Mẹ&Con – Cầm que thử hai vạch, tôi suýt hét lên vì mừng. Tôi nghĩ, thế là mình đã có được cách để giữ chân anh, để chính thức “buộc” gia đình anh chấp nhận.

Nhưng tôi quả là ngây thơ khi nghĩ như thế. Trở thành một bà mẹ khi còn chưa kịp tốt nghiệp đại học, những người trong gia đình chồng sẵn lòng chấp nhận con tôi, nhưng lại… từ chối chấp nhận tôi.

Tôi “âm mưu” có con vì mong được trở thành vợ anh

Tôi yêu anh. Khẳng định ngay rằng như thế. Là một cô gái xinh xắn, có học, nhiều người theo đuổi, nhưng tôi “chết” anh ngay từ cái nhìn đầu tiên. Anh hội tụ đầy đủ tất cả những gì tôi ước mơ: đẹp trai, con nhà giàu, công ăn việc làm ổn định, giỏi giang và có sự nghiệp của riêng mình.

Tôi mừng thầm vì anh để ý đến tôi. Chúng tôi nhanh chóng bị cuốn vào nhau, có những tháng ngày êm đềm như mật ngọt. Nhưng tôi dần nhận ra, người tôi yêu vì có quá nhiều ưu điểm như thế nên đương nhiên anh cũng là “đối tượng” khiến nhiều cô gái khác nhăm nhe, mong có được. Một điểm “yếu” khác ở anh là dường như hiểu được những lợi thế của mình, anh tự cho phép mình khá lăng nhăng. Yêu tôi say đắm, nhưng anh vẫn dễ dàng “rung động” với một em gái nào khác trẻ trung, xinh xắn chẳng kém tôi.

> 5 cách hâm nóng tình yêu ngay khi chuyện tình cảm nguội lạnh

Sợ mất anh, tôi âm thầm dự liệu một “âm mưu” của riêng mình. Tôi biết, nếu giờ này mà tôi nhắc đến chuyện kết hôn, một trăm lẻ một phần trăm là anh… từ chối. Ở tuổi của anh, với bao nhiêu “em” xinh đẹp vây quanh, chẳng ai “dại” để vội “mang gông vào cổ”. Yêu thì anh chịu yêu nhưng kết hôn thì chưa thể. Thêm vào đó, nói thật, tôi cũng đâu phải “ứng viên xuất sắc nhất” để hy vọng anh sẽ lập tức chọn tôi làm vợ mà không đắn đo nghĩ đến thêm vài phương án sơ cua.

Nghĩ tới nghĩ lui, tôi quyết định âm thầm… thả. Tôi muốn có thai với anh. Một gia đình như anh, với anh là con một, chắc chắn nếu tôi mang thai, họ sẽ không thể ruồng rẫy mẹ con tôi được. Đứa bé mang huyết thống của anh chắc chắn được đón nhận. Và sẽ tốt hơn nữa nếu đó là con trai. Còn anh, cho dù chưa dứt khoát chuyện cưới xin thì với bản tính khá trách nhiệm của anh, tôi tin tôi sẽ không thể nào “thiệt thòi” được.

> Vợ chồng mới cưới và những chuyện “không như là mơ”

Ngày phát hiện mình trễ chu kỳ, tôi âm thầm chờ đợi trong cảm giác hồi hộp ngập tràn. Đúng như mong ước của tôi, que thử đầu tiên đã lập tức cho kết quả hai vạch. Tôi báo tin cho anh với trạng thái mừng vui tột độ. Mọi thứ giống hệt như tôi dự liệu, dù bố mẹ anh nhảy dựng lên lúc đầu nhưng họ cũng không nỡ bảo tôi bỏ thai. Nhất là mẹ anh, bà vốn mong con cháu đầy đàn và luôn thắc thỏm lo vì chỉ có anh là con một. Thế nên, bà dễ dàng gật đầu ngay khi anh quả quyết đứa trẻ tôi mang trong bụng là huyết thống của anh, và gia đình tôi cũng thuộc dạng đàng hoàng, tôi cũng là sinh viên như ai chứ không phải là mấy cô gái “trời ơi đất hỡi”.

Bố anh thì khó khăn hơn. Ông không đồng ý với chuyện cưới xin vì cho rằng chúng tôi còn quá trẻ người non dạ. Tuy nhiên, ông vẫn đồng ý cho anh và tôi tạm thời chung sống với nhau, “chờ sinh con xong rồi tính tiếp”. Còn anh, dù có vẻ chẳng quá vui mừng với chuyện làm bố ngoài dự tính, nhưng anh cũng không phải là người tán tận lương tâm đến mức chối bỏ giọt máu của mình. Anh ủng hộ bố với chuyện không cần vội vàng làm đám cưới “chạy… bầu”, nhưng cũng chọn một căn hộ, dọn về sống với tôi, cùng tôi vun vén cho thành một mái ấm.

Hạnh phúc không đến từ sự tính toán

(Hình minh họa)

Thế nhưng, có những chuyện tôi đã không lường trước

Có được mọi thứ như mình muốn, tôi thở phào nhẹ nhõm, quên bẵng luôn cả việc học và tấm bằng dở dang chưa kịp lấy xong. Tôi tập trung vào dưỡng thai, ở nhà chăm sóc cho thai, chỉ đi làm các việc lặt vặt ở công ty của mẹ chồng.

Năm tháng, siêu âm biết con là con trai, lòng tôi như mở hội. Tôi cầm chắc trong tay chuyện chính thức được thành vợ anh trên đúng danh nghĩa, có đám cưới, có đăng ký kết hôn, chỉ còn là sớm muộn nữa mà thôi. Tuy nhiên, tôi cũng dần dần nhận ra, cuộc sống không phải chỉ có những thứ ấy là đủ. Chồng tôi – cứ tạm gọi là chồng, dù tôi chưa là vợ chính thức của anh – không hề thay đổi sau khi chúng tôi về sống chung. Không có sự chuẩn bị tâm lý, không thật sự muốn thành một người chồng, một người bố, anh không vô trách nhiệm nhưng lại cũng chẳng thể quan tâm tôi đúng mực như tôi mong.

> Vợ chồng cãi nhau đến mấy, tuyệt đối không nói những câu này

Nhiều lúc tôi thèm những thứ thật giản đơn, như sự thăm hỏi ân cần, sự rộn ràng cùng tôi mua sắm cái này cái nọ chuẩn bị cho con, vậy mà không có. Anh đưa cho tôi một số tiền, bảo em muốn mua gì thì mua. Tôi mang thai cận ngày sinh, anh vẫn tất bật với công việc của mình, xem công việc là trên hết. Thỉnh thoảng, anh cũng vẫn vô tư chọc ghẹo cô này cô khác ở bên ngoài như cái thuở còn “son rỗi”.

Bố mẹ ruột tôi xót con gái, đôi khi gọi điện thở than. Mẹ tôi nói nhiều lúc tao thèm một cuộc điện thoại thăm hỏi của thông gia, bàn tính nhau như hai bà mẹ tính chuyện lo liệu thế nào cho cháu nội, cháu ngoại của mình. Nhưng làm sao mà có được khi bố mẹ chồng tôi vẫn luôn tự cho rằng mình ở vị trí “cao hơn”, chấp nhận tôi thế này đã là… tốt lắm.

Cũng tại tôi, trách ai bây giờ! Tôi tự nhủ thôi thì có cái này mất cái kia. Từ từ rồi có đứa con trai, tôi sẽ tìm cách để khẳng định được vị trí của mình, sẽ thật sự trở thành một thành viên chính thức của gia đình bên nội, sẽ cho con tôi được một cuộc sống đủ đầy như tôi hằng ao ước.

Rồi con tôi chào đời. Chẳng may, bé bị một khiếm khuyết bẩm sinh ở mắt mà các bác sĩ siêu âm đã không phát hiện ra. Tôi bàng hoàng lặng người. Gia đình chồng bàng hoàng lặng người. Rồi sau đó không ai nhắc gì đến chuyện đón mẹ con tôi về nhà nội hay tính chuyện cưới xin gì. Tôi giục mãi chồng tôi mới chịu làm giấy đăng ký kết hôn để con có khai sinh. Nhưng ngoài tiền gửi cho tôi đều đặn và việc buổi tối về nhà thật muộn, ăn xong là lăn ra ngủ, anh như chẳng quan tâm gì đến tôi, đến con hay nỗi đau mà tôi đang phải chịu đựng khi nhìn con không lành lặn.

Mẹ tôi tất tả từ quê vào, ở với tôi hơn tuần lễ trong căn hộ sang trọng mà không cầm được nước mắt với sự bơ vơ, đơn độc của tôi. Không ít lần tôi nghe mẹ thở dài xót xa: “Con mơ chi cao quá cho khổ vầy nè con! Mẹ có cần cái gì đâu, chỉ cần con có một mái ấm gia đình bình thường, yên ổn, vợ chồng hết lòng hết dạ yêu thương nhau, ban đầu thiếu thốn chút cũng được, nhưng cùng chung sức, cùng làm việc, cùng chia sẻ, cùng dành dụm, cùng lo lắng cho nhau. Chứ còn bây giờ…”

Mẹ bỏ lửng câu. Tôi thì ứa nước mắt nhìn lại hoàn cảnh của mình. Tôi đã tính đúng trong chuyện tìm cho con trai mình một cuộc sống đầy đủ về vật chất. Người ngoài nhìn vào, vẫn sẽ có người ganh tỵ nói kháy: “Con bé đó mà làm thế nào tốt phúc, lại vào được gia đình giàu có thế kia”. Nhưng có ở trong chăn mới thấy, ngoài một chút của cải vật chất đó, tôi có gì? Con bị tật mọi người lập tức ngoảnh mặt đi, những tiếng mỉa mai của người vốn ghen ăn tức ở thi nhau nhằm vào. Bố mẹ chồng thì thờ ơ, lạnh nhạt, cứ như tôi chính là người có lỗi trong chuyện làm cho cháu nội của họ không được nguyên vẹn hình hài. Chồng tôi – người tôi mong sẽ gần gũi mình nhất – cũng chẳng làm được gì cho tôi ngoài việc chu cấp tiền bạc, nơi ăn chốn ở. Anh chưa hề một lần thử dỗ con, một lần ôm bé trong lòng để rộn ràng vui, để nghẹn ngào xúc động như những ông bố khác trên đời.

> 7 bí quyết giúp hôn nhân hạnh phúc bền vững

Việc học của tôi dở dang, từ một cô sinh viên tự tin vào bản thân mình, giờ tôi hoang mang không biết nếu rời chồng, tôi sẽ về đâu. Một lần, người quen của gia đình chồng rỉ tai bảo nhỏ với tôi, rằng bố mẹ chồng tôi xem tử vi, “thầy” quả quyết chồng tôi hai đời vợ, và đời vợ đầu thì chỉ chóng vánh một thời gian như sự lầm lỡ nhất thời mà thôi.

Chao ôi, tôi nghe mà nghẹn cả người. Một suy nghĩ sai lầm mà tôi làm hỏng cuộc đời của mình rồi. Có lẽ chỉ đến lúc này, ôm con trong ngôi nhà vắng lặng, tôi mới thấm thía được rằng cuộc sống vợ chồng, con cái chẳng bao giờ nên là điều mang ra “tính toán”. Bởi vì cho dù bài toán ấy có được thực hiện hoàn hảo đến mấy thì những gì không đến từ trái tim cũng sẽ đưa đến những kết cuộc như thế này thôi…

P.S.U.M

Tags:

Bài viết liên quan