Mẹ và Con - Trong tình yêu, đặc biệt là khi có xung đột, nếu những hành động hoặc lời nói của đối phương khiến bạn cảm thấy tội lỗi, sợ hãi hoặc mặc cảm, tự ti vào bản thân mình thì đây chính là dấu hiệu của việc họ đang kiểm soát bạn. 

Trên thực tế, ranh giới của sự quan tâm và kiểm soát trong tình yêu rất mỏng manh. Vì thế, đôi khi thật khó phân biệt được mục đích thực sự mà đối phương muốn dành cho mình là gì. Điều này kéo dài sẽ dồn nén rất nhiều ấm ức, có thể sẽ mang cuộc tình đi đến bờ vực không thể cứu vãng. Hãy cùng Tạp chí Mẹ và Con tìm hiểu và nhận ra sớm những dấu hiệu bản thân đang bị kiểm soát trong một mối quan hệ qua bài viết sau đây để có được cách giải quyết nhanh chóng, bạn nhé!

Người kiểm soát trong tình yêu cản trở những mục tiêu của bạn

Nếu như bạn là một người có tham vọng lớn, muốn được vươn cao và xa hơn trong sự nghiệp và con đường học vấn của mình, người thích kiểm soát trong tình yêu sẽ khiến bạn cảm thấy bản thân chưa sẵn sàng hoặc không đủ kỹ năng để theo đuổi mục tiêu đó. Những người này có thể hoàn toàn là những người tiêu cực, thay vì họ ủng hộ và hỗ trợ bạn thử sức, trải nghiệm, thì họ lại liên tục chê bai, dè bĩu những phấn đấu, nỗ lực của bạn, khiến bạn nản lòng muốn từ bỏ.

Điều này kéo dài sẽ làm cho bạn hình thành sự nghi ngờ về năng lực bản thân và cảm thấy sợ thất bại, không dám thử sức với những thử thách, bỏ lỡ những cơ hội để thành công.

Thường hay phá luật và không công bằng

Chẳng hạn như cả hai bạn đều thống nhất với nhau đều sẽ không đi chơi riêng với người khác giới nào khác nếu như không có đối phương bên cạnh. Nhưng sự thật là chỉ có bạn phải làm theo những nguyên tắc đó, còn đối phương thì lại có quyền phá vỡ những với hàng “nghìn lẻ một” lí do riêng mà họ cho rằng đó là “chính đáng”.

Hoặc nếu cả hai đều thống nhất, khi cãi nhau sẽ không ai chơi trò “bỏ đi” hoặc nói những câu gây ức chế như “Tùy anh/tùy em”, “Sao cũng được, tôi chịu thua rồi”. Nhưng nếu họ vẫn tiếp tục phạm phải sai lầm này liên tục sẽ khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, giống như mọi cố gắng cứu vớt tình cảm và giải thích của bạn đều đổ sông đổ bể.

Sự xem thường quy tắc chung của cả hai nhưng vẫn bắt ép bạn phải tôn trọng họ và đồng thời muốn bạn vẫn tuân thủ quy tắc đó. Đây chính một trong những dấu hiệu chứng tỏ bạn đang bị kiểm soát trong tình yêu, và nếu như bạn cứ im lặng nhẫn nhịn, thì họ vẫn cứ ngang nhiên tự trao cho họ những quyền lợi mà bạn không có.

cặp đôi

Bạn lúc nào cũng cảm thấy như đang “đi trên vỏ trứng”

“Đi trên vỏ trứng” giống như đang chỉ bạn luôn phải cẩn trọng trong mọi hành vi, lời nói của mình, mặc dù đối phương chính là người có thể sẽ cùng bạn gắn kết suốt cuộc đời. Bạn không hề cảm thấy thoải mái khi cởi mở về những nhu cầu và cảm xúc cá nhân của mình với người bạn đời, mặc dù đây chính là mà bạn nghĩ rất yêu thương mình.

Tất cả những nỗi niềm, sợ hãi trên đều nói lên rằng bạn đang ngại lên tiếng vì sợ chỉ một hành động nhỏ nhất hoặc một câu nói tưởng chừng như bình thường thôi cũng có thể sẽ châm ngòi cho một “cuộc chiến”. Bạn sợ họ sẽ ngay lập tức đả kích hoặc phản đối kịch liệt với bạn. Điều này chứng tỏ bạn đang phải chịu sự kiểm soát trong tình yêu và nó đã trở thành một nỗi sợ có căn cứ vì những ám ảnh trong quá khứ. Trong thế giới của những người kiểm soát, bản thân họ luôn nghĩ mình đúng và mọi ý kiến trái chiều hoặc không đúng ý của họ đều là sai trái.

Sự thỏa hiệp luôn đến từ một phía

Nếu sau những cuộc cãi vả, bạn luôn là người phải cam chịu và xuống nước, chấp nhận nhường nhịn và thỏa hiệp với mọi mong muốn của đối phương, đây chính là dấu hiệu rõ nhất của việc bị kiểm soát trong tình yêu. Người thực sự yêu thương bạn sẽ quan tâm đến cảm xúc của bạn và cố gắng tìm ra tiếng nói chung cho cả hai chứ không phải bỏ mặc những cảm xúc, lợi ích của bạn.

Và ngược lại, nếu như một người thích kiểm soát đối phương theo ý của mình, họ sẽ liên tục đưa ra những yêu cầu, quyền lợi được xem là “tối hậu thư” nghiêm ngặt để tạo áp lực, ép buộc nửa kia phải thỏa hiệp với mình.

Người kiểm soát trong tình yêu sẽ bắt bạn làm điều không thích

Trong chuyện tình yêu, nếu họ bắt bạn phải làm những điều mà bạn không thích vì lợi ích riêng của họ, chắc hẳn bạn sẽ dễ dàng nhận ra và có thể từ chối nếu không thích. Tuy nhiên, nghe có vẻ phi lí nhưng nếu họ luôn bắt bạn phải làm theo những điều mà họ nói rằng đây chính là “lợi ích riêng của bạn”, thì bạn sẽ cảm thấy khó xử vì trong đầu bạn đã nảy sinh ra quan niệm bảo vệ họ, rằng “Họ chỉ đang muốn tốt cho mình mà thôi”. Và bạn vẫn chấp nhận làm theo một cách vui vẻ vì bạn nghĩ rằng có lý dù cho bạn không hề thích làm điều đấy trước đây tí nào cả.

Tuy nhiên đây cũng có thể là một dấu hiệu của sự kiểm soát dễ nhầm lẫn với hành vi “quan tâm”. Tất nhiên không phải ai bắt bạn làm điều gì đó đều mang đến tiêu cực cho bạn, vì thế bạn cũng nên suy nghĩ rằng thật sự họ có muốn tốt cho bạn không và điều đó có có thực sự mang đến lợi ích cho bạn và quan trọng rằng bạn có cảm thấy thoải mái khi làm điều đó hay không.

Ví dụ như họ muốn bạn ăn nhiều rau, động viên bạn tập luyện thể dục thường xuyên để cải thiện một vấn đề sức khỏe tiêu cực mà bạn đang gặp phải, đây là dấu hiệu của sự quan tâm thật sự. Ngược lại, nếu như họ bỗng dưng bắt bạn phải đổi một chiếc điện thoại thật “xịn xò” để tốt cho công việc của bạn hơn mặc dù bạn cảm thấy không có vấn đề gì với chiếc điện thoại hiện tại. Điều này có thể cho thấy họ không quan tâm bạn đang nghĩ gì. Họ chỉ đang cảm thấy thật mất mặt vì bạn sử dụng chiếc điện thoại cũ mèm để đến gặp người họ quen biết.

cặp đôi cãi nhau

Bạn bị ép phải chia sẻ những điều “riêng tư”

Việc chia sẻ trong tình yêu là rất cần thiết. Tuy nhiên chúng chỉ thật sự thoải mái khi nó xuất phát từ sự chủ động, và nếu như đối phương luôn gây cho bạn những áp lực bắt bạn phải kể điều gì đó cho họ mặc dù biết rằng bạn đang cảm thấy không thoải mái, họ có lẽ thực sự không quan tâm đến cảm giác của bạn đâu. Thay vào đó, họ chỉ đơn giản là đang tò mò mà không ngần ngại xâm phạm đến “ranh giới” riêng tư, cá nhân của bạn.

Mặc dù có thể họ chỉ xuất phát từ việc họ muốn bạn đang nghĩ gì và làm gì để thấu hiểu bạn hơn. Tuy nhiên bạn vẫn nên cân nhắc trước khi kể nếu cảm thấy mình đang bị kiểm soát trong tình yêu một cách quá mức.

Họ can thiệp quá mức vào mối quan hệ bạn bè, gia đình của bạn

Để có được quyền kiểm soát hoàn toàn, đối phương có thể sẽ cố gắng cách ly bạn với những mối quan hệ xung quanh. Bằng cách này, họ sẽ cảm thấy ít bị đe dọa hơn nếu như một ngày nào đó bạn đột nhiên rời bỏ họ. Thay vì chọn trở thành một “tiêu điểm” để hấp dẫn bạn, họ lại muốn là “tất cả” để dễ dàng trói buộc bạn bên cạnh mình.

cặp đôi hạnh phúc

Và như bạn cũng biết, một mối quan hệ lành mạnh sẽ không khiến bạn thật nhỏ bé, bất an và cảm thấy hạnh phúc nửa vời. Nếu như đối phương thật sự quan tâm bạn, họ sẽ làm cho bạn tin tưởng, công nhận và tôn trọng họ thay vì muốn kiểm soát bạn hoàn toàn.

Bài viết liên quan

sự tự ti về bản thân

Tự ti về bản thân là cách bạn tự tay phá hủy thành tựu của mình

Mẹ và Con - Cảm giác tự ti về bản thân là một trạng thái tâm lý phổ biến mà hầu hết mọi người đều từng trải qua ít nhất một lần trong đời. Nhưng khi điều này trở thành một trạng thái cảm xúc thường xuyên, bạn có thể ngày càng trở nên tiêu cực hơn. Vậy chúng ta có thể làm gì để khắc phục tình trạng tự ti về bản thân?