Rượu, bia được xếp vào nhóm các chất kích thích có khả năng gây nghiện và tàn phá sức khỏe nghiêm trọng. Không chỉ vậy, các thức uống chứa cồn này còn có thể trở thành nguyên nhân khiến một tổ ấm tan vỡ chỉ vì chồng nghiện rượu…
Câu chuyện của em có lẽ nhiều chị em sẽ đồng cảm. Vâng, không có gì xa lạ, đó chính là chuyện chồng nghiện rượu ạ.
Em và anh quen nhau hơn 1 năm thì tiến tới hôn nhân, hiện nay đã có 2 cháu. Cháu nhỏ nhất chỉ mới 5 tháng tuổi còn cháu lớn thì đã 4 tuổi rồi ạ. Trước đây bọn em làm cùng công ty, có trò chuyện rồi quen nhau. Trong suốt thời gian quen nhau, em thấy anh thỉnh thoảng cũng có tụ tập bạn bè làm vài chai vào cuối tuần nhưng không đi nhiều, cũng uống ít nên em không ý kiến. Nào ngờ sau khi cưới thì em phát hiện ra chồng nghiện rượu.
Sau khi em sinh bé đầu tiên, chồng được thay đổi vị trí công việc lên phó phòng kinh doanh, phải đi tiếp khách hàng nhiều hơn. Vì vậy việc uống bia rượu nhiều hơn cũng là điều khó tránh khỏi. Nhiều lần em ý kiến nhưng anh bảo là do công việc, hơn nữa nhờ vị trí này lương khá mà cuộc sống hôn nhân 2 vợ chồng cũng được cải thiện, có nhiều kinh tế hơn để lo cho con.
Nhưng càng ngày anh càng đi uống rượu nhiều hơn, hầu như là ngày nào anh cũng trở về nhà nồng nặc mùi rượu bia. 1 tuần có khi anh đi nhậu 7 hôm, nếu không nhậu với bạn hay đồng nghiệp thì tự nhậu 1 mình. Em chán nản chuyện chồng nghiện rượu, góp ý nhiều lần nhưng anh vẫn không thay đổi gì. Cứ mỗi lần nói là vợ chồng cãi nhau nhưng em không thể chấp nhận được mỗi tối chồng đều trở về nhà trong bộ dạng say khướt, người nồng nặc mùi rượu, chẳng ngó ngàng gì đến con.
Chưa kể, hôm nào anh ấy say bí tỉ thì vừa về đến nhà đã lăn ra ngủ. Còn hôm nào say nhưng vẫn thức được, anh ấy lại bắt đầu kiếm chuyện để cãi vã. Hết chuyện này đến chuyện khác, thậm chí còn dùng lời lẽ không hay để mắng nhiếc vợ con.
Từ ngày em sinh bé thứ 2 xong, anh ấy đi nhiều đến mức vợ chồng không còn quan hệ tình dục. Thậm chí anh ấy còn chẳng bế con được bao nhiêu bữa. Việc nhà một mình em làm, giỗ chạp lễ lộc hai bên một mình em chuẩn bị, bố mẹ chồng hay bố mẹ em có chuyện thì vẫn là một mình em chạy đôn chạy đáo để lo mọi thứ.
Dù tiền chồng vẫn đưa rất đều đặn nhưng vì chồng nghiện rượu, đi sớm về khuya mà ngôi nhà trở nên lạnh lẽo hơn bao giờ hết, chẳng còn hơi ấm. Anh ấy chỉ “tròn vai” về mặt kinh tế chứ không thể làm tròn nghĩa vụ của một người con trai, một người cha, và một người chồng.
Đã nhiều lần em nghĩ đến việc ly hôn. Em không muốn con mình lớn lên, chứng kiến cảnh mẹ bất lực vì có người chồng nghiện rượu, chứng kiến cảnh bố mẹ cơm không lành canh không ngọt. Nhưng em cũng thương con còn quá nhỏ, muốn con có mái ấm đầy đủ bố và mẹ. Hơn nữa, gia đình chồng em cũng rất tốt với em. Ngoài việc chồng nghiện rượu và mỗi lần uống rượu lại hay quát mắng thì cuộc hôn nhân của tụi em tính ra cũng khá êm đềm, đủ nếp đủ tẻ, không gặp vấn đề mẹ chồng nàng dâu. Vậy giờ em nên làm gì đây ạ?
Nguyên nhân nghiện rượu là gì?
Việc nghiện rượu có thể xuất phát từ các yếu tố khác nhau như yếu tố sinh học, yếu tố môi trường, yếu tố xã hội và yếu tố tâm lý. Sau một thời gian dài uống rượu, não của bạn bắt đầu phụ thuộc vào rượu để sản xuất một số chất hóa học. Khi bạn không còn uống rượu nữa, cơ thể sẽ sinh ra các phản ứng khiến bạn cảm thấy khó chịu, mệt mỏi, muốn uống rượu nhiều hơn. Do thói quen uống rượu bia khi tiếp khách nên cơ thể quen với rượu và dẫn đến nghiện rượu.
Không chỉ vậy, trường hợp chồng nghiện rượu còn có thể xuất phát từ các áp lực tâm lý, xã hội. Căng thẳng công việc, gánh nặng tài chính và những thứ mệt mỏi khác khiến anh ấy muốn sử dụng rượu bia để quên đi mọi thứ.
Ngoài ra, một số người dễ có tâm lý thích chống đối, càng bị ý kiến thì càng muốn tiếp tục làm theo. Vợ càng nói thì chồng sẽ càng làm, vợ càng càm ràm thì chồng càng đi uống rượu nhiều hơn.
Phải làm sao để “đối phó” với một người chồng nghiện rượu?
Việc cai nghiện, dù là nghiện bất cứ thứ gì đi nữa cũng không hề dễ dàng. Với một người chồng nghiện rượu, bạn có thể:
Cho anh ấy biết những tác hại của việc nghiện rượu
Có những tác hại hữu hình mà chúng ta có thể nhìn thấy được, chẳng hạn như uống rượu nhiều làm tăng nguy cơ bị tai nạn giao thông, uống rượu làm tổn hại đến các cơ quan trong cơ thể, đặc biệt là gan, thận và dạ dày, uống rượu nhiều làm tăng nguy cơ ung thư,…
Và có cả những tác hại vô hình mà có lẽ, ông chồng nghiện rượu của bạn đã quên mất, chẳng hạn như hình ảnh của anh sẽ xấu xí hơn trong mắt con cái, hôn nhân dễ rạn nứt hơn, làm phiền phòng bố mẹ hai bên,… Hãy cho anh ấy biết tất cả tác hại của việc nghiện rượu là gì và để anh ấy tự nghiền ngẫm, đưa ra quyết định cho chính mình.
Thay đổi cách trao đổi
Thay vì lúc nào cũng cáu gắt vì việc chồng nghiện rượu để rồi kết quả chẳng có gì thay đổi, bạn có thể chọn một cách trao đổi khác, chẳng hạn như trò chuyện trong lúc anh ấy đang thoải mái, trò chuyện tâm sự nhẹ nhàng,… Nếu anh ấy uống rượu vì tâm lý muốn chống đối với những lời phàn nàn của bạn thì biết đâu, khi bạn thay đổi thái độ của mình, anh ấy cũng vì thế mà thay đổi?
Thỏa hiệp và đặt ra giới hạn
Thay vì bắt anh ấy không được uống rượu, bạn có thể học cách thỏa hiệp với chàng về tần suất uống rượu, chẳng hạn 1 tuần được uống 2-3 ngày và giảm dần chẳng hạn. Điều này giúp cả hai thoải mái hơn với nhau vì ai cũng đạt được mong muốn của mình.
Và bạn đừng quên rằng đã thỏa hiệp thì phải đặt ra giới hạn và cam kết. Nếu anh không thay đổi mà vẫn tiếp tục thì sẽ như thế nào, liệu cả hai có nên chia tay hay không?
Và đừng quên, nếu sau tất cả, việc chồng nghiện rượu không thể thay đổi, bạn hoàn toàn có thể cân nhắc đến việc rời đi bởi lẽ, nghiện rượu không chỉ gây ảnh hưởng đến anh ấy mà mỗi khi say, anh còn làm những hành động thiếu tôn trọng vợ con – một điều hiển nhiên khó chấp nhận được.