Mẹ&Con - Thai phụ khỏe, kết quả xét nghiệm, thăm khám vẫn bình thường. Đùng một cái, trong quá trình chuyển dạ, tai biến xảy ra! Chính vì sự bất ngờ đó của tai biến sản khoa đã làm không ít bà bầu đâm ra… hồi hộp, bất an, không biết chuyện gì có thể xảy đến với mình. Khi gia đình có hai bé sinh đôi Bé bị xáo trộn nhịp sinh học dịp cuối năm Coi bói để sinh con

Nguy cơ khi chuyển dạ

Đứng đầu danh sách những tai biến sản khoa nguy hiểm nhất chính là thuyên tắc ối. Đây là bệnh lý rất hiếm gặp, lại đáng sợ ở chỗ có thể xảy ra rất đột ngột, không có dấu hiệu báo trước, cũng không thể phòng ngừa.

Thuyên tắc ối thường xảy ra ở giai đoạn cuối của quá trình chuyển dạ với diễn biến là vỡ nước ối, thai phụ đột ngột tím tái, trụy tim mạch và tử vong nhanh chóng. Nhẹ hơn sẽ có hiện tượng rối loạn đông máu nhưng cũng chỉ giữ tính mạng được vài giờ và bệnh nhân vẫn tử vong.

Một tai biến sản khoa khác, rất thường gặp, chiếm đến 25% trường hợp sản phụ tử vong và 10% lượng bà bầu gặp phải chính là tình trạng băng huyết – chảy máu âm đạo sau sinh. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính hàng năm có khoảng 20 triệu trường hợp bệnh lý do băng huyết sau sinh.

Giải thích ngắn gọn, khi sinh xong, bình thường các cơ của tử cung phải co lại để cầm máu, nhưng vì một lý do nào đó, các chất lượng cơ tử cung bị kém và yếu đi, tử cung siết lại không tốt dẫn đến bị đờ gây ra băng huyết sau sinh.

Nhiều trường hợp, sản phụ sinh binh thường, em bé chào đời khỏe mạnh, nhưng khi đưa về phòng bệnh thì bắt đầu đau bụng và máu ra không ngừng. Cầm máu không được, sản phụ có thể bị tử vong.

can-than-tai-bien-san-khoa

Xếp thứ ba trong số các tai biến nguy hiểm trong quá trình sinh nở là tiền sản giật. Đây cũng là một trong những bệnh lý nguy hiểm có khả năng gây tử vong cho sản phụ và thai nhi. Tiền sản giật và sản giật có dấu hiệu đặc trưng như cao huyết áp, phù, có protein trong nước tiểu, có thể dẫn đến co giật, hôn mê.

Kế đến là một dạng tai biến ít gặp hơn: nhau bong non. Phần lớn các trường hợp nhau thai bong sớm, thai phụ sẽ bị ra máu, với từng giọt máu rải rác có thể quan sát bằng mắt thường hoặc máu đột nhiên trào ra. Cũng có khi, máu ra ít, bị giữ lại trong tử cung nên thai phụ không thấy triệu chứng ra máu.

Vì nhau thai là nguồn cung cấp dinh dưỡng nuôi sống từ mẹ sang thai nhi nên khi nhau bong sớm thì nguồn dinh dưỡng này bị ngưng, nếu không mổ lấy thai kịp thời thì thai nhi sẽ chết. Tuy nhiên, điều “may mắn” hơn là nếu phát hiện sớm và xử lý kịp thời thì xác suất cứu được hai mẹ con sẽ cao hơn nhiều.

Tai biến “xếp hạng” thứ năm đe dọa bà bầu là nhau tiền đạo. Giải thích rõ hơn một chút, có thể vì lý do đa thai, viêm niêm mạc tử cung, sinh nhiều lần hay tiền sử nạo phá thai… mà bánh nhau bám thấp xuống vùng eo tử cung và che lấp một phần hay toàn bộ lỗ trong cổ tử cung, cản trở đường ra của thai dẫn đến xuất huyết ồ ạt gây nguy cơ tử vong cả mẹ và con.

Kể sơ qua các tai biến cũng đủ khiến nhiều bà bầu phải… rùng mình. Thực tế, người phụ nữ chấp nhận mang thai, sinh nở là cả một sự hi sinh lớn lao nhất trong đời. Bởi lẽ, dù y học có tiến bộ đến đâu thì không ít tai biến sản khoa vẫn luôn rình rập quanh “bầu”, như một thử thách “bước qua cửa sinh tử” để có được thiên thần kháu khỉnh, mạnh khỏe.

Khi bạn mang thai, cơ thể sẽ có nhiều thay đổi. Nhiều căn bệnh ở mức độ nhẹ, mẹ có thể chung sống trong nhiều năm liền giờ có thể bỗng dưng bùng phát. Nhiều trường hợp suốt 9 tháng thai kỳ khỏe mạnh, đến phút cuối cùng, trong cơn chuyển dạ lại xảy ra chuyện không ngờ.

Làm sao để giảm thiểu tai biến sản khoa?

Như đã nói, rất nhiều diễn biến phức tạp, bất ngờ có thể xảy ra trong quá trình chuyển dạ. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể có một số cách “phòng ngừa” tích cực để tránh rơi vào những trường hợp nguy hiểm đó. Cách phòng ngừa đầu tiên, quan trọng nhất là ngay trước khi bạn quyết định có con, bạn đã phải duy trì sức khỏe của mình ở mức tốt nhất.

Hãy chích ngừa các bệnh cần ngừa (ví dụ rubella), hãy đưa cân nặng về mức chuẩn, đừng để bị béo phì hay quá ốm. Khám tổng quát để nắm rõ tình hình sức khỏe của mình. Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, cần tìm hiểu kỹ và chữa dứt bệnh.

Nếu mắc bệnh mãn tính về gan, thận và tim, ví dụ cao huyết áp mãn tính, suy thận, viêm gan siêu vi, v.v., bạn cần trao đổi với bác sĩ, tìm hiểu kỹ những nguy cơ có thể xảy đến cho mình khi quyết định mang thai, sinh nở.

can-than-tai-bien-san-khoa

Nhớ là, rất nhiều bệnh chỉ “nhẹ” lúc ban đầu, nhưng nếu bạn có thai, sự thay đổi của cơ thể có thể khiến bệnh trở nặng bất thường. Nên tìm hiểu kỹ lưỡng tất cả những điều này. Ngoài ra, thời điểm chưa lập gia đình hoặc lập gia đình mà chưa muốn có con, bạn cần thực hiện biện pháp phòng tránh thai thật tốt.

Đừng để chẳng may có thai rồi lại bỏ bằng các biện pháp phá, nạo hút thai. Mỗi lần phá thai như thế là một lần bạn tự đẩy mình vào chỗ nguy hiểm, vì sau này khi thật sự muốn có con, bạn mang thai và sinh nở với “tiền sử” đã từng phá thai thì nguy cơ gặp phải các tai biến sản khoa sẽ có thể tăng lên, ví dụ như niêm mạc tử cung bị tổn thương, nhau thai cài răng lược bám vào cơ tử cung dễ dẫn đến băng huyết.

Bạn cũng không nên sinh con quá muộn, sinh quá nhiều hoặc quá gần nhau. Thai phụ tuổi ngoài 30, xác suất gặp tai biến sản khoa sẽ cao hơn thai phụ ở tuổi 25. Nếu sinh con nhiều, bạn cũng phải đối diện với nguy cơ, ví dụ như băng huyết – do cổ tử cung không co lại được, dẫn đến tình trạng xuất huyết ồ ạt – thường gặp ở những sản phụ sinh từ con thứ ba trở lên, trong khi ít gặp hơn ở sản phụ sinh con đầu lòng.

Trong quá trình mang thai, nên cố gắng ăn uống đầy đủ chất nhưng đừng quá thừa dinh dưỡng. Vì con quá to (từ 4kg trở lên) sẽ dẫn đến khó sinh, quá trình chuyển dạ lâu bất thường cũng là nguy cơ cho bạn. Lời dặn khác rất quan trọng cho “bầu” là cần tuân thủ thật kỹ quy trình khám thai suốt 9 tháng 10 ngày.

Báo với bác sĩ các dấu hiệu bất thường, tình trạng bệnh mãn tính của bạn (nếu có). Cuối cùng, nếu bạn có những bất thường đã được phát hiện trong quá trình khám thai, bạn mang đa thai (sinh đôi trở lên), có bệnh lý mãn tính, đã từng nạo phá thai… thì nên chọn nơi sinh là các bệnh viện phụ sản lớn, uy tín nhất. Bởi lẽ, như đã nói, trình độ và tay nghề của bác sĩ để phát hiện, xử trí kịp tình huống trong các tai biến sản khoa sẽ giúp bạn “vượt cạn” an toàn hơn.

Tags:

Bài viết liên quan