Mẹ và Con - Sau khi kiểm tra thính giác của trẻ, nếu ba mẹ có nghi ngờ về tình trạng sức khỏe của con, hãy lập tức đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám nhé!

Thính giác đóng vai trò rất quan trọng đối với cuộc sống của một người. Vì thế, để biết rõ về tình trạng thính giác của con để có cách xử lý phù hợp thật sự cần thiết. Vì thế, Tạp chí Mẹ và Con mách bạn cách kiểm tra thính giác của trẻ dưới đây. Ba mẹ áp dụng ngay nhé!

Vỗ tay – cách thứ nhất kiểm tra thính giác của trẻ

Khi thấy con đang nằm hoặc ngồi chơi một mình, bạn có thể đứng cách giường hoặc chỗ ngồi chơi của con (khuất phía bé không nhìn thấy bạn) và vỗ tay. Nếu bé không ngoái đầu nhìn lại, không nhận ra sự có mặt của bạn, nhất thiết bạn phải đặt câu hỏi là con đang quá mải chơi hay con có vấn đề về thính giác?

Lặp lại bài kiểm tra này vài lần, nếu bé vẫn không phát hiện ra bạn và không có phản ứng gì với tiếng vỗ tay, nên hỏi ngay bác sĩ.

Mở một giai điệu sôi động cho con nghe

Hầu hết các đứa trẻ đều có khả năng nhạc cảm rất cao (thích thú khi nghe giai điệu, thường nhún nhảy theo giai điệu, cố gắng múa tay chân theo bài hát…).

Nếu con bạn hầu như không có hoặc chỉ “phản ứng” rất ít khi bạn mở nhạc cho con nghe, hãy hết sức lưu tâm đến vấn đề này. Rất có thể trẻ đã gặp phải một vấn đề gì đó liên quan đến thính giác và không thể nghe rõ những giai điệu được. Bạn cần đưa bé đến các cơ sở y tế chuyên khoa để kiểm tra thính giác của trẻ.

kiểm tra thính giác của trẻ

Chú ý đến khả năng tập nói của bé

Trẻ trục trặc về thính giác sẽ dẫn đến trục trặc luôn về khả năng phát âm, ngôn ngữ (do không nghe được để bắt chước).

Nếu bạn nhận ra con rất chậm nói, không hề tỏ ra quan tâm đến những điều bạn nói, chỉ phát âm được rất ít từ thì nên đặt cho mình câu hỏi: Thính giác con có trục trặc gì không? Có nên kiểm tra thính giác của trẻ không? Nên biết, trẻ từ 8 tháng tuổi trở đi dù chưa nói được cũng đã tỏ ra rất quan tâm đến giọng nói của người thân nhé bạn.

Kiểm tra thính giác của trẻ qua việc học ở lớp

Nếu đến tuổi đi học mà con thường không theo kịp bài vở trên lớp, cảm thấy chật vật mới hiểu được bài giảng của cô, thường xuyên bị sai khi viết chính tả (do cô đọc hoặc mẹ đọc cho viết) nhưng lại viết đúng chính tả. Nếu là chính tả thuộc lòng, bạn nên hỏi ngay là con có nghe rõ khi cô giảng / cô đọc bài không. Đừng vội trách trẻ lười học, thiếu chăm chỉ vì nhiều trẻ lơ là chuyện học chỉ vì bé nghe không rõ.

Trẻ gặp khó khăn khi giao tiếp

Trẻ khó khăn để thực hiện một cuộc chuyện trò đơn giản qua điện thoại, không thích nghe điện thoại, thường xuyên là bạn hỏi một đằng trẻ nói một nẻo. Trẻ có dấu hiệu hay nghiêng đầu (nghểnh tai để nghe cho rõ hơn).

Ngoài ra, nếu trẻ than ù tai, đau tai, trẻ nói với bạn rằng có con gì trong tai của con hoặc hay cho ngón tay vào tai thì hãy lập tức đưa trẻ đến khoa Tai Mũi Họng. Rất có thể con bạn gặp vấn đề với đôi tai rồi đấy!

kiểm tra thính giác của trẻ

Những lưu ý khi tự kiểm tra thính giác của trẻ

  • Tuyệt đối không được tự ngoáy tai cho trẻ hay cho trẻ tự ngoáy tai bằng các vật nhọn.
  • Khi trẻ bị nước vào tai hoặc ngứa, chỉ cần lấy loại bông ngoáy tai lau nhẹ.
  • Không đẩy sâu bông ngoáy tai vào bên trong có thể dễ gây tổn thương cho màng nhĩ, khiến thính giác bị giảm sút.
  • Nếu trẻ bị ù tai, ngứa tai, cần đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa chứ không vì thế mà cố ngoáy tai cho con

Chú ý những triệu chứng này…

  • – Bé đau ở bên tai, nhất là khi nằm nghiêng đầu.
  • – Đường ống tai tấy đỏ có thể nhìn thấy bằng mắt thường.
  • – Tai bé chảy nước dịch.
  • – Bé ngứa nhiều trong tai, đòi mẹ gãi hoặc cố dùng ngón tay ngoáy vào.
  • – Bé đau tai kèm theo sốt, bỏ ăn.
  • – Có dấu hiệu lãng tai, khó khăn để nghe.

Khi bé có một hoặc nhiều trong các triệu chứng nói trên qua bài tự kiểm tra thính giác của trẻ, bạn cần đưa bé đến bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc nhỏ tai hay nghe theo các bài thuốc dân gian để nhỏ cho bé mà không có chỉ định của bác sĩ.

Bài viết liên quan