Mẹ&Con – Để bảo vệ sức khỏe và tạo sức đề kháng cho trẻ, bất kỳ đứa trẻ nào cũng phải được tiêm ngừa; tuy nhiên, số trẻ sơ sinh tử vong sau tiêm trong thời gian gần đây đã khiến nhiều mẹ phải băn khoăn.

Cứ thỉnh thoảng bạn lại đọc được một mẩu tin một bé sơ sinh ở một địa phương nào đó tử vong sau khi sinh khiến bạn nghĩ… liệu bé nhà mình có bị vậy không? Bạn lưỡng lự giữa việc tiêm và không tiêm cho con. Thậm chí có người còn cho rằng: “Kệ, từ từ bé lớn hơn rồi tính. Chứ mới sinh ra, bé yếu như thế này mà tiêm ngừa, có gì thì áy náy cả đời”. Song, thực tế rất nhiều bệnh cần được tiêm ngừa cho trẻ ngay sau khi sinh trong vòng 24 giờ và những tháng đầu tiên.

tiêm ngừa cho bé

(Ảnh minh họa)

Những nguy cơ khi trì hoãn tiêm vắc xin

Lấy đơn cử như viêm gan siêu vi B. Bé cần được tiêm ngừa viêm gan siêu vi B mũi đầu tiên càng sớm càng tốt sau khi sinh, trễ lắm là hết tháng thứ hai. Nhiều bà mẹ nghĩ rằng trì hoãn tiêm một chút cũng được. Tuy nhiên, cần biết rằng viêm gan B rất dễ lây, đôi khi chỉ vết đứt tay nhỏ ở người lớn, dù đã lau sạch máu, nhưng nếu có tiếp xúc với trẻ sơ sinh (chưa được tiêm phòng) trong trường hợp da trẻ bị trầy xước thì nguy cơ lây vẫn rất cao. Hay như rốn trẻ sơ sinh chưa rụng, việc thay băng rốn hoàn toàn có thể gây lây nhiễm viêm gan B. Do vậy, nếu không tiêm ngay sau sinh, nguy cơ lây nhiễm rất cao trong thời kỳ này.

Trên thực tế, nếu không tiêm cho trẻ ngay trong 24 giờ sau sinh thì chắc chắc tỉ lệ mắc viêm gan sẽ khá cao. Khi đã mắc viêm gan thì xảy ra rất nhiều nguy cơ, thậm chí sau này có thể dẫn đến ung thư gan. Hơn nữa, chính bản thân vi rút gây viêm gan B hoàn toàn có thể hủy hoại tế bào gan, làm suy gan khiến tỉ lệ tử vong tăng lên nhanh chóng. Các bác sĩ đã gặp rất nhiều trường hợp trẻ sơ sinh bị viêm gan cấp, chỉ trong 1,2 ngày mà da trẻ đã bị vàng khè, teo gan rất nhanh dẫn đến chỉ trong vòng 3 – 4 ngày đã có thể tử vong. Chính vì vậy, không nên vì sự lo lắng quá mức mà trì hoãn việc tiêm phòng cho trẻ.

Các bệnh cần tiêm phòng ngay sau khi trẻ chào đời đến 1 tuổi

1. Lao

Việc ngừa lao cho trẻ sơ sinh được thực hiện bằng cách tiêm vắc xin BCG ngay trong tuần đầu sau sinh. Thuốc được tiêm trong da. Sau khi tiêm, da có thể nổi mẩn đỏ, sưng tấy nhẹ hoặc loét tại chỗ tiêm. Chỉ không nên tiêm cho trẻ khi trẻ bị viêm da có mủ, đang bị sốt trên 37,5 độ, tiêu chảy, suy dinh dưỡng, bệnh tai-mũi-họng, viêm phổi, vàng da, nhiễm HIV.

2. Bạch hầu, uốn ván, ho gà

Việc tiêm ngừa bệnh bạch hầu, uốn ván và ho gà được thực hiện cùng một lúc khi trẻ đã được 2 tháng tuổi. Thuốc chủng ngừa được pha trộn chung, viết tắt là DTP (theo tiếng Anh) hoặc DTC (theo tiếng Pháp) và được tiêm vào bắp thịt của trẻ.

Theo lịch tiêm chủng, trẻ được tiêm 8 liều cách nhau ít nhất 30 ngày. Liều thứ nhất khi trẻ được 2 tháng tuổi. Liều thứ hai sau đó ít nhất 1 tháng. Liều thứ ba trước khi trẻ được 12 tháng tuổi. Trẻ sẽ được tiêm nhắc lại 1 năm sau khi tiêm liều thứ ba. Thuốc có hiệu quả bảo vệ trong nhiều năm sau khi đã tiêm đủ liều. Tại chỗ tiêm ngừa có thể bị nổi mẩn đỏ, sưng đau nhẹ, gây sốt 38 – 39 độ.

Trong trường hợp trẻ đang mắc bệnh nhiễm khuẩn, sốt cao, rối loạn thần kinh, v.v. không nên tiêm ngừa.

3. Bại liệt

Trẻ sẽ được chủng ngừa sốt bại liệt cùng lúc với tiêm ngừa bạch hầu, uốn ván, ho gà bằng thuốc ngừa dạng uống (vắc xin Sabin): uống 3 lần vào lúc 2 tháng tuổi, 3 tháng tuổi và 4 tháng tuổi. Trẻ sẽ được bảo vệ trong 10 năm. Sau khi uống thuốc ngừa, trẻ có thể bị nhức đầu, đau cơ hoặc tiêu chảy.

Tuyệt đối không được cho uống Sabin ngừa sốt bại liệt trong lúc trẻ đang bị sốt, bị nôn, tiêu chảy, đang được điều trị bằng thuốc corticoid, mắc bệnh ác tính (u lympho, bạch cầu cấp) hoặc bị nhiễm HIV. Không cho trẻ uống thuốc Sabin đồng thời với vắc xin thương hàn uống.

4. Sởi

Trẻ được chủng ngừa bệnh sởi khi đã hơn 9 tháng tuổi. Thuốc được tiêm dưới da và có tác dụng bảo vệ trong nhiều năm. Sau khi tiêm, có thể có phản ứng tại chỗ tiêm: sưng đỏ, nổi mụn nước. Trẻ cũng có thể bị sốt, ho, sổ mũi và nhức đầu. Thuốc ngừa bệnh sởi được tiêm một lần.

Khi trẻ đang sốt cao, bị nhiễm HIV, cần hoãn tiêm thuốc ngừa bệnh sởi.

5. Viêm gan siêu vi B

Tiêm mũi thứ nhất khi trẻ từ 0 đến 2 tháng tuổi. Mũi thứ hai sau mũi đầu 1 – 4 tháng. Mũi thứ ba sau mũi 2 từ 6 đến 18 tháng. Hầu hết các vắc xin ngừa viêm gan siêu vi B đều rất an toàn. Một số ít các trường hợp có thể bị sốt nhẹ, đau chỗ tiêm, nôn ói, chóng mặt, mệt mỏi, đau cơ sau khi tiêm. Tuy nhiên, đối với trẻ sinh ra nhẹ cân (ít hơn 1,5kg) có thể chờ cho đến khi trẻ được 2kg hoặc từ 2 tháng tuổi mới bắt đầu tiêm ngừa viêm gan siêu vi B.

Bác sĩ Phạm Khuê Anh

> Trẻ nghiến răng khi ngủ có thể xem là bất thường không

Tags:

Bài viết liên quan