Cứ 100 phụ nữ mới sinh con thì có 10 – 20 người mắc chứng trầm cảm sau sinh. Thường thì những người mẹ mắc chứng rối loạn cảm xúc này không được chẩn đoán và có cách điều trị đúng đắn. Do đó có người bị trầm cảm sau sinh kéo dài đến vài năm mà không hề phát hiện mình mắc chứng bệnh này.
Câu chuyện của người mẹ Mỹ mắc chứng trầm cảm sau sinh
Đó là Tina Merritt – cô hiện sống tại Nam California, nước Mỹ. Tina sinh con vào 6 năm trước và đã trải qua một thời gian dài mắc chứng trầm cảm sau sinh mà không nhận thức được điều đó.
Tina luôn hy vọng và mong mỏi về những ngày tháng hạnh phúc, vui vẻ bên cạnh thiên thần nhỏ sau 9 tháng ròng mang thai. Thế nhưng, ngày con chào đời, cô lại đón nhận những cảm xúc trái ngược hoàn toàn với những gì mà bà mẹ trẻ trông đợi. Đó là những áp lực, buồn tủi và thậm chí là nỗi sợ hãi dành cho chính đứa con mà mình mang nặng để đau. Nỗi sợ của Tina bắt nguồn từ sự ám ảnh không thể chăm sóc con. Cô khóc hàng giờ liền và luôn mang trong mình cảm giác bất an mỗi khi phải ở cạnh con một mình. Chỉ mới 6 tuần sau sinh, Tina quyết định trở lại với công việc và để chồng mình một mình chăm sóc em bé.
Nếu như phần lớn các bà mẹ đều muốn kéo dài kỳ nghỉ thai sản để dành nhiều thời gian bên cạnh con, thì Tina lại muốn thoát khỏi tâm lý “người mẹ kém cỏi” và lập tức quay lại với công việc ngay khi có thể. Cô không nhận ra rằng mình mắc chứng rối loạn tâm lý sau sinh cho đến khi Graham – con trai cô được 2 tuổi. Lúc này, Tina nhìn lại và không khỏi nuối tiếc vì đã bỏ lỡ một thời gian dài chăm sóc và đồng hành cùng con.
4 bài tập giúp mẹ vượt qua chứng trầm cảm sau sinh
Có rất nhiều phụ nữ như Tina ở ngoài kia, họ mang nhiều tâm lý tiêu cực, căng thẳng và bất an. Hậu quả là họ có những hành động hành hạ bản thân hoặc bạo lực với con cái. Do đó để tránh mắc phải chứng trầm cảm sau sinh, các mẹ cần:
Cố gắng mở lòng và nói ra những suy nghĩ
Cách tốt nhất để không bị trầm cảm đó là chia sẻ. Việc giữ lại quá nhiều cảm xúc dù vui hay buồn đều có thể khiến cho bạn rơi vào trạng thái mất cân bằng cảm xúc. Đặc biệt, với những người mới làm mẹ thì tất cả đều phải tự điều chỉnh cuộc sống của mình mỗi ngày. Một số sẽ cảm thấy việc điều chỉnh này là quá sức nên dẫn đến lo lắng, buồn bã. Do đó, mở lòng và chia sẻ với chồng, người thân sẽ là liều thuốc giảm căng thẳng hiệu quả.
Chú ý đến giấc ngủ và ngủ đủ giấc
Sau sinh, phần lớn các mẹ thường thay đổi hoàn toàn thói quen sinh hoạt. Một trong số đó là việc thức khuya, dậy sớm. Lời khuyên của các bác sĩ dành cho các mẹ bầu là hãy tranh thủ ngủ khi con ngủ. Nếu cảm thấy mình kiệt sức và không còn năng lượng để chăm con thì đừng nên gắng sức. Những người xung quanh bạn luôn sẵn sàng giúp đỡ và hỗ trợ bạn chăm sóc bé. Việc giữ cho tinh thần ổn định và thoải mái bằng việc ngủ đủ giấc sẽ giúp bạn tái tạo năng lượng và giảm stress.
Tập thể dục đều đặn
“Đi bộ với tốc độ nhanh, tận hưởng không khí trong lành, nhìn ngắm cỏ cây hoa lá có thể cải thiện tâm trạng của bạn” là lời khuyên của Tiến sĩ tâm lý Karen Rosenthal ở Connecticut, Mỹ. Theo một nghiên cứu trên hơn 1.000 bà mẹ mới sinh con, những người tập thể dục trước và sau khi sinh thường có tâm trạng tốt và dễ thích nghi với những thay đổi của cuộc sống làm mẹ. Tùy theo theo thể trạng của từng người mà chúng ta có những chế độ luyện tập khác nhau. Tập thể dục sẽ giúp không chỉ tốt cho việc rèn luyện sức khỏe thể chất sau sinh mà còn được xem phương pháp “detox tinh thần” mà bạn có thử áp dụng.
Đừng trông đợi vào sự hoàn hảo
“Họ cảm thấy tội lỗi khi không thể làm mọi thứ đúng ý. Họ nghĩ rằng mọi người mẹ đều làm tốt việc chăm con. Vì thế họ tự đặt mình vào những kỳ vọng viển vông”. Đây là tâm lý chung của nhiều bà mẹ sau sinh. Thế nhưng, điều đáng tiếc là chúng không được xem như sự hy sinh cao quý, mà ngược lại đây là những suy nghĩ thái quá mà người mẹ vô tình áp đặt lên chính mình. Hãy cố gắng suy nghĩ ở mức đơn giản nhất có thể, vì không ai là hoàn hảo cả, nhất là nếu đây là lần đầu tiên bạn làm mẹ, nhé!
Việc chăm con chưa bao giờ dễ dàng. Chứng trầm cảm sau sinh cũng vì đó mà hình thành và xuất hiện ở nhiều trạng thái tâm lý khác nhau. Nếu rơi vào tình trạng này, mẹ hãy luôn tự nhủ rằng “mình khỏe thì con mới khỏe, mình vui thì con mới cười tươi”! Từ đó hướng bản thân về những điều tích cực.
Đồng thời, để biết mình có rơi vào chứng trầm cảm này hay không, Mẹ&Con khuyên bạn nên nghiên cứu thêm về các dấu hiệu bệnh tại đây!