Mẹ&Con - Trong tam cá nguyệt thứ nhất, có những xét nghiệm, kiểm tra đặc biệt quan trọng mà bạn không thể bỏ qua! Khi nào mới cần đi khám hiếm muộn? Các xét nghiệm và siêu âm quan trọng trong thai kỳ Sao lại phải làm xét nghiệm nội tiết tố

Nếu vì lý do bận rộn, ngại chờ đợi trong những buổi khám thai, nghĩ rằng mình còn trẻ và hoàn toàn không thuộc nhóm nguy cơ để chủ quan bỏ qua những xét nghiệm, kiểm tra này, thì nghĩa là bạn đã tự đặt mình và bé yêu vào những nguy cơ tiềm ẩn…

1. Kiểm tra sức khỏe tổng quát trong lần khám thai đầu tiên

Cho dù trước khi mang thai bạn đã có kiểm tra sức khỏe tổng quát hay chưa thì đến thời điểm này, khi bắt đầu bước vào tam cá nguyệt thứ nhất, bạn vẫn cần thực hiện lại điều đó thêm một lần nữa. Những đánh giá tổng quát bước đầu này rất quan trọng. Nó báo cho bác sĩ biết những nguy cơ, bất thường bạn đang mắc phải hoặc có thể mắc phải, từ đó giúp bác sĩ có hướng theo dõi cho bạn suốt chín tháng thai kỳ chặt chẽ hơn.

nhung-xet-nghiem-me-bau-khong-nen-bo-qua

Nếu trong gia đình bạn hoặc gia đình chồng có người bị khiếm khuyết, dị tật bẩm sinh, bị thiểu năng trí tuệ, mắc các bệnh như tim mạch, tay thừa ngón…, bạn nhất thiết phải nhắc lại cho bác sĩ một lần nữa để cẩn trọng đề phòng trường hợp con mắc bệnh di truyền. Nếu bạn từng trải qua những đợt phẫu thuật hoặc từng điều trị bệnh mạn tính, đang mắc các bệnh như cường giáp, tim mạch, huyết áp cao, tiểu đường, suy thận, mỡ trong máu, viêm gan siêu vi…, bạn cũng cần nói cho bác sĩ ngay từ đợt kiểm tra, xét nghiệm đầu tiên này. Tùy theo từng trường hợp, bác sĩ có thể sẽ phải cho bạn ngưng thuốc, điều chỉnh thuốc, giảm liều lượng thuốc để tránh gây ảnh hưởng đến thai nhi.

Trong điều kiện sức khỏe bạn bình thường, không rơi vào những trường hợp như đã kể trên, bác sĩ sẽ cho kiểm tra huyết áp, nước tiểu, cân nặng, cho khám lâm sàng và có những đánh giá bước đầu về sức khỏe tổng quát của bạn trước khi cùng bạn bước vào giai đoạn chín tháng thai kỳ.

2. Đặc biệt quan trọng: Khảo sát độ mờ da gáy!

Xét nghiệm đo độ mờ da gáy chỉ có thể thực hiện trong khoảng từ tuần thứ 11 đến tuần thứ 14 của thai kỳ. Bạn cần theo chính xác lịch hẹn của bác sĩ để thực hiện việc kiểm tra này. Nhiều phụ nữ trẻ, mang thai lần đầu, thiếu kiến thức và kinh nghiệm nên đã cho rằng không kiểm tra sớm thì kiểm tra muộn, có sao đâu! Bác sĩ hẹn đi xét nghiệm, vì lý do gì đấy mà tự ý dời cả việc xét nghiệm, đợi đến vài tuần sau mới đi thì kết quả đã không còn chính xác nữa rồi. Một số thai phụ khác, chủ quan cho rằng chỉ có ai trên 30 tuổi mang thai mới cần đo độ mờ da gáy thôi, còn mình mới 24-25 tuổi, nằm trong nhóm rất ít nguy cơ thì… đi khám làm gì!

Bạn cần biết rằng đây là một trong những xét nghiệm tối quan trọng trong tam cá nguyệt thứ nhất. Bác sĩ sẽ siêu âm và xét nghiệm máu để tính toán nguy cơ một số dị dạng bẩm sinh thai nhi có thể mắc phải. Cụ thể, bác sĩ sẽ kiểm tra độ dày của vùng phía sau cổ thai nhi, xét nghiệm máu để xác định nồng độ protein được gọi là protein huyết thanh liên quan đến thai kỳ. Thông tin này được dùng để xác định xem thai nhi bình thường hay có nguy cơ dị dạng bẩm sinh cao hơn bình thường không.

Xin chia sẻ với bạn một thông tin nhỏ: Chỉ riêng với hội chứng Down, xét nghiệm độ mờ da gáy có thể phát hiện ra đến 87% trường hợp bị hội chứng Down nếu được thực hiện đúng vào tuần thứ 11 của thai kỳ. Chỉ cần nói như thế, bạn cũng sẽ hiểu tại sao xét nghiệm này lại luôn được các bác sĩ nhắc nhở rằng không được phép bỏ qua như thế!

Xét nghiệm khi mang thai nhằm bảo đảm rằng mọi bất thường nếu có sẽ được phát hiện càng sớm càng tốt, để bảo vệ bé yêu và thai phụ tốt nhất trong chín tháng thai kỳ.

Mẹ cần nhớ!

Tầm soát trong tam cá nguyệt thứ nhất chỉ là xét nghiệm sàng lọc chứ không phải là xét nghiệm chuẩn đoán. Tấm soát này nhằm phát hiện này các bà mẹ có nguy cơ mang thai đứa trẻ bị rối loạn nhiễm sắc thể. Nếu tầm soát cho kết quả bất thường thì phải làm thêm các xét nghiệm chẩn đoán khác như lấy gai nhau hoặc chọc dò nước ối.

3. Chọc dò nước ối (nếu cần)

Xét nghiệm chọc dò nước ối được thực hiện khoảng từ tuần thai thứ 10 đến tuần thai thứ 18, giúp chẩn đoán xem liệu con bạn có hội chứng Down hoặc mắc các vấn đề về nhiễm sắc thể khác hay không. Không giống như siêu âm độ mờ da gáy, xét nghiệm chọc dò nước ối chỉ được thực hiện với sự chỉ định của bác sĩ trong trường hợp kết quả siêu âm độ mờ da gáy cho biết có nguy cơ, hoặc mẹ sinh con khi đã quá 35 tuổi, đã từng sinh con mắc triệu chứng bất thường nào đó, hoặc nếu gia đình hai bên có những người mang tiền sử bất thường về gen.

nhung-xet-nghiem-me-bau-khong-nen-bo-qua

Mẫu nước ối được lấy ra thông qua một mũi kim nhỏ được chọc vào tử cung, sau đó gửi đi xét nghiệm. Xét nghiệm kéo dài khoảng 30 phút và sẽ cho kết quả trong vòng 2 tuần. Nhiều thai phụ lo lắng khi nghe đến việc phải chọc dò nước ối vì sợ ảnh hưởng đến thai nhi. Quả thật, xét nghiệm này có một chút rủi ro. Khoảng 1/200 thai phụ có thể dẫn đến việc gặp biến chứng và sẩy thai. Tuy nhiên nếu bác sĩ sau nhiều cân nhắc vẫn chỉ định bạn nên làm thì tốt nhất bạn hãy thực hiện xét nghiệm này, nhằm loại bỏ những nguy cơ sinh ra một em bé không khỏe mạnh.

4. Xét nghiệm máu theo định kỳ

Xét nghiệm máu chỉ là một xét nghiệm đơn giản trong tam cá nguyệt thứ nhất mà thai phụ nào cũng phải trải qua. Bạn không có gì phải lo lắng cả vì đây chỉ là xét nghiệm thường quy. Xét nghiệm máu trước hết để giúp bác sĩ biết chính xác nhóm máu của bạn, đề phòng trường hợp bạn thuộc nhóm máu hiếm. Ngoài ra, bác sĩ phải xem xét liệu máu của bạn có rơi vào trường hợp là RH- trong khi em bé có máu RH+ hay không. Nếu trường hợp này xảy ra thì có khả năng cơ thể bạn sản sinh ra kháng thể chống lại các tế bào máu RH+. Điều này đồng nghĩa với việc con bạn có thể gặp phải những biến chứng trong giai đoạn sau của thai kỳ.

Chưa hết, việc xét nghiệm máu còn nhằm giúp bạn kiểm tra lượng sắt trong máu có đầy đủ không. Trường hợp lượng sắt trong máu thấp, bạn dễ bị uể oải, mệt mỏi, đồng thời gây ảnh hưởng đến quá trình phát triển của thai nhi. Nếu phát hiện bạn thiếu sắt sớm, bác sĩ sẽ chỉ định bổ sung viên sắt, tăng cường các khẩu phần ăn giàu chất sắt. Bạn cũng sẽ được xác định (thông qua xét nghiệm máu) rằng đã có khả năng miễn dịch với Rubella chưa. Trường hợp nếu chưa kịp chích ngừa và không có khả năng miễn dịch, bạn sẽ được nhắc nhở tránh tiếp xúc với đám đông, chú ý đeo khẩu trang… để tránh gây nguy hại cho em bé. Cuối cùng, xét nghiệm máu cũng cho bác sĩ biết bạn có bị viêm gan siêu vi B không để có biện pháp bảo vệ, phòng ngừa cho thiên thần của bạn.

5. Và kiểm tra nước tiểu…

Tương tự xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu là xét nghiệm thường quy, được thực hiện nhiều lần trong suốt thời kỳ mang thai, nhằm kiểm tra xem bạn có bị dư đạm trong nước tiểu không, có bị nhiễm trùng đường tiểu không, lượng đường trong nước tiểu có cao vượt mức cho phép không… Bạn lưu ý rằng nếu thường xuyên có đường trong nước tiểu, bác sĩ phải theo dõi chặt chẽ vì đó có thể là dấu hiệu của bệnh tiểu đường thai kỳ. Bệnh này ảnh hưởng đến sức khỏe cho cả bạn và thai nhi, vì vậy cần phát hiện sớm để điều chỉnh kịp thời đường huyết bằng các chế độ dinh dưỡng, vận động hợp lý. 

Bác sĩ Bùi Thị Minh Nguyệt
(BV Đại học Y Dược) 

Tags:

Bài viết liên quan