Trẻ nhỏ thường tò mò nên hay bỏ các vật lạ vào miệng. Tình trạng này là bình thường. Tuy nhiên, nếu thường xuyên ăn những thứ không ăn được (tóc, phấn…), trẻ có thể đã mắc hội chứng pica.
Đây là một dạng rối loạn về ăn uống. Hội chứng pica có thể dẫn tới những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Vì thế, việc phát hiện sớm và ngăn ngừa hội chứng pica ở trẻ nhỏ là vô cùng quan trọng.
Hội chứng pica ở trẻ nhỏ là gì?
Hội chứng pica là một dạng rối loạn ăn uống. Hội chứng này đặc trưng bởi tình trạng bệnh nhi thường xuyên ăn những đồ vật không phải thức ăn. Tình trạng này có thể dẫn tới nhiều vấn đề ở hệ tiêu hóa, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của trẻ.
Ở những bé mắc hội chứng Pica, bệnh nhi sẽ vượt ra khỏi sự tò mò thông thường về việc ăn uống. Nếu trẻ từ 18 tới 24 tháng tuổi, bắt đầu có khuynh hướng thèm và đòi ăn những món không phải thức ăn (kéo dài từ 1 tháng trở lên), ba mẹ nên nghĩ tới hội chứng này.
Nguyên nhân gây ra hội chứng Pica ở trẻ nhỏ
Hiện tại, nguyên nhân chính xác gây hội chứng pica vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, một số yếu tố có thể làm gia tăng nguy cơ mắc hội chứng này gồm:
- Thiếu hụt dinh dưỡng : Thiếu sắt, kẽm, canxi hay thiếu các nguyên tố vi lượng khác có thể dẫn tới cảm giác thèm ăn. Tình trạng này khiến trẻ tìm tới những đồ vật không phải thức ăn để thỏa mãn cơn thèm
- Trẻ suy dinh dưỡng, bị bỏ đói: Tình trạng thiếu hụt các loại thực phẩm bổ dưỡng có thể dẫn tới cảm giác thèm ăn đất hoặc đất sét. Dù đất hoặc đất sét không có dưỡng chất đáp ứng sự thiếu hụt, nhưng lại liên kết với sắt ở đường tiêu hóa, giúp làm dịu cơn thèm ăn ở bệnh nhi
- Rối loạn phát triển: Trẻ nhỏ, đặc biệt là các bé mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ hay những vấn đề phát triển khác, có thể ăn các vật liệu không phải thực phẩm do không có khả năng phân biệt
- Thiếu sự quan tâm, căng thẳng: Việc thiếu sự quan tâm, các yếu tố căng thẳng trong chăm sóc và giáo dục cũng là các tác nhân khiến bé thèm những thức ăn không phải thực phẩm. Bất cứ nỗ lực nào nhằm ngăn cản bệnh nhi ăn uống đều có khả năng làm gia tăng sự lo lắng và đau khổ ở bé, dẫn tới trẻ bị stress kéo dài.
Triệu chứng của hội chứng Pica ở trẻ nhỏ
Khi mắc hội chứng pica, bệnh nhi sẽ thường xuyên ăn những đồ vật không phải thức ăn. Hành vi này kéo dài từ một tháng trở lên. Một số triệu chứng đi kèm có thể xuất hiện ở bệnh nhi như hư răng, đau bụng, phân lẫn máu, ngộ độc chì.
Hội chứng pica ở trẻ nhỏ nguy hiểm như thế nào?
Khi không có biện pháp can thiệp sớm, hội chứng pica ở trẻ nhỏ có thể dẫn tới nhiều biến chứng nghiêm trọng như:
- Nhiễm độc chì dẫn tới tình trạng mất cân bằng trong cơ thể. Biến chứng này có thể gây dị tật thận, tim mạch và thần kinh
- Những biến chứng liên quan tới hệ tiêu hóa như táo bón, tiêu chảy, nhiễm ký sinh trùng
- Tắc ruột vì thức ăn không được tiêu hóa, gây ứ đọng thức ăn trong ruột
- Ảnh hưởng tới sức khỏe răng miệng: Do thường xuyên ăn các vật cứng, răng có thể bị mẻ, thậm chí ảnh hưởng tới xương hàm.
Điều trị hội chứng Pica ở trẻ nhỏ
Đối với các trường hợp mắc phải hội chứng pica là do mất cân bằng chất dinh dưỡng, bác sĩ cho bé dùng thuốc bổ sung khoáng chất và vitamin. Một số phương pháp điều trị có thể được chỉ định như:
- Trị liệu, sử dụng thuốc hoặc kết hợp cả hai khi mắc hội chứng Pica do những vấn đề liên quan tới sức khỏe tâm thần
- Trẻ bị thiếu sự quan tâm từ người thân cũng là nguyên nhân gây ra hội chứng pica. Vì thế, ba mẹ nên dành nhiều thời gian nói chuyện với trẻ
- Đặt các đồ vật không phải thức ăn mà bé muốn ăn vào trong tủ và khóa lại hoặc đặt ngoài tầm với của con
- Không thực hiện những hành động tiêu cực như phạt trẻ khi bé muốn ăn các đồ vật không phải thức ăn.
Phòng ngừa hội chứng pica ở trẻ nhỏ
Hiện vẫn chưa có biện pháp nào giúp ngăn ngừa hội chứng pica. Tuy nhiên, ba mẹ vẫn có thể làm một số điều sau để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh hoặc phát hiện kịp thời tình trạng này, cụ thể:
- Tìm hiểu về những thói quen ăn uống lành mạnh và các rối loạn ăn uống thường gặp
- Chú ý tới chế độ ăn của bé, đảm bảo con có một chế độ ăn khoa học, giàu dinh dưỡng
- Thường xuyên quan tâm và nói chuyện với con
- Thường xuyên đưa bé đi khám sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện các vấn đề sức khỏe, từ đó có hướng xử trí sớm
- Khuyến khích trẻ ăn các món vặt tốt cho sức khỏe, tránh ăn những thứ không phải thức ăn
- Lưu ý tới việc chăm sóc sức khỏe tinh thần cho bé, giúp giảm thiểu nguy mắc hội chứng pica
- Giải thích các tác hại của việc ăn những thứ không phải thức ăn với trẻ.
Khi nào nên đưa trẻ đến bác sĩ khám?
Ba mẹ nên đưa trẻ đi khám ngay khi con xuất hiện các triệu chứng của hội chứng pica. Nếu trì hoãn điều, bé có nguy cơ cao mắc phải những vấn đề nha khoa, nhiễm trùng, những vấn đề tiêu hóa và nhiễm độc.
Trong quá trình điều trị, các bậc phụ huynh nên kiên nhẫn và động viên trẻ liên tục để nâng cao hiệu quả điều trị. Bạn hãy luôn ở bên trẻ, để con cảm nhận được tình yêu thương. Điều này sẽ giúp bé vượt qua được các trở ngại trong cuộc sống, giúp tinh thần của con lạc quan hơn, rất tốt cho việc điều trị.
Hội chứng pica cần được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Việc điều trị đúng có thể hỗ trợ cả về thể chất và tinh thần cho bệnh nhi. Từ đó, các bé có thể vượt qua được cơn thèm, trở về chế độ ăn uống khoa học.