Mẹ và Con - Ba mẹ chưa biết cách tính chỉ số BMI trẻ em, nên khó khăn trong việc theo dõi sức khỏe con? Bài viết sau sẽ giúp ba mẹ một tay đấy!

Chỉ số BMI của trẻ em là chỉ số về tình trạng dinh dưỡng của trẻ. Chỉ số này dùng để kiểm tra xem sức khỏe và thể chất của bé đang đạt tiêu chuẩn hay là đang ở mức báo động.

Việc biết được cách tính chỉ số BMI và hiểu rõ ý nghĩa của kết quả đo sẽ giúp ba mẹ dễ dàng điều chỉnh được chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt cho con, giúp tăng cường sức khỏe và phát triển thể chất con một cách hoàn thiện nhất. Sau đây là cách tính chỉ số BMI trẻ em và những lưu ý để con có thể có được chỉ số BMI khỏe mạnh dành cho ba mẹ.

Chỉ số BMI trẻ em nói lên điều gì về sức khỏe của trẻ?

Chỉ số BMI trẻ em (Body mass index), còn được gọi là chỉ số khối cơ thể trẻ em, là một phép tính dựa theo số cân nặng (kg) và chiều cao (m) của trẻ. Chỉ số này sẽ xác định được cân nặng của trẻ đang ở mức chuẩn, nhẹ cân, thừa cân, hay là béo phì. Cụ thể, chỉ số BMI trẻ em sẽ giúp ba mẹ trả lời những câu hỏi sau:

  • Bé nhà mình có đang bị béo phì hay là thiếu cân hay không?
  • Cân nặng hiện tại của con có phù hợp với chiều cao hay không?
  • Con có nguy cơ gặp phải những bệnh lý mà liên quan đến tình trạng suy dinh dưỡng hoặc béo phì hay không?

chỉ số BMI trẻ em giúp mẹ nhận biết nhiều vấn đề sức khỏe của trẻ

Không giống người trưởng thành, chỉ số BMI trẻ em sẽ phụ thuộc nhiều vào giai đoạn trưởng thành và cả giới tính của các con. Vì nguyên nhân này, nếu muốn biết chỉ số BMI của con mình có đạt chuẩn hay không, ba mẹ nên đối chiếu kết quả chỉ số đo được với 1 biểu đồ tăng trưởng BMI trẻ em dựa trên độ tuổi chi tiết. Bảng chỉ số BMI cho trẻ em theo tuổi sẽ chia cụ thể các chỉ số theo độ tuổi và giới tính nên ba mẹ có thể lấy làm quy chuẩn.

Làm thế nào để tính được chỉ số BMI trẻ em đúng cách?

Sau đây là cách tính chỉ số BMI cho trẻ em theo tiêu chuẩn dễ dàng để ba mẹ có thể xác định được thể trạng cho con em mình:

Bước 1: Ba mẹ dựa theo công thức sau để tính chỉ số BMI cho trẻ:

Chỉ số BMI trẻ em = Cân nặng của trẻ (đơn vị kg) / Bình phương chiều cao của trẻ (đơn vị m^2)

Sau khi có kết quả đo chỉ số BMI, ba mẹ hãy so sánh chỉ số này lên một biểu đồ. Việc làm này là cần thiết để biết được trẻ có đang ở mức lý tưởng của bảng BMI hay không.

Bước 2: Là bước đánh giá thể trạng để biết được sức khỏe và dinh dưỡng của con dựa theo biểu đồ tăng trưởng tỷ lệ phần trăm của BMI trẻ em được xét theo độ tuổi cụ thể. Biểu đồ tăng trưởng này được sử dụng phổ biến trong việc tính ra kích thước và quan sát mô hình phát triển ở trẻ em và thanh thiếu niên.

Bách phân vị là chỉ số đo nói về vị trí của một đứa trẻ cụ thể khi đem so sánh với các đứa trẻ khác. Ở biểu đồ tăng trưởng, những bách phân vị này được minh họa bằng những hình vẽ đồ thị. Chúng ta có thể đọc kết quả từ chỉ số bách phân vị như sau:

  • Nếu chỉ số bách phân vị đạt mức “Sức khỏe dinh dưỡng tốt” thì bé đang có cân nặng khỏe mạnh.
  • Kết quả bách phân vị càng lớn tức là trẻ càng lớn khi so sánh với các đứa trẻ khác trong cùng độ tuổi và giới tính, về chiều cao và số cân.
  • Số phần trăm nhỏ nghĩa là trẻ cũng sẽ nhỏ hơn khi đối chiếu với các đứa trẻ cũng cùng một độ tuổi và giới tính.

Ví dụ: Một trẻ có bách phân vị thứ 5 được coi là nhẹ cân hơn 95% những bé khác ở chung độ tuổi và giới tính. Mặt khác, nếu phân vị bé là 90 có nghĩa là con nặng hơn 90% những bạn cùng độ tuổi và giới tính với mình.

Sau đây là biểu đồ về tăng trưởng bách phân vị (từ 2 tuổi – 20 tuổi):  Ví dụ cách tính chỉ số BMI trẻ em:

chỉ số BMI trẻ em cho trẻ 2 tuổi đến 20 tuổi

Lấy giả thuyết ba mẹ có con 10 tuổi với cân nặng 40kg, cao 1,5m thì chỉ số BMI trẻ em của con được tính như sau:

Bước 1: Áp dụng công thức để tính chỉ số BMI:

Chỉ số BMI = Cân nặng (kg) / Bình phương chiều cao (m^2) = 40/(1,5^2)= 17,78

Bước 2: Ba mẹ kẻ 1 cột xanh ở chỗ số 10 trên trục tuổi (nằm ngang dưới cùng). Sau đó, kẻ 1 cột tím ở số 17,78 trên trục BMI (dọc 2 bên). Điểm giao nhau của 2 đường kẻ (chấm tròn đỏ) là tình hình dinh dưỡng của bé nhà mình. Bé 10 tuổi và có bách phân vị 17,78 nằm ở vùng màu xanh nghĩa là con đang ở mức dinh dưỡng phù hợp.

cách tính chỉ số BMI trẻ em

Làm sao để từ chỉ số BMI biết được tình trạng sức khỏe của con?

Để biết chính xác chỉ số BMI của con có đạt chuẩn hay không, ba mẹ cần nhìn vào chỉ số phần trăm của biểu đồ:

  • Nếu chỉ số BMI trẻ em của con ở bách phân vị 5 – 85: Là khoảng lý tưởng nhất, tức là cân nặng và chiều cao con cân đối, sức khỏe tốt, ít nguy cơ bệnh tật.
  • Nếu chỉ số BMI trẻ em của con ở bách phân vị dưới 5: Con đang bị còi xương và suy dinh dưỡng, có nguy cơ gặp những bệnh lý như hạ huyết áp, loãng xương, nhiễm trùng, khô tóc, khô da,…
  • Nếu chỉ số BMI trẻ em của con ở bách phân vị từ 85 – 95: Con đang bị thừa cân, khó vận động, dễ bị béo phì và nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch nếu không điều chỉnh lại chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt.
  • Nếu chỉ số BMI trẻ em của con có bách phân vị trên 95: Con bị béo phì, có thể gặp các căn bệnh nguy hiểm như: Rối loạn lipid máu, bệnh mạch vành, đái tháo đường, cao huyết áp, sỏi mật, gan nhiễm mỡ, táo bón,… Mỡ càng tích tụ nhiều tại cơ hoành, chức năng hô hấp con càng giảm, gây khó thở.

Lưu ý:

  • BMI không được coi là thang đo chính lượng mỡ của cơ thể. Trẻ em có chỉ số BMI cao hay thấp còn phụ thuộc vào khung người lớn hay nhỏ, nhiều cơ bắp hay không, không hẳn là do lượng mỡ quyết định hết. Nếu khung xương nhỏ thì chỉ số BMI của con vẫn đạt mức tốt nhưng không loại bỏ khả năng là con có nhiều mỡ trong cơ thể.
  • Chỉ số BMI trẻ em kém chính xác khi con bước vào tuổi dậy thì. Giai đoạn này, con sẽ phát triển nhiều nên cân nặng sẽ tăng, chỉ số BMI cũng tăng theo. Lúc này, có thể cần tới sự theo dõi của bác sĩ để xem chỉ số BMI tăng là bình thường do con đang phát triển hay bất ổn vì một lý do đáng ngại nào đó.

Những cách để giữ cho chỉ số BMI trẻ em của con luôn ở mức tốt

Nhằm giữ chỉ số BMI của con ở khoảng lý tưởng, ba mẹ cần thực hiện những điều sau:

  • Cho con tập thể dục tối thiểu 15 – 30 phút mỗi ngày.
  • Giảm thức ăn dầu mỡ, chiên xào, chế biến sẵn, đồ uống có gas, cà phê, trà,…
  • Khuyến khích con tham gia một vài khóa học thể thao như: Bơi lội, cầu lông, bóng đá, bóng rổ,…
  • Lập một chế độ ăn uống đủ chất và chứa nhiều rau xanh nhưng ba mẹ cần đảm bảo lượng calo mà con nạp vào ít hơn lượng calo mà con sử dụng hằng ngày nhé!
  • Đưa con đi khám sức khỏe 6 tháng/ lần, đặc biệt là khám dinh dưỡng cho bé. Đồng thời, ba mẹ cần nắm rõ cân nặng, chiều cao của con để biết chỉ số BMI đang ở mức độ nào để điều chỉnh cho phù hợp.

theo dõi chỉ số BMI trẻ em và dắt trẻ đi khám sức khỏe định kỳ

Trên đây là cách tính và ý nghĩa chỉ số BMI trẻ em nhằm giúp ba mẹ có thể theo dõi tình trạng sức khỏe của con. Và để con luôn giữ được mức BMI khỏe mạnh, ba mẹ hãy xây dựng một lối sống lành mạnh gồm chế độ dinh dưỡng đầy đủ và vận động thường xuyên nhé!

Bài viết liên quan