Khi trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ lớn lên, thời gian ngủ hàng ngày bắt đầu giảm đi, khiến trẻ cũng ít ngủ trưa hơn. Nhưng liệu bạn đã biết cột mốc chính xác xem khi nào trẻ có thể ngừng ngủ trưa mà vẫn đảm bảo không gây bất kỳ ảnh hưởng nào đối với sức khỏe?
Khi nào trẻ nên ngừng ngủ trưa?
Độ tuổi trẻ có thể ngừng ngủ trưa
Độ tuổi chính xác để ngừng ngủ trưa ở mỗi trẻ cũng tương đối khác nhau, tùy thuộc vào các yếu tố như trẻ có đi học mầm non không, thói quen ngủ ban đêm của trẻ, thời gian trẻ thức dậy buổi sáng,…
Ở tuổi lên ba, hầu hết trẻ em vẫn ngủ trưa ít nhất một lần mỗi ngày. 60% trẻ bốn tuổi vẫn ngủ trưa. Tuy nhiên, đến 5 tuổi, hầu hết trẻ em không còn cần ngủ trưa nữa, chỉ có dưới 30% trẻ ở độ tuổi đó vẫn ngủ trưa. Con số này thậm chí còn giảm nhiều hơn khi trẻ lên 6, khi có ít hơn 10% trẻ ngủ trưa. Gần như tất cả trẻ em đều ngừng ngủ trưa khi được 7 tuổi.
Các yếu tố xác định trẻ nên ngừng ngủ trưa
Vì trẻ ngừng ngủ trưa ở độ tuổi khác nhau nên điều quan trọng là bố mẹ phải chú ý đến nhu cầu của con mình để biết đâu là thời điểm thích hợp với trẻ. Nhìn chung, trẻ nên ngừng ngủ trưa khi không còn cần ngủ trưa để cung cấp năng lượng hoạt động cho cả ngày dài.
Có một số dấu hiệu cho thấy trẻ đã sẵn sàng ngừng ngủ trưa mà bạn có thể quan sát thấy ở trẻ trong quá trình chăm sóc, nuôi dạy con, bao gồm:
- Trẻ bị khó ngủ vào giờ ngủ trưa: Nếu trẻ khó đi vào giấc ngủ trưa thì đó có thể là biểu hiện trẻ nên ngừng ngủ trưa. Ví dụ, trẻ có thể chơi hoặc hát khi nằm trên giường hoặc đơn giản là không ngủ được dù có cố gắng nhắm mắt ngủ. Nếu trẻ quấy khóc trong thời gian này, điều đó có thể cho thấy trẻ vẫn cần ngủ trưa, nhưng thời điểm ngủ trưa có thể cần được điều chỉnh ngắn hơn.
- Trẻ khó ngủ vào ban đêm: Ngủ trưa có thể làm trẻ khó ngủ nên nếu trẻ bị buộc ngủ trưa, giấc ngủ ban đêm sẽ bị ảnh hưởng. Trẻ sẽ khó ngủ vào buổi tối hơn và ngủ chập chờn, không sâu giấc. Có thể giảm thời gian ngủ trưa để giúp trẻ buồn ngủ trước khi đi ngủ thay vì để trẻ ngủ trễ ơn vào buổi tối.
- Trẻ thức dậy sớm hơn: Ngủ trưa vào ban ngày khi không còn cần thiết có thể khiến trẻ thức dậy sớm hơn vào buổi sáng. Dĩ nhiên, việc thức dậy sớm là một việc tốt nhưng nếu trẻ có giấc ngủ quá ngắn vào buổi tối, điều này dễ khiến trẻ mệt mỏi hơn vào ban ngày.
- Trẻ không có dấu hiệu buồn ngủ vào những ngày không ngủ trưa: Nếu trẻ không ngáp hoặc buồn ngủ vào ban ngày, không còn mệt mỏi, vẫn có biểu hiện thoải mái, khỏe khoắn cũng như không cáu kỉnh vào buổi tối, có thể trẻ đã sẵn sàng ngừng ngủ trưa.
- Trẻ không còn ngủ trưa nữa: Trong thời gian ngủ trưa theo lịch trình, trẻ có thể tiếp tục chơi hoặc đọc sách mà không có dấu hiệu buồn ngủ.
Cần lưu ý rằng, những giấc ngủ trưa ngắn thỉnh thoảng vẫn có thể xảy ra sau khi trẻ không ngừng ngủ trưa theo lịch trình cố định. Sự tăng trưởng nhanh chóng, những thay đổi trong thói quen và trường học, những hoạt động vận động trong ngày,… có thể khiến trẻ mệt mỏi và ảnh hưởng đến cơn buồn ngủ của trẻ. Việc quay lại ngủ trưa thường không phải là vấn đề miễn là thời gian ngủ trưa được sắp xếp hợp lý và không ảnh hưởng đến giấc ngủ ban đêm của trẻ.
Khi nào trẻ vẫn cần ngủ trưa?
Trẻ sơ sinh khi vừa chào đời cho đến khi trẻ một tuổi sẽ cần phải ngủ trưa khoảng 1 – 4 lần mỗi ngày. Những giấc ngủ giúp não bộ của trẻ có đủ năng lượng để phát triển tốt hơn. Khi hệ thần kinh não bộ dần trưởng thành và hoàn thiện, trẻ có thể cần ít giấc ngủ ngắn hơn.
Đến 18-24 tháng, trẻ chỉ cần ngủ trưa một lần mỗi ngày. Trẻ ngủ trưa sớm trong thời gian cố định dưới 60 phút thường có giấc ngủ ngon vào ban đêm. Tuy nhiên, không nên rút ngắn thời gian ngủ trưa nếu vào buổi tối, trẻ vẫn ngủ ngon giấc.
Có một số dấu hiệu rõ ràng cho thấy trẻ bạn chưa sẵn sàng ngừng ngủ trưa, chẳng hạn như trẻ có hành vi thay đổi tiêu cực vào buổi tối trong những ngày không ngủ trưa (trở nên cáu kỉnh hơn hoặc quá mệt mỏi, liên tục ngáp dù chưa thật sự đến giờ đi ngủ,…).
Những biểu hiện này cho thấy có lẽ trẻ chưa sẵn sàng ngừng ngủ trưa. Thiếu ngủ có thể ảnh hưởng tiêu cực đến cảm xúc của trẻ.
Làm thế nào để giúp trẻ tránh xa những giấc ngủ ngắn?
Việc chuyển đổi khỏi giấc ngủ ngắn vào buổi trưa có thể mất thời gian và không phải đứa trẻ nào cũng chuyển từ ngủ trưa sang ngừng ngủ trưa chỉ trong 1-2 ngày. Thay vì để bỏ hoàn toàn những giấc ngủ ngắn, bạn có thể thay thế thời gian ngủ trưa bằng thời gian yên tĩnh, cho phép trẻ có thể nằm nghỉ ngơi mà không ngủ. Dù ngủ hay không, một khoảng thời gian nghỉ ngơi có thể giúp củng cố trí nhớ và nạp năng lượng cho thời gian còn lại trong ngày.
Cũng giống như thời gian ngủ trưa, thời gian yên tĩnh nên được sắp xếp ở một địa điểm cụ thể và đặt trong một khoảng thời gian cụ thể. Tránh thay thế thời gian ngủ trưa bằng các hoạt động kích thích như lái xe hoặc xem TV, chạy nhảy,… Điều này sẽ dễ khiến trẻ bị cạn kiệt năng lượng vào buổi chiều tối.
Giấc ngủ thay đổi như thế nào nếu không có giấc ngủ ngắn?
Khi trẻ không còn ngủ trưa nữa, trẻ có thể cần ngủ nhiều hơn vào ban đêm. Do đó, bố mẹ nên sắp xếp giờ đi ngủ sớm hơn cho trẻ không còn ngủ trưa để trẻ có đủ thời gian ngủ cần thiết.
Vì trẻ ở độ tuổi mẫu giáo cần ngủ tối đa 13 tiếng nên giờ đi ngủ có thể cần phải dời lên đến 6 giờ chiều hoặc 6 giờ 30 chiều, trễ nhất vào khoảng 7 giờ 30 tối, tùy thuộc vào thời gian trẻ cần thức dậy vào buổi sáng hôm sau.
Để khuyến khích trẻ đi vào giấc ngủ nhanh hơn và ngủ ngoan hơn, bố mẹ nên xây dựng thói quen đi ngủ đều đặn cho con mình. Có thể áp dụng một số hoạt động kích thích sự thư giãn để trẻ dễ đi vào giấc ngủ hơn, chẳng hạn như đánh răng hoặc tắm, đọc sách hoặc hát ru.
Nhìn chung, việc khi nào trẻ nên ngừng ngủ trưa sẽ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Bố mẹ cần quan sát những biểu hiện của trẻ để đưa ra giải pháp chăm sóc con phù hợp nhất bạn nhé!