Mẹ&Con - Khoảng vài tuần gần đây, tôi để ý thấy bé hay bị chảy nước mắt sống (nước mắt vẫn chảy dù bé chỉ nằm ngủ hoặc đang chơi ngoan, không khóc). Tôi rất lo nên đưa bé đi khám bác sĩ thì bác sĩ nói bé bị tắc lệ đạo bẩm sinh... Những thói quen gây nguy hiểm cho mắt Chăm sóc đôi mắt cho con Xử lý bệnh mắt ở trẻ sơ sinh

Bé nhà tôi mới chào đời được 5 tuần. Khoảng vài tuần gần đây, tôi để ý thấy bé hay bị chảy nước mắt sống (nước mắt vẫn chảy dù bé chỉ nằm ngủ hoặc đang chơi ngoan, không khóc). Tôi rất lo nên đưa bé đi khám bác sĩ thì bác sĩ nói bé bị tắc lệ đạo bẩm sinh. Kính nhờ bác sĩ tư vấn giúp, như vậy nghĩa là sao? Con tôi có thể chữa khỏi không và chứng tắc lệ đạo này có gây ảnh hưởng gì đến sức khỏe của bé không? Chân thành cảm ơn bác sĩ.

Trần Thị Hà My
(Quận 10)

 chuyen gia mevacon

Hiểu theo cách đơn giản nhất thì “lệ” là nước mắt, “đạo” là con đường. Lệ đạo chính là hệ thống đường dẫn nước mắt đi từ vùng hố lệ đến khe mũi dưới. Nước mắt vào lệ đạo qua điểm lệ, chảy trong lệ quản, túi lệ, ống lệ mũi và chảy vào vùng mũi họng qua khe mũi dưới.

Khi nước mắt không chảy vào lệ đạo mà lại chảy ra ngoài gây nên hiện tượng chảy nước mắt sống thì nguyên nhân thường gặp nhất là do tắc lệ đạo, nhất là đối với trẻ sơ sinh. Khi phát hiện thấy trẻ bị chảy nước mắt sống hoặc thường thấy đọng nước ở khe mi thì nên đưa trẻ đi khám ngay, để được điều trị đúng và kịp thời.

Việc điều trị tắc “lệ đạo” bẩm sinh tùy theo tuổi của trẻ. Đối với trẻ nhỏ hơn 2 tháng tuổi, bác sĩ sẽ điều trị chủ yếu bằng cách day, xoa nắn vùng túi lệ, kết hợp với dùng kháng sinh tra tại mắt nếu có viêm nhiễm đi kèm. Không nên bơm thông lệ đạo trong thời kỳ này vì dễ gây tổn thương lệ đạo. Hơn nữa trong thời kỳ này lệ đạo có thể tự thông.

Đối với trẻ từ 3-12 tháng tuổi, bác sĩ sẽ điều trị bằng bơm thông lệ đạo, kết quả thông rất khả quan. Trường hợp trẻ lớn hơn 1 tuổi, bơm thông lệ đạo thường kém hiệu quả. Điều trị lúc này chủ yếu bằng mổ nối thông túi lệ mũi khi trẻ lớn hơn hoặc tiến hành đặt silicon qua hai lệ quản giúp nước mắt chảy xuống mũi.

Nói tóm lại, đây không phải là vấn đề gì nghiêm trọng nên bạn đừng quá lo lắng. Bác sĩ sẽ có thể điều trị khỏi nhanh cho bé khá đơn giản ở độ tuổi dưới 1 tuổi. Thân mến! 

Bác sĩ Lê Thị Ngọc Diệp
(BV Nhi Đồng 2) 

Tags:

Bài viết liên quan