Mẹ&Con - Chất lượng bát cháo trong giai đoạn ăn dặm ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển toàn diện của con. Từ rất nhiều câu hỏi của các mẹ, Tạp chí Mẹ&Con đã tổ chức chương trình Tư vấn trực tuyến Nấu cháo đúng cách cho bé ăn dặm với sự tham gia của Bác sĩ BS. CK1. Đào Thị Yến Thủy (Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM) và Chuyên gia dinh dưỡng - Ẩm thực Nguyễn Thành Tâm. Mẹ nấu cháo không đúng cách, con suy dinh dưỡng, thừa cân Bí quyết cho nồi cháo nhừ mà không nát

Tư vấn trực tuyến: Nấu cháo đúng cách cho bé ăn dặm sẽ diễn ra vào lúc 10h00 – 11h00 sáng nay, thứ 3, ngày 18/11. Buổi tư vấn sẽ đem đến cho các bà mẹ rất nhiều kiến thức hữu ích chung quanh bát cháo ăn dặm cho con: Làm thế nào để nấu cháo đúng cách, đủ dinh dưỡng? Nấu như thế nào để con hấp thu dưỡng chất và phát triển đúng tuổi? Những món cháo nào bổ dưỡng, khiến con ngon miệng và yêu thích?…

tu-van-truc-tuyen-nau-chao-dung-cach-cho-be-an-dam

Mời các mẹ đặt câu hỏi trực tiếp trên website www.mevacon.giaoduc.edu.vn hoặc www.facebook.com/mevacon.  Các chuyên gia sẽ chọn lựa ngẫu nhiên 3 câu hỏi may mắn để trao thưởng Bát ăn dặm Upass.

tu-van-truc-tuyen-nau-chao-dung-cach-cho-be-an-dam

Toàn cảnh buổi giao lưu trực tuyến

Tư vấn trực tuyến: Nấu cháo đúng cách cho bé ăn dặm 5

Tư vấn trực tuyến: Nấu cháo đúng cách cho bé ăn dặm 6

Kết thúc buổi tư vấn, Ban biên tập báo Mẹ&Con tặng hoa cho các chuyên gia


Các câu hỏi tư vấn được giải đáp bởi Chuyên gia dinh dưỡng – Ẩm thực Nguyễn Thành Tâm và BS. CK1. Đào Thị Yến Thủy, Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM:

Câu 38: Con tôi được 6 tháng, cháu đã ăn được cháo nhưng tôi không biết nấu những loại cháo nào và chế biến ra sao để đủ dinh dưỡng cho con. Bác sĩ cho tôi hỏi, để nấu cháo ăn dặm cho bé 6 tháng, tôi có thể dùng gạo xay mịn ra rồi nấu cháo thật loãng thay vì lần nào cũng phải dùng bột để nấu cháo cho bé ăn dặm không ạ. Tôi thường nấu cháo ăn dặm cho bé bằng cách hầm lấy nước rau củ quả nhiều loại, vậy có thực sự tốt không bác sĩ, còn riêng phần thịt thì tôi xay cả cái cho cháu ăn.

(Văn Thị Đoan Phương)

Chuyên gia dinh dưỡng – Ẩm thực Nguyễn Thành Tâm:

Chào bạn.

Đối với trẻ 6 tháng, hệ tiêu hóa của bé chưa phát triển hoàn chỉnh, vì vậy nên tập cho bé ăn bột trước rồi mới ăn cháo. Vì dù gạo có xay mịn đi nữa thì hệ tiêu hóa của bé vẫn chưa thích hợp kịp.

Hầm lấy nước rau củ quả cho trẻ ăn giúp trẻ hấp thụ nhiều vitamin nhưng sẽ khiến bé không hấp thụ được hết, vì vậy nên xay nhuyễn tất cả các loại rau củ hòa chung vào cháo, như vậy bé sẽ hấp thụ tốt hơn. Phần thịt xay cả cái cho bé ăn là rất hợp cho bé.


Câu 37: Chào tạp chí Mẹ&Con, con trai em 15 tháng rưỡi được 10kg, cao 79cm. Em cho cháu ăn ngày 3 bữa cháo (thành phần: tinh bột + rau xanh + protein + dầu ăn + một chút muối i ốt), ngoài ra cháu uống sữa, ăn hoa quả, sữa chua, phô mai,… Cháu ăn tốt, không biếng ăn nhưng cháu lại không lên cân. Bác sĩ tư vấn giúp em thực đơn để cháu tăng cân và chiều cao tốt với ạ. Cảm ơn bác sĩ.

(Hoa Tigon)

BS. CK1. Đào Thị Yến Thủy, Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM:

Chào chị,

Bé có cân nặng, chiều cao phù hợp với độ tuổi nhưng không lên cân là vấn đề mà mẹ cần phải quan tâm. Mỗi ngày bé cần ăn 3 chén cháo đầy, mỗi chén chứa 30g-40g thịt, cá+ 20g rau+2 muỗng canh dầu ăn (dầu mè, nành, ôliu…), tối thiểu 800ml sữa. Nếu trong vòng 1 tháng nữa bé vẫn không lên cân thì chị nên cho bé đi khám bác sĩ.


Câu 36: Em nấu cháo cho bé nhà em rất kĩ, đủ cách thành phần bột – đạm – rau như hướng dẫn trên các báo, cháu cũng chịu ăn, ăn đủ bữa. Nhưng 2 tháng nay con em tăng chỉ có nửa kg. Cho em hỏi con em như thế có phải bị chậm tăng cân, làm cách nào để khắc phục được ạ.

(Mỵ Linh)

BS. CK1. Đào Thị Yến Thủy, Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM:

Chào chị,

Tốc độ tăng cân trung bình của trẻ em thay đổi tùy độ tuổi. Trong năm đầu bé tăng cân nhiều: 3 tháng đầu mỗi tháng tăng 800-1200g mỗi tháng, 3 tháng kế tăng 700-800g/ tháng, từ 7-9 tháng cần tăng khoảng 500g/ tháng, từ 10-12 tháng tăng 300g/ tháng, sau đó mỗi tháng tăng khoảng 200g/ tháng. Thỉnh thoảng bé sẽ có thể có một vài tuần tăng cân chậm nhưng sau sẽ vượt lên hơn do có những khoảng biếng ăn sinh lý.

Chị nên cân đo trẻ hàng tháng và đánh dầu vào biểu đồ tăng trưởng trong sổ sức khỏe của trẻ, theo dõi đường cong tăng trưởng của trẻ phù hợp với đường chuẩn là tốt, chứng tỏ chế độ ăn của trẻ là phù hợp. Nếu đường biễu diễn tăng cân của trẻ nằm ngang hay đi xuống trong một vài tháng là nguy hiểm cần đến bác sĩ để được hỗ trợ thêm.

Thân mến. Chúc bé khỏe, mẹ vui.


Câu 35: Con em rất thích ăn rau củ mà không thích ăn thịt cá. Có thịt cá là cháu không chịu ăn cháo nữa, chỉ có trứng là cháu còn chịu ăn nên tôi hay nấu cháo rau củ và trứng, cứ thường xuyên như vậy có được không ạ. Nên làm thế nào để cháu thích ăn thịt cá đây chuyên gia?

(Mẹ bé Dâu)

Chuyên gia dinh dưỡng – Ẩm thực Nguyễn Thành Tâm:

Chào bạn,

Ăn rau củ rất tốt cho sức khỏe của cháu, nhưng nếu chỉ rau củ thì bé sẽ thiếu chất. Ngay cả cháo với rau củ và trứng vẫn không đủ, vì trứng chỉ cung cấp vitamin và canxi, còn hàm lượng đạm thấp.

Bạn nên cho một hàm lượng thịt cá nhỏ vào trong cháo, sau đó tăng lên từ từ để bé thích nghi.


Câu 34: Cho em hỏi cách nấu cháo cho bé 13 tháng, mỗi ngày nên ăn mấy bữa cháo? Em cảm ơn.

(Le Nguyen)

BS. CK1. Đào Thị Yến Thủy, Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM:

Chào chị,

Bé 13 tháng tuổi mỗi ngày cần ăn 3 chén cháo hay bột đầy, thỉnh thoảng thay đổi các món nước như bún, nui sao, phở, hủ tíu, … để tập dần. Bé cần thêm 700-800ml sữa và trái cây tươi. Chị hãy tham khảo thêm bài hướng dẫn ăn dặm trên.

Thân mến. Chúc bé khỏe, mẹ vui.


Câu 33: Theo tôi được biết thì trẻ dưới 1 tuổi không cần cho thêm muối vào cháo, như vậy thì có sợ con bị thiếu i-ốt không? Cháo có bị nhạt so với khẩu vị của bé không?

(Kiều Trân)

BS. CK1. Đào Thị Yến Thủy, Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM:

Chào chị,

Bé dưới 1 tuổi vẫn có thể nêm một ít muối i-ốt hay nước mắm i-ốt vào chén bột hay cháo của bé, tuy nhiên chỉ nên nêm một lượng rất nhỏ, nhạt so với khẩu vị của mẹ. Nếu nêm nếm gia vị giúp bé ăn nhiều hơn không nêm thì mẹ nên nêm nếm nhạt để bé ăn đủ lượng thức ăn cần thiết để bé tăng trưởng. Nếu bé không cần nêm gia vị mà vẫn ăn tốt thì cũng không cần nêm gia vị sớm.

Thân mến. Chúc bé khỏe, mẹ vui.


Câu 32: Bác sĩ cho em hỏi, con em 3 tuổi bé rất thích ăn thịt bò, hầu như 1 tuần bé ăn 6 buổi thịt bò, như vậy bé có bị dư chất không? Bé không thích ăn trái cây, có thể bổ sung trái cây cho bé như thế nào được ạ?

(Mẹ Gold)

BS. CK1. Đào Thị Yến Thủy, Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM:

Chào bạn, thịt bò rất tốt cho sức khỏe của trẻ. Nhưng với cường độ 6 buổi ăn thịt bò/ tuần có thể gây ra hiện tượng dư sắt, kẽm… dễ gây bệnh cho bé sau này và có thể khiến bé rất hiếu động.

Trẻ không thích ăn trái cây có thể là do dư lượng chất trong cơ thể, không nên cho trẻ ăn trái cây nhiều một lần mà nên chia nhiều bữa ra với nhiều loại cây khác nhau.


Câu 31: Bé nhà em được 16 tháng có 9,4kg thôi, mọc 14 răng và có 2 răng hàm rồi. Dạo này lười ăn lắm. Tư vấn giúp em với.

(Ngochoai Vu)

BS. CK1. Đào Thị Yến Thủy, Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM:

Chào chị,

Bé 16 tháng có cân nặng vậy là hơi thấp, nhưng chưa bị suy dinh dưỡng. Tuổi này với số răng này chỉ phù hợp với chế độ ăn cháo + sữa. Bé cần ăn 3 chén cháo đầy mỗi ngày và khoảng 800ml sữa + trái cây tươi. Mỗi chén cháo cần 2 muỗng canh chất đạm + 2 muỗng canh rau + 2 muỗng canh dầu ăn. Có thể dùng các thức ăn phụ như sữa chua, bánh flan, váng sữa, phomai, kem, trái cây hay sữa tươi bù vào lượng cháo ăn ít hoặc lượng sữa bú ít. Tránh ăn lặt vặt mà nên dồn vào một bữa trong tối đa 45 phút với nhiều món ăn cũng là tốt.

Thân mến. Chúc bé khỏe, mẹ vui.


Câu 30: Bé nhà mình gần 11 tháng nhưng cân nặng chỉ 7,5kg. Mình đi khám bác sĩ bảo bé bị suy dinh dưỡng độ 1. Mình cho bé ăn ngày 4 bữa cháo, khoảng gần 1 bát ăn cơm cho mỗi lần ăn và uống thêm 3 bữa sữa. Ngoài ra còn bú mẹ. Mình muốn hỏi liệu mình cho bé ăn như thế có nhiều quá không? Tại sao con mình vẫn không thể tăng cân? Cho mình xin 1 chế độ ăn uống hợp lý hơn. Mình xin cảm ơn.

BS. CK1. Đào Thị Yến Thủy, Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM:

Chào chị,

Bé ăn nhiều như vậy mà cân nặng quá thấp chứng tỏ bé không hấp thu được các chất dinh dưỡng từ thực phẩm ăn vào. Trung bình độ tuổi này chỉ ăn 3 bữa một ngày, mỗi bữa một chén đủ 4 nhóm chất (tham khảo phần hướng dẫn trên website). Ngoài ra, chị cố gắng cho bé uống khoảng 800ml sữa thêm trái cây tươi hàng ngày. Trung bình mỗi tháng bé cần tăng ít nhất 200-300g để bé bắt kịp với sự tăng trưởng của các bạn đồng tuổi.


Câu 29: Chào bác sĩ và chương trình. Bé nhà em được 14 tháng, nặng 9kg, chiều cao 75cm, như vậy có bị nhẹ cân không ạ? Bé em rất lười ăn, em cho ăn dặm lúc 5 tháng đến bây giờ bé không chịu ăn cháo mà đòi ăn cơm. Cho ăn cháo bé cứ nhè ra, còn ăn cơm thì cũng có nhè nhưng cũng có khi chịu ăn. Mong bác sĩ tư vấn giúp em, hiện nay bé đã 14 tháng. Cho ăn cơm như thế nào và cách nấu cháo làm sao để bé chịu ăn vì em sợ bé ăn cơm sớm không tốt. Em xin cảm ơn ạ.

(Lê Hoàng Thiện Tâm)

BS. CK1. Đào Thị Yến Thủy, Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM:

Chào chị,

Bé 14 tháng có cân nặng chiều cao vậy là hơi thấp so với chuẩn, nhưng chưa ở mức bị suy dinh dưỡng. Bé 14 tháng chưa đủ răng hàm để nhai cơm nên chưa tiêu hóa được, vì vậy không được cho trẻ ăn cơm mà chỉ ăn cháo hột với đủ 4 nhóm thực phẩm, mỗi ngày 3 chén là tốt + 800ml sữa cả ngày đêm. Có thể dùng sữa chua, bánh flan, váng sữa, phomai, kem, trái cây,… bù thêm vào bữa cháo hay bữa sữa chưa đủ lượng.

Nếu bé tiếp tục không chịu ăn cháo hay chậm lên cân trong vòng 1 tháng tới chị nên cho bé đi khám bác sĩ dinh dưỡng hay nhi khoa nhé.

Thân mến.

Chúc bé khỏe, mẹ vui.


Câu 28: Bé nhà mình 20 tháng, nặng 16,4 kg, dài 94 cm, bé ăn ngày 3 bữa cháo kèm sữa, vui lòng cho mình hỏi một ngày mình nấu 1 món cháo ăn ba lần hay phải nấu nhiều món khác nhau cho bé.Thường mình nấu ví dụ hôm nay ăn cháo tôm, ngay mai ăn cháo thịt, tiếp theo là cháo cà… như vậy có được không? Rau, củ quả nên kết hợp như thế nào trong bữa ăn? Bé nhà mình ăn rất nhiều rau, uống nhiều nước mà bị táo bón nặng lắm.

(Nhàn Đoàn)

Chuyên gia dinh dưỡng – Ẩm thực Nguyễn Thành Tâm:

Chào bạn, cách nấu của bạn không có gì sai, tuy nhiên, bạn nên nấu nhiều món khác nhau cho bé để thay đổi khẩu vị, để bé không dễ bị ngán. Bên cạnh đó nên giảm các loại rau củ có nhiều chất xơ (như bồ ngót, bắp…) nếu như táo bón quá nặng. Nên tăng cường thêm khoai lang, bí đỏ và đu đủ cho bé.


Câu 27: Xin chào các chuyên gia tư vấn! Con trai tôi hiện nay được 8 tháng tuổi. Cháu nặng 10,6kg, cao 77cm. Ăn sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Hiện nay, mỗi ngày cháu ăn 2 bữa bột mặn, mỗi bữa gồm 15g cháo, 10g rau, 10 gr thịt/cá/tôm và 1/2 viên phô mai cho trẻ em và khoảng 300 – 400ml sữa mẹ. Ngoài ra cháu uống 1/2 quả cam, 1/2 quả chuối/đu đủ/xoài/bơ và 1 hũ sữa chua cho trẻ em. Cháu mọc 2 răng cửa dưới từ 6 tháng nhưng đến nay chưa mọc tiếp răng nào. Thóp trước của cháu vẫn khá rộng (khi được 3 – 4 tháng được chuẩn đoán là còi xương do tăng cân nhanh và đã uống vitamin D + phơi nắng nhưng hiện nay chuyển sang mùa đông gió lạnh nên không phơi nắng được), cháu rất nhiều mồ hôi đầu. Xin bác sĩ tư vấn cho cháu:
1. Cháu có bị còi xương không ạ? ( Vì thóp vẫn rộng và răng mọc chậm). Nếu cháu vẫn còi xương nên bổ sung gì?
2. Chế độ dinh dưỡng của cháu đã hợp lý chưa? Từ 8 – 12 tháng tuổi mỗi ngày cháu ăn bao nhiêu thì vừa?
Xin trân trọng cảm ơn!

(Nguyễn Thị Thơm)

BS. CK1. Đào Thị Yến Thủy, Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM:

Chào chị,

Cân nặng và chiều cao của bé hiện tại là dư so với chuẩn. Cách nấu cháo, bột cho bé 8 tháng chị có thể tham khảo hướng dẫn trên website. Tuổi này ăn ngày 2 lần, mỗi lần ½ chén với 15g đạm, 10g rau, 1 muỗng canh dầu là đủ. Không nhất thiết phải ăn phô mai hàng ngày mà nên thay đổi để bé cảm nhận được nhiều mùi vị khác nhau của thức ăn. Thóp trước có thể tồn tại đến trước 18 tháng tuổi. Bé có chiều cao tốt nên không nghĩ là bé bị còi xương. Tuy nhiên, nếu không tắm nắng được thì phải cho trẻ đi bác sĩ để uống vitamin D bổ sung. Chị nên tham khảo hướng dẫn ăn dặm trên website để biết được cách nấu bột, cháo, lượng thịt cá cũng như là số lượng ăn mỗi ngày theo từng độ tuổi của bé.


 Câu 26: Xin cho hỏi liều lượng dầu ăn cho vào bát cháo của bé theo tháng tuổi như thế nào? Xin cảm ơn. 

(Tim Huynh)

Chuyên gia dinh dưỡng – Ẩm thực Nguyễn Thành Tâm:

Chào bạn, nên lưu ý trước 6 tháng không nên cho bé ăn. Đối với bé từ 6 tháng tuổi thì cho vào 3 gam dầu/ bữa ăn. Và cứ sau 2 tháng thì tăng lên 3 gam lần nữa. Đến 15 gam dầu thì ngưng. Dầu cho bé ăn tốt nhất là dầu gấc và dầu cá hồi.


Câu 25: Bé nhà mình được 1 tuổi, nhưng chỉ mọc được 2 cái răng, không biết nên cho bé ăn những món cháo nào thì tốt ạ?

(Gia Nhi)

Chuyên gia dinh dưỡng – Ẩm thực Nguyễn Thành Tâm:

Chào bạn, với độ tuổi này thì bé có thể ăn các loại cháo bình thường. Nhưng nên cho ăn lợn cợn để kích thích sự phát triển của hàm.


Câu 24: Bé nhà mình được hơn 2 tháng nhưng nhà mình đã cho bé ăn bột ăn dặm rồi, như vậy có tốt không mà khi bé ăn được thì phải cho bé ăn cháo nấu như thế nào mới đúng độ tuổi của bé. Xin cảm ơn.

BS. CK1. Đào Thị Yến Thủy, Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM và Chuyên gia dinh dưỡng – Ẩm thực Nguyễn Thành Tâm cùng trả lời:

Chào bạn,

Bạn nên ngưng cho bé ăn bột ngay lập tức, vì bé dưới 6 tháng tuổi chưa thể tiêu hóa được các loại thực phẩm khác ngoài sữa bột và sữa mẹ.


Câu 23: Cho em hỏi, bé nhà em được gần 8 tháng, muốn cho ăn sữa chua thì nên ăn loại nào ạ? (hiện tại, thỉnh thoảng em cho bé ăn sữa chua vinamilk không đường hoặc ít đường của người lớn). Bên cạnh đó, giờ em muốn cho bé ăn thịt cá thì ăn được loại nào rồi ạ (hiện tại, em mới cho bé ăn thịt ức gà, cá lóc). Và hiện nay, em hay cho bé ăn nhiều loại trong 1 ngày, em ăn trái cây, khoai lang… (tức đồ ăn vặt người lớn) cũng cho bé ăn chung một ít với người lớn luôn. Vậy thì có ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của bé không? Cảm ơn anh Tâm và Bác Sĩ Thủy.

(Mẹ Ben)

BS. CK1. Đào Thị Yến Thủy, Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM:

Chào chị,

Loại sữa chua tốt nhất là làm bằng sữa bột bé đang uống. Có thể thử cho ăn sữa chua làm bằng sữa tươi với lượng ít để kiểm tra khả năng dị ứng sữa tươi ở bé. Nếu có dấu hiệu chàm sữa, mề đay, sưng phù, hen suyễn, tiêu phân máu… thì phải ngưng ngay. Nếu bé ăn sữa chua bằng sữa tươi và không có rối loạn gì thì có thể tiếp tục cho ăn. Chị có thể thử cho ăn sữa chua vinamilk có đường hơn là loại không đường.

Các loại thực phẩm khác đều có thể thử tập cho bé ăn từng ít một, làm quen với một loại thực phẩm mới 3-5 ngày rồi mới tập cho ăn loại thực phẩm khác. Như vậy, chị có thể cho bé ăn thịt heo, thịt bò, tôm, trứng, đậu hũ… ngoài gà và cá. Khoai lang luộc, khoai tây luộc… cũng có thể tập cho ăn. Mỗi ngày có thể cho ăn 2 loại trái cây khác nhau: Chuối, đu đủ, bơ, xoài chín…


Câu 22: Chào bác sĩ! Con gái em được 6 tháng 20 ngày, em phải đi làm nên cho cháu tập ăn dặm lúc 5 tháng. Nhưng đến bây giờ cháu vẫn ăn bột nấu với đường, em thử nấu bột với thịt hoặc trứng thì cháu không chịu ăn. Theo bác sĩ em phải nấu như thế nào để tập cho cháu ăn bột mặn ạ? Cám ơn bác sĩ!

(Luật)

BS. CK1. Đào Thị Yến Thủy, Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM:

Chào bạn, để bé không ngán và từ chối bột mặn, bạn nên tập cho bé ăn các loại bột phối hợp với thịt và trứng với hàm lượng ít rồi nâng lên từ từ. Như vậy trẻ sẽ dễ thích nghi hơn. Ví dụ 1 bữa ăn của trẻ chỉ cần 10 gam thịt hoặc 1/5 quả trứng thôi. Tháng thứ 8 thì có thể nâng lên 2, 3 gam thịt nữa và ¼ quả trứng đến khi trẻ thích hợp có thể tăng lên được. Ngoài ra còn có thể thay đổi bằng cách cho thêm cá hoặc hải sản. Thời điểm này có thể kết hợp thêm 15g cá cho bé mỗi ngày.


Câu 21: Bé nhà mình được 9 tháng, bé ăn cháo 1 ngày 3 lần, ăn mỗi lần 1 chén. Cháo của bé thường được nấu trước vào buổi tối, sau đó đổ vào bình thủy để giữ nóng, khi nào cho ăn thì nấu thịt heo cà rốt chín, xay nhuyễn, cho một chút dầu ăn, hành củ bằm nhuyễn, 1 chút mắm, 1 chút muối, sau đó phi thơm và đổ cháo bình thủy ra trộn đều cho bé ăn. Thay đổi các loại rau củ thường xuyên như là khoai tây, cà rốt, rau ngót, rau muống, củ dền,… và các loại thịt như thịt heo, thịt bò, cá lóc, trứng gà ta, kèm thêm uống sữa ngoài 1 ngày 2 lần. Mỗi ngày ăn thêm 1 trái cam hay trái quýt nữa, còn lại là uống sữa mẹ. Bé 9 tháng chỉ được 8kg. Chế độ dinh dưỡng của bé theo bác sĩ như vậy đã được chưa, cháo nấu như vậy có đúng cách không hay phải nấu như thế nào?

(Pi Sociu)

BS. CK1. Đào Thị Yến Thủy, Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM và Chuyên gia dinh dưỡng – Ẩm thực Nguyễn Thành Tâm cùng trả lời:

Cháo bạn nấu như vậy đã đúng cách, chế độ dinh dưỡng như thế là tạm ổn. Bé nhà bạn 9 tháng được 8 kí thì không đáng lo vì số kí trung bình. 1 tuổi 9 kí là ổn. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý khi trộn lẫn tất cả hỗn hợp thực phẩm vào cháo thì nên nấu nóng cháo lại một lần nữa thời gian sôi khoảng 2 phút bởi vì cho dù để trong bình thủy nhưng đã trải qua 1 thời gian vẫn không đảm bảo an toàn cho bé.


Câu 20: Con tôi được gần 8 tháng, bé ăn dặm từ khi 4 tháng, 2 tháng trước bé ăn bột ngọt rồi đến bột mặn, đến tháng thứ 6 tôi cho cháu ăn cháo. Dù thay đổi thực đơn thường xuyên nhưng cháu vẫn không tăng cân từ tháng thứ 6 tới giờ, xin tư vấn cho tôi thực đơn phù hợp với cháu.

BS. CK1. Đào Thị Yến Thủy, Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM:

Chào chị,

Chị cho bé ăn dặm như vậy là quá sớm, bé không tiêu hóa được nên sẽ không hấp thu được các chất dinh dưỡng trong thực phẩm dẫn đến bé không lên cân.

Tuổi này bé ăn ngày 2 bữa cháo, bột, mỗi bữa ½ chén với đủ 4 nhóm thực phẩm (tham khảo hướng dẫn trên website), 120-150ml sữa một lần, uống 6 lần trong vòng 24h.

Chị nên đổi món sáng bột, chiều cháo; sáng ngọt, chiều mặn, sáng thịt, chiều cá, sáng bí đỏ, chiều rau muống… Gia vị nêm nếm cũng phải thay đổi: Muối i-ốt, nước mắm i-ốt, nước tương, đường… với lượng ít, nhạt hơn khẩu vị của mẹ một tí.

Tuổi này phải tăng khoảng 500g trong một tháng, nếu bé tăng chậm hơn thì chị nên cho bé đi khám bác sĩ.


Câu 19: Bé em được gần 6 tháng rồi, em cho ăn dặm bột gì trước thì tốt ạ?

(An Vu Ngoc)

BS. CK1. Đào Thị Yến Thủy, Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM:

Chào chị,

Bé tròn 6 tháng có thể cho ăn bột sữa vị ngọt hoặc bột tôm thịt vị mặn cũng được, tùy ý thích của bé. Mẹ hãy mua thử bột sữa, nếu bé phản đối nhiều thì mua bột mặn, nếu không phản đối thì ăn hết hộp bột ngọt mới mua hộp mặn. Khi mua bột nhớ đọc kỹ nhãn hiệu bao bì để lựa chọn loại bột đúng với độ tuổi của bé, cách chế biến cũng như bảo quản. Mới đầu chỉ tập ăn một bữa mỗi ngày với lượng ít và loãng, từ từ vài ngày mới tăng dần lượng nhiều lên theo sức tiêu hóa của bé.

Thân mến

Chúc bé khỏe, mẹ vui.


Câu 18: Chào bác sĩ và chương trình, bé nhà em được 7 tháng, nặng 8,5kg và chiều cao là 70 cm. Em cho bé ăn dặm lúc 5 tháng tuổi. Em toàn mua bột ăn dặm Nutifood về cho bé ăn. Vì lần đầu làm mẹ nên em chẳng biết phải nấu cháo như thế nào. Mấy lần nấu bột cho bé nhưng bé không chịu ăn. Thực sự rất muốn tự nấu cho bé nhưng không biết cách nấu như thế nào cho ngon và đúng cách giúp bé tăng ăn và bữa ăn hiệu quả hơn. Bác sĩ tư vấn giúp em với ạ.

(Ngọc Hà)

BS. CK1. Đào Thị Yến Thủy, Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM:

Chào chị,

Bé có cân nặng chiều cao vậy là tốt, nên duy trì ăn bột thêm một tháng nữa (đến 8 tháng tuổi) rồi hãy dùng gạo nấu cháo cho bé khi hệ tiêu hóa của bé trưởng thành hơn. Hiện tại chén bột của bé cũng cần thêm đủ 3 nhóm thực phẩm là đạm (thịt, cá, tôm, đậu hũ), rau, dầu và cần thay đổi thường xuyên sáng chiều cho bé được đổi vị. Ví dụ sáng bột thịt heo, rau muống, dầu ăn, nêm muối i-ốt thì chiều bột đậu hũ, bí đỏ, dầu ăn, nêm đường,… Trung bình tuổi này ăn ngày 2 bữa, mỗi bữa khoảng nửa chén đến 2/3 chén là được, uống thêm khoảng 800ml sữa và trái cây tươi. Cách nấu cháo, bột đúng cách chị theo dõi ở bài trên nhé.

Thân mến.


Câu 17: Bé nhà em lúc sanh được 3,8 kg, cao 56cm, nhưng đến nay 5 tháng 22 ngày bé chỉ có 6,2kg, cao 63cm, như vậy có bị suy dinh dưỡng không? Cháu ngủ rất ít, ngày ngủ chỉ có 2-3 tiếng mỗi giấc chỉ có 30 phút., tối ngủ từ 9h – 5h. Bé bú mẹ nhưng rất ít, lâu lâu cũng bú bình nhưng chỉ 80ml là ngưng không bú nữa, ép thêm là bé nôn ra. Bé đổ mồ hôi đầu rất nhiều, vậy bé có phải bị thiếu canxi hay không? Nếu thiếu canxi thì em nên cho cháu uống canxi loại nào? Bé ăn dặm bột ngọt được 1 tháng rồi nhưng dạo gần đây bé ăn không được nhiều. Em muốn nấu cháo cho bé ăn không biết có được không? Mong bác sĩ tư vấn dùm, em cám ơn rất nhiều.

(Duyên Dịu Dàng)

BS. CK1. Đào Thị Yến Thủy, Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM:

Chào chị,

Bé nhà chị gần 6 tháng, cân nặng 6.2kg là chưa suy dinh dưỡng nhưng chậm tăng cân. Tuổi này bé chỉ ăn bột 1 bữa mỗi ngày với lượng tối đa là ½ chén (100ml) và nên thêm 1 muỗng cafe dầu ăn vào chén bột. Chưa nên cho ăn cháo vì sẽ khó tiêu hóa, chờ đến 8 tháng mới lấy gạo nấu cháo cho bé ăn. Bé cần được bú mẹ nhiều lần trong ngày theo nhu cầu của bé, nhớ cho bé bú cả sữa đầu lẫn sữa cuối trong một cữ bú. Nếu mẹ đi làm thì mới cho bú bình, mỗi lần pha là 150ml sữa, cố gắng uống hết trong vòng 30 phút, tổng lượng sữa trong ngày tối thiểu là 700ml. Nhớ cho bé tắm nắng nhẹ mỗi ngày 20 phút (trước 9h sáng hoặc 4-5h chiều). Tuổi này bé phải tăng khoảng 500g mỗi tháng, nếu bé tăng cân ít hơn chị nên cho bé đi khám bác sĩ để được cho thuốc và tư vấn kỹ hơn.


Câu 16: Chào bác sỹ và chương trình, cháu nhà em mới được 3 tháng nhưng cháu ham ăn lắm mỗi lần nhà ăn cơm là cháu khóc vì thế các bà nói là cháu đòi ăn nên cho cháu ăn nước cơm thế là cháu ăn ngon lành. Vậy tôi muốn hỏi bác sỹ là cháu ăn như vậy thì có ảnh hưởng gì không? Và tôi phải làm gì? Xin ý kiến phản hồi của bác sỹ và Tạp chí Mẹ&Con.

(Hồng Vân)

BS. CK1. Đào Thị Yến Thủy, Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM:

Chào bạn, bé 3 tháng tuổi vẫn có thể cho trẻ ăn nước gạo, như vậy để bổ sung nguồn vitamin cho trẻ. Tuy nhiên, nên chắt nước gạo khi cơm đang sôi gần cạn sẽ tốt hơn cho trẻ.


Câu 15: Bé mình dư cân nên chuyên gia có thể tư vấn cách nấu cháo cho bé ăn mà vẫn đủ chất không ạ?

Chuyên gia dinh dưỡng – Ẩm thực Nguyễn Thành Tâm:

Nên nấu cháo cho trẻ mỗi ngày từ 50- 70 gam đạm từ động vật và phối hợp với các loại rau củ để đảm bảo lượng vitamin cần thu nạp mỗi ngày.


Câu 14: Chào tạp chí Mẹ&Con, bé gái của tôi được 34 tháng, cân nặng 12,3kg, chiều cao 89cm, như vậy tôi thấy cân nặng và chiều cao của bé so với các bé cùng lứa tuổi thì không đủ kg và chiều cao. Mong tạp chí cho tôi lời khuyên và thực đơn dành cho bé ăn hàng ngày là như thế nào?

(Hanh Pham)

BS. CK1. Đào Thị Yến Thủy, Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM:

Chào chị,

Bé 34 tháng có cân nặng chiều cao vậy là hơi kém so với chuẩn, thiếu gần 2 kg và 2-3cm, cần giúp bé tăng cân nhanh để không bị suy dinh dưỡng.
Tuổi này bé cần ăn ngày 3 bữa: sáng cháo, bún, phở, …; trưa và chiều ăn cơm. Bữa ăn nào cũng phải có đủ 4 nhóm chất với số lượng như sau:
– Nhóm đạm: Thịt hay cá, tôm, trứng, đậu hũ,…: 3 muỗng canh lúp (40-50g)
– Rau lá hay su su cà rốt, bí đỏ : 2-3 muỗng canh
– Dầu ăn : 1 muỗng canh
– Cơm ½ chén hoặc cháo, bún : 1 chén.
Nên xé nhỏ, cắt nhỏ thịt kho, cá chiên, cọng rau canh… cho bé ăn được phần cái (xác) chứ không chỉ ăn nước. Có thể cắt nhỏ thức ăn trộn vào cơm hoặc cho ăn tôm hấp chấm muối tiêu chanh hay thịt ba rọi luộc chấm nước mắm, cá chiên… trước rồi ăn cơm với nước canh, nước tương sau cũng được, tùy ý thích của bé. Nên thay đổi món ăn thường xuyên mỗi bữa, mỗi ngày.
Sữa tươi có đường hoặc sữa bột pha : uống ngày 3-4 lần, mỗi lần 200ml, giữa các bữa ăn cơm.
Thêm trái cây tươi, sữa chua, bánh flan, váng sữa, kem, bánh ngọt, …
Nếu bé ăn cơm ít thì ăn bù thêm bằng thức ăn phụ hoặc sữa ngay sau khi ăn cơm.
Nếu trong vòng 2 tuần nữa bé không tăng cân chị nên đưa bé đi khám dinh dưỡng để được hỗ trợ thêm.

Chúc bé khỏe, mẹ vui.


Câu 13: Bé nhà tôi 7 tháng 15 ngày, tôi có thể cho bé ăn cháo trộn chung sữa công thức không?


(maihuyenvo1987)


BS. CK1. Đào Thị Yến Thủy, Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM:

Chào chị,

Nếu bé uống quá ít sữa có thể trộn thêm sữa bột vào chén bột hay chén cháo vị ngọt của bé. Điều quan trọng là bé phải tăng đủ cân và đủ chiều cao. Nếu bé uống đủ sữa khoảng 700-800ml mỗi ngày thì không cần cho thêm sữa bột vào thức ăn đặc, để bé được thay đổi khẩu vị giữa các bữa ăn và bú.

Thân mến. Chúc bé khỏe, mẹ vui



Câu 12:
Chào tạp chí, bé nhà em được 20 tháng tuổi, tô cháo cho bé ăn được nấu từ xương thịt nhừ cùng cà rốt, khoai tây. Em thấy đã đủ các thành phần bột – đạm – rau – béo (mỡ trong xương thịt heo), liệu còn thiếu thành phần nào nữa không?


(Ngọc Lệ)


BS. CK1. Đào Thị Yến Thủy, Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM:

Chào chị,

Chén cháo của trẻ phải đủ chất đạm từ miếng thịt, miếng cá băm nhỏ chứ trong nước hầm xương thịt thì không chứa chất đạm. Chất dinh dưỡng nằm chủ yếu trong phần xác, cái của thực phẩm, chứ nước hầm- nước luộc không chứa nhiều chất dinh dưỡng. Nước hầm xương tủy thì mới có ít chất béo, còn xương móng giò thì chất béo tan vào nước rất ít, tuy vậy cũng vẫn chưa đủ lượng chất béo cần thiết mà vẫn phải thêm dầu ăn vào chén cháo, bột cho trẻ. Nên thay đổi món ăn mỗi bữa chứ không nấu cháo hầm xương với khoai tây cà rốt hoài bé sẽ ngán và không đa dạng chất dinh dưỡng. Nhóm bột đường thì thay đổi bữa bột, bữa cháo. Nhóm đạm thì bữa thịt, bữa cá, tôm, bữa đậu hũ… Rau thì bữa rau muống, rau lang, bữa su su, cà rốt, bí đỏ,… Dầu ăn thì ăn hết chai dầu mè thì thay dầu nành, oliu, … Càng cho bé ăn đa dạng thực phẩm càng tốt. Chị xem thêm phần hướng dẫn ở trên để nấu cháo đủ chất cho bé.
Thân mến. Chúc bé khỏe, mẹ vui


Câu 11: Con trai em được 14 tháng, nhờ tạp chí tư vấn giúp, ở độ tuổi này bé có thể ăn được những loại thực phẩm nào và hướng dẫn giúp em một số món cháo với các loại thực phẩm đó ạ.

                                                                                                                                                                                                                     (Mychaulovekitty14)

BS. CK1. Đào Thị Yến Thủy, Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM:

Chào chị,
Bé 14 tháng ngày ăn 3 bữa cháo hoặc bột, có thể tập ăn nui, bún, phở, hủ tíu, bánh canh,… trong 3 bữa ăn và uống 3 lần sữa mỗi lần khoảng 180-200ml ban ngày và một lần ban đêm, thêm trái cây tươi. Các món ăn phụ như sữa chua, bánh flan, váng sữa, phomai, kem,… có thể dùng bù thêm lượng cháo hay sữa còn thiếu.
Trẻ tuổi này có thể ăn đa dạng nhiều loại thực phẩm khác nhau từ nhóm đạm đến nhóm rau, béo, bột đường, … Ví dụ sáng ăn bột thịt heo- rau muống- dầu mè, trưa ăn cháo thịt bò- rau lang -dầu nành, tối cháo đậu hũ -bí đỏ- dầu oliu, ngày mai ăn cá, trứng, tôm, óc heo, thịt gà, cua, ếch… (Nên ăn hết chai dầu mè rồi hãy khui chai dầu nành hay dầu oliu vì không nên để mở một chai dầu quá lâu)


Thân mến. Chúc bé khỏe, mẹ vui


Câu 10: Chào chuyên gia Tâm, bé nhà tôi gần 6 tháng tuổi, tôi chuẩn bị cho cháu ăn dặm, anh cho biết những thực phẩm nào nên và không nên cho bé ăn dặm trong giai đoạn nay?

(Mẹ Suri)

Chuyên gia dinh dưỡng – Ẩm thực Nguyễn Thành Tâm:

Chào bạn, bé gần 6 tháng tuổi bạn lưu ý một số vấn đề sau:

Không nên cho ăn nhiều hải sản; Độ tuổi này cần bổ sung cho bé các loại rau củ đỏ, cam, vàng và xanh nhằm bổ sung vitamin làm tăng sức đề kháng cho bé trong giai đoạn chuyển đổi món ăn.


Câu 9: Bé nhà em 32 tháng, hiện tại cháu đang đi học nhà trẻ, ở lớp thì các cô bảo cháu ăn cũng khá tốt, nhưng về nhà cháu chỉ thích ăn vặt mà cơm, với cháo thì không thích ăn nên em toàn phải ép ăn mà được rất ít, cháu về cũng không thích uống sữa bột mà chỉ thích uống sữa hút. Em đang phân vân muốn mua cho cháu thực phẩm chức năng để bổ sung vitamin và khoáng chất cho cháu, chủ yếu là các thành phần hỗ trợ trí nào. Vậy em xin các chuyên gia có thể tư vấn cho em loại thực phẩm nào có thể hỗ trợ cho con em được không ạ? Em xin cảm ơn!

(Mẹ Moon)

BS. CK1. Đào Thị Yến Thủy, Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM:

Chào chị,

Tuổi này có thể uống sữa tươi, sữa nước thay sữa bột, miễn là tổng lượng sữa trong ngày đạt 800ml là tốt. Khi đón trẻ ở nhà trẻ về, chị hãy cho bé uống 1 hộp sữa tươi, sau đó khoảng 2 tiếng thì chị cho bé ăn tối với cơm, cháo, bún… Nếu bé ăn ít chị có thể cho bé ăn bù với sữa chua, bánh plan, váng sữa, trái cây, sữa… Chú ý ăn đủ lượng đạm (30-50g thịt, 70-90g cá tôm, 1 miếng đậu hũ trong 1 bữa ăn).

Nếu bé tăng cân đủ theo đường cong tăng trưởng chuẩn (100-200g mỗi tháng đối với trẻ bình thường) thì không cần thiết sử dụng thực phẩm chức năng. Nếu bé chậm lên cân trong 2-3 tháng liên tiếp thì chị nên cho bé đi khám bác sĩ.


Câu 8: Trẻ 7 tháng tuổi ăn cháo cá được chưa vậy chuyên gia? Nếu được thì nên ăn cá gì? Tại tôi đã từng nấu thử một lần là món cháo cá thu nhưng nấu xong thấy cá vẫn còn vị tanh, làm sao để khử mùi tanh cho trẻ dễ ăn? Xin cám ơn!

(Cẩm Tiên)

Chuyên gia dinh dưỡng – Ẩm thực Nguyễn Thành Tâm:

Chào bạn, trẻ trên 6 tháng tuổi là có thể ăn cá được rồi. Thời gian đầu nên tập cho bé ăn cá đồng, vì cơ thể bé chưa thích nghi và cá đồng không gây dị ứng nhiều. Sau 1-2 tháng hợp vị thì nên chuyển sang cá nước mặn cho bé.

Không nên nấu cả phần da và xương cho trẻ. Cần khử hành lá, hành tím trong các món để khử mùi tanh của cá.

Đối với quá trình sơ chế thì cạo sạch máu cá và nhớt, ngâm nước muối pha loãng.


Câu 7: Bé nhà được 8 tháng, em cho bé ăn cháo và thường xuyên đổi thực đơn nhưng bé có vẻ ngán và không ăn được nhiều. Vậy em có thể đổi sang soup hay phở để bé bớt ngán mà vẫn đảm bảo dinh dưỡng như ăn cháo không ạ?

(Mẹ Nấm)

BS. CK1. Đào Thị Yến Thủy, Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM:

tu-van-truc-tuyen-nau-chao-dung-cach-cho-be-an-dam

Chào bạn,
Tuổi này bé chỉ cần ăn nửa chén bột, cháo mỗi bữa, ngày 2 bữa là được. Chú ý nấu đủ 4 nhóm chất cho chén bột, cháo như hướng dẫn phần trên. Tuổi này bé chưa ăn thức ăn lợn cợn như phở, bún, hủ tíu được. Có thể nấu soup khoai tây, soup cua… để đổi món với cháo, bột nhưng không chỉ ăn nước hầm xương hay nước hầm rau củ… mà phải ăn cả phần cái- xác của thực phẩm (được nghiền nhuyễn, cắt nhỏ…) và phải đủ 4 nhóm thực phẩm trong chén soup. Ví dụ soup khoai tây, trứng gà (1/2 lòng đỏ), susu, dầu ăn.


Câu 6: Bé nhà mình 11 tháng, mình muốn nấu cơm hầm cho bé ăn mà không biết nấu như thế nào để cơm không nhão ra thành cháo? Còn thức ăn nấu ra sao để trẻ có thể nhai được nhưng phải dễ nuốt?

(Hoama Phan)

Chuyên gia dinh dưỡng – Ẩm thực Nguyễn Thành Tâm:

Chào bạn,

Với độ tuổi này thì bé chỉ cần ăn cơm nhão. Nhưng nếu cơm nhão ra thành cháo thì bạn đã cho dư nước. Tùy loại gạo của mỗi gia đình bạn nên căn lượng nước cụ thể để cơm vừa đủ nhão.

Thức ăn kèm với cơm sau khi thức ăn nấu xong nên tán nhuyễn ra theo sớ chiều dọc của thịt, cá.


Câu 5: Dạ, em chào bác sĩ và chương trình. Con em hiện hơn 10 tháng, là con trai, nặng 11kg và cao 78cm. Em cho cháu ăn dặm khi cháu được 5 tháng 20 ngày, và từ đó đến nay em rất ít nấu cháo mà thường xuyên cho cháu ăn súp hoặc trái cây hấp xay nhuyễn. Súp thường là những loại rau củ quả em hấp và xay nhuyễn, chẳng hạn như súp rau bó xôi + khoai tây + hành boaro + bơ lạc hoặc súp tôm + trứng gà + đậu hà lan + bắp hay súp táo + lê, hay cà rốt + khoai tây + thịt heo. Tất cả em hấp và xay nhuyễn tùy theo tháng tuổi và độ ăn thô của cháu. Vậy em muốn hỏi là những thức ăn em cho cháu ăn như vậy có tốt không và cháu ăn ít cháo có được không? Cháu chủ yếu ăn rau củ quả là nhiều. Em cảm ơn và mong được hồi âm từ chương trình và bác sĩ!

(Tatuchi Nguyễn)

BS. CK1. Đào Thị Yến Thủy, Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM:

Chào chị,
Bé 10 tháng tuổi có thể ăn cháo hay bột, súp như chị nấu đều được, có thể thay đổi nhiều loại thức ăn dặm cho trẻ vậy là rất tốt vì trẻ được ăn nhiều chất dinh dưỡng và không bị ngán. Chị ít cho ăn cháo nhưng thay bằng súp vậy cũng tốt nếu trẻ thích ăn súp hơn. Điều quan trọng là trong mỗi chén cháo hay bột, súp phải có đủ 4 nhóm thực phẩm với số lượng cân đối như sau:

– Nhóm đạm: Thịt hay cá, tôm, trứng, đậu hũ,…: 2 muỗng canh lúp

– Rau lá hay su su cà rốt, bí đỏ : 2 muỗng canh

– Dầu ăn : 1 muỗng canh

– Cháo hay bột ngũ cốc, khoai tây, (bột năng), … cho đầy chén.

Khi ăn đậu hà lan thì vừa có chất bột đường như cháo, súp vừa có thêm đạm thực vật.

Trẻ 10 tháng có cân nặng chiều cao vậy là tốt. Tuy nhiên mẹ nên tập cho bé ăn lợn cợn dần dần chứ không nên dùng máy xay sinh tốt xay nhuyễn suốt như vậy sẽ không tập nhai được. Dùng dao thớt băm nhỏ thức ăn là tốt hơn.

Chúc bé khỏe, mẹ vui.


Câu 4: Bé nhà em còn 3 tháng nữa là tròn 2 tuổi nhưng vẫn không thích ăn cá, dụ kiểu nào cũng không được. May quá, hôm nay gặp chương trình này, em xin nhờ tạp chí hướng dẫn vài món cháo nấu chung với cá mà vẫn thơm ngon, đủ chất để em nấu cho bé ăn. Em rất cảm ơn.

(Mỹ Duyên)

Chuyên gia dinh dưỡng – Ẩm thực Nguyễn Thành Tâm:

tu-van-truc-tuyen-nau-chao-dung-cach-cho-be-an-dam

Chào bạn,

Bé thường không thích cá do cá có mùi tanh, hoặc không nấu không hợp khẩu vị của bé. Bạn hãy quan sát bé thường thích ăn những món gì, mùi vị thế nào mình sẽ thay đổi được thói quen của bé. Ví dụ có thể làm chà bông cho bé ăn chung với cháo, cá tẩm bột chiên, hoặc cá hấp chín tán nhuyễn cùng với khoai tây tẩm bột chiên.


 Câu 3: Anh Tâm cho em hỏi em muốn nấu cháo cá hồi hàng tuần cho bé con em 7 tháng tuổi, như vậy có bị dư chất gì không? Có lợi cho sức khỏe bé không?

(Thi)

Chuyên gia dinh dưỡng – ẩm thực Nguyễn Thành Tâm:

Chào bạn, bạn không nói cụ thể hàng tuần bạn nấu mật độ thế nào. Thông thường, một tuần chỉ nên nấu cá hồi cho bé ăn 3 lần. Một lần từ 30- 40 gam tùy theo thể trạng của bé.

Cá hồi có thể nấu với nấm, các loại đậu, rau củ…

Cá hồi giúp bé sáng mắt, phát triển trí não, cung cấp lượng DHA, sắt, kẽm cũng như vitamin D rất nhiều.


Câu 2: Chào bác sỹ và chương trình, con gái em được 14 tháng nặng 10kg, em thường cho cháu ăn theo thực đơn tư vấn của tạp chí Mẹ&Con nhưng 2 tháng nay không thấy tăng cân. Cháu khỏe mạnh bình thường, mong bác sỹ và chương trình giải đáp giúp em nấu cháo thế nào đúng cách ạ?

(Nguyễn Thị Hương)

BS. CK1. Đào Thị Yến Thủy, Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM:

Chào chị,

Bé 14 tháng 10kg là đạt chuẩn nhưng 2 tháng nay không tăng cân là vấn đề cần lo lắng. Tuổi này mỗi ngày cần ăn 3 chén cháo và 800ml sữa, trái cây tươi, sao cho mỗi tháng tăng 100-200g và cao 1-2 cm là tốt.

Cách nấu cháo, bột cho trẻ:
– Cháo nấu một nồi 3 chén, múc ra 2 chén để nguội cho vào tủ lạnh bảo quản đến trưa và chiều lấy ra nấu cho nhanh.
– Thịt hay cá, tôm (đã bóc vỏ), trứng, đậu hũ: lấy khoảng 30g (100g chia làm 3) dùng dao thớt xắt lát mỏng rồi bằm ngang, dọc, chéo,… cho nát nhuyễn đong được 2 muỗng canh lúp, cho vào nửa chén nước lã tán rời ra.
– Lá rau non rửa sạch xắt sợi rồi bằm nhỏ hay bí đỏ xắt cục hầm mềm tán nhuyễn, đong 2 muỗng canh lúp.
– Cho thịt hay cá vào nồi bật lửa nấu sôi, vừa nấu vừa quậy thì thịt không bị vón cục lại, chín thịt cho rau vào, sôi lại cho cháo vào, nêm chút xíu nước mắm hay muối I-ốt, tắt lửa cho ra chén, cho 1-2 muỗng canh dầu mè hay dầu nành tinh luyện vào chén và trộn đều lên là có thể cho bé ăn.
– Với bột gạo sống thì cho vào chén nước thịt đã tán, quậy chung bột và thịt trên bếp cho chín rồi cho rau vào, múc ra chén rồi cho dầu vào. Nếu ăn bột ăn liền thì sau khi nấu chín thịt + rau thì cho ra chén để nguội bớt rồi cho bột vào, sau cùng cho dầu vào.

Nhớ thay đổi món thường xuyên cho bé nhận được nhiều chất dinh dưỡng và không bị ngán.

Chúc bé khỏe, mẹ vui.


Câu 1: Cho mình hỏi, con trai mình được 9 tháng. Mình nấu cháo mỗi ngày mỗi món khác nhau nhưng bé vẫn không chịu ăn. Mình xay nhuyễn cho bé ăn, vậy có đủ chất cho bé không ạ? Cảm ơn bác sĩ.

BS. CK1. Đào Thị Yến Thủy, Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM:

Chào bạn,

Bé 9 tháng cần ăn ngày 3 bữa, mỗi bữa khoảng 2/3 chén bột hoặc cháo đủ chất. Đủ chất ở đây có nghĩa là đủ 4 nhóm thực phẩm với số lượng như đã nhắc đến ở phần trên (nội dung trong chuyên đề đã đăng trên trang web).

Không nên dung máy xay sinh tố vì thức ăn quá nhuyễn sẽ làm bé ngán và mất phản xạ nhai để giúp ngon miệng. Nên dùng dao, thớt bằm nhỏ để thức ăn lợn cợn là tốt. Nếu bé ăn ít có thể bù thêm bằng sữa chua, bánh plan, váng sữa, phô mai, kem, sữa… ngay sau khi ăn cháo, bột. Nếu 2 tuần nữa bé không lên cân bạn nên cho bé đi khám dinh dưỡng để được bác sĩ giúp đỡ thêm.

CÁCH NẤU CHUẨN MỘT BÁT BỘT – CHÁO

Sau đây là cách thức chuẩn cho một bát cháo – bột cho bé giai đoạn ăn dặm mà mẹ cần áp dụng. Tư vấn của BS. CK1. Đào Thị Yến Thủy (Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM)

I. Một số nguyên tắc ăn dặm:

1. Tập trẻ ăn dặm với bột sữa, bột thịt,… khi trẻ tròn 6 tháng tuổi.

2. Trẻ 7-8 tháng ăn ngày 2 lần, mỗi lần khoảng nửa chén là được. Ngoài ra trẻ cần uống thêm từ 600-800ml sữa.

Trẻ 9-10 tháng nên ăn 3 lần mỗi ngày, mỗi lần khoảng 2/3 chén, sữa 700-800 ml

Trẻ 11-24 tháng nên ăn 3 lần mỗi ngày, mỗi lần khoảng 1 chén, sữa 800 ml.

3. Một chén bột, cháo cần có đủ 4 nhóm thực phẩm gồm có:
– Bột đường: Bột gạo xay, bột ăn liền, bột ngũ cốc, cháo, khoai tây nghiền,…
– Đạm: Thịt, cá, tôm, cua, gan, trứng, đậu hũ, …
– Rau củ, rau lá, bí bầu, trái cây.
– Dầu, mỡ, bơ.

4. Nên cho trẻ ăn đa dạng thực phẩm, thay đổi món thường xuyên để trẻ được nhận đủ các chất dinh dưỡng và không sợ thiếu các vi chất dinh dưỡng (vitamin, khoáng chất).

5. Cho trẻ ăn cả phần cái (phần xác) của thực phẩm thì trẻ mới nhận đủ chất dinh dưỡng. “Khôn ăn cái, dại mới ăn nước”. Các lọai nước hầm xương, luộc thịt, luộc rau chứa rất ít chất dinh dưỡng trong đó.

6. Lượng thực phẩm trong một chén bột, một chén cháo:
– Đạm: 2 muỗng canh (thịt, cá băm nhuyễn, đong vun nhẹ)
– Lá rau băm nhuyễn hay củ, bí bầu hầm mềm tán nhuyễn: 2 muỗng canh.
– Dầu ăn tinh luyện (mè, nành…): 1 – 2 muỗng canh.
– Bột gạo xay:
+ Bột loãng : 1 – 2 muỗng canh gạt ngang.
+ Bột sệt: 3 – 4 muỗng canh gạt.
+ Bột đặc: 5 – 6 muỗng canh gạt.
Cháo sệt : 1 nắm tay gạo (20g).
Cháo đặc : 1,5 nắm tay gạo (30g).

Lưu ý: Nếu trẻ ăn nửa chén thì lượng thực phẩm từ mỗi nhóm chỉ là một nửa (1 muỗng canh thịt, 1 muỗng canh rau, 1 muỗng canh dầu trong nửa chén). Nếu trẻ ăn 2/3 chén thì cho 1,5 muỗng canh thịt, 1,5 muỗng canh rau và 1-1,5 muỗng canh dầu trong 2/3 chén bột hoặc cháo.

II. Cách chế biến:
1. Chuẩn bị:

– Chất đạm: Xắt lát mỏng rồi băm nhuyễn, tán tan trong nước lã trước khi nấu .

– Rau : Ngắt lá xắt nhỏ rồi băm nhuyễn. Củ xắt miếng nhỏ nấu mềm rồi dùng muỗng tán nhuyễn.

– Cháo: Gạo nấu lửa riu riu cho nhừ.

2. Cách nấu:

– Nấu bột : Chất đạm tán tan trong ½ chén nước lã, đổ vào nồi, cho thêm ½ chén nước vào, cho từng muỗng bột gạo xay vào trộn đều, bắt lên bếp, bật lửa, vừa nấu vừa khuấy liền tay cho chất đạm không vón cục lại. Bột chín thì cho rau vào, nêm một chút muối I ốt hay nước mắm, nước tương hoặc đường cát (tùy món). Rau chín đổ bột ra chén, trộn dầu ăn vào.

– Nấu cháo: Chất đạm tán tan trong ½ chén nước lã, đổ vào nồi, bật lửa nấu, khuấy liền tay. Thịt chín cho cháo vào, nêm nếm, bỏ rau củ vào. Khi chín thì đổ ra chén, cho dầu ăn vào trộn đều.

* Lưu ý:

– Nếu chất đạm còn lợn cợn nhiều làm trẻ bị nhợn ói, có thể nấu chín đạm trong nước rồi cho vào rây inox, dùng muỗng đánh cho chất đạm rớt hết xuống, sau đó lấy phần dưới rây để nấu tiếp với rau, bột hoặc cháo.

– Nên nấu một lần một nồi 2-3 chén cho trắng, để nguội cho vào tủ lạnh bảo quản, trưa và chiều lấy ra nấu chén cháo thịt, cá mới cho nhanh.

– Không nấu một nồi cháo 3 chén rồi cho tất cả thịt, cá, rau, dầu vào rồi hâm đi hâm lại sẽ mất chất dinh dưỡng, nguy cơ ngộ độc thực phẩm và bé sẽ bị ngán.

– Nếu dùng bột ăn liền: Sau khi nấu chín đạm, rau, cho ra chén cho nguội rồi bỏ bột ăn liền vào cho đạt độ đặc vừa ý, cho dầu ăn vào chén trộn đều trước khi cho trẻ ăn. Lượng đạm và dầu có thể giảm một nửa nếu dùng bột ăn liền đã cân đối thành phần.

CÔNG THỨC CHUẨN ĐỂ NẤU MÓN NGON CHO BÉ ĂN DẶM:

Sau đây là cách thức chuẩn cho một bát cháo – bột cho bé giai đoạn ăn dặm mà mẹ cần áp dụng. Tư vấn của Chuyên gia dinh dưỡng – Ẩm thực Nguyễn Thành Tâm:

– Những thực phẩm bổ dưỡng nào có thể kết hợp với nhau?

Những thực phẩm bổ dưỡng kết hợp với nhau khi chúng ta tìm hiểu được rõ chúng ta cần cho con trẻ hấp thụ những gì (tùy từng thời điểm từng lứa tuổi khác nhau).

Trong thành phần món ăn cung cấp cho trẻ chủ yếu là đạm (đạm động vật, thực vật) nhưng bên cạnh đó ta cần thiết phải phối hợp với các loại vitamin hoặc axit amin cần thiết để cho quá trình được hấp thụ tốt hơn.

Ví dụ: Cần bổ sung canxi cho trẻ, ngoài việc cho ăn các loại thực phẩm chứa nhiều canxi cần phải phối hợp thêm các loại rau củ quả có nhiều vitamin D.

Tăng cường linh hoạt tuần hoàn máu và chống thiếu máu hoặc giảm sự tập trung ngoài ăn các thực phẩm giàu sắt, kẽm cần phối hợp thêm vitamin C.

– Cách nấu như thế nào là ngon?

Cách nấu được gọi là ngon khi đủ tiêu chí: Hợp vệ sinh, đầy đủ chất dinh dưỡng, mùi vị hấp dẫn, hợp khẩu vị, sử dụng liền ngay sau khi nấu xong.

– Những thực đơn hấp dẫn, phong phú, không khó làm:

Cháo:

1. Nấu với bí đỏ, đậu phộng sườn non.

2. Cháo nấu cá với các loại rau củ.

3. Cháo nấu thịt kèm với các loại đậu, trái.

4. Khoai tây hầm với rau củ + thịt, xay nhuyễn…

– Cách nấu những món ăn dặm chắc chắn mẹ chưa biết:

Có thể thay các loại củ quả với gạo:

1. Khoai tây nghiền với sữa, hoặc thịt xay.

2. Bí đỏ hầm các loại thịt và hải sản xay nhuyễn.

Đặc biệt chú ý hàm lượng dinh dưỡng đủ cho trẻ không cần ăn quá nhiều chỉ cần ăn đủ chất.

tu-van-truc-tuyen-nau-chao-dung-cach-cho-be-an-dam

3 bát ăn dặm Upass sẽ được trao ngẫu nhiên cho các mẹ đặt câu hỏi trong chương trình

 

Tags:

Bài viết liên quan