Mẹ và Con - Không còn vụng về xúc từng muỗng thức ăn ở trường thay vì đuợc mẹ đút cho, lên 4 tuổi, bé yêu đã trở nên tự tin với những bữa ăn, thoải mái tự xúc mà không cần đến mẹ hay cô giáo. Đây cũng là độ tuổi chế độ dinh dưỡng của bé có nhiều nét rất đặc trưng.

4-5 tuổi, bé cần được chú ý những gì?

Lại cần nhắc bạn một lần nữa là trẻ ở độ tuổi mầm non (từ 3-5 tuổi) nói chung đều cần một chế độ dinh dưỡng hợp lý để tránh không quá dư thừa chất dẫn đến béo phì, nhưng cũng không quá thiếu hụt làm trẻ bị suy dinh dưỡng. Bữa ăn của trẻ độ tuổi 4-5 cần phải được đảm bảo đầy đủ 4 nhóm đạm, béo, bột đường, vitamin và khoáng chất.

Trong đó, thức ăn tinh bột có mặt trong 3 bữa chính và một số bữa phụ của bé, gồm cơm, khoai tây, khoai lang, mì và những thức ăn từ bột mì như bánh mì, bánh ngọt… Hoa quả và rau xanh cần bổ sung qua canh, món xào, trái cây, các loại sinh tố… Bạn lưu ý, tuy lượng chất đạm và chất béo trong rau không đáng kể, nhưng rau củ quả lại có khả năng cung cấp cho cơ thể chất xơ, các loại vitamin, khoáng chất.

dinh dưỡng cho bé

Dinh dưỡng cho bé rất cần chất đạm, bạn cần cung cấp ít nhất trong 2 bữa ăn chính của bé, bao gồm thịt cá, trứng, các loại hạt… Bạn cũng có thể bổ sung cho bé sữa, sữa chua và phô mai thông qua chế độ dinh dưỡng hàng ngày. Đây là những thực phẩm không chỉ cung cấp chất đạm cho cơ thể mà còn rất giàu Canxi, cực kỳ tốt cho bé ở độ tuổi đang lớn. Bạn nhớ thêm một điều là có thể cho bé uống sữa nhưng không quá 350ml mỗi ngày. uống nhiều sữa sẽ khiến bé bị no, giảm cảm giác thích thú khi ăn.

Về thức uống, ở độ tuổi này, bé có thể uống tới 6 cốc (nước lọc + sữa + nước ép trái cây) mỗi ngày. Bé ở tuổi mẫu giáo cần nhiều chất lỏng hơn vào những ngày trời nóng, nhất là khi bé nô đùa, dễ bị mất nước nhanh.

Có một điều cần nói thêm là trẻ 4-5 tuổi đã rất quen thuộc với ngôi trường mẫu giáo nên không còn kém ăn hay rụt rè, khó ăn như lúc còn 3 tuổi mới đi học nữa. Bé ăn ngủ ngoan nên khi về nhà, hiếm trường hợp mẹ cần cho ăn bổ sung (vì trẻ ăn ở trường không được nhiều). Tuy nhiên, trường hợp bé hoạt động, vui chơi nhiều, buổi tối vẫn có thể cho bé uống thêm một ít sữa để “bù” kịp năng lượng đã tiêu hao mất trong ngày. Bạn cũng có thể căn cứ vào bảng chiều cao cân nặng chuẩn của bé để theo dõi để bổ sung dinh dưỡng cho bé phù hợp hơn. Nếu con thuộc nhóm suy dinh dưỡng, cần tăng cường bổ sung các bữa ăn, nếu bé thừa cân thì có thể giảm bớt thức ăn trong các bữa phụ xuống một chút.

Sự phát triển của bé từ 4-5 tuổi

Bé gái:

Tuổi Bình thường Suy dinh dưỡng Thừa cân
4 tuổi 16,1 kg – 102,7 cm 12,3 kg – 94,1 cm 21,5 kg
5 tuổi 18,2 kg – 109,4 cm 13,7 kg – 99,9 cm 24,9 kg

 Bé trai:

Tuổi Bình thường Suy dinh dưỡng Thừa cân
4 tuổi 16,3 kg – 103,3 cm 12,7 kg – 94,9 cm 21,2 kg
5 tuổi 18,3 kg – 110 cm 14,1 kg -100,7 cm 24,2 kg

(Nguồn: WHO)

HỎI NHANH BÁC SĨ VỀ DINH DƯỠNG CHO BÉ

Hỏi: Con tôi gần 4 tuổi, cháu nặng 18kg, cao khoảng 103cm. Bé rất lười ăn, mỗi bữa chỉ ăn một chén nhỏ và phải kéo dài bữa ăn khoảng một tiếng rưỡi đồng hồ. Tôi xót con nên không cho bé đi mẫu giáo. Nhưng sợ cứ đà ăn uống thế này thì bé suy dinh dưỡng mất…

Đáp: Nhu cầu dinh dưỡng cho bé từ 4 – 5 tuổi cần năng lượng bằng 2/3 nhu cầu năng lượng của người lớn lao động nhẹ, nhưng mỗi bữa bé lại ăn ít hơn người lớn rất nhiều. Để đảm bảo bé ăn ít (mỗi bữa) nhưng vẫn đáp ứng nhu cầu năng lượng, bạn cần tăng số lượng bữa ăn lên 5-6 bữa/ngày. Ngoài các bữa chính, nên cho bé ăn thêm các bữa phụ bằng các thức ăn mềm như súp, cháo, sữa, phở, bún…

Trong bữa ăn hàng ngày, để xây dinh chế độ dinh dưỡng cho bé, bạn nên cho trẻ ăn các thức ăn có nhiều đạm như: Thịt, cá, trứng, tôm, cua, sữa… Ngoài ra cần thêm rau xanh, dầu mỡ. Sau bữa ăn, bạn nên cho trẻ ăn trái cây chín. Tuyệt đối không cho trẻ ăn bánh kẹo, nước ngọt, quả ngọt trước bữa ăn vì các đồ ăn ngọt gây ức chế sự thèm ăn ở trẻ. Ngoài ra, chất ngọt còn tạo điều kiện gây sâu răng.

uống sữa tăng chiều cao

Bạn nên cho trẻ đi học mẫu giáo, vì ở môi trường tập thể, thấy các bạn ăn nhanh, ăn ngon, bé sẽ dễ có xu hướng bắt chước theo. Ngoài ra, không khí ăn uống ở trường cũng vui nhộn hơn ở nhà, bữa ăn không kéo dài lâu (bạn cho bé ăn khoảng một tiếng rưỡi là quá mức lâu, lúc này cơm canh đã nguội cả, mất đi hương vị thơm ngon, chỉ khiến bé ngán ăn và sợ ăn hơn mà thôi…). Chúc bé sớm ăn ngoan.

Để bé phát triển hoàn thiện ở lứa tuổi này…

Bước vào tuổi lên 5, tuy rằng sự phát triển của trẻ có chậm hơn so với khi mới sinh hay ở độ tuổi 3-4, nhưng các bé vẫn cần một chế độ dinh dưỡng cao. Dinh dưỡng cho trẻ ở lứa tuổi này không những phải đáp ứng đầy đủ nhu cầu về chất, về lượng mà còn phải phù hợp với khẩu vị của trẻ nữa. Vì vậy, việc quan tâm đến sở thích, tập cho bé những sở thích ăn uống tốt ở tuổi này rất quan trọng.

Mẹ lưu ý!

Khi xây dựng chế độ dinh dưỡng cho bé ở khoảng 4-5 tuổi, cần dựa vào các yếu tố như chiều cao, cân nặng hiện tại của trẻ (nếu kém chuẩn thì bổ sung, nếu vượt quá chuẩn thì tìm cách cân đối lại). Một chế độ ăn uống tối ưu cần phải có sự cân bằng giữa tiếp nhận và tiêu hao các chất dinh dưỡng cơ bản.

Bạn nên:

  • Cho trẻ ăn nhiều thịt nạc, các sản phẩm làm từ sữa ít béo hoặc tách bơ.
  • Sử dụng các loại dầu thực vật nhiều hơn là mỡ động vật (trừ mỡ cá).
  • Hạn chế bớt lượng đường và các thực phẩm chứa nhiều đường như kẹo, các loại trái cây quá ngọt…
  • Cần chú trọng bổ sung vitamin và muối khoáng cho trẻ, vì tốc độ sinh trưởng ở tuổi này rất nhanh, sự trao đổi chất mạnh mẽ, nhu cầu vitamin và muối kháng tương đối cao, đa số các lượng và các loại gần bằng người lớn, thậm chí có loại còn cao hơn. Trong đó vitamin A, B, C có ý nghĩa quan trọng. Những loại vitamin này thường hay thiếu trong thức ăn, cần chú ý bổ sung.
  • Chế độ dinh dưỡng cho bé cần nhiều nước: Cơ thể của trẻ nhỏ cần nhiều nước hơn người lớn, bạn nên khuyến khích bé uống nhiều nước.
  • Để biết con bạn có được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng không, bạn có thể lập biểu đồ tăng trưởng. Biểu đồ này sẽ giúp bạn biết liệu bé có hấp thụ đầy đủ dinh dưỡng cho cơ thể hay chưa.
  • Khi con bạn thấy ngon miệng và muốn ăn nhiều hơn, hãy đáp ứng như cầu của bé. Trừ khi bé thuộc diện béo phì “nặng”, bạn mới cần hạn chế số lượng thức ăn, điều chỉnh cho phù hợp theo hướng dẫn của bác sĩ.

* Một số vitamin và khoáng chất mẹ cần cung cấp thường xuyên cho bé ở độ tuổi này là:

Chất sắt

Sắt là một loại khoáng chất giúp bảo vệ tế bào hồng cầu, máu huyết lưu thông, mang ôxy đến các tế bào trong cơ thể, đồng thời thúc đẩy hệ thống miễn dịch hoạt động một cách mạnh mẽ nhất. Thiếu máu do thiếu sắt là nguy cơ hàng đầu làm trẻ mau mệt, hay buồn ngủ. Sắt có nhiều trong thức ăn động vật như huyết, gan, thịt, cá, tôm, tép, ngũ cốc, đậu các loại… và thức ăn thực vật như đậu đỗ, rau lá xanh…

loại rau không nên luộc

Vitamin C trong rau xanh và trái cây giúp hấp thu tốt sắt trong thức ăn. Do đó, để xây dựng dinh dưỡng cho bé, bên cạnh việc bổ sung các thực phẩm giàu sắt cho bé, bạn còn cần cung cấp thêm lượng vitamin C, giúp cơ thể bé hấp thu sắt tốt nhất.

Canxi

Xương và răng của trẻ luôn từ 4-5 tuổi đang trong giai đoạn phát triển, cần chất dinh dưỡng nên buộc phải có canxi để bổ sung. Nguồn cung cấp canxi là sản phẩm từ sữa, bơ, yaourt, nước cam, rau xanh, sản phẩm đậu nành. Bạn hãy cho bé uống khoảng 500-600ml sữa mỗi ngày để cung cấp đủ lượng Canxi cho bé. Bạn cũng có thể cho bé ăn tôm tép nhỏ, các loại cá nhỏ ăn được cả xương vì chúng rất có ích cho bé ở tuổi này.

Vitamin A

Vitamin A giúp tăng cường thị lực cho bé, để bé có thể thích ứng được với môi trường ngoài nắng và cả trong bóng tối. Ngoài ra, vitamin A còn có chức năng tăng cường các tế bào miễn nhiễm chống vi khuẩn xâm nhập.

Vitamin C

Vitamin C có tác dụng chống được sự oxy hóa và tăng cường sức khỏe cho các mô, mạch máu. Hơn nữa, chất này còn tăng khả năng miễn dịch, chống lại các căn bệnh thường gặp như cảm, cúm. Dễ dàng tìm thấy vitamin C ở các loại trái cây có vị chua như xoài, cam, chanh, dâu, quýt… Bạn có thể pha cho bé 1 cốc nước cam sau khi bé vừa tập thể dục hoặc vui chơi đùa nghịch cùng bạn bè. Vì khi đó lượng mồ hôi đã bị thoát ra ngoài nhiều, bé sẽ khát nước, nên cần bổ sung lượng nước thích hợp.

dinh dưỡng cho bé

Folate

Đây là một loại vitamin quan trọng đối với sự phát triển của cơ thể. Nguồn cung cấp: ngũ cốc, rau xanh và đậu các loại. Bữa ăn sáng với bột ngũ cốc là một con đường tốt để tăng cường folate.

Có nên cho trẻ uống thuốc bổ khi trẻ suy dinh dưỡng?

Bạn lưu ý, dưới 5 tuổi trẻ không nên uống thuốc bổ, trừ khi có sự chỉ định của bác sĩ. Bởi lẽ ở độ tuổi này, cơ thể trẻ chưa phát triển hoàn chỉnh, một số chất trong thuốc bổ khi uống vào có khả năng gây chảy máu chân răng, táo bón, chướng bụng… cho trẻ.

Bài viết liên quan