Chúng ta thường cho rằng việc bà nội, bà ngoại trông cháu là một chuyện bình thường, chuyện hiển nhiên phải thế. Và cũng chính vì tư tưởng này nên nhiều nàng dâu đã tỏ ý khó chịu khi mẹ chồng không chịu trông cháu. Nhưng ở một khía cạnh nào đó, trông cháu chưa bao giờ là nghĩa vụ của các bà mẹ chồng…
Bất lực vì mẹ chồng không chịu trông cháu
“Tôi đang mang thai đứa thứ 2. Cả gia đình tôi sống cùng với bố mẹ chồng. Hiện đứa con lớn của tôi được 4 tuổi. Bình thường thì ban ngày cháu đi nhà trẻ, còn chiều về thì tôi và chồng thay phiên nhau đón. Tối thì tôi chăm cháu, cho cháu tắm rửa ăn cơm sinh hoạt buổi tối rồi cho cháu đi ngủ.
Tuy nhiên, lần mang thai này, tôi cảm thấy sức khỏe yếu hẳn. Tôi phải nghỉ ngơi nhiều hơn nên có nhờ mẹ chồng cho đứa lớn ăn uống, tắm rửa sau khi cháu đi nhà trẻ về. Tuy nhiên, dù vợ chồng tôi năn nỉ hết lời thì kết quả vẫn là mẹ chồng không chịu trông cháu.
Lý do của bà đơn giản là bà đã lớn tuổi nên cũng muốn nghỉ ngơi, không muốn trong độ tuổi 65 vẫn phải hầu hạ con cháu mỗi ngày. Chuyện sinh nở là chuyện của vợ chồng tôi nên vợ chồng tôi tự lo liệu, tính toán. Giờ tôi phải làm sao đây khi nhà ngoại thì cách xa hơn 100km, nhà nội thì không ai phụ giúp trông cháu?” – Chị V tại Đà Nẵng chia sẻ.
Xem thêm:
- Vợ chồng cãi nhau vì bố mẹ chồng không chia tài sản
- Mẹ chồng mượn tiền nhưng không trả phải làm sao?
Cùng nỗi lòng vì chuyện mẹ chồng không chịu trông cháu, chị H vừa kể vừa thở dài: “Tụi em tính ra là vợ chồng son thôi, lấy nhau được nửa năm thì em có thai. Thời gian em có thai, mẹ chồng cũng chăm sóc rất tận tình. Vì thế, gần hết thời gian ở cữ, vợ chồng em có mở lời mong mẹ chồng có thể giúp trông bé khi em đi làm lại.
Tuy nhiên, kết quả làm tụi em thật sự bất ngờ vì mẹ chồng không chịu trông cháu. Bà bảo rằng mỗi sáng bà đều có hẹn đi tập thể dục với hội người cao tuổi trong khu phố. Buổi chiều và tối thì cũng thường xuyên tham gia các hoạt động sinh hoạt của khu phố, của tổ dân phố. Giờ trông cháu thì bà sẽ mất đi khoảng thời gian riêng tư này.
Mẹ chồng khuyến khích chúng em thuê người giúp việc để trông con. Tuy nhiên người ngoài chăm sóc thì làm sao bằng người nhà. Trẻ sơ sinh không biết nói, chỉ biết khóc nên em càng không yên tâm giao con cho người giúp việc. Em thật sự quá mệt mỏi với chuyện mẹ chồng không chịu trông cháu.”
Hãy nhìn câu chuyện từ hai phía
Dĩ nhiên, khi là một nàng dâu, bạn sẽ cảm thấy 7 phần ấm ức, 3 phần tủi thân khi mẹ chồng không chịu trông cháu, không chịu phụ giúp cho 2 vợ chồng trong giai đoạn 2 bạn đang khó khăn: không có thời gian cho con, không đủ kinh tế thuê người giúp việc, đang có vấn đề sức khỏe,…
Và nếu từ góc nhìn của bạn, việc mẹ chồng không chịu trông cháu đang ép vợ chồng của bạn vào hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, ở góc nhìn của mẹ chồng bạn thì sao?
Mẹ chồng đã lớn tuổi và sức khỏe đã suy giảm
Người lớn tuổi thường được ví như ngọn đèn treo trước gió vì sức khỏe đã xuống dốc, dễ bệnh, dễ gặp các vấn đề về sức khỏe. Bà không thể đảm bảo đủ sức khỏe để trông cháu, đặc biệt là chăm sóc trẻ sơ sinh cần phải ở bên trẻ 24/24.
Hơn nữa, chẳng có lý do gì để trách móc mẹ chồng nếu bà không chịu trông cháu vì bà đã lớn tuổi. Bà cũng cần có thời gian nghỉ ngơi, tịnh dưỡng, chăm sóc sức khỏe bản thân. Nếu bà chỉ nghĩ cho con cháu thì ai sẽ là người nghĩ cho bà?
Bạn phải có trách nhiệm với cuộc sống của mình
Nếu mẹ chồng có thể trông cháu, bạn nên cảm thấy hạnh phúc về điều này. Còn nếu mẹ chồng không chịu trông cháu, chúng ta cũng không có bất kỳ quyền gì để trách móc, hờn giận. Bởi lẽ, kết hôn là quyết định của 2 vợ chồng, sinh con cũng thế.
Do vậy, bạn và chồng phải có trách nhiệm với những quyết định mà mình đưa ra, đó là xây dựng gia đình riêng và cùng nhau chăm sóc, nuôi dạy con cái. Chúng ta không thể nào kỳ vọng một người đến và chịu trách nhiệm cho những gì mình đã làm, đã lựa chọn.
Mẹ chồng xứng đáng có niềm vui của riêng bà
Trước khi làm mẹ chồng, mẹ chồng cũng từng làm vợ và làm dâu. Bà cũng từng trải qua giai đoạn của một người phụ nữ mang thai với 9 tháng 10 ngày vất vả. Bà cũng phải hy sinh thời gian, sức khỏe, nhan sắc,… để nuôi nấng, chăm sóc, dạy dỗ đứa con của bà – tức chồng của bạn.
Vì thế, hiện tại mẹ chồng hoàn toàn có quyền được nghỉ ngơi, được làm những gì mà mình yêu thích. Rất bình thường nếu mẹ chồng không chịu trông cháu để gặp gỡ bạn bè hay làm những gì mình thích.
Học cách tôn trọng quyết định từ mẹ chồng
Dù cho mẹ chồng không chịu trông cháu hay đồng ý trông cháu thì đó cũng là quyết định của bà. Bạn hay chồng đều không có quyền ý kiến và yêu cầu bà phải thay đổi quyết định. Việc mà bạn được phép làm và phải làm chính là tôn trọng những quyết định này.
Nhìn chung thì, có nên nhờ mẹ chồng trông cháu?
Dĩ nhiên câu trả lời này còn tuỳ vào mỗi gia đình bởi có những nhà mẹ chồng rất thích được quây quần bên con cháu và muốn chăm sóc cho con, cho cháu của mình. Nhưng cũng có những gia đình mà mẹ chồng muốn con cái độc lập trong việc nuôi dạy một đứa trẻ.
Do đó, bạn nên “liệu cơm gấp mắm”, tùy theo ý của mẹ chồng mà có lựa chọn phù hợp. Tuy nhiên, cần nhớ một điều quan trọng rằng chúng ta chẳng có bất kỳ lý do gì để yêu cầu mẹ chồng tiếp tục hy sinh thời gian, niềm vui, sức khỏe,… cho con của mình.
Nếu thấy mẹ chồng sẵn sàng hỗ trợ trông cháu, bạn có thể cảm thấy hạnh phúc và nếu mẹ chồng không chịu trông cháu thì tuyệt đối không nên có bất kỳ lời trách móc, xỉa xói, nói xấu nào.
Xem thêm:
Nhìn chung, việc nuôi dạy một đứa trẻ chưa bao giờ là điều dễ dàng. Thay vì phụ thuộc vào mẹ chồng, cảm thấy bất bình khi mẹ chồng không chịu trông cháu, tốt nhất hai vợ chồng nên chuẩn bị, cân nhắc kỹ càng các yếu tố sức khỏe, kinh tế, thời gian,… trước khi quyết định sinh con. Và nếu không nhận được sự hỗ trợ từ mẹ chồng thì cũng hãy em đó là một cơ hội để cả hai có thể cùng nhau cố gắng vun đắp gia đình của mình nhiều hơn. Còn việc mẹ chồng không chịu trông cháu thì hãy tôn trọng quyết định từ phía bà, bạn nhé.