Mẹ&Con – Nấu ăn cho trẻ nhỏ không đơn giản như nấu cho người lớn. Nếu không để ý thì bạn sẽ dễ mắc phải một số sai lầm khi nấu ăn cho con

Khi chế biến thức ăn cho trẻ, mẹ thường mắc phải một số sai lầm mà không biết. Điều đó dẫn đến việc bé bị thiếu chất, ăn uống khó tiêu. Hãy thử kiểm tra lại “một vòng” xem bạn có rơi vào điều nào trong số những sai lầm thường gặp này không nhé!

6 sai lầm khi nấu ăn cho trẻ các mẹ cần lưu ý

Sai lầm 1: Hay hầm xương lấy nước nấu cháo cho trẻ ăn

Đây là cách truyền thống các mẹ vẫn hay làm. Đơn giản vì mẹ nghĩ, chỉ có như vậy bữa ăn của trẻ mới đầy đủ dinh dưỡng. Có đầy đủ nào thịt (phần tinh túy nhất trong nước hầm), nào rau củ thế cơ mà! Song, chẳng hiểu sao bé không chịu ăn, biếng ăn hoặc ăn nhưng vẫn sút ký như thường.

Thật ra là:

Nước hầm xương không phải là thức ăn đặc biệt bổ dưỡng như mọi người vẫn nghĩ. Mẹ tưởng phần tinh túy nhất của thịt đã hòa vào trong nước. Tuy nhiên, các phân tích thành phần dinh dưỡng cho thấy chất đạm (thịt, cá, tôm, v.v.) có nấu trong bao lâu thì vẫn chỉ có ở phần xác mà không tan được vào trong nước, chất xơ trong rau củ cũng vậy. Vì vậy, muốn nhận đủ chất dinh dưỡng, mẹ phải cho trẻ ăn cả phần cái (xác) của thực phẩm bằng cách băm nhuyễn, cắt nhỏ, nấu mềm, v.v.. Phần nước hầm có một vị ngọt rất ngon nhưng lại không có giá trị dinh dưỡng bao nhiêu.

6 sai lầm khi nấu ăn cho trẻ

Ảnh minh họa

Sai lầm 2: Chọn công thức món thật bổ dưỡng nấu liên tục cho trẻ

Đã cất công chọn ra được một công thức món ăn hoàn hảo chứa đầy đủ dưỡng chất cần thiết, mẹ rất tự tin và nấu đi nấu lại nhiều lần trong tuần cho con ăn, mà không hề biết rằng cũng như người lớn, trẻ em cũng có cảm giác ngán nếu phải ăn một món nào đó quá nhiều.

Thật ra là:

Mẹ quên mất rằng dù món ngon đến mấy nếu phải ăn liên tục, trẻ cũng rất dễ ngán, từ đó dẫn đến biếng ăn. Thêm vào đó, nên nhớ rằng món ngon của mẹ chưa chắc đã hợp khẩu vị của con. Vậy là coi như công sức của mẹ “đổ sông đổ biển”. Bạn nên cho bé ăn uống đa dạng, đổi món thường xuyên. Đây là cách tốt nhất để bé nhận được nhiều loại chất dinh dưỡng mà không bị ngán.

Sai lầm 3: Nấu một lần, sau đó hâm lại

Do quá bận rộn, không có thời gian nấu cho con nhiều món để thay đổi, một số bà mẹ đã chọn cách nấu một nồi to, cho vào tủ lạnh, khi nào cần chỉ việc đem ra hâm nóng cho bé ăn. Mẹ nghĩ đơn giản rằng chỉ cần giữ cho thức ăn không bị ôi thiu là được rồi.

Thật ra là:

Thực tế, hâm đi hâm lại là việc rất cần tránh khi nấu ăn cho trẻ nhỏ. Mỗi lần nấu hoặc hâm, lượng vi chất trong thức ăn sẽ mất đi gần hết và có vị thay đổi. Người lớn ít nhận ra sự thay đổi này (miễn sao thức ăn không ôi thiu là được), nhưng với khẩu vị tinh tế của trẻ nhỏ thì trẻ có thể nhận ra và trở nên khó chịu, dẫn đến tình trạng kém ăn. Việc hâm đi hâm lại khiến thức ăn mất chất cũng khiến trẻ tuy ăn nhiều nhưng vẫn gầy ốm như thường.

6 sai lầm khi nấu ăn cho trẻ

(Ảnh minh họa)

Sai lầm 4: Cái gì cũng xay nhuyễn

Sợ con còn bé, dạ dày còn non yếu, lại muốn trẻ ăn nhanh, dễ nuốt nên nhiều mẹ chọn cách xay nhuyễn “tất tần tật” mọi thức ăn của con thành một hỗn hợp “hằm bà lằng” và tin rằng con cứ ăn hết chén là đủ chất.

Thật ra là:

Bạn cần biết rằng, ở từng thời điểm, trẻ cần ăn thực phẩm từ loãng đến đặc khác nhau để tập phản xạ nhai. Do đó, 6 tháng tuổi trẻ có thể ăn bột loãng, nhưng 7 – 8 tháng trẻ cần được cho ăn cháo nhuyễn hoặc bột đặc, 12 tháng thì tập làm quen với cháo nấu còn hạt cơm và các thức ăn mềm như phở, bún, nui, v.v.. Trẻ 2 tuổi mọc đủ răng hàm thì ăn cơm. Do đó, nên sớm tạm biệt chiếc máy xay sinh tố, thay vào đó là đánh qua rây, băm nhuyễn.

Cũng nên cho trẻ ăn riêng từng món ăn, để trẻ nếm được từng khẩu vị, không ngán, không sợ ăn. Bằng cách này, bạn cũng sẽ biết được trẻ thích cái gì, không thích cái gì để gia giảm trong quá trình chế biến, giúp trẻ luôn ngon miệng.

Sai lầm 5: Nêm vừa ăn

Mẹ rất muốn con có được cảm giác ngon miệng như mình nên khi nấu thức ăn cho con, mẹ nêm nếm sao cho thật vừa ăn, tin rằng con sẽ thích lắm. Mẹ cứ tưởng khẩu vị của người lớn và trẻ em đều giống nhau.

Thật ra là:

Trẻ nhỏ có vị giác tốt hơn người lớn rất nhiều. Con người càng lớn thì lưỡi càng bị “chai” đi nên thực tế người lớn ăn mặn và đậm đà nhiều vị hơn trẻ nhỏ nhiều lắm. Do đó, khi nêm nếm thức ăn cho trẻ, nếu vừa miệng bạn thì đã là rất đậm, rất mặn với trẻ rồi.

Bạn cần hạn chế tối đa việc nêm nếm gia vị, cho trẻ ăn càng nhạt càng tốt ngay từ nhỏ. Thói quen này rất tốt cho con. Vì nếu quen ăn mặn, sau này lớn lên trẻ dễ có nguy cơ mắc phải nhiều bệnh nguy hiểm, trong đó có cao huyết áp, tim mạch, thận hơn là ăn nhạt.

Sai lầm 6: Thấy con thừa cân, mẹ giảm đi bữa sáng

Bạn nghe bác sĩ báo bé bị thừa cân, có nguy cơ béo phì. Quá lo lắng, bạn quyết định cắt giảm bớt khẩu phần ăn của con, đặc biệt là bữa sáng. Với mẹ, đó là cách hay để giảm béo cho con mà không hề biết đến tác hại của nó.

Thật ra là:

Không nên bắt bé nhịn ăn sáng vì chắc chắn điều này không những không giúp bé giảm cân mà còn tăng cân nữa là đằng khác. Nguyên nhân vì bữa sáng quá đói sẽ làm bé ăn dồn, ăn nhiều hơn vào bữa trưa và tối, dễ gây tích tụ mỡ. Cùng một lượng thức ăn, nếu được chia nhỏ thành nhiều bữa trong ngày thì ít gây tăng cân và tăng cholesterol trong máu hơn việc ăn ít bữa.

Tags:

Bài viết liên quan