Mẹ&Con – Táo bón là chứng rối loạn tiêu hóa thường gặp ở cả trẻ em và người lớn. Với bé yêu, trẻ bị táo bón nếu để lâu ngày không tìm cách cải thiện thì ngoài việc gây khó chịu còn ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất của bé, nếu táo bón kèm theo tình trạng tăng cân chậm, suy dinh dưỡng và tăng nguy cơ bị bệnh trĩ.

Bình thường trong độ tuổi từ 1 – 4, nhu cầu “ngồi bô” của bé là từ 1 – 3 lần mỗi ngày. Không có một tần suất chuẩn nào cho số lần đi tiêu nhưng thường nếu trên 3 ngày bé mới có nhu cầu “ngồi bô” một lần thì mẹ nên bắt đầu chú ý. Mẹ hãy quan sát và nhận biết dấu hiệu trẻ bị táo bón nếu như bé thường nhăn nhó, kêu đau khi đi tiêu, “sản phẩm” đầu ra khô cứng hoặc đôi khi lỏn nhỏn như phân dê, bé chơi đùa không thoải mái vì khó chịu, bị đầy bụng, mắc ói, sợ đi cầu, chán ăn.

trẻ bị táo bón

(Ảnh minh hoạ)

Ăn uống cầu kì – thủ phạm chính làm trẻ bị táo bón

Bé yêu của bạn sẽ dễ bị táo bón nếu được chăm bẵm bằng một chế độ ăn toàn cơm, thịt, cá… ít ăn rau, trái cây hoặc chỉ ăn nước hầm, nước ép, nước luộc… mà không ăn “cái”, bỏ xác. Ngoài ra cũng có thể do bé không được uống nước đầy đủ, ở tuổi này bé rất dễ mải chơi mà quên không uống nước trong khi việc vận động chạy nhảy khiến cơ thể bé bị mất nước do đổ mồ hôi.

Những bé dưới 10 tuổi cũng dễ có nguy cơ táo bón nếu ông bà cha mẹ cứ chăm chắm để ý chuyện đi cầu của con làm bé mắc cỡ nhịn luôn chuyện đi cầu, lâu dần dẫn đến táo bón. Chất tanin có trong nước trà và một số nước giải khát mà bé hay được cha mẹ chiều chuộng cho uống cũng là nguyên nhân làm tăng hấp thu nước tại ruột khiến phân trở nên khô cứng hơn, bé khó đại tiện dẫn đến táo bón.

Mẹ hãy quan sát, nếu bé có những triệu chứng sau đây thì có thể bé đã bị táo bón, cần đưa bé đi bác sỹ khám đồng thời có cách điều chỉnh chế độ ăn uống và thói quen nhé:

  • Bé bón nhiều và kéo dài trên ba tuần.
  • Bé bị bón xen kẽ với tiêu chảy.
  • Đau nhiều vùng hậu môn khi đi tiêu.
  • Bé bị trĩ.
  • Vùng hậu môn của bé bị nứt.
  • Bé có dấu hiệu sa trực tràng (dân gian gọi là lòi con trê).
  • Bé đi tiêu ra máu hoặc có chảy máu ở vùng hậu môn.
  • Bé bị nôn nhiều lần có kèm theo bón và đau bụng.
  • Có thêm các dấu hiệu khác: mệt mỏi, sợ lạnh, sụt cân, chán ăn, sốt.

Thay đổi thói quen – dễ mà khó

Khi trẻ bị táo bón, mẹ cần xác định nguyên nhân để có cách chữa trị phù hợp. Chẳng hạn chứng táo bón do tác dụng phụ của thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau, thuốc sắt bổ máu… gây ra thì chỉ cần ngưng dùng thuốc là tình trạng táo bón sẽ tự hết.

Các nguyên nhân ít gặp khác như bẩm sinh có ruột già quá to, quá dài thì cần gặp bác sỹ để được tư vấn thêm. Đối với táo bón do có khối u ruột thì cần phẫu thuật loại bỏ khối u.

Táo bón do ăn ít chất xơ, uống ít nước, nhịn đi cầu… thì mẹ cần thay đổi cách sinh hoạt, chế độ ăn, cho con uống đủ nước, tập luyện thể dục thể thao và tạo thói quen đi cầu đều đặn. Việc thay đổi thói quen thật ra chẳng dễ dàng chút nào, vì vậy cả mẹ và con cần phải kiên trì rèn luyện.

Muốn trẻ ăn nhiều rau, trái cây thì mẹ nên chế biến món ăn phù hợp và hấp dẫn, lạ mắt lạ miệng, kiên trì tập cho bé ăn và chính mình cũng phải có ý thức thực hiện những thói quen này để cho bé làm theo. Mẹ cũng cần thay đổi tâm lý rằng chỉ có thịt cá tôm cua trứng… mới là thực phẩm bổ dưỡng, cần phải ăn nhiều, còn rau chỉ là “phụ”, có hay không có cũng không sao.

Cũng cần phải kiên nhẫn giảng giải để bé có thói quen đi cầu ngay khi muốn đi. Nhắc nhở bé uống nước thường xuyên vì khi mải chơi, bé thường nhịn khát và nhịn cả đi cầu.

Xoa bụng để kích thích nhu động ruột cũng là một cách tránh trị trẻ bị táo bón hiệu quả, đặc biệt đối với trẻ nhỏ vì tuổi này thường hay bị giảm nhu động ruột. Xoa bụng tốt nhất là nên thực hiện vào giữa các bữa ăn khi mà bé không quá no và cũng không quá đói. Chà xát hai tay cho ấm và xoa bụng bé nhẹ nhàng theo chiều từ phải vòng qua trên rốn sang bên trái.

Một ngày nên làm như vậy khoảng hai lần, mỗi lần từ 3 – 5 phút để kích thích nhu động ruột của bé. Ngoài việc uống nhiều nước để phân trong ruột luôn mềm nhão, nên hạn chế chiều theo ý thích của bé khi bé đòi uống nước ngọt, cà phê hay trà theo người lớn. Các loại nước trái cây tại nhà, nước súp, nước rau luộc là nguồn cung cấp nước tốt cho cơ thể.

Những cách “chữa cháy” không có lợi

Một số cha mẹ do nóng lòng muốn con thông thoáng “đầu ra” ngay hoặc “bó tay” không tập được các thói quen tốt cho con như ăn nhiều rau, uống đủ nước, đi tiêu đều đặn nên tìm cách “chữa cháy” thường xuyên bằng thuốc nhuận trường hoặc biện pháp thụt tháo, dùng dầu ăn hay xà bông bôi trơn hậu môn… Các cách này chỉ có hiệu quả tạm thời hoặc dùng trong trường hợp cấp cứu.

Thuốc nhuận trường không nên lạm dụng vì có thể tạo sự phụ thuộc thuốc, còn biện pháp thụt tháo cũng không nên quá thường xuyên vì có thể làm tổn thương vùng hậu môn và mất phản xạ đi tiêu tự nhiên của bé.

Ngồi bô đúng cách để tránh táo bón

Ngồi bô không đúng cách cũng là nguyên nhân góp phần làm tăng nguy cơ trẻ bị táo bón. Thông tin này có thể khiến ba mẹ ngạc nhiên. Điều này được các chuyên gia chăm sóc sức khỏe trẻ em lý giải rằng: Nếu cho bé ngồi bô quá sớm hoặc bô quá cao, ngồi bồn cầu người lớn mà không có đế lót bồn cầu dành riêng cho bé, bé sẽ phải kiễng chân hoặc ở trong tư thế phải dạng chân ra quá mức, khiến cơ vùng hậu môn giãn ra quá nhiều.

Việc giãn cơ vùng hậu môn nhiều sẽ gây rát, đau đớn cho bé, làm bé sợ phải “rặn” khi đi vệ sinh, lâu dần dễ gây táo bón. Để bé thấy thoải mái với việc ngồi bô, cha mẹ nên lưu ý cho con ngồi bô đúng tuổi và nên dùng bô thấp, sao cho chân bé chạm được đến đất, bé không phải gắng sức quá mức khi đi vệ sinh.

Có một số phụ huynh “đổ tội” cho sữa bột gây ra táo bón. Nhưng điều này chỉ có thể đúng khi khẩu phần ăn của bé hoàn toàn là sữa (trẻ dưới 6 tháng tuổi). Với bé ở tuổi ăn dặm trở lên thì táo bón phần lớn là do ăn thiếu chất xơ. Mặc dù vậy, mẹ cũng cần lưu ý việc pha sữa quá đặc có thể dẫn đến thiếu nước, thừa tinh bột cũng khiến bé khó tiêu hơn, góp phần làm tăng nguy cơ táo bón.

Tags:

Bài viết liên quan