Mẹ&Con – Sau sinh, mẹ gần như đã kiệt sức, không thoải mái, và tâm trạng rối bời với nhiều cảm xúc đan xen: đau ngực, táo bón, chảy máu, rối loạn cảm xúc, trầm cảm…

Về thể chất

Phụ nữ sau sinh cơ thể vốn yếu, sức đề kháng không được như trước nên có thể gặp phải những vấn đề sau:

  • Đau ngực trong vài ngày do căng sữa, núm vú cũng có thể đau.
  • Táo bón: Nhu động ruột đầu tiên sau chuyển dạ sẽ xuất hiện vài ngày sau sinh; vết may tầng sinh môn đang lành, đau cơ có thể góp phần gây táo bón.
  • Cắt tầng sinh môn: Nếu vùng đáy chậu (vùng giữa bộ phận sinh dục và hậu môn) được bác sĩ cắt chủ động hoặc bị rách trong khi sinh, các mũi khâu có thể làm đau vùng này khi mẹ ngồi xuống hay đi bộ trong suốt thời gian lành bệnh. Nó cũng có thể gây đau khi mẹ ho hoặc hắt hơi trong thời gian này.
  • Những cơn nóng bừng hay ớn lạnh: Sự điều chỉnh cơ thể theo nồng độ của nội tiết và lưu lượng máu có thể ảnh hưởng lên vùng điều nhiệt của cơ thể và gây ra hiện tượng này.
  • Vấn đề tiêu, tiểu không kiểm soát: Các cơ vùng chậu bị kéo dãn trong khi sinh sẽ làm cho phụ nữ sau sinh bị són tiểu khi ho, cười, hoặc căng thẳng.
  • “Đau sau sinh”: Sau khi sinh, tử cung của mẹ sẽ tiếp tục có các cơn co trong một vài ngày để thu hồi nhỏ lại. Điều này làm cho mẹ bị đau bụng từng cơn, đặc biệt là khi cho bé bú.
  • Sản dịch: Máu ra ở âm đạo lúc đầu sậm màu và nhiều hơn cả khi hành kinh, thường kèm máu cục, sau đó nhạt màu dần, chuyển sang màu trắng hoặc màu vàng và hết hẳn trong vòng vài tuần.
  • Trọng lượng: Trọng lượng sau khi sinh của mẹ có thể giảm 5 – 6 kg (gồm trọng lượng của em bé, nhau thai và nước ối) so với trọng lượng của mẹ vào thời điểm thai đủ tháng.

phụ nữ sau sinh

Về cảm xúc

Cùng với sự thay đổi thể trạng, cảm xúc của phụ nữ sau sinh cũng có nhiều có nhiều điều đáng chú ý:

Rối loạn cảm xúc (baby blue): Nhiều người mới làm mẹ thường trải qua trạng thái kích thích, buồn bã, khóc, hay lo lắng, xảy ra trong vài ngày hoặc vài tuần sau khi sinh. Những trạng thái này rất phổ biến và có thể liên quan đến thay đổi thể chất (bao gồm cả thay đổi nội tiết, mệt mỏi, và chưa có kinh nghiệm sinh đẻ).

Tuy nhiên, tình trạng rối loạn cảm xúc này sẽ thường biến mất trong vòng một tuần.

Trầm cảm sau sinh: Nghiêm trọng hơn và kéo dài lâu hơn so với tình trạng rối loạn cảm xúc. Trầm cảm hiện diện trong 10% -25% các trường hợp mới làm mẹ. Nó có thể gây ra thay đổi tâm trạng, lo lắng, tội lỗi, và buồn dai dẳng.

Trầm cảm sau sinh có thể được chẩn đoán đến một năm sau khi sinh. Nó thường gặp hơn ở những phụ nữ có tiền sử trầm cảm, căng thẳng nhiều trong cuộc sống, và tiền sử gia đình có bệnh trầm cảm.

 

Bài viết liên quan