Mẹ&Con - Trẻ mới 5 tuổi, đang tuổi chơi, đang tuổi hãy còn chưa quen với tất cả những “khuôn khổ” của trường tiểu học thì đã được ba mẹ ép cho… học chữ, học toán, học tất cả những gì mà năm sau trẻ sẽ phải… học lại từ đầu. Nghe thật trái khoáy và nghịch lý, thế nhưng tiếc thay sự trái khoáy và nghịch lý đấy đang lan tràn trong xã hội như một cơn sóng dữ. Bé bị xáo trộn nhịp sinh học dịp cuối năm Con lười học vì mê hát Trẻ đuối vì học quá tải

“Không học trước, con tui… chót lớp làm sao?

Cần khẳng định rằng, không hề có thầy cô nào, lớp nào khuyến khích chuyện này. Không chuyên viên tâm lý nào hay nhà nghiên cứu nào cho rằng học trước là có lợi. Thế nhưng, phụ huynh thì vẫn ồ ạt cho con học trước. Trẻ mới lên lớp lá đã được ba mẹ sắp xếp tìm lớp cho… học thêm để nắm bắt tất tần tật những thứ mà một học sinh lớp Một (chính xác là trẻ năm sau) phải học.

“Thấy thằng nhỏ chậm lắm, tôi đâm lo. Cứ sợ vô trường tiểu học thầy cô dạy chữ nó không theo kịp thì sẽ thiệt thòi, rồi học không bằng người ta, bị học sinh kém thành nếp quen. Những năm sau, con mình cứ thế thua hoài luôn. Chính vì vậy, tôi mới kiếm lớp cho con học trước.

Mà đâu phải mình tôi? Hỏi ra thấy ai có con học lớp lá cũng bắt đầu cho học chữ hết trơn. Có đứa còn đọc được sách tập đọc… lớp Hai luôn đó. Con mình mà không học thì chót lớp là cái chắc”. – Một bà mẹ chia sẻ.

Học lớp một khi còn đang là… lớp lá có thực sự tốt? 5

Học lớp một khi còn đang là… lớp lá có thực sự tốt không? (Ảnh minh họa)

Một cô Phó trưởng phòng Giáo dục Quận 5 cho biết: “Nỗi lo của bậc phụ huynh kể trên không hề là cá biệt. Một tỷ lệ rất lớn trẻ mới 5 tuổi “được” cha mẹ cho học trước chương trình để yên tâm. Tuy nhiên, về phía phòng Giáo dục và các trường thì đều có hoạt động tư vấn, giải đáp thắc mắc cho phụ huynh yên tâm, nhằm hạn chế bớt việc làm “phi giáo dục” này.

“Chúng tôi làm việc rất kỹ với giáo viên cấp 1, để đảm bảo dạy theo đúng chương trình. Phụ huynh cứ yên tâm, cho con vui chơi thoải mái trong hè. Đầu tháng 8, sẽ có hai tuần cho trẻ làm quen với trường lớp và không khí học tập ở lớp 1. Trẻ hoàn toàn không cần học trước để làm gì”.

Bên cạnh các thầy cô, thì nhiều bác sĩ nhi khoa và chuyên gia tâm lý cũng khuyến cáo không nên cho trẻ đi học sớm trước tuổi, vì điều này sẽ ảnh hưởng tới tâm sinh lý của trẻ.

Tiến sĩ tâm lý Trịnh Gia Hiền cho biết: “Người làm giáo dục đã nghiên cứu rất kĩ mới cho ra chương trình học phù hợp với từng độ tuổi. Bắt một đứa trẻ 5 tuổi học chương trình… vượt cấp là cố tình tạo cho trẻ sức ép về tâm lý rất có hại. Nếu trẻ thuộc dạng thần kinh yếu , thì sức ép này có thể gây nên rối loạn về sức khỏe tâm thần sau này.

Phụ huynh hãy hình dung thêm là khi bị học trước như vậy, năm sau đi học, ngồi trong lớp nghe cô nói những điều y chang, trẻ sẽ thế nào? Chắc chắn trẻ sẽ thấy chán, mệt, không thích thú nghe… Chưa kể nếu những điều trẻ học trước ở nhà không trùng khớp với những điều cô giáo lớp Một dạy thì trẻ sẽ cảm thấy tự mâu thuẫn, không biết nghe ai, càng dễ phạm phải những lỗi sai khó sửa!”.

Hãy giữ cho con “Ấn tượng đầu tiên” đẹp nhất về lớp Một

Thực tế cho thấy, việc cho trẻ học trước chương trình chỉ là một việc làm lợi bất cập hại. Trẻ có thể “vượt trước” trong vài tuần đầu tiên, vài tháng đầu tiên khi tỏ ra “cái gì cũng biết” so với bạn bè. Nhưng điều này không ích gì cho trẻ.

Một phụ huynh khác có con đang học lớp Hai tại một trường tiểu học trên địa bàn Tp.HCM thú thật: “Tôi đã từng cho con mình học chương trình lớp Một, ngay khi con 5 tuổi. Cháu vào lớp Một với hành trang là khả năng… đọc ro ro hết các bài tập đọc của lớp Một, làm được hết các phép tính đơn giản. Thế nhưng điều này đã không hề giúp ích gì cho cháu.

Cô giáo khi nhận ra cháu đã biết chữ rồi thì ít quan tâm đến cháu hơn hẳn, hầu như không gọi khi cháu đưa tay phát biểu. Thay vào đó, cô dành nhiều sự quan tâm hơn cho các bé chưa biết gì, khuyến khích động viên các cháu khác nhiều hơn. Lúc này thì con tôi bắt đầu rơi vào cảm giác như bị… ra rìa. Nó chán học dần, sau hai tháng thì không chịu đến lớp nữa, đến nỗi tôi phải nài nỉ, đe dọa con đi học. Từ đó về sau, dịp hè tôi nhất định hứa với lòng mình là chỉ cho con được nghỉ ngơi, vui chơi chứ không ép con học trước chương trình.

Nghĩ lại thấy mình thật dại. Mình là người lớn mà nếu mất cả năm trời học lại những thứ chính mình đã học trước đó, mình còn ngán. Huống hồ chỉ là một đứa trẻ? Cho trẻ học trước chương trình không khác nào tự mình tước đi niềm say mê, ham học ở con”.

Học lớp một khi còn đang là… lớp lá có thực sự tốt? 6

 

Tình trạng trẻ “gồng mình” học trước chương trình khá phổ biến ở đất nước ta. (Ảnh minh họa)

Cho con học trước chương trình? Điều này không chỉ gây ảnh hưởng đến trẻ, làm mất đi những ngày tháng hồn nhiên vui tươi của trẻ mà còn tạo ta không ít “sức ép” cho chính gia đình. Một giáo viên cho biết: “Học phí cho trẻ đi học thêm trước chương trình như vậy không hề rẻ. Tôi biết có nơi, trẻ 5 tuổi đã học tuần 2 – 3 buổi với mức học phí lên tới 1 triệu đồng/ tháng.

Không hiểu phụ huynh cứ gồng mình cho con đi học để làm gì, để rồi sau đấy than thở là sao mà học hành… tốn kém quá? Chưa kể, không phải giáo viên dạy thêm nào cũng dạy đúng phương pháp sư phạm. Có những cháu mang tiếng học trước, nhưng khi vào lớp Một cầm bút sai, ngồi tư thế sai, viết nét sai. Sửa thì cháu hoang mang, không biết… tin ai. Và sửa một cháu đã bị dạy sai thực sự mất thời gian hơn nhiều so với hướng dẫn một cháu chưa biết gì cái đúng”.

Hãy giữ cho trẻ những ấn tượng trong sáng nhất, háo hức nhất về lớp Một. Đó là điều mà ngành Giáo dục và các bác sĩ, các chuyên viên tâm lý đang lên tiếng. Phụ huynh không nên “rượt đuổi” chương trình, đặt nặng lên vai con trẻ, rút ngắn tuổi thơ của con hòng mong chúng… vượt trội hơn người khác.

Thực tế cho thấy, ở những nước tiên tiến trên thế giới, chương trình học các cấp học dưới của trẻ bao giờ cũng rất thoải mái, tự nhiên. Trẻ được khuyến khích vận động nhiều, vui chơi nhiều, học không áp lực và không cần tâm lý “đua chen”.

Tuy nhiên nếu chỉ cần đọc báo, nghe đài hay tìm ít thông tin trên mạng hẳn phụ huynh cũng nhận ra rằng khi bước vào cổng trường Đại học, thì chính những thanh niên có tuổi thơ “chơi nhiều, học ít áp lực, chẳng bao giờ phải học trước” này lại chính là những bạn trẻ tự tin, mạnh dạn, sáng tạo, thông minh và đạt kết quả bứt phá vượt trội trong giai đoạn Đại học, cũng như khi bước vào đời đấy, ba mẹ ạ.

Tags:

Bài viết liên quan