Mẹ&Con - Kết hôn, có con hẳn hòi với nhau rồi nhưng vẫn… không 'quen' được gối chăn. Thậm chí có thể hoàn toàn thoải mái với chuyện 'ngủ chay' dù đang ở độ tuổi… hừng hực sức sống và mọi thứ cơ bản đều bình thường. Không ít đức lang quân choáng váng trước sự cố khó hiểu này, tìm đến phòng khám chỉ để vò đầu bứt tóc hỏi rằng: Bác sĩ ơi, liệu vợ tôi có 'vấn đề' gì nhỉ??? Lấy vợ “trẻ con”, chồng nên làm gì? Nỗi khổ khi vợ bị lãnh cảm Vì sao chồng lạnh nhạt chuyện chăn gối?

“Vô tính” hay… “ngán” sex?

Trước hết, cần phân biệt giữa chuyện hoàn toàn không thích sex, một khuynh hướng được khoa học tạm gọi là “vô tính” với chuyện không thích gần gũi chồng tại một thời điểm nhất định nào đó, do một số nguyên nhân tác động như đau khi gần gũi, mất cảm xúc với chồng, quá bận rộn và mệt mỏi vì con nhỏ nên né tránh. Ngoài ra, có một số chị em phụ nữ lại không thích chuyện gần gũi thật sự nhưng thích được “một mình” (tự tìm khoái cảm tình dục bằng cách thủ dâm). Có một thực tế mà các quý ông nếu biết được sẽ vô cùng… choáng váng, đó là một tỷ lệ đến hơn 50% phụ nữ thừa nhận họ rất hiếm hoặc chưa từng bao giờ đạt được khoái cảm cao nhất với chồng.

vo-nhu-khuc-go

Mệt mỏi với công việc nhà, thờ ơ với chuyện chồng cứ vô tư “hùng hục”, mất hứng vì chẳng đạt được những gì gọi là hòa hợp tình dục mà chỉ có… chịu đựng cho xong cuộc rồi thôi, không ít phụ nữ trở nên hoàn toàn xa lạ, chán ghét và né tránh chuyện gối chăn, dù “ngày xưa” họ không như thế, hoặc tận thâm tâm, họ vẫn mong chờ những điều ngọt ngào đến từ chốn phòng the. Với họ, ân ái cùng những anh chồng hùng hục hoặc “ích kỷ” (chỉ biết “được phần mình”) chỉ là thứ gì đó như… trả nợ. Thế nhưng, họ lại dễ chịu, thoải mái và tìm được cảm xúc của riêng mình, thỏa mãn và hài lòng với những giây phút “riêng ta với ta”!

Những phụ nữ “ghét sex” này hóa ra không hoàn toàn… ghét sex. Chỉ là chồng chưa khơi gợi đúng cách, chưa tìm được “tiếng nói chung” với người chung chăn gối của mình. Để giải tỏa chuyện vợ như… khúc gỗ trong trường hợp ấy không khó. Cần tìm được nguyên nhân sâu xa của vấn đề. Ví dụ như vợ có từng có tuổi thơ bị lạm dụng, có sợ hãi chuyện sex từ “lần đầu”? Vợ có vấn đề gì chưa hài lòng với chồng? Vợ có quá mệt mỏi với việc nhà, chăm sóc con? Vợ có nỗi ám ảnh mặc cảm nào sâu xa về vóc dáng bên ngoài? Hay có phải chồng quá “vập vồ” mà vô tư bỏ quên mất luôn cảm xúc (chưa kịp thăng hoa) của vợ?

Cũng phải đặt luôn vấn đề rằng nhiều phụ nữ sau thời gian “tự giải tỏa” đã… an nhiên hài lòng luôn với những giây phút “một mình”. Họ cảm thấy mình làm chủ được cuộc chơi, có thể điều khiển cuộc chơi và… kéo dài bao lâu tùy thích theo những cách thức tự mình tìm khoái cảm. Chẳng cần đến đối tác nữa nên nàng rất thờ ơ, thiếu cảm xúc với những phút giây chăn gối chăn thật sự (vì cho là chồng có cố cũng không đúng cách, không giúp mình “lên đỉnh” được trong khi những giây phút “một mình” nàng lại thỏa mãn được dễ dàng).

Muốn thoát khỏi điều này, cần nỗ lực lại từ đầu để xóa đi một thói quen. Nó đòi hỏi sự cố gắng của cả hai, nhất là người phụ nữ để cố “cai nghiện” bớt những giây phút “một mình”, tìm lại khoái cảm trong sự hòa hợp, đồng điệu, nồng nàn chồng vợ. Đồng thời, chính người chồng cũng cần cố gắng rất nhiều, để mềm mỏng hỏi han, trò chuyện, để hiểu được cốt lõi vấn đề và giải quyết nó từng chút, từng chút theo cách kiên trì, nhẫn nại. Đây là điều rất khó, nhưng xin khẳng định để các quý ông yên tâm là hoàn toàn có thể làm được, chỉ cần một tình yêu sâu sắc và mong muốn thật sự mang đến hạnh phúc hòa hợp cho vợ của mình thôi.

Nhưng nếu vợ… “vô tính”?

Tuy nhiên, như đã nhắc đến ngay từ đầu, có một khuynh hướng “chán sex” thứ hai, khó khăn hơn và phức tạp hơn nhiều trong quá trình “điều trị”, thậm chí không thể “điều trị” được. Đó là vì một bất thường nào đó, một người phụ nữ không hề có quá khứ bị tổn thương, không hề có bất thường về cơ quan sinh dục song lại hoàn toàn không cảm thấy có chút ham muốn gì khi chăn gối.

vo-nhu-khuc-go

Có những trường hợp, vợ chồng đưa nhau đến phòng khám, chồng than: “Vợ chồng vẫn gần gũi khi chồng muốn, thậm chí đã có con rồi nhưng chưa bao giờ cô ấy có chút cảm xúc với chuyện kia. Lúc nào cũng né tránh, thấy chồng đòi dữ quá thì cố chiều, nhưng chỉ chiều bằng cách… đờ ra như khúc gỗ, chồng muốn làm gì đấy thì làm. Tất cả những lần bên vợ, tôi đều rơi vào trạng thái hụt hẫng. Hỏi bác sĩ, tôi sao còn cảm hứng?”.

Trao đổi với những đôi vợ chồng này, chính bác sĩ cũng… lúng túng vì chẳng biết phải “chữa” như thế nào. Người phụ nữ thừa nhận họ không có chút “vui vẻ” gì với chuyện đó cả dù họ vẫn tôn trọng chồng và yêu chồng theo cách của mình. Như một trò đùa trớ trêu của tạo hóa, một sự “mặc định” bẩm sinh đâu đó trong tâm hồn, những người này thấy chuyện chăn gối cứ sao sao, đâm ra ghê sợ. Nỗ lực “trị liệu” về tâm lý, giúp thay đổi chế độ dinh dưỡng nhằm tăng cường hormone giới tính vẫn vô phương! Những trường hợp này, trên thế giới hiện nay đang tạm gọi là người “vô tính” (asexual), thế giới thứ 4 – tồn tại bên cạnh những người có quan hệ luyến ái với người khác phái (heterosexual), đồng tính (homosexual), lưỡng tính (bisexual).

“Vô tính” đơn giản là: Tôi có thể, nhưng tôi… không muốn! Tỷ lệ người “vô tính” trên thế giới hiện nay chiếm khoảng 1%. Với những đối tượng này, tình yêu hay tình cảm vợ chồng được thiết lập hoàn toàn dựa trên sự “trong sáng thuần túy”, là những cảm thông, chia sẻ, an ủi, động viên chứ không cần dính gì đển thể xác. (Điều này vẫn ổn nếu như cả hai vợ chồng đều có xu hướng… na ná nhau, hoặc nếu người chồng lớn tuổi hơn nhiều và có thể chấp nhận một đời sống “bình yên” như thế. Nhưng sẽ dễ là trục trặc lớn với hạnh phúc vợ chồng nếu như người chồng vẫn rất mong chờ, rất cần và đòi hỏi cao ở đời sống tình dục trong khi vợ luôn… từ chối!).

Phải chấp nhận rằng, cũng như người “đồng tính” (thật sự), những người “vô tính” (thật sự, không phải chỉ là do những trở ngại, rào cản tâm lý…) là một bí ẩn của tạo hóa và là một điều nên cảm thông thay vì ép buộc. Bởi lẽ họ không muốn thế một cách bẩm sinh, tự nhiên như người này thuận tay trái trong khi người kia thuận tay phải vậy! Một số người rơi vào trường hợp “vô tính” không lập gia đình, hoặc chỉ lập gia đình với người cũng giống mình, người có thể hiểu và cùng họ đi hết chặng đường đời không cần tình dục! Chọn lựa thế nào, tiếp tục hay chia tay, trong trường hợp đó phụ thuộc hoàn toàn vào tình yêu của “đối phương”, để có được một đời sống bình yên và hạnh phúc.  

BS. Nguyễn Thành Quân
(TTTV và Phòng khám Nam khoa Vĩnh Viễn) 

Tags:

Bài viết liên quan