Mẹ và Con - Với các thông tin kêu gọi từ thiện trên mạng xã hội, rất khó để phân biệt thật giả dẫn đến nhiều trường hợp tin lầm thông tin nguỵ tạo hoàn cảnh khó khăn, bị lợi dụng lòng tốt để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Không khó để tìm thấy những mẩu tin kêu gọi từ thiện đang nhan nhản trên các hội nhóm, trang Facebook hay Zalo, đánh vào truyền thống “thương người như thể thương thân” của người dân Việt Nam. Nhiều người đã tin vào những lời kêu gọi này và chuyển khoản, gửi tiền ủng hộ. Tuy nhiên, sau đó kiểm tra lại thì bỗng phát hiện ra chẳng có trường hợp nào như thông tin kêu gọi cả.

Hiện nay, đã có rất nhiều trường hợp lợi dụng lòng tốt của người khác để kêu gọi từ thiện qua mạng và sử dụng tiền từ thiện trục lợi cá nhân. Vì vậy, hãy tỉnh táo trước khi ủng hộ tiền từ thiện qua mạng xã hội, tránh để mình trở thành “con mồi ngon” của các đối tượng lừa đảo.

Bịa đặt thông tin, kêu gọi từ thiện rồi chiếm đoạt tiền từ thiện

Hiện nay, cơ quan công an, đơn vị chống tội phạm sử dụng công nghệ cao khuyến cáo người dân không nên nhẹ dạ cả tin, nghe theo các thông tin kêu gọi từ thiện cho những hoàn cảnh khó khăn trên mạng xã hội bởi rất khó để có thể xác minh được tình trạng người được kêu gọi có đúng hay không.

Ngày 10-2, Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết đang điều tra trường hợp tài khoản Facebook có tên “Nguyễn Phương Nga” có dấu hiệu lợi dụng danh nghĩa kêu gọi ủng hộ từ thiện trên mạng xã hội để lừa đảo. Cụ thể, tài khoản này,liên tục đăng bài trên nhiều hội nhóm về trường hợp tại tại xã Hà Long, huyện Hà Trung có anh Đỗ Minh Hậu – một người bố đơn thân bị ung thư máu và con gái 19 tháng tuổi là Đỗ Diệu Linh bị bỏng nặng.

Tuy nhiên, Công an và chính quyền địa phương xác minh không có thông tin như tài khoản Facebook “Nguyễn Phương Nga” kêu gọi từ thiện.

kêu gọi từ thiện
Kêu gọi từ thiện

Không chỉ trường hợp của tài khoản Facebook “Nguyễn Phương Nga”, còn rất nhiều trường hợp kêu gọi từ thiện qua mạng để lừa đảo khác. Vì vậy, cần tỉnh táo trước các lời kêu gọi để có thể giúp đúng các hoàn cảnh khó khăn, tránh lòng tốt bị lợi dụng.

Từ thiện đúng người, đúng việc

Với nhan nhản những mẩu tin kêu gọi từ thiện qua mạng, chúng ta cần tỉnh táo, nhận biết đâu là thông tin đúng sự thật, tránh vì thương tâm mà chuyển tiền cho những hoàn cảnh vốn chỉ được “vẽ” ra.

Kiểm chứng thông tin

Không khó để có thể thấy các dòng trạng thái kêu gọi từ thiện được đăng tải trên các trang mạng xã hội. Trước khi quyết định quyên góp tiền hay tài sản để ủng hộ bất kỳ trường hợp nào, cần thận trọng tìm hiểu, kiểm chứng kỹ các thông tin được đăng tải xem có đúng hay không.

Để có thể làm được điều này, nên yêu cầu người kêu gọi từ thiện đăng tải công khai thông tin về người cần giúp đỡ. Ngoài ra, nên tìm hiểu về trang cá nhân của người kêu gọi từ thiện xem có thường xuyên tổ chức, tham gia các hoạt động từ thiện hay không, tài khoản sử dụng lâu hay chưa. Một số dấu hiệu của tài khoản Facebook ảo, sử dụng để lừa đảo bao gồm:

  • Hình ảnh: Nếu phần lớn các hình ảnh của tài khoản Facebook này đều có khuôn mặt chung của một người thì khả năng đây là tài khoản Facebook thật cao hơn. Còn nếu tài khoản không có bất kỳ ảnh nào có sự hiện diện của con người, các hình ảnh của những người khác nhau thì nhiều khả năng đó chỉ là nick Facebook ảo.
  • Danh sách bạn bè: Bạn có thể kiểm tra danh sách bạn bè của người kêu gọi từ thiện xem có nhiều bạn hay không. Truy cập vào trang cá nhân của vài người trong số đó để so sánh thông tin, kiểm tra xem các tài khoản Facebook này có giống nhau hay không. Trong trường hợp tài khoản Facebook ảo, các tài khoản bạn bè thường bị ẩn hoặc rất ít, không có bất kỳ điểm chung (chung trường cấp 3, trường Đại học, chung cơ quan làm việc,…) nào.
  • Các bài đăng: Nếu bài đăng nhận được nhiều tương tác, tài khoản thường xuyên đăng bài thì có thể thấy phần nào khả năng đây là tài khoản thật.

Tuy nhiên, các dấu hiệu trên chỉ là một phần nhỏ để nhận biết tài khoản kêu gọi từ thiện có thật hay không. Không tránh khỏi trường hợp bị hack tài khoản, sử dụng hình ảnh của người khác để lừa đảo. Do đó, nên kết hợp với việc liên hệ với với chính quyền địa phương, bệnh viện nơi các hoàn cảnh khó khăn điều trị để kiểm chứng.

Xem thêm: 6 thủ đoạn lừa đảo qua mạng tinh vi nhất hiện nay

Lựa chọn các tổ chức uy tín

Nếu không muốn lòng tốt của mình bị trục lợi, các cá nhân, tổ chức, nhà hảo tâm nên ưu tiên lựa chọn các tổ chức từ thiện uy tín.

Hiện nay có rất nhiều quỹ, chương trình từ thiện do Nhà nước, đoàn thể; quỹ từ thiện được cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Việc quyên góp cho các chương trình hoặc các quỹ này có thể phần nào giúp hạn chế việc bị kẻ xấu lợi dụng lòng tin để chiếm đoạt tài sản, lừa đảo bằng cách kêu gọi từ thiện “ảo”.

Khi lựa chọn các tổ chức hoặc cá nhân từ thiện, nên ưu tiên những nơi có công khai minh bạch quỹ, chi tiêu, có kế hoạch từ thiện rõ ràng.

Báo cho cơ quan Công an khi thấy có dấu hiệu lừa đảo

Nếu thấy các thông tin kêu gọi từ thiện không rõ ràng, có dấu hiệu lừa đảo, nên lập tức thông báo với Công an và các cơ quan có thẩm quyền để vào cuộc điều tra, can thiệp.

Việc kêu gọi từ thiện để trục lợi cá nhân ngày càng nhiều hơn và được thực hiện một cách tinh vi hơn. Vì vậy, hãy thật tỉnh táo để tránh đặt lòng tốt sai chỗ bạn nhé.

Bài viết liên quan