính vì thế, các cặp vợ chồng thường trao đổi với bác sĩ rất kỹ về việc lựa chọn phương pháp sinh an toàn.

Xem thêm: IUI và IVF là gì ?

Người mẹ mang thai bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm hay tự nhiên đều có chung quá trình nuôi dưỡng con trong bụng nên họ hoàn toàn có khả năng sinh thường nếu sức khỏe của mẹ, tình trạng của bào thai được bác sĩ đánh giá là phù hợp.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, người mẹ nhờ đến phương pháp này do có tiền sử mắc các bệnh về phụ khoa như u nang, u xơ, ung thư tử cung. Vì vậy, khả năng sinh thường sẽ khó thành công hơn.

Theo kết quả nghiên cứu từ các chuyên gia cho thấy thai từ phương pháp thụ tinh ống nghiệm sẽ có nhiều nguy cơ sẩy, sanh non, chết lưu. Thậm chí là biến chứng sau sanh  nhiều hơn là thụ tinh tự nhiên.

Khi nào cần sinh mổ

Người mẹ khi mang thai luôn mong muốn những gì tốt nhất cho con của mình. Do đó mà nhiều sản phụ mong muốn được lựa chọn phương pháp sanh thường.

Xen thêm: Sản phụ sau sinh mổ kiêng ăn những gì ?

Tuy nhiên, người mẹ cần cân nhắc việc sinh mổ theo chỉ định của bác sĩ đối với các trường hợp sau đây:

Đối với người mẹ

  • Bất tương xứng thai và khung chậu, xương chậu hẹp, nhỏ hoặc đã có tiền sử tổn thương khung xương vùng này đều dẫn đến khó sanh thường. Thai nhi sẽ bị kẹt trong quá trình sinh, khiến bé bị tắc đường hô hấp dẫn đến tử vong.
  • Viêm nhiễm vùng chậu do cơ thể mẹ thay đổi nội tiết tố, căng thẳng, sức đề kháng giảm sút. Việc viêm nhiễm có khả năng lây sang con cao khi sanh qua đường ngả âm đạo.
  • Nhiễm độc thai nghén là bệnh lý xuất hiện ở 3 tháng đầu hoặc 3 tháng cuối của thai kỳ. Bệnh lý này có thể gây những biến chứng nguy hiểm như sảy thai, sanh non, tiền sản giật thai kỳ. Khi sản phụ có dấu hiệu bệnh trên, Bác sĩ cân nhắc đến vấn đề sinh mổ để đảm bảo an toàn cho mẹ và bé.
  • Sinh lần 2 trở lên và lần đầu là sinh mổ thì nguy cơ thai dính vết mổ cũ cao nên nhiều bác sĩ cũng khuyến cáo sản phụ nên sanh mổ lần 2.
  • Tiền sử bệnh liên quan phụ khoa như u xơ tử cung, u nang buồng trứng. Những khối u này sẽ làm tăng nguy cơ sinh non, sẩy thai, gây nhau bám chặt, lúc sinh có thể cản trở đường ra của thai nhi dẫn đến ngạt thở tử vong. Ngoài ra, việc các khối u khiến cho những cơn co tử cung bị rối loạn, tăng nguy cơ băng huyết sau sinh.

Đối với thai nhi

  • Kích thước thai nhi là một trong những nhân tố tiên quyết trong việc quyết định mẹ có khả năng sanh thường hay sanh mổ. Kích thước bé quá lớn có thể dẫn đến người mẹ suy kiệt sức và tử vong trong lúc rặn đẻ.
  • Ngôi thai ngược hay còn gọi là ngôi mông. Đây là tư thế em bé quay chân xuống phía dưới gây khó khăn cho vấn đề sinh thường.
  • Thai suy trong trước khi chuyển dạ hay trong lúc chuyển dạ đều cần được đưa ra khỏi bụng mẹ càng sớm càng tốt để không bị ngạt thở hoặc tử vong trong lúc sinh hoặc sau sinh.
  • Có vấn đề về nhau tiền đạo, nhau thai quấn cổ, sa dây rốn cũng có thể gây nguy hiểm cho cả mẹ và bé.
  • Thiếu ối và đa ối đều có tính nguy hiểm, có thể dẫn đến sảy thai, sinh non hoặc chết lưu. Trong trường hợp này, mẹ và bé đều cần được khám và kiểm tra thường xuyên.

Chuẩn bị gì khi đi sinh

Khám thai định kỳ

Người mẹ khi mang thai bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm cần phải chú ý đến những xét nghiệm, chích ngừa, thăm khám bác sĩ và siêu âm định kỳ để bảo đảm rằng bé đang phát triển tốt. Đặc biệt là những tuần cuối của thai kỳ cần được chăm sóc kỹ hơn với tần suất 1 lần / tuần. Khi có những dấu hiệu bất thường, sản phụ cần đến gặp bác sĩ kiểm tra sớm nhất có thể.

Tiêu chí lựa chọn bệnh viện uy tín để sinh. Thứ nhất, bác sĩ và nữ hộ sinh có kinh nghiệm nhiều năm và hiểu tâm lý sản phụ. Thứ hai là cơ sở vật chất hiện đại, thoải mái, sạch sẽ, có các dịch vụ sau sinh giúp cho sản phụ có thể giải tỏa được các áp lực và mệt mỏi lúc sinh. Ngoài ra, việc chăm sóc bé sau sinh cũng sẽ giúp cho mẹ có thể nghỉ ngơi, mau khỏe.

Mỗi bệnh viện thường có mức chi phí khác nhau. Các bệnh viện tư chi phí cao nhưng xét về dịch vụ và cơ sở vật chất mà các bệnh viện tư có sẽ phù hợp với chi phí mà các bà mẹ và ông bố bỏ ra.

sản phụ thụ tinh ống nghiệm

Các vật dụng cần chuẩn bị khi đi sinh

Đồ dùng cho mẹ: vật dụng cá nhân, băng vệ sinh, áo ngực cho bé bú, quần lót dùng 1 lần. Một số đồ dùng khác như quần áo, bình nước nóng, khăn, vớ, các mẹ nên tìm hiểu tại bệnh viện mình sinh đã có trang bị hay chưa để tránh mang quá nhiều đồ.

Đồ dùng cho bé: quần áo sơ sinh, khăn bông, tã lót, vớ, nón, bao tay, bình sữa, sữa bột dành cho trẻ sơ sinh.

Ngoài ra, các mẹ cần chuẩn bị sẵn các giấy tờ tùy thân, hồ sơ khám thai hoặc giấy tờ liên quan đến thai kỳ, thẻ bảo hiểm hoặc giấy tờ chứng nhận bảo hiểm.

Dấu hiệu chuyển dạ mà các mẹ cần biết

Chuyển dạ là thời điểm mà các cơn gò tử cung bắt đầu co thắt, những cơn đau bụng ngày càng tăng và đều đặn. Bên cạnh đó, nếu xuất hiện dấu hiệu chuyển dạ như chảy máu âm đạo, tiết dịch âm đạo bất thường, đau xương chậu, thắt lưng thì cần đến các cơ sở y tế gần nhất hoặc đến bệnh viện mà các mẹ dự định sinh.

Tùy vào tình trạng cơ thể mỗi người mà quá trình chuyển dạ sẽ diễn ra nhanh hay chậm nhưng đối với các mẹ mang thai IVF cần được chú trọng hơn. Các mẹ nên chuẩn bị kiến thức và tư vấn với bác sĩ những gì cần làm khi chuyển dạ để có hướng xử trí an toàn cho mẹ và bé.

Chuẩn bị tâm lý trước khi sinh con

Các mẹ đến gần ngày sinh, nên chuẩn bị tâm lý thật thoải mái bằng cách nghe nhạc, nói chuyện với con, thư giãn với các sở thích của mình. Bên cạnh đó, chế độ ăn uống dinh dưỡng và việc nghỉ ngơi điều độ cũng giúp cho mẹ cảm thấy khỏe khoắn hơn.

Ngoài ra, nếu mẹ cảm thấy sợ hãi hoặc tâm lý bất ổn, hãy tìm đến bác sĩ hoặc nữ hộ sinh ngay để được tư vấn và giúp bạn vượt qua những lo lắng, bất ổn về tâm lý.

Mang thai là cả một quá trình dài cố gắng của người mẹ, đặc biệt hơn là mẹ mang thai bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm. Hy vọng bài viết trên đã giúp cho các mẹ hiểu hơn về những nguy cơ trong sanh thường và sanh mổ, mang đến hành trang cũng như tinh thần cho kỳ vượt cạn sắp tới thành công.

Bài viết liên quan