Mẹ&Con - Mẹ&Con tổ chức chương trình Tư vấn trực tuyến “Bảo vệ hệ hô hấp cho con trong mùa lạnh” sẽ diễn ra vào lúc 10h00 – 11h00 hôm nay, ngày 2/12. Chương trình có sự tham gia tư vấn của bác sĩ Trần Anh Tuấn (Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi Đồng 1). Những công thức nấu cháo ngon, đủ dinh dưỡng cho con Tư vấn trực tuyến: Nấu cháo đúng cách cho bé ăn dặm Mẹ nấu cháo không đúng cách, con suy dinh dưỡng, thừa cân

Từ tháng này đến thời điểm sau Tết Nguyên Đán, các bà mẹ luôn phải đau đầu, sốt vó vì các bệnh liên quan đến hệ hô hấp của bé cưng. Nhiều mẹ “nhăn nhó” với bác sĩ: “Sao con bệnh hoài thế? Mới sổ mũi, ho, cảm… vừa dứt, hơn tuần sau đã mắc lại”. Làm thế nào nâng niu hệ hô hấp cho trẻ trong mùa lạnh? Và làm thế nào để mẹ có thể phòng bệnh, thay vì đợi trẻ ốm mới mang trẻ đến bác sĩ để chữa bệnh hô hấp mùa này?

tu-van-truc-tuyen-bao-ve-he-ho-hap-cho-con-trong-mua-lanh

Từ những lo lắng, băn khoăn của các mẹ xung quanh vấn đề nâng niu hệ hô hấp cho trẻ khi thời tiết sang đông với những đợt rét mạnh sắp đến, Mẹ&Con tổ chức chương trình Tư vấn trực tuyến “Bảo vệ hệ hô hấp cho con trong mùa lạnh” sẽ diễn ra vào lúc 10h00 – 11h00 hôm nay, ngày 2/12. Chương trình có sự tham gia tư vấn của bác sĩ Trần Anh Tuấn (Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi Đồng 1). Với những kiến thức chuyên môn hữu ích và kinh nghiệm lâu năm trong chữa trị các bệnh về hô hấp ở trẻ, bác sĩ Trần Anh Tuấn sẽ cung cấp cho các mẹ những thông tin thiết thực và bổ ích trong việc bảo vệ hệ hô hấp cho con.

tu-van-truc-tuyen-bao-ve-he-ho-hap-cho-con-trong-mua-lanh

Bác sĩ Trần Anh Tuấn – Trưởng khoa hô hấp BV Nhi Đồng 1

Mời các mẹ đặt câu hỏi trực tiếp trên website www.mevacon.giaoduc.edu.vn hoặc www.facebook.com/mevacon. 


Các câu hỏi tư vấn được giải đáp bởi Bác sĩ Trần Anh Tuấn – Trưởng khoa hô hấp BV Nhi Đồng 1:

Câu 33: Cho em hỏi, trong mùa lạnh nên tăng cường cho con ăn những món gì (thức ăn hàng ngày, trái cây, các loại ngũ cốc nào…) để con tăng cường sức đề kháng, tránh được các bệnh về hô hấp?

(Huyền Anh – Đồng Nai)

Bác sĩ Trần Anh Tuấn:

Chào bạn,

Trong mùa lạnh hay trong những mùa khác nếu trẻ được ăn uống đầy đủ dưỡng chất sẽ có đủ sức đề kháng tránh được nhiều bệnh tật trong đó có các bệnh về hô hấp. Bạn có thể bổ sung thêm các loại hoa quả có nhiều vitamin cũng sẽ tăng cường sức đề kháng này cho trẻ.

Cũng xin nói rõ là chưa có bằng chứng là việc ăn phổi hay nội tạng nào khác cho ấm phổi, bổ phổi là có hiệu quả trong việc phòng chống bệnh hô hấp. Nhưng có bằng chứng chắc chắn rằng nếu trẻ có tình trạng dinh dưỡng tốt do được nuôi dưỡng đầy đủ sẽ có đủ sức đề kháng chống nhiều bệnh tật.


Câu 32Con tôi năm nay hai tuổi bé rất thường hay bị ho cảm vặt. Tôi nghe nói những bé sinh mổ thường đường hô hấp không tốt như những bé sinh thường phải không bác sĩ? Mỗi lần bé bệnh bé thường hay nổi mẩn đỏ ngứa khắp người, vậy có nên cho bé uông thuốc tây khi bé bệnh không bác sĩ? Và triệu chứng mẩn đỏ có điều trị tận gốc được không bác sĩ?

(Khoai Tây)

Bác sĩ Trần Anh Tuấn:

Chào bạn,

Bạn nói đúng là trẻ sinh mổ dễ có vấn đề hô hấp trong và sau khi sinh. Vì vậy, không nên sinh mổ chủ động mà không vì nguyên nhân y khoa. Tuy nhiên, nếu giai đoạn sau khi sinh mổ trẻ có tình trạng hô hấp bình thường thì sau này trẻ vẫn bình thường như mọi trẻ khác. Về vấn đề bé hay nổi mẩn đổ ngứa cần phải xác định đúng nguyên nhân thì mới có cách điều trị tận gốc được.


Câu 31: Bé nhà em mùa lạnh dễ bị cảm, sổ mũi, ho. Những lần như vậy, mẹ em không cho đưa cháu đi bệnh viện mà ở nhà cho cháu uống mật ong chanh gừng do nhà tự ngâm và xịt mũi cho cháu. Rồi cháu cũng hết bệnh nhưng hơi lâu (khoảng 20 ngày cháu mới hết hẳn). Cho em hỏi, như vậy liệu có ảnh hưởng gì đến sức khỏe của cháu không? Bé nhà em năm nay 1 tuổi rưỡi. Cảm ơn BS.

(Nhã)

Bác sĩ Trần Anh Tuấn:

Chào bạn,

Mật ong chanh gừng là bài thuốc dân gian hiệu quả và an toàn có thế sử dụng khi trẻ chỉ bị cảm ho thông thường. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý chỉ nên chọn loại mật ong được sản xuất bởi nơi uy tín, rõ ràng. Tránh dùng mật ong nguyên chất, mật ong “rừng” cho trẻ nhỏ vì có khả năng lẫn lộn nhiều loại vi sinh vật, vi nấm có hại


Câu 30: Bác sĩ ơi, con em cứ mỗi mùa lạnh đến là cảm, sổ mũi và phát sốt. Cứ cho kháng sinh liều cao thì cháu khỏi, còn không cháu kéo dài bệnh cả tháng. Không cho uống thuốc thì xót con, mà cho uống nhiều sợ cháu lờn thuốc, em phải làm sao.

(Mỹ Lệ – Hà Nội)

Bác sĩ Trần Anh Tuấn:

Chào bạn,

Trước tiên phải nhìn nhận là khi mùa lạnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính là bệnh lý khó tránh khỏi đặc biệt ở trẻ nhỏ hơn 5 tuổi do sức đề kháng của các cháu còn hạn chế. Bạn có thể tham khảo các câu trả lời của chúng tôi đã đăng tải trên trang web để biết cách phòng tránh, giảm thiểu nguy cơ này.

Mối ưu tư về việc sử dụng kháng sinh và vấn đề lờn thuốc của bạn là rất chính đáng. Thật vậy kháng sinh chỉ được chỉ định, và chỉ có hiệu quả trong trường hợp nhiễm vi trùng thật sự. Không nên lạm dụng kháng sinh trong trường hợp cảm ho thông thường, ngay cả khi có kèm sốt hoặc ho nhiều mà không phải là viêm phổi. Bên cạnh việc không lạm dụng kháng sinh này, nếu thật sự trẻ có chỉ định dùng kháng sinh, để tránh lờn thuốc điều bạn phải làm là:
-Điều trị thuốc đúng liều, đúng số lần và đủ thời gian theo chỉ định của bác sĩ để đảm bảo vi trùng được tiêu diệt hoàn toàn.
-Không nên tự ý ngưng thuốc, giảm liều ngay cả khi trẻ tiến triển tốt.
-Không nên để dành thuốc kháng sinh cho lần bệnh sau.
-Không nên khuyên bảo người khác sử dụng thuốc kháng sinh mà mình đã dùng và thấy hiệu quả.


Câu 29: Mỗi lần cháu bệnh cảm mùa lạnh, gia đình em thường nấu lá xông cho cháu. Những lúc vậy cháu ra mồ hôi nhiều, ăn cháo nóng giải cảm cũng nhanh. Nhưng có nhiều người nói làm vậy không tốt, dễ khiến cháu mất nước và bệnh nặng. Cháu 5 tuổi, như thế có sao không thưa bác sĩ?

(Mỹ Hà – Sơn Tây)

Bác sĩ Trần Anh Tuấn:

Chào bạn,

Xông lá thuốc, ăn cháo nóng giải cảm cũng là những phương thức dân gian được lưu truyền từ lâu và cũng có hiệu quả phần nào trong các trường hợp cảm lạnh thông thường. Tuy nhiên, việc xông lá thuốc cho trẻ nhỏ như con bạn phải rất thận trọng để tránh nguy cơ bé bị bỏng vốn rất dễ xảy ra


Câu 28Bác sĩ ơi, con em 3 tuổi cứ mùa lạnh là nhức mũi, không ho nhưng sổ mũi và hắt hơi liên tục, khám không ra bệnh, cháu bị gì thưa bác sĩ?

(Huệ Phạm)

Bác sĩ Trần Anh Tuấn:

Chào bạn,

Có 2 khả năng mà trẻ có thể bị trong trường hợp này là:

– Viêm mũi do virus: Trường hợp này thường nhẹ và tự khỏi trong vòng 10-14 ngày nhưng cũng dễ tái phát vì miễn dịch có được sau đó thường không kéo dài và do có nhiều chủng virus gây bệnh.
– Viêm mũi dị ứng: Trường hợp này có thể điều trị được và phòng ngừa được bằng thuốc. Các loại thuốc được chỉ định tùy theo mức độ nặng, mức độ dai dẳng của các triệu chứng và còn tùy theo tuổi của trẻ.

Bạn cần cho trẻ đi khám chuyên khoa hô hấp hay tai mũi họng nhi để có hướng chẩn đoán và điều trị phù hợp.


Câu 27: Bé nhà em được 5 tuổi, cứ mỗi đợt rét về lại bị sưng amidal, làm thế nào đây bác sĩ? Xin cảm ơn ạ.

(Nhung Trần – Thái Nguyên)

Bác sĩ Trần Anh Tuấn:

Chào bạn,

Để phòng chống nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính nói chung và viêm amidan nói riêng có các giải pháp như sau:

-Giữ ấm cho bé đúng mức khi trời lạnh
-Súc miệng bằng nước muối mỗi ngày
-Không cho trẻ tiếp xúc gần gũi với người khác đang bị cảm ho
-Rửa tay sạch sẽ
-Chủng ngừa đặc biệt là chủng ngừa phế cầu, cúm nếu có điều kiện.


Câu 26: Mỗi khi bé chơi hay vận động nhiều là bắt đầu thở hổn hển, bé thở nhìn như là bị ngộp. Triệu chứng này là bệnh gì? Có nguy hiểm không bác sĩ? Hiện tại con gái được 6 tháng, cân nặng 7.5kg. Lúc sinh bé được 4kg rồi nên không biết bé tăng cân như vậy ổn không, việc thở hổn hển có ảnh hưởng đến sự tăng cân của bé không ạ?

(Hanh Dang – TPHCM)

Bác sĩ Trần Anh Tuấn:

Chào bạn,

Cân nặng của bé như vậy là ổn. Khi gắng sức nhiều, việc phải tăng nhịp thở là đương nhiên. Tuy nhiên nếu bé có dấu hiệu thở mệt, ngộp bạn nên cho cháu khám chuyên khoa nhi để kiểm tra ngay tình trạng hô hấp, tim mạch đầy đủ


Câu 25: Chào bác sĩ, con tôi được 4 tuổi, cháu có hiện tượng thở khò khè, hôm trước cháu ngủ thở phát âm thanh giống tiếng ngáy. Tôi có cho cháu nhỏ nước muối sinh lý, thuốc xịt mũi Otrivin và thuốc ho Atussin siro ho. nhưng cũng k giảm. Mong bác sĩ tư vấn dùm, cảm ơn bác sĩ.

(Tuyết Nga)

Bác sĩ Trần Anh Tuấn:

Chào bạn,

‘Khò khè’ là triệu chứng tắc nghẽn ở phế quản (cuống phổi) do nhiều nguyên nhân khác nhau, hoặc do nhiễm khuẩn (viêm phế quản chẳng hạn) hoặc dị ứng (hàng đầu là hen suyễn).

Trường hợp trẻ 4 tuổi như con bạn, chỉ nghe “khò khè” khi ngủ, âm thanh phát ra như tiếng ngáy, trước tiên cần loại trừ khả năng tắc nghẽn đường hô hấp trên chớ không phải là khò khè thật sự (chẳng hạn amygdales, VA quá to, tắc mũi, hay bất thường vùng hầu họng khác, nhất là khi trẻ béo phì).

Và nếu trẻ thật sự khò khè, hen suyễn là bệnh hàng đầu phải loại trừ. Do vậy, việc khám chuyên khoa tai mũi họng, hô hấp nhi là cần thiết cho bé.      


Câu 24: Bác sĩ ơi, mùa đông đến thì có nên tắm cho bé không? Vì em vẫn tắm cho con cách 2 – 3 ngày/lần! Mỗi lần tắm chưa đến 5 phút, em thường nhỏ vài giọt tinh dầu tràm và 1 quả chanh vào nước tắm! Bà nội bé cứ bảo không được tắm? Theo bác sĩ em làm vậy được không? Mỗi lần tắm xong em lau khô người bé rất nhanh và có bôi cho con tí dầu tràm ở gan bàn chân lẫn ở cổ! Theo bác sĩ như vậy được không, nhất là khi mùa đông đang đến.

(Thao Nguyên Xanh – Vinh)

Bác sĩ Trần Anh Tuấn:

Chào bạn,

Trước tiên việc tắm rửa giữ vệ sinh cho trẻ là điều cần thiết. Nhưng tùy thuộc theo nhiệt độ bên ngoài mà chúng ta sẽ chọn cách tắm cho trẻ như thế nào. Cần tắm cho trẻ vào thời điểm ấm nhất trong ngày, ở nơi kín gió. Khi trời lạnh chỉ nên tắm từng phần trên cơ thể bé, lau khô ngay rồi mới tắm tiếp phần cơ thể khác


Câu 23: Bé nhà em được 8 tháng rồi, bé thỉnh thoảng lại khè khè đờm. Làm thế nào để giảm tình trạng đờm cổ cho bé ạ? Em cảm ơn.

(Mặt trời tí hon)

Bác sĩ Trần Anh Tuấn:

Chào bạn,

Trước hết chúng tôi xin nói rõ “đờm” là triệu chứng thường gặp của viêm đường hô hấp do nhiều nguyên nhân khác nhau, hoặc do nhiễm khuẩn (NKHH chẳng hạn) hoặc viêm do miễn dịch/dị ứng (như hen suyễn chẳng hạn). Vì vậy, bạn nên cho cháu đi khám chuyên khoa hô hấp nhi để xem là cháu có phải thật sự có đờm không? Nếu có thì do nguyên nhân gì? 


Câu 22: Bé em được gần 2 tuổi, lúc sinh cháu thiếu tháng, chỉ được 2,3 kg, phải nằm lồng kính 1 tuần nên giờ cháu rất hay bị viêm phế quản và viêm đường hô hấp trên. Cháu thường bị ho, sổ mũi, thở khò khè, ăn rất hay ói. Dù được thăm khám và uống thuốc đều nhưng vẫn rất lâu khỏi, có khi phải uống thuốc 1,5 tháng mới hết bệnh. Vừa hết bệnh mấy hôm lại lăn ra ốm tiếp. Cháu ăn rất được nhưng lại không tăng cân. Mong bác sĩ tư vấn, hướng dẫn cách phòng tránh và điều trị bệnh cho cháu. Em cảm ơn bác sĩ.

(Phượng Nguyễn – Vũng Tàu)

Bác sĩ Trần Anh Tuấn:

Chào bạn,

Trước tiên nếu thật sự trẻ thường bị khò khè bạn cần lưu ý ngay đến khả năng mắc bệnh hen suyễn. Bệnh này phải được điều trị đúng cách thì mới kiểm soát được tốt các triệu chứng, tránh tái phát,giúp trẻ phát triển bình thường. Do vậy, việc khám chuyên khoa hô hấp nhi là cần thiết với cháu.

Riêng về việc phòng ngừa nhiễm khuẩn hô hấp nói chung bạn có thể làm những việc sau:
-Nuôi dưỡng trẻ tốt để trẻ có tình trạng dinh dưỡng bình thường
-Cho trẻ dùng các nguyên tố vi lượng như: Kẽm, sắt, vitamin A theo hướng dẫn của thầy thuốc
-Giữ ấm cho trẻ khi trời trở lạnh, mặc quần áo thoáng mát khi trời nóng. Sử dụng quạt máy, máy điều hòa đúng cách.
-Giữ gìn nhà cửa sạch sẽ ngăn nắp, tránh khói bụi, đặc biệt là khói bếp.
-Tránh hít khói thuốc lá thụ động
-Không cho trẻ tiếp xúc gần gũi với người đang bị cảm ho khác
-Rửa tay sạch sẽ
-Chủng ngừa: Theo chương trình tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng tự nguyện nếu có điều kiện.


Câu 21: Bác sĩ ơi, con em gần 6 tháng rồi, mà bé hay khò khè lắm, hằng ngày em đều nhỏ nước muối sinh lý mà vẫn không giảm. Xin bác sĩ tư vấn dùm. Em cảm ơn bác sĩ nhiều.

(Van Pham – Tiền Giang)

Bác sĩ Trần Anh Tuấn:

Chào bạn,

“Khò khè”  là triệu chứng thường gặp của viêm đường hô hấp do nhiều nguyên nhân khác nhau, hoặc do nhiễm khuẩn (NKHH chẳng hạn) hoặc viêm do miễn dịch/dị ứng (như hen suyễn chẳng hạn). Nhiều bậc cha mẹ thường lo lắng về việc này và… cũng thường nhầm về triệu chứng này. Theo một nghiên cứu mà thế giới đã công bố, cha mẹ các cháu có thể nhầm lẫn đến gần 60% các trường hợp (!).

Trường hợp trẻ 6 tháng tuổi như con bạn, bạn nghĩ đến việc dùng nước muối sinh lý nhỏ mũi là rất đúng vì khả năng bị nghẹt mũi là có thật và phổ biến.Thật vậy, trẻ nhỏ thở chủ yếu bằng mũi và khi nghẹt mũi các cháu cũng thở “khụt khịt” tương tự như khò khè.  Anh chị hãy dùng nước muối sinh lý rửa cho bé nhưng sau đó phải hút sạch mũi cho bé, hoặc phải rửa mũi cho bé thật đúng phương pháp thì mới có kết quả. Nếu do nghẹt mũi, cháu sẽ thở dễ hơn. Nếu như bé thật sự khò khè và “cháu hay khò khè lắm”, bạn nên cho cháu đi khám chuyên khoa hô hấp nhi để xác định nguyên nhân. Và chúng ta đều biết: Điều trị chỉ có hiệu quả nếu điều trị đúng nguyên nhân.    


Câu 20Bé nhà mình 4 tháng tuổi, vừa rồi bị viêm tiểu phế quản đã khỏi. Mình chưa đi khám bác sỹ lại được, giờ bé không ho không sổ mũi nhưng mình có cảm giác trong họng bé có đờm, vậy phải làm thế nào bây giờ vậy bác sĩ? Xin cảm ơn.

(Đỗ Quyên – Hải Dương)

Bác sĩ Trần Anh Tuấn:

Trước tiên chúng tôi xin chúc mừng bạn là cháu đã khỏi viêm tiểu phế quản. Đờm là triệu chứng mà nhiều bậc cha mẹ băn khoăn, lo lắng nhưng để xác định cần phải có thăm khám đầy đủ của thầy thuốc. Thật vậy, theo một nguyên cứu trên thế giới đã công bố dến gần 60% cha mẹ nhận định không đúng về vấn đề này.


Câu 19: Bé nhà em được 20 tháng, bắt đầu từ khi cháu được 18 tháng, thời tiết thay đổi cháu hay bị ho và thở khò khè, đi khám bác sĩ bảo cháu bị viêm phế quản co thắt ạ. Cho em hỏi làm cách nào để bé không bị như vậy nữa mỗi khi thay đổi thời tiết?

(Ngọc Hoa Bùi – Hà Nội)

Bác sĩ Trần Anh Tuấn:

Nếu 1 em bé 18-20 tháng tuổi hay bị ho khò khè, “viêm phế quản co thắt” thì phải cảnh giác ngay đến khả năng sẽ bị hen. Bạn cần cho bé đi khám chuyên khoa hô hấp để được xác định chẩn đoán và có hướng phòng ngừa đúng mức. Thật vậy nếu trẻ bị hen chỉ cần có 3 lần bị khò khè trong 1 năm trở lên ngày nay đã có chỉ định phòng ngừa hen lâu dài. Khi được phòng ngừa hen đúng mức trẻ sẽ không có triệu chứng như bạn đã băn khoăn.


Câu 18: Bé nhà em được 8 tháng tuổi, tháng nào cũng bị ho, sổ mũi (không sốt). Hôm trước, tôi cho bé đi khám thì được bác sĩ khuyên uống 1 loại thuốc Đông y trị cảm dành cho trẻ em. Nhưng hôm sau khám bác sĩ khác thì lại bảo là trẻ con không được dùng thuốc Đông y. Nhờ bác sĩ tư vấn thêm.

(Thúy Lê)

Bác sĩ Trần Anh Tuấn:

Trong dân gian có nhiều bài thuốc nam điều trị triệu chứng an toàn và hiệu quả khi trẻ bị NKHHCT: Tắc chưng đường, hoa hồng bạch hấp đường phèn, tần dầy lá,… Các loại thuốc ho làm từ thảo dược an toàn và phù hợp với tuổi của trẻ được Bộ Y Tế và TCYTTG khuyên dùng.

Tuy nhiên, điều cần lưu ý chọn đúng loại thuốc có nguồn gốc, thành phần rõ ràng, an toàn và phù hợp với tuổi của trẻ.

Ngoài ra cần lưu ý là các bệnh nhiễm trùng thật sự (viêm phổi chẳng hạn), nhất thiết phải điều trị KS còn thuốc nam, đông y chỉ giúp điều trị triệu chứng chớ tự nó không thể điều trị khỏi bệnh được. 

Bên cạnh đó, trẻ mắc bệnh hen suyễn nên được thăm khám, đánh giá đúng mức để có điều trị bằng thuốc tây y đã được toàn thế giới chứng minh về tính hiệu quả và an toàn. Hiện không có một loại thuốc nam, bắc, đông dược nào có thể thật sự điều trị khỏi hẳn hen suyễn như điều đôi khi được quảng cáo.  


Câu 17: Chào bác sĩ và chương trình. Ở chỗ tôi ở thuộc vùng quê nên mỗi lần mưa xong là nước thường đọng lại mấy ngày. Trong khi đó cậu con trai 3 tuổi rất hiếu động, sáng  nào ngủ dậy cũng thích chạy nhảy ở những vũng nước và không chịu mặc quần áo dài tay. Tôi không biết như vậy bé có bị nhiễm lạnh và dễ bị bệnh về hô hấp không?

(Minh – Đà Nẵng)

Bác sĩ Trần Anh Tuấn:

Nhiễm lạnh đúng là điều kiện thuận lợi để dễ mắc NKHH, nhất là khi nhiễm lạnh đột ngột hoặc nhiễm lạnh kéo dài, và đặc biệt ở trẻ nhỏ.  


Câu 16: Làm thế nào để phân biệt giữa bệnh ho, sổ mũi thông thường do thời tiết và viêm hô hấp cấp, thưa bác sĩ. Con tôi 2 tuổi, hầu như quanh năm bị sổ mũi, nghẹt mũi nhưng tôi chỉ tăng cường cho cháu uống vitamin C và trái cây, cháu sẽ tự hết. Như vậy liệu có ảnh hưởng đến sức khỏe của cháu không, thưa bác sĩ?

(thanhthanh@gmail.com)

Bác sĩ Trần Anh Tuấn:

Ho, sổ mũi là 2 triệu chứng thường gặp của viêm hô hấp cấp. Thời tiết thay đổi, nhiễm lạnh là điều kiện thuận lợi để trẻ dễ bị viêm hô hấp này. Việc bạn đã làm cho trẻ khi chỉ bị ho cảm thông thường như trên là rất đúng


Câu 15: Bé nhà em 19 tháng rồi, rất hay bị viêm phế quản, đang điều trị hen phế quản, xịt dự phòng nhưng vẫn bị, làm sao để bé không bị nữa ạ?

(Trần Huyền – Hải Dương)

Bác sĩ Trần Anh Tuấn:

Điều trước tiên cần nói rõ là hiện thời trên thế giới chưa thể trị khỏi hẳn hen phế quản một lúc nhưng chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát được bệnh hen để trẻ không có triệu chứng và có thể phát triển sinh hoạt như bình thường.

Phòng ngừa hen bao gồm 2 việc chính:
– Phát hiện và tránh xa, loại trừ các yếu tố có thể làm khởi phát cơn hen. Việc này cần phải áp dụng cả đời. Khi thăm khám, các bác sĩ chuyên khoa có thể giúp bạn phát hiện và cách loại trừ các yếu tố này.
– Phòng ngừa bằng thuốc: Bạn cần cho bé tiếp tục xịt thuốc phòng ngừa theo hướng dẫn. Việc dùng thuốc này thường phải kéo dài nhiều tháng thậm chí hàng năm. Ngay cả khi trẻ khỏe, bạn cũng không nên tự ý giảm liều hay ngưng thuốc. Việc tái khám thường xuyên sẽ giúp theo dõi trẻ tốt hơn và các bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn cách duy trì, giảm liều hay ngưng thuốc khi có thể.


Câu 14: Con gái tôi được 2 tháng tuổi, mỗi khi cháu bị ho, thở khò khè thì được bác sĩ cho uống thuốc kháng sinh mạnh. Bác sĩ chẩn đoán cháu bị viêm phế quản và cho uống thuốc zinnat, cefimex. Nhưng tôi nghe nói đây là những loại kháng sinh mạnh. Như vậy, bé có bị kháng thuốc không, thưa bác sĩ? Xin cám ơn!

(Trúc Ly)

Bác sĩ Trần Anh Tuấn:

Nếu đúng là bệnh nhiễm trùng thì việc sử dụng kháng sinh là cần thiết để giúp trẻ khỏi bệnh. Việc điều trị kháng sinh đúng liều, đủ thời gian cần thiết sẽ giúp trẻ khỏi bệnh, tránh biến chứng, tránh tái phát và tránh hiện tượng vi trùng kháng thuốc do chúng đã được điều trị tiệt căn. 

Bạn có sự lo ngại chính đáng đến vấn đề vi trùng kháng thuốc nếu sử dụng kháng sinh không đúng, lạm dụng kháng sinh. Để tránh nguy cơ này, cần lưu ý đến một số điểm sau:

– Chỉ sử dụng kháng sinh khi thật sự là bệnh nhiễm khuẩn do vi trùng. Không nên lạm dụng kháng sinh, nhất là trong cảm ho, viêm hô hấp trên thông thường.  

– Khi phải dùng kháng sinh, cần dùng thuốc đúng liều, đúng thời gian cần thiết. 


Câu 13: Bé nhà em được 3 tháng 5 ngày vừa rồi bé bị sốt, mũi khụt khịt và ho, em cho bé đi khám thì bác sĩ chẩn đoán là viêm họng, bác sĩ kê đơn cho bé nhà em uống thuốc 3 ngày (gồm mekocefal 250mg, alphachymotrypsin, còn một thuốc nữa em quên mất tên rồi ạ) uống hết thuốc rồi mà bé vẫn chưa khỏi. Giờ bé hết ho rồi nhưng vẫn khụt khịt mũi và thỉnh thoảng còn thở khò khè nữa ạ. Cho em hỏi thêm nữa: bé nhà em vừa bú sữa mẹ vừa bú sữa ngoài (do em không đủ sữa) từ lúc mới sinh đến 2 tháng vẫn đi ngoài ngày 2 lần nhưng từ 2 tháng trở ra bé hay bị táo bón lắm ạ, có khi thì 2 ngày, 3, 4 ngày mới đi còn bây giờ thì 7 ngày rồi bé vẫn chưa đi được. Em đã ăn nhiều thức ăn có bổ sung chất xơ và pha sữa theo đúng chỉ dẫn rồi ạ. Xin bác sĩ tư vấn dùm, em cảm ơn nhiều!

(Nguyễn Hạnh – Bắc Giang)

Bác sĩ Trần Anh Tuấn:

Trường hợp của bé nghĩ nhiều đến khả năng bé chỉ bị viêm mũi họng đơn thuần gây ra tình trạng tắc mũi và đôi khi nhiều khi nhiều người vẫn nhầm với tiếng khò khè. Để giải quyết tình trạng này bạn có thể dùng nước muối sinh lý nhỏ mũi, sau đó hút sạch mũi nhiều lần cho bé. Nếu đúng là nghẹt mũi tiếng khụt khịt này sẽ giảm ngay. Còn nếu sau khi làm vệ sinh mũi cẩn thận trẻ vẫn còn thật sự khò khè, bạn nên cho trẻ đi khám bệnh ngay.

Ở trẻ 3 tháng như con bạn, tình trạng vài ngày mới đi cầu 1 lần nhưng phân không cứng thì không phải là bón thật sự.


Câu 12: Con gái tôi được gần 1 tuổi. Gần 1 tuần nay, ban ngày cháu thường bị ho, sổ mũi, tôi vệ sinh mũi bé bằng nước muối sinh lý nhưng không hết. Ban đêm lúc cháu ngủ thì bị nghẹt mũi, thi thoảng còn ho có khạc ra chút đàm. Tôi đã đưa cháu đi khám và uống thuốc nhiều lần nhưng thường tái diễn, nhất là khi trời lạnh, hay mưa. Bác sĩ cho tôi hỏi những triệu chứng này có nguy hiểm không? Phòng ngừa như thế nào?

(Thu Trang)

Bác sĩ Trần Anh Tuấn

Nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính có thể sẽ tự khỏi trong 10-14 ngày nếu trẻ được chăm sóc tốt. Vì vậy, nếu trẻ không có dấu hiệu bệnh nặng, không khó thở hay có gì đặc biệt khác bạn cũng nên “kiên nhẫn” nếu còn trong khoảng thời gian này.

Các triệu chứng bạn nêu không phải là những dấu hiệu nguy hiểm nhưng có thể làm bé khó chịu, khó ngủ. Bạn quan tâm đến việc làm vệ sinh mũi cho bé là rất đúng nhưng cần lưu ý phải thực hiện đúng cách thì hiệu quả mới cao. Ngoài ra, trong trường hợp con bạn, cũng nên lưu ý giữ ấm cho bé đúng mức khi ngủ, sử dụng máy điều hòa, quạt máy đúng cách.

Để phòng ngừa nhiễm khuẩn hô hấp nói chung, bạn có thể làm những việc sau:
– Nuôi dưỡng trẻ tốt, dinh dưỡng đầy đủ.
– Chủng ngừa đầy đủ.
– Uống Vitamin A, và các chất vi lượng (sắt, kẽm) theo hướng dẫn.
– Giữ cho trẻ thoáng mát khi trời nóng, ấm áp khi trời lạnh. Sử dụng quạt máy, máy điều hòa đúng cách.
– Tránh nơi ô nhiễm, khói bụi.
– Tránh cho trẻ gần gũi người đang cảm ho, tránh cho trẻ đến chỗ đông người khi đang có mùa dịch.
– Rửa tay: Trước và sau khi chăm sóc trẻ, trước và sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh.


Câu 11: Con trai tôi 2 tuổi, thường  bị ho, sổ mũi và đàm nhớt rất nhiều. Tôi định cho bé đi tập vật lý trị liệu lấy đàm nhớt nhưng chồng tôi lại phản đối vì cho rằng ho, khò khè là biểu hiện của hen suyễn, nếu làm cách này sẽ khiến bệnh nặng hơn. Vậy tôi phải làm thế nào? Khi nào tôi được tập vật lý trị liệu cho con, bài tập cụ thể và lợi ích như thế nào?

(Mẹ Su Bin)

Bác sĩ Trần Anh Tuấn:

Chào bạn,

Vật lý trị liệu (VLTL) 00000000004là một phương pháp điều trị hỗ trợ rất hiệu quả trong nhiều bệnh hô hấp. Tuy nhiên, có hai điểm mà chúng ta cần lưu ý như sau:

1. Đây chính là một biện pháp điều trị hỗ trợ, nên dù hiệu quả như thế nào đi chăng nữa, cũng không phải là biện pháp điều trị nguyên nhân. Hẳn mọi người đều dễ dàng thống nhất là điều trị đúng nguyên nhân bao giờ cũng hiệu quả hơn là chỉ điều trị triệu chứng hỗ trợ. Vì vậy, các cháu cần được bác sĩ thăm khám đầy đủ, xác định chính xác nguyên nhân để có được một hướng điều trị cụ thể, hiệu quả, phù hợp.          

2. Không phải khi nào trẻ mắc bệnh hô hấp cũng cần phải tập vật lý trị liệu hô hấp cả, ngay cả trong nhiều trường hợp trẻ thật sự có đàm. Trong trường hợp trẻ bị nhiễm khuẩn hô hấp đơn thuần, kể cả viêm phổi, viêm thanh khí phế quản, viêm tiểu phế quản không có biến chứng do ứ đọng đàm nhớt, cũng không nhất thiết phải cho trẻ tập VLTL nếu không có chỉ định của bác sĩ.

Chỉ định tập VLTL hô hấp khi có biến chứng hoặc được dự đoán là sẽ có biến chứng do ứ đọng đàm nhớt trong đường thở, chẳng hạn: 

– Ứ đọng đàm nhớt làm tắc nghẽn đường hô hấp, đặc biệt ở trẻ nhỏ (do trẻ không biết khạc đàm, ho không hiệu quả), trẻ phải nằm bất động lâu ngày.

– Trẻ mắc các bệnh mãn tính gây ứ đọng đàm nhớt (bại não, bệnh thần kinh – cơ, một số bệnh hô hấp mãn tính,…).

– Xẹp phổi do ứ đọng đàm nhớt.

– Sau phẫu thuật đặc biệt là phẫu thuật lồng ngực.  

Chồng bạn nói đúng khi cho rằng bệnh nhân hen suyễn, không phải lúc nào cũng nên tập vật lý trị liệu. Đặc biệt khi bệnh nhân đang lên cơn suyễn thì càng không nên tập vật lý trị liệu vì không hiệu quả và có khi lại làm nặng hơn tình trạng khó thở của trẻ.  


Câu 10: Bác sĩ cho em hỏi, con em mỗi lần vào mùa lạnh rất hay ho và chảy mũi, đặc biệt ho kéo dài hơn cả tuần. Có cách nào hạn chế những cơn ho kéo dài? Cảm ơn bác sĩ nhiều.

(Thanh Duy)

Bác sĩ Trần Anh Tuấn:

Chào bạn,

Mùa lạnh là thời điểm mà mọi người, đặc biệt là trẻ nhỏ dễ bị nhiễm khuẩn hô hấp gây ho sổ mũi như trường hợp của con bạn. Đa số các trường hợp này là do nhiễm virus và sẽ tự khỏi trong vòng 10-14 ngày. Vì vậy, bạn cũng không nên quá sốt ruột. Để tránh trẻ ho nhiều ảnh hưởng đến việc ăn uống, giấc ngủ, sinh hoạt của trẻ, bạn có thể dùng các loại thuốc ho nguồn gốc thảo dược an toàn mà dược sĩ có thể tư vấn cho bạn. Bạn cũng có thể sử dụng các bài thuốc dân gian như: Tắc chưng đường, tần dày lá, hoa hồng bạch hấp đường phèn, nước trà ấm loãng, mật ong cho trẻ. Cũng cần lưu ý đến việc giữ ấm trẻ đúng mức, làm vệ sinh mũi cho trẻ thường xuyên bằng cách dùng nước muối sinh lý nhỏ mũi.

Tuy nhiên, nếu trẻ ho trên 1 tuần mà chưa thấy thuyên giảm, bạn nên cho trẻ đi khám bệnh.


Câu 9: Các bệnh hô hấp có lây chéo không bác sĩ? Nếu con tôi được bác sĩ chuẩn đoán là viêm phổi, đang trong giai đoạn điều trị dần khỏi bệnh, liệu tôi có thể gửi bé ở nhà trẻ? Do vợ chồng tôi đều phải đi làm, không thể nghỉ ở nhà quá nhiều ngày để chăm cho cháu khỏi bệnh hoàn toàn. Nhờ bác sĩ tư vấn giúp.

(Ngọc Kiều)

Bác sĩ Trần Anh Tuấn:

Chào bạn,

Trên nguyên tắc các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp (cảm ho, viêm phổi, viêm phế quản,…) đều có khả năng lây, đặc biệt khi có sự tiếp xúc gần gũi. Tuy nhiên việc lây nhiều hay ít còn tùy tác nhân gây bệnh. Chẳng hạn cúm, sởi lây lan rất mạnh, cần cách ly người bệnh tuyệt đối. Trong khi các bệnh cảm ho thông thường thì ít lây hơn, nhất là không tiếp xúc gần gũi.

Cần lưu ý là bệnh hen suyễn, viêm mũi dị ứng thì hoàn toàn không lây tuy cũng là bệnh đường hô hấp.

Trong trường hợp viêm phổi, tốt nhất gia đình bạn nên chia nhau chăm sóc bé ở nhà cho đến khi khỏi hẳn.  


Câu 8: Mỗi khi tới mùa lạnh, sau khi con tôi (5 tuổi) bị bệnh hô hấp lại thường bị tiếp tiêu chảy. Tôi không hiểu, có phải bệnh hô hấp sẽ kéo theo triệu chứng tiêu chảy? Hay đây là hai trường hợp bệnh khác nhau, do hai nguyên nhân khác nhau gây ra?

(Mẹ bé Phong Lâm)

Bác sĩ Trần Anh Tuấn:

Chào bạn,

Nhiều loại virus, vi trùng ngoài khả năng gây bệnh đường hô hấp cũng đồng thời gây biểu hiện tiêu hóa như tiêu chảy, nôn ói,… Ngoài ra một số thuốc kháng sinh cũng có khả năng có tác dụng phụ trên đường tiêu hóa. 


Câu 7: Bé nhà em được 28 ngày, khi đặt bé nằm thì bé hít vào hay bị khò khè, hít vào là lại có tiếng rít. Em muốn hỏi bác sĩ con em như thế có bị ảnh hưởng đến hệ hô hấp không ạ? Em cảm ơn bác sĩ!

tu-van-truc-tuyen-bao-ve-he-ho-hap-cho-con-trong-mua-lanh

Bác sĩ Trần Anh Tuấn:

Chào bạn,

Nếu trẻ thực sự có tiếng rít khi hít vào cần phải lưu ý đến khả năng trẻ có bất thường đường hô hấp bẩm sinh (trong trường hợp này nhiều khả năng là mềm sụn thanh quản). Riêng về mềm sụn thanh quản tuy là dị tật bẩm sinh lành tính tự khỏi khi trẻ được 12-18 tháng tuổi nhưng những trẻ này cũng thường bị nhiễm trùng hô hấp (viêm phổi, viêm thanh quản,…) và khi bị cũng sẽ nặng hơn trẻ khác. Do vậy nhất thiết bạn nên cho trẻ đi khám chuyên khoa hô hấp nhi để xác định chẩn đoán và có hướng điều trị.


Câu 6: Tôi thấy một số mẹ khi có con bị sốt, ho một chút là vội đưa đi bệnh viện. Ngược lại, một số mẹ thì chờ vài hôm để theo dõi triệu chứng rõ ràng hơn của con mới quyết định có đưa đi bệnh viện hay không. Tôi không biết phải dựa vào dấu hiệu cụ thể nào để nhận biết tình trạng nguy hiểm của bệnh, phải lập tức đưa ngay vào bệnh viện, nhờ bác sĩ tư vấn giúp.

(Thu Trang)

Bác sĩ Trần Anh Tuấn:

Chào bạn,

Bạn nói đúng khi không phải cứ ho, sốt một chút là phải đưa bé đi bệnh viện ngay. Nhưng cũng không nên chỉ đưa bé đi khám khi bệnh đã quá nhiều, quá muộn!

Khi trẻ có ít nhất một trong các dấu hiệu nguy hiểm sau phải đưa đi cấp cứu ngay: Tím tái, ngủ li bì, khó đánh thức trẻ, bỏ bú/bú kém (trẻ bú ít hơn ½ lượng sữa bình thường) với trẻ dưới 2 tháng tuổi, không uống được (hoặc nôn tất cả mọi thứ) ở trẻ trên 2 tháng tuổi, co giật, thở có tiếng rít.

Khi trẻ có dấu hiệu khó thở cần đưa trẻ đi khám càng sớm càng tốt: Thở co lõm lồng ngực, thở nhanh, ho ra máu.

Ngoài ra, nên cho trẻ đi khám khi trẻ ho trên 1 tuần mà không giảm, trẻ sốt cao liên tục từ 2 ngày trở lên, trẻ ho/khò khè tái đi tái lại nhiều lần, ho khạc đàm đục – hôi. 


Câu 5: Khi trời lạnh thì con gái em (6 tháng) thường bị bệnh kèm các triệu chứng như: Ho, nghẹt mũi, có đờm nhiều. Vậy có cách nào làm giảm các triệu chứng này không? Bé 6 tháng tuổi có được uống thuốc kháng sinh không?

(Lệ Phương – TP.HCM)

Bác sĩ Trần Anh Tuấn

Khi trời trở lạnh mà trẻ bị nhiễm khuẩn hô hấp như con bạn thật tình cũng khó tránh. Để giảm các triệu chứng này, bạn có thể làm như sau:

– Giữ ấm cho bé đúng mức
– Thông thoáng mũi cho trẻ thường xuyên bằng nước muối sinh lý
– Có thể dùng các loại thuốc ho dân gian an toàn phù hợp với tuổi của bé: Tắc chưng đường, tần dày lá, hoa hồng bạch hấp đường phèn…

Kháng sinh vẫn có thể dùng cho trẻ nhỏ như con bạn nhưng phải đúng chỉ định và không được lạm dụng khi chỉ bị cảm ho thông thường.


Câu 4: Bé nhà em được 2,5 tuổi. Hệ hô hấp rất kém liên tục mắc viêm phế quản, viêm họng cấp viêm amidan cấp… Mùa đông cũng như mùa hè ốm 2-4 lần 1 tháng là chuyện thường. Bé nhanh nhẹn hiếu động nhận thức rất tốt, ăn ngoan và hấp thụ tốt. Hiện tại bé 19kg. Tuy nhiên em nhận thấy con quá nhiều mồ hôi, trời lạnh nhưng con vận động vẫn ra mồ hôi lưng nhiều và toàn ốm vì lí do đấy. Em muốn hỏi có cách nào kìm hãm bớt mồ hôi của con không, chứ cứ kéo dài như này em sốt ruột quá! Em cảm ơn rất nhiều ạ.

Bác sĩ Trần Anh Tuấn:

Đổ mồ hôi là vấn đề nhiều bậc cha mẹ thường lo lắng ở trẻ nhỏ. Nhưng đó là chuyện bình thường. Hoạt động bài tiết mồ hôi của trẻ thường chưa được quân bình như người lớn. Khi trẻ lớn lên hệ thần kinh chi phối hoạt động bài tiết mồ hôi này sẽ ổn định và tình trạng này sẽ bớt dần khi trẻ lớn. Bạn cần lưu ý không nên vì trẻ đổ mồ hôi nhiều mà cho nằm quạt máy, máy điều hòa quá mức. Điều này có khả năng sẽ làm trẻ dễ bị bệnh nhiễm khuẩn hô hấp như bạn ghi nhận. Cuối cùng, trẻ 2,5 tuổi cân nặng 19kg là có khả năng béo phì. Bạn cần cho trẻ đi khám chuyên khoa dinh dưỡng. Việc điều chỉnh chế độ ăn, giảm béo phì cũng sẽ giúp trẻ bớt đổ mồ hôi hơn.


Câu 3: Bé nhà em mùa lạnh dễ bị cảm, sổ mũi, ho. Những lần như vậy, mẹ em không cho đưa cháu đi bệnh viện mà ở nhà cho cháu uống mật ong chanh gừng do nhà tự ngâm và xịt mũi cho cháu. Rồi cháu cũng hết bệnh nhưng hơi lâu (khoảng 20 ngày cháu mới hết hẳn). Cho em hỏi, như vậy liệu có ảnh hưởng gì đến sức khỏe của cháu không? Bé nhà em năm nay 1 tuổi rưỡi. Cảm ơn BS.

(Nhã)

Bác sĩ Trần Anh Tuấn:

Mật ong chanh gừng là bài thuốc dân gian hiệu quả và an toàn có thế sử dụng khi trẻ chỉ bị cảm ho thông thường. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý chỉ nên chọn loại mật ong được sản xuất bởi nơi uy tín, rõ ràng. Tránh dùng mật ong nguyên chất, mật ong “rừng” cho trẻ nhỏ vì có khả năng lẫn lộn nhiều loại vi sinh vật, vi nấm có hại.


 Câu 2: Em nghe nói để vệ sinh mũi cho con khi bị bệnh hô hấp thì nên xịt thuốc muối sinh lý vào mũi cho bé, nhưng em chưa biết xịt rửa thế nào cho đúng cách, nhờ bác sĩ chỉ giúp? Ngoài ra, để phòng bệnh cho bé, mỗi ngày em đều xịt rửa mũi cho bé một lần (dù bé đang không bệnh) có được không bác sĩ?

(Mẹ bé Cherry)

Bác sĩ Trần Anh Tuấn:

Nhiều bậc phụ huynh vẫn sử dụng muối sinh lý để rửa mũi cho con hàng ngày dù con không bị ngạt, hay sổ mũi. Tuy nhiên, việc lạm dụng quá nhiều nước muối sinh lý sẽ không tốt cho trẻ.

Khi mũi đang ở trạng thái bình thường, nếu sử dụng thường xuyên nước muối sinh lý để làm sạch mũi sẽ làm mất đi lớp thảm nhầy bảo vệ mũi, mất đi chức năng bảo vệ mũi của lớp thảm này và gây tổn thương niêm mạc mũi. Điều này sẽ làm cho mũi lại càng hay bị viêm hơn.

Chỉ trong những trường hợp trẻ bị viêm mũi, có nước mũi trong, mũi đặc… thì mới nên dùng muối sinh lý rửa sạch trước khi nhỏ thuốc trị ngạt sẽ giúp thuốc có hiệu quả hơn. Vì thế, nếu trẻ không có dấu hiệu ngạt, sổ mũi thì không nên dùng.

Cách làm sạch mũi:

Đối với trẻ lớn các mẹ cần hướng dẫn trẻ tự xì mũi. Trẻ dùng ngón trỏ ấn vào cánh mũi bịt một bên mũi lại, xì thật sạch rồi lại đổi sang bên kia. Chú ý bảo đảm nguyên tắc vệ sinh

Cách rửa mũi bằng bình rửa mũi đúng cách:

Với trẻ lớn:

– Rửa tay sạch

– Rửa bình rửa mũi sạch.

– Cho nước muối sinh lý hoặc nước tinh khiết pha với gói muối có sẵn vào bình nước. Kiểm tra nút đậy và van (nếu có) của bình rửa mũi.

– Đứng đối diện với bồn rửa, người nghiêng về phía trước sao cho khi rửa nước chảy ra từ mũi chảy vào bồn. Đầu nghiêng nhẹ sang phải nếu rửa bên mũi trái và ngược lại đầu nghiêng nhẹ sang trái nếu rửa bên mũi phải.

– Đặt vòi rửa vào lỗ mũi thật khít, há miệng to để tránh nước lên lỗ tai khi rửa. Bóp nhẹ chai nước để dung dịch đi từ mũi bên này và đi ra lỗ bên kia.

– Hỉ mũi thật nhẹ nhàng để loại bỏ nhầy và dịch còn sót lại trong hố mũi, không nên hỉ mạnh vì hỉ mạnh nước sẽ lên tai giữa gây ù tai khó chịu và có thể viêm tai. Nếu nước và dịch nhầy vẫn còn ứ đọng trong hố mũi, bạn có thể tiếp tục rửa và sau đó nhẹ nhàng hít sâu vào bằng miệng và thở ra bằng mũi nhiều lần, dịch mũi và dịch nhầy sẽ đi ra hết.

– Rửa lại bình rửa mũi và để ở nơi khô ráo.

 Với trẻ nhỏ: 

Trong trường hợp mũi nước: Để lấy gỉ, nước mũi cho bé an toàn và hiệu quả có thể dùng bấc sâu kèn, thực hiện theo các bước sau:

– Trước khi làm sạch mũi cho bé, các mẹ phải rửa tay sạch bằng xà phòng để tránh nhiễm trùng cho con.

– Dùng khăn giấy sạch dai và mềm xếp dạng bấc sâu kèn. Một tay giữ trán, tay còn lại đưa bấc sâu kèn vào một bên mũi bé giữ cho đến khi thấm ướt giấy, thay bấc sâu kèn khác.

Trường hợp mũi khô cần nhỏ nước muối sinh lý (NaCl 0.9%), thực hiện  các bước như trên sau khi nhỏ nước muối sinh lý.


 Câu 1: Con tôi năm nay được 3 tuổi, bé từng mắc Tay – Chân – Miệng một lần, còn lại đều là những bệnh về hô hấp như viêm phổi, viêm phế quản, viêm tiểu phế quản. Nhà tôi ở TP.HCM, thời tiết cũng không lạnh lắm, tôi cũng hạn chế đưa bé ra ngoài khi ban đêm, không hiểu sao bé cứ mắc những căn bệnh về hô hấp? Nhờ bác sĩ giải thích dùm để tôi còn biết đường phòng tránh cho bé. Cảm ơn bác sĩ!

(Thanh Loan)

tu-van-truc-tuyen-bao-ve-he-ho-hap-cho-con-trong-mua-lanh

Bác sĩ Trần Anh Tuấn:

Hô hấp là hoạt động thiết yếu của cơ thể: Để sống chúng ta phải hít thở. Người ta có thể nhịn ăn, nhịn uống trong một thời gian dài nhưng chỉ có thể nhịn thở vài phút! Và trong quá trình hít thở này, chúng ta rất dễ hít phải nhiều chất có hại từ bên ngoài (vi trùng, vi rút, khí độc, và nhiều chất gây hại khác). Do vậy, bệnh hô hấp là bệnh phổ biến hàng đầu ở cả người lớn lẫn trẻ em.

Riêng trẻ em, do đường thở vừa ngắn vừa hẹp hơn, hệ thống cơ hô hấp yếu hơn, sức đề kháng ( miễn dịch) kém hơn, nên dễ mắc bệnh hô hấp hơn và khi mắc bệnh thường nặng hơn.

Những khi thời tiết thay đổi, trời trở lạnh, vào mùa mưa, các mầm bệnh (như vi trùng, virút), phát triển, sinh sôi thuận lợi, trong khi sức đề kháng của các cháu lại sút giảm trong điều kiện này. Và chính vì thế, đây là những thời điểm trẻ rất dễ mắc các bệnh đường hô hấp. 

Do vậy, 1 em bé dưới 5 tuổi dù được chăm sóc tốt hàng năm vẫn bị 5-8 lần NKHHCT. Con số này gấp đôi bệnh phổ biến hàng thứ hai ở trẻ em (tiêu chảy).  

Tags:

Bài viết liên quan