Mẹ&Con - Trào ngược dạ dày, nôn trớ ngay sau khi bé vừa bú xong là điều khiến nhiều bà mẹ phải đau đầu. Bao nhiêu công sức cố gắng cho con bú, con ăn, nhưng chỉ một động tác rướn người của bé là tất tần tật mọi thứ có thể… trả về như cũ hết! Mẹ cần làm gì khi con bị trào ngược? Để bé yêu hết tè dầm Giải mã tiếng khóc của trẻ

Có đáng ngại không?

Câu trả lời là: Có đấy! Nôn trớ vốn là hiện tượng thường gặp với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, khiến thức ăn trào ngược từ dạ dày qua miệng. Tuy nhiên, đừng vì thấy nó quá phổ biến, thường gặp nên mẹ có quyền lơ là luôn những lần nôn trớ của con. Thực chất nếu thỉnh thoảng bé trớ một lần thì không sao, nhưng tình trạng này cứ lặp đi lặp lại thì cần xem như là một bệnh lý, nếu không có hướng giải quyết, điều trị sẽ gây nguy hiểm cho chính thiên thần của bạn. 

giam-non-tro-cho-con

Mẹ lưu ý!

Để giảm trào ngược dạ dày, nôn trớ cho bé, mẹ hãy cho bé ăn lượng sữa vừa phải. Ngoài ra, tránh cho bé bú trong khoảng thời gian ngay trước khi đi ngủ. Bé cần được cho bú trước đó tối thiểu nửa tiếng đồng hồ.

Vài giờ sau sinh, em bé của bạn có thể nôn trớ ra chất nhầy hay lẫn chút máu, điều này được coi là bình thường bởi niêm mạc dạ dày bị kích thích do nuốt phải một số chất như nước ối, dịch âm đạo. Trong những tháng đầu đời, nếu bé có nôn trớ nhưng sức khỏe bình thường, ăn ngủ tốt thì không cần thiết phải quá lo. Tuy nhiên, sau 7 tháng tuổi thì trên lý thuyết là nôn trớ sinh lý sẽ không còn nữa. Nếu bé vẫn trớ, bạn cần quan tâm đến tư thế cho bé bú (nếu tư thế không đúng sẽ làm cho không khí trong dạ dày dâng lên cùng với sữa, trào ngược lên thực quản ra ngoài), quan tâm đến việc bé có bệnh gì không, có dị ứng với thực phẩm nào không…  

Đặc biệt, trong trường hợp bé đột nhiên nôn trớ nhiều, kèm theo sốt, cần nghĩ ngay đến các bệnh về tiêu hóa như nhiễm trùng dạ dày, ngộ độc thức ăn, hoặc các bệnh viêm màng nào, viêm ruột thừa, nhiễm khuẩn, nhiễm vi-rút… Một số trường hợp, bé không sốt nhưng nôn trớ thường xuyên, dai dẳng, mẹ nên nghĩ đến việc bé có thể bị hẹp môn vị, lồng ruột, rối loạn vận động dạ dày, thực quản, cơ thể không dung nạp được một số chất… Cần đưa bé đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt để được điều trị.

Các biện pháp hạn chế trớ sinh lý ở trẻ sơ sinh:

– Không cho bú dồn quá no mà chia ra cho bé bú nhiều lần trong ngày, mỗi lần một ít.

– Luôn cho bé bú bên ngực trái trước, sau đó mới chuyển sang ngực phải. Trình tự này giúp tư thế bé nằm sẽ đỡ trớ hơn.

– Đừng để bé khóc trong quá trình bú vì khi bé khóc sẽ nuốt nhiều hơi gây căng dạ dày.

– Nếu bé bú bình cần điều khiển cho núm vú bình sữa luôn đầy sữa.

– Khi bé bú xong, luôn bế bé cao đầu trong khoảng 20 phút, vỗ lưng cho bé ợ hơi, sau đó đặt nằm nghiêng bên trái và kê gối hơi cao.

– Tuyệt đối không đùa giỡn, đu đưa, tâng bé lên xuống sau khi bé mới bú xong.

Làm gì để con bớt trớ?

Để giảm bớt trào ngược dạ dày cho trẻ, bạn cần lưu ý không mặc quần áo cho con quá chật, nhất là khu vực quanh bụng trẻ. Quần áo của trẻ càng rộng rãi, thoải mái càng tốt. Khi cho con bú, mẹ có thể nới lỏng bớt phần lưng quần của bé. Ngoài ra, như đã nói ở trên, tư thế rất quan trọng. Mẹ không được cho bé bú vội vàng, dù bận rộn đến mấy. Cần thong thả dành thời gian cho bé bú từ từ, có thể tạm dừng nhiều lần rồi mới bú tiếp trong suốt cữ bú. Cũng không cần cho bé bú quá nhiều. Sau khi bé bú xong, cố gắng giữ cho bé thẳng người trong khoảng 20 phút mới có thể đảm bảo bé không bị trào ngược.

Trẻ bụ bẫm thường trớ nhiều hơn do hệ giao cảm hưng phấn, trương lực dạ dày cao hơn và ăn nhiều hơn.

Nếu đã làm hết những việc này mà bé vẫn bị nôn trớ, bạn cần kiểm tra lại hết tất cả các thực phẩm ngoài sữa mẹ đã cho bé “nạp” vào. Ví dụ nếu bé dùng sữa công thức thì có thể thử đổi sữa cho bé. Nhiều bé bị dị ứng với một số loại sữa nhất định (dù là sữa của các hãng danh tiếng, đắt tiền), khi đổi sữa lập tức giảm hẳn việc trào ngược. Để cẩn thận hơn, bạn có thể hỏi ý kiến của bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng trước khi thực hiện các thay đổi này.

Điều cuối cùng, bạn cần lưu ý là tuyệt đối không được tự ý sử dụng bất cứ loại thuốc chống nôn trớ nào nếu không có chỉ định của bác sĩ. Chỉ trong trường hợp đặc biệt, sau khi đã khám cho bé, bác sĩ mới yêu cầu sử dụng thuốc và chỉ dùng theo đúng liều lượng cho phép với sự theo dõi chặt chẽ của bác sĩ mà thôi…

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thành
(BV Đại học Y Dược)

Tags:

Bài viết liên quan