Mẹ và Con - Phụ nữ là trụ cột gia đình không hiếm nhưng lại tiềm ẩn nhiều góc khuất. Học cách cân bằng chính là chìa khóa cho hôn nhân hạnh phúc.

Ở xã hội hiện đại, chất lượng sống đang tăng cao từng ngày. Vì thế, quan niệm xưa về vai trò của vợ chồng rằng “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” cũng thay đổi theo. Giờ đây, việc người phụ nữ là trụ cột gia đình, nắm giữ năng lực kinh tế không hề hiếm.

Liệu điều đó có đem lại những vấn đề trong mối quan hệ hôn nhân và làm thế nào để vẫn giữ gìn được hạnh phúc gia đình trước những thách thức ấy?

Trụ cột gia đình là gì?

Trụ cột gia đình là người có trách nhiệm về kinh tế cho cả gia đình. Đó có thể là người chồng hoặc người vợ hoặc đôi khi là cả hai.

Thu nhập là vấn đề quan trọng nhất mà người trụ cột phải quan tâm, do nó quyết định đến những chi phí trong gia đình và các dự định của tương lai. Trụ cột phải là người đem lại cảm giác an tâm cho những thành viên còn lại nên họ cũng chính là người chịu áp lực lớn nhất trong gia đình.

phụ nữ làm trụ cột gia đình sẽ gặp nhiều khó khăn

Quan niệm trụ cột gia đình được thể hiện như thế nào?

Các đất nước Á Đông như: Việt Nam, Trung Quốc,… đều chịu ảnh hưởng từ văn hóa Nho giáo khi cho rằng trách nhiệm của người đàn ông trong gia đình là kiếm tiền còn phụ nữ là ở hậu phương nuôi dưỡng con cái và hỗ trợ cho chồng. Điều đó thể hiện ở một vài câu nói nổi tiếng truyền miệng như “Đằng sau thành công của một người đàn ông luôn là hình bóng của một người phụ nữ” hay “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”.

Tuy nhiên, với việc xã hội ngày càng phát triển, phụ nữ càng có cơ hội trau dồi học vấn và mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp hơn. Điều này dẫn đến một xu hướng mới đó là vị trí trụ cột gia đình giờ đây đã có thể dễ dàng chuyển sang cho người phụ nữ và người đàn ông chấp nhận lùi lại phía sau hậu phương.

Tổng cục Thống kê năm 2019 đã chỉ ra rằng có tới 70,9 % phụ nữ Việt Nam có thu nhập cá nhân đến từ công việc riêng. Con số này khi mở rộng ra khu vực Châu Á – Thái Bình Dương lại chỉ đạt mức 43,9%. Thống kê này đã cho thấy nhiều phụ nữ Việt Nam hoàn toàn có thể độc lập về mặt tài chính và nắm giữ tốt vai trò trụ cột gia đình.

Nên hay không việc để phụ nữ làm trụ cột gia đình?

Người phụ nữ có năng lực kinh tế và có tiếng nói trong gia đình là một điều đáng tự hào không thể chối cãi. Nhưng điều này lại vô tình làm phát sinh những vấn đề khác, đặc biệt là ở mối quan hệ vợ chồng.

Theo nghiên cứu của trường Harvard năm 2017, nguy cơ ly hôn trong gia đình mà người vợ là trụ cột gia đình lên đến 50%. Một nguyên nhân chính là người chồng cảm thấy không thoải mái và mất đi tự tôn khi mọi quyết định trong nhà đều do người vợ đưa ra.

Khi người chồng không thể kiếm tiền được như vợ mình, lòng tự trọng của họ sẽ bị tổn thương nên dễ cư xử thiếu yêu thương, thậm chí là xúc phạm vợ. Một điều đáng buồn nữa khi người vợ là trụ cột gia đình đó chính là việc người chồng đi ngoại tình.

Có đến 15% đàn ông đang phụ thuộc tài chính vào vợ khi được Tạp chí Xã hội học Mỹ phỏng vấn thừa nhận chuyện lừa dối vợ là có thật. Nam giới suy nghĩ rằng việc không tự chủ được tài chính, phải chịu cảnh lép vế trước vợ khiến họ mất đi cái uy nghiêm hay vẻ nam tính vốn có nên buộc phải củng cố lại bằng cách đi tìm một đối tượng khác “kém tài giỏi” hơn để ra tay chở che.

Mặt khác, nhiều nghiên cứu ở Mỹ đã đưa ra cùng một kết quả khá bất ngờ, đó là phần lớn phụ nữ (41%) tuy là trụ cột gia đình nhưng vẫn phải làm các công việc nội trợ và chăm lo cho con cái. Còn nếu người đàn ông là trụ cột chính thì chỉ có 14% là chịu làm việc nhà giúp vợ.

Một dấu hiệu của việc người phụ nữ phải chịu thiệt thòi nhiều hơn chồng mình rất nhiều dù họ có đang gánh vác kinh tế cho cả gia đình hay không. Họ phải chịu gánh nặng kép, đối mặt với căng thẳng, lo âu mạn tính nên rất dễ có những phản ứng không mong muốn lên chính người chồng và những đứa con. Thậm chí, nhiều trường hợp xấu còn dẫn tới bệnh trầm cảm, rối loạn lo âu

phụ nữ làm trụ cột gia đình dễ bị căng thẳng

Những lời khuyên để giữ lửa hạnh phúc khi phụ nữ là trụ cột gia đình

Lời khuyên tốt nhất vẫn là không nên phân ra ai là trụ cột gia đình mà 2 vợ chồng đều có quyền có sự nghiệp riêng và cùng nhau đóng góp vào kinh tế chung. Sống bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau chính là chìa khóa cho một cuộc hôn nhân thành công.

Tuy nhiên, trong nhiều gia đình thì đây lại điều không mấy khả thi. Vì thế, chúng ta có thể đến với hai lời khuyên thay thế sau:

2 vợ chồng nên học cách ứng xử với nhau khi vợ là trụ cột gia đình

Để giải quyết những vấn đề trong mối quan hệ vợ chồng khi người vợ là trụ cột gia đình, nhiều chuyên gia về hôn nhân đều thống nhất rằng điều đầu tiên các cặp đôi cần làm là tập nói chuyện cởi mở và thẳng thắn với nhau. Trong mối quan hệ hôn nhân, người chồng thường mong muốn nhận được sự tôn trọng, có thể thể hiện qua những lời ngợi khen từ vợ mình.

Vì họ luôn xem bản thân là chỗ dựa vững chắc cho gia đình. Người phụ nữ thì lại hy vọng được chồng mình yêu thương, nuông chiều, nên đôi khi những món quà bất ngờ đã đủ làm nàng mỉm cười.

Ngoài ra, người chồng không nên vì thất vọng và tự ti khi thấy mất đi quyền làm chủ mà hành xử thiếu phải trái với vợ và con mình. Lúc này, những cách để trút giận như mắng nhiếc, hành xử thô bạo, đi nói xấu là hoàn toàn phải tránh.

Đặc biệt, một điều không thể tha thứ nếu xảy ra chính là người chồng ngoại tình. Vì thế, việc biết điều chỉnh cảm xúc và hành vi cho đúng mực là bắt buộc đối với nam giới.

Ngược lại, người vợ trụ cột gia đình cũng không nên vì thế mà coi thường chồng hay gia đình chồng. Việc kiếm tiền tuy quan trọng nhưng gia đình mới là quý giá nhất.

Cả người vợ lẫn người chồng phải biết chọn lựa lượng công việc vừa phải, chấp nhận mức thu nhập vừa đủ để không tạo áp lực lên đối phương, dẫn đến đánh mất những giá trị tinh thần khác. Hai cá nhân phải học cách thông cảm cho nhau để tìm được tiếng nói chung trong việc quản lý tài chính gia đình nhằm tạo ra một tập thể vững mạnh và đoàn kết nhất.

Biết cách bỏ qua những định kiến và những lời đánh giá sai lầm

Người chồng có vợ là trụ cột gia đình nên học cách bỏ ngoài tai các ý kiến hay đánh giá từ những người xung quanh. Người chồng phải biết tự mình chiến thắng những lời bàn tán bên ngoài và cả những suy nghĩ đến từ chính bản thân họ.

Thực chất, việc phụ nữ là trụ cột gia đình gây ra nhiều vấn đề nan giải như vậy là do những tư tưởng phong kiến sai lầm của xã hội xưa, khi cho rằng người đàn ông mới là người gánh vác gia đình. Thay đổi suy nghĩ của người khác thường không dễ nhưng nó không quan trọng bằng việc thay đổi suy nghĩ của chính bản thân người chồng.

Nếu họ yêu thương vợ và mong muốn gìn giữ hôn nhân hạnh phúc thì nên là người mừng cho thành công của vợ và sẵn lòng chăm sóc cho gia đình bởi nó cũng là gia đình của họ chứ không phải của ai khác.

khi phụ nữ làm trụ cột gia đình cần có chồng giúp đỡ

Chồng giúp đỡ việc nhà, phụ trông con sẽ giúp người vợ cảm thấy đỡ áp lực hơn

Người nào là trụ cột gia đình không quan trọng vì tất cả đều phải đóng góp vào tổ ấm chung. Nếu mọi thành viên thông cảm cho nhau và chung một tấm lòng thì sẽ chiến thắng mọi thử thách và gia đình luôn là nơi bình an để trở về.  

Bài viết liên quan