Mẹ&Con - Lựa chọn ở nhà và trở thành người mẹ toàn thời gian, phụ nữ đôi khi tự đánh mất đi nhiều quyền trong cuộc hôn nhân của chính mình.

Trong cuộc sống hôn nhân, đôi khi có những bước ngoặt khiến người ta chẳng lường trước được. Tình cảm yêu đương qua những khó khăn của cuộc sống sẽ bị mài mòn theo thời gian.

“Anh nuôi em”, “Em ở nhà anh nuôi” là những câu nói đầy sự cám dỗ của đàn ông dành cho phụ nữ. Nhưng chẳng phải khi nào, kết cục của những người tin vào câu chuyện đó đều tốt đẹp.

Câu chuyện chung của nhiều phụ nữ sau kết hôn

Phương lấy chồng được 6 năm. Chồng cô là một người kiếm ra tiền, rất yêu thương vợ. Sau khi cưới xong, cô có bầu luôn. Nghĩ đến khoản lương 6 triệu đồng một tháng mà vợ kiếm ra hàng tháng, Phong yêu cầu Phương nghỉ làm.

“Ở nhà anh nuôi”, đó là lời anh nói khi đó. Thời gian ấy, số tiền Phong kiếm được đủ nuôi cả gia đình. Sinh con xong, hàng loạt công việc bù đầu khiến Phương nghĩ rằng phương án ở nhà trở thành bà nội trợ toàn thời gian của mình hết sức chính xác.

Thế nhưng, càng ngày Phong kiếm tiền càng khó khăn. Bé con hay ốm, mỗi lần vào viện đều vài triệu đồng ra đi. Tình hình kinh tế khó chống đỡ, Phong nghỉ việc, tính đường kinh doanh riêng. Đứa đầu 3 tuổi, Phương bầu em bé thứ hai.

Bước vào kinh doanh, Phong lại tỏ ra khá có duyên. Nhờ sự giúp đỡ của bố mẹ đẻ, anh lại kiếm ra tiền. Kinh doanh ngày càng tốt, gia đình Phong – Phương lại càng sung túc hơn xưa.

sau khi kết hôn

Họ chuyển đến một ngôi nhà rộng rãi hơn. Đồ dùng trong nhà xịn hơn, con cái được đủ đầy hơn. Tất cả đều thay đổi. Phong cũng hoành tráng vì đủ thứ hàng hiệu đắp lên người. Chỉ có Phương vẫn cũ kỹ như xưa. Cô chẳng có gì thay đổi. Điều Phương giỏi nhất bây giờ chỉ là nuôi con. Tóc cô đã mấy năm không thèm làm, đồ mặc cũng lỗi mốt, chẳng phù hợp khi sánh bước bên Phong.

Phong dần dần càng thể hiện ra mặt mình quan trọng hơn vợ, mình làm ra tiền là kẻ mạnh nhất trong nhà. Anh không tiếc lời phàn nàn trước mặt vợ về đủ loại chuyện nghĩ ra khi bước vào ngôi nhà.

Chỉ cần về nhà hơi bừa bộn, bữa cơm không ngon miệng, anh sẽ cằn nhằn, bày tỏ sự không hài lòng gay gắt. Với Phong, người không làm ra tiền thì không có quyền lên tiếng. Và ở nhà anh, Phương chính là người chẳng được có tiếng nói gì cả.

Nếu Phương có lời nào phản bác, Phong sẽ đáp trả bằng việc cho rằng chuyện nhà, quét dọn, chăm hai đứa con chẳng có gì vất vả. Vợ chỉ có ở nhà, không phải đương đầu với đủ chuyện kinh doanh, Phong tự cho mình cái quyền coi những công việc cô làm là thấp kém.

Phụ thuộc kinh tế, Phương đánh mất đi cái nền tảng công bằng trong hôn nhân. Chẳng có việc lớn nào Phong bàn bạc với cô cả. Chuyện tiền nong, nhà cửa, xe cộ, cô hoàn toàn chẳng biết gì.

Phương nhận ra những sai lầm của bản thân khi xưa. Cô đã tính toán đến chuyện con lớn hơn một chút sẽ lại đi làm. Dù hàng tháng chỉ kiếm được vài triệu bạc, cô vẫn tự chủ hơn, cảm thấy bản thân được “sống” thật sự trong căn nhà này.

Một ngày nghỉ, Phong ở nhà, con lớn đi vệ sinh đòi rửa, đứa bé hơn 2 tuổi khóc vì dậy sớm không thấy mẹ, Phương nhờ chồng dỗ dành con hộ một tay. Bị cắt ngang giấc ngủ, anh lên tiếng mắng mỏ vợ với đủ loại từ ngữ đầy đau đớn trên đời.

Phong cho rằng Phương làm mẹ cũng không xong, làm vợ đã không trọn vẹn thì chỉ có vô dụng. Anh bảo cô không biết bên ngoài cuộc sống cực khổ thế nào, chồng mệt nhọc như thế cũng chẳng biết đường chăm sóc. Sẵn tức giận, anh ta nói sang chuyện cô hiện tại “bết” ra sao, người ngợm cũ kỹ.

Câu chuyện của gia đình Phong – Phương là điển hình trong xã hội ngày nay. Phải biết rằng, một khi bạn đã chọn ở nhà nội trợ, không đi làm, không kiếm ra tiền và không đủ khả năng tự chủ về kinh tế, tiếng nói của bạn trong gia đình sẽ vô cùng “yếu ớt”. Ngay cả trong trường hợp may mắn gặp người chồng cực kỳ thấu hiểu, thì có một sự thật bạn nên đối diện, rằng sẽ có những lúc nhất định, chính anh ấy cũng sẽ giấu một tiếng thở dài khi nhìn thấy một người phụ nữ xinh đẹp, khéo léo, tinh tế, tài giỏi, thông minh, giỏi kiếm tiền và năng động, hiểu chuyện ngoài kia. Câu hỏi hiện lên sẽ là: “Tại sao vợ mình lại như thế?”, “Tại sao mình không thể có một người bạn đời như người phụ nữ kia?”.

Chắc hẳn rất đau lòng và tủi thân khi biết sự thật này, nhưng rõ ràng, một khi ở nhà làm “nội trợ chuyên nghiệp”, bạn đã tự đánh mất rất nhiều cơ hội trong cuộc sống. Thời đại bây giờ, không nhiều người vợ lựa chọn chỉ ở nhà nội trợ bởi họ biết nó sẽ là một “vũng lầy” thật sự đối với bản thân họ. Trong khi những người phụ nữ đi làm được tiếp cận liên tục với kiến thức mới, luôn chăm chút đến ngoại hình, ngày càng thăng tiến trong công việc và tích lũy cho mình những vốn sống, thì khi ở nhà, bạn sẽ phải lặp đi lặp lại những thứ tủn mủn. Rất hiếm phụ nữ nội trợ đủ bản lĩnh để liên tục cải thiện bản thân, tự học và ngày một xinh đẹp, ngày một giỏi giang hơn!

sau kết hôn

Chưa kể đến chuyện người chồng có thể coi thường thế nào, bản thân người vợ không kiếm ra tiền cũng dễ đánh mất đi sự tự quyết. Hơn nữa, họ sẽ bị căn bếp, quanh quẩn việc dọn nhà, chợ búa, con cái… mài mòn đi sự nhạy bén và tầm nhìn trong cuộc sống. Bạn thật sự cần biết rằng trong thời đại ngày nay, bạn ngừng học hỏi, ngừng công việc vài năm thôi, bạn có thể đã tụt hậu tới mức không ngờ tới.

Chẳng phải ngẫu nhiên mà phụ nữ sắp lấy chồng đều được khuyên dù chỉ kiếm được vài triệu đồng cũng phải đi làm. Thời gian sẽ chứng minh, phụ thuộc về kinh tế và quanh quẩn trong xó bếp sẽ là điều sai lầm nhất mà một người vợ lựa chọn.

Đừng trở thành một “bà nội trợ” chuyên nghiệp trong hôn nhân.

Bài viết liên quan