Mẹ và Con - Trẻ sơ sinh sổ mũi có thể khiến trẻ mệt mỏi, quấy khóc, chán ăn, mất ngủ, sụt cân,.... Lúc này, bố mẹ cần chăm sóc trẻ đúng cách để trẻ mau phục hồi hơn.

Trẻ nhỏ có sức đề kháng yếu nên dễ mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp trên gây sổ mũi hắt hơi, đặc biệt là trong thời điểm đông – xuân giao mùa.

Nếu không điều trị kịp thời và đúng cách, tình trạng trẻ sơ sinh sổ mũi có thể diễn biến nặng thành chứng viêm xoang, viêm phế quản, viêm phổi….Dưới đây là những mẹo nhỏ giúp các mẹ xử lý tình trạng sổ mũi ở trẻ sơ sinh.

Nguyên nhân trẻ sơ sinh sổ mũi phổ biến nhất

Trẻ sơ sinh sổ mũi do cảm lạnh

Do hệ thống miễn dịch của trẻ sơ sinh còn yếu nên bệnh cảm lạnh và cảm cúm khá phổ biến trong những năm đầu đời. Trẻ sơ sinh sổ mũi và nghẹt mũi là hai triệu chứng thông thường của cảm lạnh. Ngoài ra còn có một số dấu hiệu nhận biết như: 

  • Bé bị sổ mũi và thường là màu trong
  • Ho, sốt và đau họng
  • Gặp khó khăn khi bú

Không khí khô

Không khí khô hanh do thời tiết hoặc nhiệt độ điều hòa có thể khiến niêm mạc mũi của bé bị kích ứng, làm khô dịch tiết tự nhiên trong mũi và gây ra tình trạng khó thở. Nếu trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi nhưng không chảy nước mũi thì đó là dấu hiệu không khí khô ảnh hưởng tới hô hấp trên của con. 

Nguyên nhân trẻ sơ sinh sổ mũi

Trẻ sơ sinh sổ mũi do chất gây dị ứng

Phấn hoa, nấm mốc, lông động vật, khói thuốc lá hay bụi đều là những tác nhân dị ứng gây kích ứng niêm mạc. Những chất này gây tình trạng viêm mũi dị ứng và sổ mũi ở trẻ sơ sinh. Dấu hiệu nhận biết trẻ tiếp xúc với chất gây dị ứng gồm: 

  • Bé hắt hơi nhiều
  • Bé vẫn khỏe mạnh nhưng thở ồn ào
  • Chảy nước mũi trong
  • Đối với trường hợp dị ứng do sữa (được đưa lên mũi khi trẻ bị ọc sữa), bé có thể nôn mửa, bụng đầy hơi, trẻ tiêu chảy, đôi khi phân có đàm và máu.

Làm thế nào khi trẻ bị chảy nước mũi?

Trẻ sơ sinh sổ mũi không phải là bệnh quá nghiêm trọng nhưng cần can thiệp sớm, ngay từ khi có những dấu hiệu ban đầu để bệnh không tiến triển xấu. Vậy khi trẻ sổ mũi thì mẹ cần làm gì? 

Dùng nước muối sinh lý

Trường hợp trẻ sơ sinh sổ mũi mà nước mũi của trẻ có màu trắng trong, bạn chỉ cần nhỏ nước muối 0,9% mỗi ngày 4 – 5 lần, mỗi bên mũi 3 – 4 giọt. 

Hướng dẫn nhỏ mũi cho trẻ:

  • Trước khi nhỏ mũi, ngâm lọ nước muối vào nước ấm
  • Để bé nằm ngửa, đầu ngửa nhẹ ra sau sao cho đầu thấp hơn chân
  • Nhỏ nước muối sinh lý đã được làm ấm vào từng bên mũi. Với trẻ dưới 1 tuổi chỉ nhỏ 2 – 3 giọt.
  • Đợi khoảng 30 giây để nước muối thấm vào làm loãng chất nhầy bên trong hốc mũi;
  • Làm sạch hốc mũi: Vì là trẻ sơ sinh không xì mũi được nên ba mẹ cần dùng dụng cụ chuyên dụng để hút phần đờm bên trong hốc mũi
  • Vệ sinh dụng cụ hút mũi
  • Thực hiện việc nhỏ mũi và hút mũi cho trẻ mỗi ngày 4 lần hoặc hơn cho tới khi bé không còn dấu hiệu nghẹt mũi, sổ mũi.

Lưu ý: Nếu nước mũi của bé chuyển sang màu vàng xanh thì bạn nên đưa trẻ đi khám bác sĩ chuyên khoa tai – mũi – họng để xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh và mức độ bệnh để có phương pháp điều trị phù hợp. 

trẻ sơ sinh sổ mũi

Massage mũi và cho ngủ nghiêng 1 bên

Nếu trẻ bị nghẹt mũi trái thì để bé nằm nghiêng về bên phải và ngược lại. Sau đó, dùng ngón trỏ bấm vào hai bên cánh mũi, day day nhẹ, ngày làm 3-4 lần. Hoặc đơn giản hơn thì mẹ chỉ cần dùng ngón cái và ngón trỏ vuốt nhẹ nhàng lên sát hai bên sống mũi, thực hiện vài lần trong ngày.

Thoa dầu giữ ấm vào lòng bàn chân

Khi chăm sóc trẻ sơ sinh sổ mũi, ba mẹ có thể dùng dầu tràm hoặc khuynh diệp để giữ ấm lòng bàn chân bé. Massage lòng bàn chân trẻ với dầu tầm 1 phút mỗi bên và đi tất để giữ ấm. Sau đó, có thể tiếp tục xoa vào ngực, bụng hoặc sau lưng để giúp bé ấm lên và chứng sổ mũi cũng nhanh hết.

Kê cao gối trong lúc bé ngủ

Vì chất nhầy còn tồn tại trong mũi khi ngủ có thể chảy ngược vào cổ họng khiến bé khó thở và đau họng. Do đó, khi trẻ sơ sinh sổ mũi, mẹ nên cho bé gối đầu bằng khăn hoặc gối mỏng.

Điều này sẽ giúp nước mũi chảy ra ngoài để bé dễ thở, không quấy khóc vào ban đêm cũng như mẹ dễ làm sạch mũi cho bé hơn. Lưu ý, mẹ có thể kê hẳn phần vai của bé lên gối để tránh con bị mỏi cổ. 

Làm gì khi trẻ bị chảy nước mũi

3 sai lầm khi chữa sổ mũi ở trẻ sơ sinh

Nhỏ nước muối sinh lý cho bé quá nhiều

Nhiều ba mẹ nhỏ nước muối sinh lý cho trẻ mỗi ngày, kể cả khi bé khỏe mạnh. Điều này là không cần thiết bởi vì thông thường mũi có cơ chế tự làm sạch. Việc rửa mũi thường xuyên sẽ làm mất đi chất nhầy tự nhiên do mũi bé tự tiết ra, chất này giúp làm ấm và ngăn chặn bụi bẩn trong khoang mũi.

Nước muối sinh lý phát huy tác dụng tốt nhất khi trẻ sơ sinh sổ mũi hoặc trẻ vừa chơi bên ngoài môi trường bụi bặm về. Nói chung, ba mẹ chỉ nên xịt hoặc rửa mũi 3-4 lần/ ngày với nước muối sinh lý cho trẻ sơ sinh sổ mũi.

Hút mũi cho bé bằng miệng

Dùng miệng trực tiếp hút chất nhầy cho trẻ sơ sinh là phương pháp ba mẹ tuyệt đối không nên áp dụng vì có thể gây tổn thương cho mũi trẻ. Theo đó, vi khuẩn trong miệng của ba hoặc mẹ sẽ lây sang cho con, làm tăng tình trạng nhiễm khuẩn của trẻ. Tốt nhất nên sử dụng dụng cụ chuyên dụng để hút mũi cho trẻ sơ sinh.

chữa sổ mũi ở trẻ sơ sinh

Trị sổ mũi cho trẻ sơ sinh bằng tỏi

Khi trẻ sơ sinh sổ mũi, nhiều mẹ trộn nước ép tỏi với nước muối sinh lý và nhỏ vào mũi bé. Tỏi có chứa chất sunfua, nhiều axit amin, các muối khoáng nhưgermani, selen, kẽm và vitamin A, B, C. Theo đó, khi nhỏ nước ép tỏi vào mũi trẻ sơ sinh có thể dẫn tới tình trạng nóng viêm mạc, gây kích ứng mạnh cho mũi trẻ. Ba mẹ tuyệt đối không dùng nước ép tỏi hay hành (dù là lượng nhỏ) để trị sổ mũi cho trẻ sơ sinh nhé!

Trẻ sơ sinh sổ mũi có nên tắm không?

Trẻ sơ sinh sổ mũi vẫn có thể tắm nhưng cần thực hiện đúng cách. Không cho bé tắm vào buổi tối muộn, tắm bằng nước lạnh trong thời gian lâu. Ngoài ra, cũng có một số lưu ý khi muốn tắm cho trẻ sơ sinh sổ mũi, cụ thể gồm:

  • Thời gian: buổi sáng sau 9h30 và buổi chiều trước 4h30
  • Nước ấm khoảng 37 độ C
  • Phòng tắm phải kín gió
  • Chỉ nên tắm cho trẻ trong 5-6 phút
  • Sau khi tắm xong, phải lau khô người và chuẩn bị sẵn quần áo để mặc ngay cho bé

Trẻ sơ sinh sổ mũi có nên tắm không

Cách phòng tránh sổ mũi ở trẻ sơ sinh

  • Chế độ dinh dưỡng: Trẻ sơ sinh thường bú sữa mẹ hoàn toàn, vì thế mẹ cần bổ sung 4 nhóm chất dinh dưỡng cần thiết. Ngoài ra, mẹ có thể uống nước cam để tăng sức đề kháng cho bé
  • Vệ sinh nơi ở: Các tác nhân môi trường xung quanh cũng có thể là nguyên nhân gây sổ mũi cho trẻ sơ sinh. Do đó, cần chú ý hút bụi thường xuyên, làm ẩm không khí trong phòng, không để thú cưng tiếp xúc gần bé…
  • Làm sạch máy lạnh định kỳ: Cần làm sạch máy lạnh định kỳ để đảm bảo không khí sạch đối với trẻ.
  • Giữ cho nhiệt độ môi trường xung quanh bé luôn ổn định, tránh tình trạng nhiệt độ tăng giảm đột ngột.

Việc trẻ sơ sinh sổ mũi không phải vấn đề quá nghiêm trọng nếu ba mẹ nắm chắc những thông tin cần thiết về triệu chứng, phương pháp xử lý cũng như phòng tránh. Nếu tình trạng sổ mũi ở trẻ kéo dài nhiều ngày mà không thuyên giảm thì nên đưa trẻ đi khám bác sĩ chuyên khoa để được phát hiện và điều trị kịp thời. 

Bài viết liên quan