Mẹ và Con - Cha mẹ vì lo bận rộn với những công việc ở cơ quan, đôi khi vô tình đẩy con cái trở nên xa cách mình hơn. Bỗng một ngày bạn nhận ra, bạn phải đối mặt với "cuộc chiến" giành lại tình cảm của con từ người giúp việc.

Nhiều bậc phụ huynh vì quá bận rộn với công việc của mình, nên đã tin tưởng và “giao phó” luôn quyền nuôi dạy con của mình cho… người giúp việc trong nhà. Điều này có thể sẽ khiến trẻ càng lúc càng trở nên ương bướng, không nghe theo lời dạy bảo của người lớn và có nguy cơ trở thành trẻ hư. Hãy cùng Tạp chí Mẹ và Con tìm hiểu thêm qua bài viết này nhé!

Nuôi dạy con cái là trách nhiệm của cha mẹ, không phải của giúp việc

Từ sau khi lập gia đình, đa phần phụ nữ hiện nay đều lựa chọn tiếp tục làm những công việc mình yêu thích, vừa có thể tự độc lập tài chính, vừa muốn cáng đáng hết mọi việc hàng ngày trong nhà.

“Sau khi sinh con, mọi thứ trong cuộc sống của tôi như bị đảo lộn. Sáng mở mắt ra là lo cho con cái trước tiên. Hết lo thay tã, cho ăn sữa đứa nhỏ, phải quay sang chuẩn bị đồ đi học và ăn sáng cho bé lớn hơn. Tất tả từ sớm rồi phải vội chạy đến chỗ làm, đôi khi đến nơi mới nhớ mình còn chưa ăn sáng. Chiều đến tan ca ra phải chạy đi chợ, đưa rước con đi học thêm, lo quần áo giặt giũ, nấu cơm. Loay hoay suốt cả ngày đến khi chồng con đều đã đi ngủ, mình còn phải kiểm tra lại công việc trong cơ quan đã xong chưa. Ngày nào cũng như ngày nấy, tay chân và đầu óc đều như rã rời.” – Chị Phương Linh, một nhân viên ngân hàng ở TPHCM chia sẻ.

Lúc đầu chị Linh cũng nghĩ mình vẫn có thể đảm nhiệm hết mọi công việc từ công đến tư, việc nhà đến nuôi dạy con, chỉ cần biết sắp xếp thời gian ổn định lại một chút là được. Nhưng về lâu chị lại cảm thấy cơ thể như bão hòa, mệt mỏi và không đủ thời gian để nghỉ ngơi và trò chuyện với chồng hay chơi đùa cùng con. Những điều này ảnh hưởng đến tâm trạng của chị, chị Linh bắt đầu cáu gắt thường xuyên, hay than thở và bất mãn mỗi khi việc chồng chất. Tất cả đều đang trở thành tiêu cực đối với chất lượng cuộc sống cũng như hạnh phúc gia đình chị.

Cũng từng bận rộn như chị Linh ở trên, tuy nhiên chị Quỳnh Như – một bác sĩ ở bệnh viện TPHCM lại chọn cho mình giải pháp khác, đó là thuê giúp việc để chăm con. Ban đầu, việc thuê người có kinh nghiệm chăm sóc trẻ cũng chỉ muốn giúp đỡ chị trông trẻ mỗi khi vắng nhà. Nhưng lâu dần, chị Như lại ỷ lại cho giúp việc toàn bộ việc nuôi dạy con của mình.

Chị Quỳnh Như cũng chia sẻ, khi trẻ lớn hơn một chút, con không còn muốn nghe theo mẹ mà chỉ có chị giúp việc mới có thể dỗ dành được. Điều này khiến chị cảm thấy chạnh lòng và bình tâm để xem xét cũng như sắp xếp lại việc nhà. Và cũng là lúc đó, chị cũng nhận ra rằng con mình đang lớn dần theo cách mà chị giúp việc chăm sóc và dạy dỗ.

Chị Như cho biết thêm, nếu như cha mẹ cứ giao phó mọi vấn đề nuôi dạy con cho giúp việc, con sẽ dần phụ thuộc vào người đó. Việc trẻ hư hay không không dựa chỉ dựa vào tính cách của giúp việc, vì có người quá hiền lành nên luôn nuông chiều theo ý của trẻ, khiến trẻ trở nên ương ngạnh và khó dạy. Và kể cả khi giúp việc nghỉ, con sẽ khóc không dứt và chính cha mẹ như một người xa lạ với trẻ. Những điều cha mẹ dạy, có thể con không nghe mà chỉ nghe theo những gì bảo mẫu đã chỉ bảo. Điều này có thể vô tình làm trẻ lớn lên theo cách mà bạn không mong muốn.

dạy trẻ

Cha mẹ vô tình trở thành người lạ với con

Giao phó việc nuôi dạy con cái cho giúp việc đã vô tình làm cho con trở nên không ngoan ngoãn theo mong muốn giao dục của gia đình. Vậy, đây là lỗi của con, của giúp việc hay là lỗi của cha mẹ?

Tất nhiên việc thuê người giúp việc sẽ giúp gia đình đỡ mệt mỏi hơn, chú tâm làm việc của mỗi người hơn. Nhưng cũng không phải cứ giao con cho cô giúp việc là con hư hoặc con bị dạy hư.

Bạn cần phải hiểu, mỗi gia đình và mỗi người mẹ đều có cách nuôi dạy con riêng. Cô giúp việc của gia đình hay bảo mẫu riêng của trẻ đều chỉ nên đảm đương các công việc như phụ giúp việc nhà, chăm sóc trẻ trong sinh hoạt và ăn uống. Họ khó có thể đảm đương được thêm cả việc giáo dục tính cách trẻ.

Đây là còn chưa kể đến, không phải ai cũng hiểu được mục đích giáo dục của người khác là gì để có thể thực hiện cho tốt cả. Vì thế, nếu như cứ giao phó hoàn toàn việc nuôi dạy con mình cho người khác, cha mẹ phải chấp nhận rủi ro con sẽ không theo nếp mà cha mẹ mong muốn.

Trẻ con như tờ giấy trắng, nên chúng sẽ dễ dàng thân thiết và chịu ảnh hưởng bởi những người gần gũi với trẻ nhất. Chăm sóc và dạy dỗ là hai việc hoàn toàn khác nhau trong quá trình nuôi dạy con cái. Vì thế, dù có bận rộn đến mấy, cha mẹ cũng nên “giành phần” dạy trẻ, còn phần chăm sóc có thể nhờ đến giúp việc.

Nhiều đứa trẻ vì được giúp việc chăm sóc, ôm ấp từ nhỏ nên hoàn toàn trở nên phụ thuộc cũng như trao mọi tình cảm cho người gần gũi với chúng nhất. Đây vô tình trở thành một cuộc chiến mà dù cho giúp việc đã nghỉ làm, cha mẹ cũng phải nỗ lực thật nhiều để “giành” lại tình cảm của con về với mình.

Chúng ta nên làm sao để chu toàn mọi thứ?

Nhiều người mẹ, đôi khi công việc ở chỗ làm quá bận rộn, tối về cũng chỉ muốn được nghỉ ngơi nên chỉ dành ra thời gian chơi với con một chút sau đó lại đưa lại cho chị giúp việc ru ngủ. Có thể lí do là vì 4 chữ “cơm áo gạo tiền”, muốn cho con có được một tương lai tốt đẹp hơn, và muốn được cái này phải đánh đổi cái khác. Tuy nhiên, đánh đổi tình cảm của con cái, liệu có đáng và đúng hay không? Người mẹ nên làm thế nào để chu toàn mọi thứ, vừa có thể ổn định công việc, vừa có thể giúp con vẫn yêu thương và gần gũi mình?

Đôi khi thời gian trong ngày của bạn không có nhiều để dành cho con cái, nhưng có thể bạn không biết nhưng thứ trẻ cần là chất lượng của những gì bạn dành cho con trong khoảng giờ ngắn ngủi đó, chứ không phải là số lượng giây phút dựa trên thời gian.

Sự chăm sóc không chỉ là cung cấp nhiều tiền để giúp con có đời sống đầy đủ vật chất, mà thế giới tình cảm, tinh thần của con mới quan trọng hơn cả. Nếu đến cha mẹ còn không hiểu được tính cách, sở thích, đặc điểm của con bằng giúp việc thì làm sao con có thể thoải mái ở bên cạnh bạn, và làm sao để bạn có thể dạy con, giúp con trưởng thành theo cách mà bạn mong muốn được?

Một số cha mẹ sau khi cảm thấy con mình đang có những biểu hiện và lời nói giống hệt giúp việc. Chưa kể đến đó là tích cực hay tiêu cực, nhưng điều này cho thấy đây chính là “hồi chuông cảnh báo” đã đến thời điểm bạn nên “giành” con lại để uốn nắn, chỉnh sửa dần dần. Bởi trước đó có thể trẻ đã không được chính tay bạn chăm sóc và dạy dỗ.

Khi dạy dỗ trẻ, bạn không nên quát mắng, mắng mỏ hay tức giận với con… hãy dạy trẻ và lồng ghép vào đó những câu chuyện vui vẻ, thân mật hơn. Tâm lý trẻ nhỏ cho rằng sự lớn tiếng và nóng giận đấy thể hiện rằng cha mẹ không còn thương yêu chúng nữa, điều này lại khiến con muốn ở với giúp việc hơn.

trẻ nghe lời

Hãy để giúp việc hỗ trợ việc nhà cho bạn, để bạn có thời gian để chuyên tâm nuôi dạy con cái. Có như vậy con mới có thể ngoan ngoãn và gần gũi với cha mẹ hơn. Nếu không có thời gian để ở bên con, bạn cũng không nên trách móc và đổ mọi tội lỗi cho giúp việc chỉ vì con đang dần không theo ý bạn. Và lúc này đây, câu “con hư tại mẹ” cũng không phải sai.

Bài viết liên quan

sự tự ti về bản thân

Tự ti về bản thân là cách bạn tự tay phá hủy thành tựu của mình

Mẹ và Con - Cảm giác tự ti về bản thân là một trạng thái tâm lý phổ biến mà hầu hết mọi người đều từng trải qua ít nhất một lần trong đời. Nhưng khi điều này trở thành một trạng thái cảm xúc thường xuyên, bạn có thể ngày càng trở nên tiêu cực hơn. Vậy chúng ta có thể làm gì để khắc phục tình trạng tự ti về bản thân?