Phương pháp Montessori được biết đến như một phương pháp giáo dục tạo ra môi trường tốt nhất cho sự phát triển của trẻ mà không nặng nề về phần lý thuyết. Tuy nhiên, bất kỳ một phương pháp giáo dục nào cũng có 2 mặt ưu điểm và hạn chế nhất định. Hãy cùng Mẹ và Con tìm hiểu về phương pháp Montessori thông qua những chia sẻ dưới đây.
Phương pháp Montessori là gì?
Đây là phương pháp giáo dục do tiến sĩ Maria Montessori phát triển. Montessori là phương pháp sư phạm dựa trên việc lấy trẻ em làm trung tâm thông qua những quan sát khoa học của các bé từ khi sinh ra đến lúc trưởng thành. Thông qua đó tạo cho trẻ một môi trường tự do lựa chọn, sáng tạo theo từng hoạt động phù hợp với lứa tuổi của bé.
Có thể nói, phương pháp Montessori được xây dựng theo góc nhìn của một đứa trẻ khi bé muốn tìm hiểu và học hỏi. Phương pháp này còn là cách đánh giá toàn diện về thể chất, giao tiếp, cảm xúc và nhận thức của trẻ.
Xem thêm: Cách nuôi dạy con thành người vừa “có tài, có đức”
Các lĩnh vực của phương pháp Montessori
- Lĩnh vực thực hành cuộc sống: Phát triển những kỹ năng tự phục vụ bản thân (tự ăn, tự uống nước, tự thay quần áo…), chăm sóc môi trường (trồng cây, tưới cây…)
- Lĩnh vực giác quan: Học tập với các giáo cụ Montessori để phát triển 5 giác quan (thị giác, khứu giác, vị giác, thính giác, xúc giác)
- Lĩnh vực ngôn ngữ: Được khuyến khích phát triển ngôn ngữ thông qua các hoạt động đọc sách, kể chuyện, ca hát…
- Lĩnh vực toán học: Làm quen với các con số và phép tính đơn giản như cộng trừ nhân chia
- Lĩnh vực văn hóa: Học về các môn học lịch sử, địa lý, khoa học, nghệ thuật…
Ưu điểm khi dạy con theo phương pháp Montessori
Tập trung vào các giai đoạn phát triển chính
Trẻ từ 3 – 5 tuổi là giai đoạn áp dụng phương pháp Montessori tốt nhất. Với những bé 3 tuổi, chú trọng vào việc luyện tập kỹ năng điều khiển các cơ lớn và ngôn ngữ. Trẻ 4 tuổi có thể được cho làm quen với những kỹ năng vận động cũng như hoàn thành các hoạt động thường nhật như nấu ăn, vẽ tranh, làm đồ thủ công mỹ nghệ. Và khi được 5 tuổi, trẻ sẽ có nhiều trải nghiệm về cộng đồng thông qua những chuyến dã ngoại.
Phương pháp giáo dục Montessori lấy trẻ làm trung tâm
Điểm khác biệt của phương pháp Montessori so với phương pháp giáo dục truyền thống là chương trình học được thiết kế dựa trên nhu cầu và khả năng cụ thể của từng bé. Điều này giúp trẻ được khám phá, học tập theo tốc độ và quỹ thời gian của riêng mình. Giáo viên cũng không so sánh hay đưa ra thành tích thi đua giữa các bé với nhau. Ngoài ra, trẻ lớn tuổi hơn cũng chơi đùa cùng các em nhỏ, vì vậy việc dạy dỗ học hỏi lẫn nhau còn đến từ những người bạn cùng lớp.
Trẻ học được cách tự kỷ luật bản thân
Phương pháp Montessori cho phép bé tự chọn các hoạt động cũng như thời gian thực hiện từng hoạt động đó. Song, vẫn có những quy tắc cơ bản được đề ra mà cả giáo viên và học sinh phải tuân theo. Môi trường này khuyến khích trẻ phát triển các kỹ năng quan trọng như tập trung, tự kiểm soát hay đặt ra ưu tiên cho từng hành động…
Môi trường lớp học dạy trẻ về sự ngăn nắp
Phương pháp Montessori đề cao sự tương tác với đồ vật do đó mỗi đồ vật trong lớp đều có vị trí chính xác trên kệ. Và nhiệm vụ của bé là sau khi hoàn thành một hành động thì phải đưa đồ vật về vị trí thích hợp. Khi làm việc hoặc vui chơi trong những khu vực gọn gàng, các con có thể phát huy hết sự sáng tạo và tập trung hoàn toàn vào quá trình học tập.
Các bé tự quyết định mình làm gì
Giáo viên sẽ đóng vai trò là người hướng dẫn, tạo điều kiện cho các bé tự do tìm tòi, khám phá chứ không quyết định trẻ sẽ phải làm gì, làm thế nào và đạt thành tích ra sao. Họ cũng đảm bảo các quy tắc cơ bản mà cả lớp học phải tuân theo và khuyến khích học sinh thực hiện nhiệm vụ của mình, song không can thiệp vào tốc độ của lớp học.
Hạn chế của phương pháp Montessori
Chi phí đắt đỏ
Các chương trình giáo dục theo đúng chuẩn phương pháp Montessori quốc tế thường rất đắt đỏ. Nguyên nhân là vì:
- Yêu cầu môi trường học tập rộng rãi, đẹp, nội thất thiết kế riêng theo kích thước trẻ em và theo chuẩn Montessori. Do đó, chi phí xây dựng cao.
- Chi phí đầu tư giáo cụ cao, và chỉ dùng cho một lớp học duy nhất. Không thể chia ra cho nhiều lớp hoặc dùng chung.
- Tiêu chuẩn về giáo viên có đủ điều kiện giảng dạy phương pháp Montessori cũng rất ngặt nghèo. Do giáo viên giảng dạy phương pháp này phải có chứng chỉ montessori. Tính riêng chi phí đào đạo vào khoảng 4.000-10.000$ Mỹ. Dù là tự đi học hay nhà trường đầu tư thì khoản nhân sự này cũng khá đắt đỏ nên chi phí học cũng cao.
Không khuyến khích trẻ phát triển trí tưởng tượng
Phương pháp Montessori xem đồ vật là giáo viên tốt nhất thay vì con người. Người tạo ra phương pháp này cũng phát triển nhiều giáo cụ cũng như không khuyến khích trẻ đọc truyện cổ tích vì có thể làm trẻ xa rời thực tế. Điều này không hẳn đúng vì theo nhiều nhà khoa học, đọc truyện cổ tích giúp phát triển trí tưởng tượng, khả năng sáng tạo và làm phong phú tâm hồn trẻ.
Không đề cao kỹ năng làm việc nhóm
Trẻ học tập theo phương pháp Montessori có khả năng làm việc độc lập rất tốt. Trẻ có khả năng tập trung tuyệt vời khi học tập và nghiên cứu, cũng như hình thành thói quen kỷ luật, tuân thủ các nguyên tắc đã đề ra. Tuy nhiên, vì độc lập quá tốt nên trẻ khó hoạt động theo nhóm và làm việc khá cứng nhắc. Trong khi đó, kỹ năng tương tác, teamwork là những kỹ năng trẻ cần có trong kỷ nguyên số. Để có thể hòa nhập, làm việc tốt và đạt được thành công. Hiện nay, một số trường theo phương pháp Montessori đã đưa nhiều nội dung khắc phục hạn chế này. Do đó, ba mẹ cần tìm hiểu rõ chương trình học của bé trước khi đăng ký.
Xem thêm:
Chương trình không đồng nhất
Mỗi trường sẽ xây dựng cho mình chương trình học khác nhau dựa trên khung sườn là phương pháp Montessori. Do đó, dù cùng giảng dạy 1 phương pháp nhưng nội dung học ở các trường là khác nhau. Đặc biệt khác với từng đối tượng và độ tuổi. Điều này đòi hỏi ba mẹ phải tìm hiểu kỹ lưỡng trước khi cho bé theo học.
Khó hòa nhập nếu chuyển sang các lớp truyền thống
Các lớp học theo phương pháp Montessori thiết kế theo cấu trúc tự do. Hạn chế những rào cản, kể cả bàn ghế học tập. Điều này khiến trẻ gặp khó khăn nếu thay đổi môi trường lúc chuyển cấp. Hay là chuyển sang các lớp học truyền thống.
Trên đây là những ưu điểm và nhược điểm của phương pháp Montessori. Trên hết, dù ở bất kỳ môi trường hay chương trình giáo dục nào cũng cần sự đồng hành, theo sát của các bậc phụ huynh. Nếu thắc mắc liệu phương pháp Montessori liệu có phù hợp với con của mình không thì ba mẹ phải xem xét liệu bản thân và môi trường sinh sống hiện tại có “tiếng nói chung” với cơ sở giảng dạy phương pháp này không. Chỉ khi có sự hợp tác, quan tâm và tôn trọng trẻ giữa gia đình và thầy cô sẽ giúp con phát triển toàn diện cả về thể chất và tinh thần.