Mẹ và Con - Gặp người lớn không chào, liệu có phải trẻ hư hay không? Làm sao để giúp con vượt qua được sự ngại ngùng, trở nên tự tin hơn trong giao tiếp? "Đọc vị" tâm lý trẻ mầm non để hiểu con hơn là một trong những tiền đề hiệu quả cho mẹ trong việc giáo dục trẻ.

Chắc hẳn cũng không ít lần các mẹ bối rối mỗi khi có khách hoặc ra ngoài gặp người quen, con gặp người lớn không chào hỏi, phải đợi nhắc nhở mới lí nhí chào hỏi cho có lệ, một số mẹ cảm thấy ngại ngùng thay con của mình. Nhiều người cảm thấy đau đầu, không biết con đang ở tuổi mắc cỡ hay là trẻ đang hư. Hãy cùng Tạp chí Mẹ và Con đọc vị tâm lý trẻ vì sao gặp người lớn không chào trong bài viết sau đây nhé!

Không quá xa lạ, ở Việt Nam chắc chắn câu chuyện này rất đỗi quen thuộc: Khi bạn ra ngoài với trẻ và gặp người lớn, việc đầu tiên là cha mẹ sẽ giục con “Con chào bác đi”, “Con đã thưa chú chưa?”… Thậm chí, có một vài trường hợp chưa kịp để bố mẹ giục, người lớn đã lên tiếng “đòi” trước “Thằng bé này chào cô chưa”, “Không chào chú à? Chắc quên chú rồi chứ gì?”…

trẻ chào người lớn

Một số trường hợp tệ hơn, nếu trẻ em chưa kịp phản ứng gì, người lớn đã lên tiếng bình phẩm tính cách của con ngay “Tại sao không chào người lớn, hư quá rồi đấy!”

Một số mẹ thường xuyên lên mạng xã hội, hội nhóm nuôi dạy con rằng: tính tình bé nhà em có phần nhút nhát, chỉ gặp ai mà con quý thì con mới chào hỏi vui vẻ, còn lại thì im phăng phắc, phải giục lắm mới chịu mở miệng. Chị cũng chia sẻ thêm, cũng vì điều này mà mẹ chồng cũng thường chê trách chị không biết dạy dỗ con, không khí gia đình rất căng thẳng và mệt mỏi. Chưa kể, còn có trường hợp, khi thấy trẻ chưa chào, người lớn còn “xui” cha mẹ cho bé “ăn đòn cho nhớ”.

Câu hỏi gây tranh cãi: Lời chào quan trọng đến mức nào?

Đặt ví dụ đơn giản: Giả sử là bạn, khi ra ngoài và tình cờ gặp một người đồng nghiệp hoặc một người quen nào đó, bạn cười nói chào hỏi họ nhưng họ chỉ nhìn lại chứ không niềm nở với bạn, vậy bạn còn chút cảm tình nào với người ấy nữa hay không? Chắc chắc là không thể rồi. Đây cũng là một câu trả lời, lời chào hỏi rõ ràng là rất quan trọng trong tất cả mọi cuộc giao tiếp, không còn gì phải tranh luận.

Tuy nhiên, những ví dụ này trong cuộc sống ít khi xảy ra và thiếu thực tế. Vì khi đã bước vào cuộc sống của người lớn, có người chào mình, dù thích hay không bạn cũng phải chào lại, đây là phép tắc cơ bản. Điều này có thể cho thấy, không có lí do gì để khẳng định những đứa trẻ gặp người lớn không chào này, mai sau lớn lên không thể thực hiện những phép tắc cơ bản ấy được.

tâm lý trẻ em mầm non

Nhưng không phải nói như thế thì phủ nhận việc người nhỏ có thể bỏ qua phép tắc này được. Nhưng các bậc phụ huynh nên hiểu rõ cốt lõi của lời chào hơn. Lời chào là để báo hiệu với nhau rằng, chúng ta đã nhìn thấy sự có mặt của nhau và mọi người đều vui vẻ với điều đó.

Đặc biệt, đối với tâm lý trẻ mầm non, bọn trẻ khi gặp nhau có thể sà vào chơi với nhau ngay, không cần chào hỏi gì cả. Và khi gặp người lớn, chúng sẽ trở nên e dè đề phòng, sau đó mới nhớ xem người đối diện là ai, có thân hay không để trở lại thoải mái như cũ.

Có nên nghiêm trọng hóa lời chào với trẻ?

Một đứa trẻ có thể vừa gặp đã chào hỏi mau mắn như một thói quen máy móc vì sợ bị đánh, bị mắng thì liệu rằng chúng có vui vẻ khi gặp người đó hoặc thậm chí là thoải mái với mọi người? Những lời trách móc phô trương, nóng giận như “Con hư quá”, “Sao gặp người lớn lại không chào?”, “Học cái thói xấu này ở đâu ra vậy hả?”…liệu có để lại hết hằn tâm lý trẻ khiến con bị áp lực, trở nên tự ti, tự mặc định bản thân có vấn đề về khả năng giao tiếp ngay từ nhỏ? Bạn biết mà, có “tờ giấy” nào trắng hơn lũ trẻ hay không?

Nếu đặt mình vào vị trí của con, bạn có nhớ ngày nhỏ bạn cũng gặp nhiều khó khăn trong việc chào hỏi hay không? Một số bậc phụ huynh còn rèn luyện cho con phải chào hỏi thật dõng dạc, âm thanh to và rõ vì họ cho rằng lời chào tỷ lệ thuận với mức độ lễ phép của một đứa trẻ.

em bé lễ phép

Có một mẹ đã từng chia sẻ như thế này: Tôi nhớ có một chú trong dòng họ, cứ mỗi lần gặp nhau chú lại đều bắt tôi phải khoanh tay ngoan ngoãn, cúi đầu thật sâu và nói chào dõng dạc mới được đi. Có lần, tôi cố tình cúi chào và đi lướt qua thì bị ông chú ấy gọi giật lại, “lên lớp” cho một trận. Từ đó về sau tôi rất sợ mỗi khi thấy chú ấy từ xa, điều này ám ảnh tôi đến tận bây giờ.

Dạy trẻ chào hỏi thế nào để con thoải mái nhất?

Tất nhiên, như đã nói, chúng ta không thể phũ nhận được tầm quan trọng của lời chào, đặc biệt là khi Việt Nam lại là một quốc gia rất trọng lễ nghĩa. Bạn cũng không thể để mặc con mình “thích thì chào, không thích thì thôi, vui vẻ thì chào, đang giận thì không” được. Vậy đối với tâm lý trẻ mầm non đang nhạy cảm, chúng ta nên làm gì để giúp con thoải mái hơn trong việc chào hỏi?

Không nên gán mác cho trẻ

Đừng bao giờ gán cho trẻ cái mác “bất lịch sự”, “trẻ hư”, “thô lỗ”, “sẽ chẳng ai yêu thích một đứa trẻ gặp người lớn mà không chào”, “mẹ sẽ không cho con bánh kéo nếu con không chào hỏi họ hàng”… chỉ vì con ngại ngùng không chào hỏi người lớn.

không nên quát mắng và chỉ trích trẻ

Đôi khi cha mẹ nghĩ việc gán mác cho con không có gì là sai, răn đe con cũng chỉ là muốn tốt cho con chứ chẳng ảnh hưởng gì đến tâm lý của trẻ. Tuy nhiên những lời nói tưởng chừng như bình thường này lại làm trẻ bị tổn thương sâu sắc, thậm chí là ám ảnh việc chào hỏi. Việc gượng ép một đứa trẻ có thể chúng sẽ làm theo ý cha mẹ, nhưng chỉ là theo cách miễn cưỡng hoặc là có tâm lý và hành phi chống đối.

Dạy dỗ con trẻ phép tắc lịch sự là cả một quá trình, là sự tương tác giữa các cá nhân với nhau chứ không phải dùng biện pháp ép buộc hay đe dọa. Cha mẹ nên dạy con với thái độ bình tĩnh và nhẹ nhàng, tâm lý trẻ sẽ tự thuận theo hơn là những lời nói đe dọa, trách mắng.

Giải thích cho con biết tầm quan trọng của việc chào hỏi

Với những trẻ đang ở độ tuổi mầm non, cha mẹ nên sớm giảng giải một cách đơn giản hơn cho bé về tầm quan trọng của lời chào hỏi. Hãy nói cho con biết đây là một hành vi tốt để tăng cường sự kết nối của mọi người và khuyến khích con làm một cách từ từ.

em bé chào hỏi

Đừng nóng vội trong quá trình dạy dỗ con chào hỏi, nếu một vài lần đầu trẻ vẫn còn ngại ngùng khi gặp người lớn, bạn không nên thúc giục trẻ, hãy để con thoải mái với những lần gặp gỡ. Nói với con lời chào sẽ mang đến cảm xúc vui vẻ, tích cực cho mọi người, khi con chào hỏi mọi người và họ cũng chào hỏi con, chúng ta đều có được cảm tình và kết nối với nhau hơn.

Hiểu tâm lý trẻ mầm non để thiết lập mối quan hệ của trẻ với mọi người

Đối với tâm lý trẻ mầm non, đặc biệt là những bé nhút nhát và hướng nội, khi nhìn thấy người lạ, con sẽ rụt rè và có chút đề phòng. Nếu cha mẹ yêu cầu con chào hỏi quá mức, con sẽ đặt ra câu hỏi trong đầu “Đây là ai, tại sao mình phải chào hỏi họ?”

tâm lý trẻ em - hướng dẫn con chào hỏi

Vì thế, cha mẹ nên thiết lập mối quan hệ của trẻ với mọi người trước khi yêu cầu con chào hỏi, ví dụ với những người lần đầu gặp, cha mẹ có thể nói “Đây là chú A, bạn của cha, con có thể chào chú được không?”, hoặc đối với những người mà con vẫn còn ngại dù có gặp vài lần “Đây là cô C hàng xóm gần mình, con đã gặp hôm trước rồi đấy, chào cô một tiếng nhé”.

Khi biết rõ người lạ là ai, con sẽ không còn cảm giác lạ lẫm nữa và sẵn sàng nói lời chào.

Cha mẹ nên là một tấm gương tốt

Muốn giáo dục con trở thành một người tốt, cha mẹ phải là một tấm gương tốt. Ví dụ như, nếu bố mẹ không chào hỏi khi thấy những người quen hay hàng xóm khi đi cùng trẻ thì cũng không có cách nào để dạy con phải biết chào hỏi đàng hoàng được.

Hơn nữa, muốn dạy con hiểu được tầm quan trọng của chào hỏi, muốn con lễ phép và lịch sự, bạn cần phải trang bị cho mình thái độ khoan dung và sự kiên nhẫn. Nếu ngay lúc đó trẻ thực sự không muốn chào, hãy tôn trọng con và giải thích dần cho trẻ sau đó.

Ngoài ra, ở cương vị là một người lớn, khi gặp người quen đang đi cùng con cháu của họ, bạn hãy chào trẻ trước để thể hiện sự thiện cảm của mình với chúng, đặc biệt là khi bạn cũng đi cùng con của bạn. Từ đó, trẻ sẽ vui vẻ chào hỏi mọi người và tạo thành thói quen tốt sau này.

Hy vọng qua bài viết trên, Tạp chí Mẹ và Con đã chia sẻ được những thông tin bổ ích giúp các mẹ có thể hiểu rõ hơn về tâm lý trẻ mầm non và tìm ra được phương pháp giúp trẻ thoải mái hơn với việc chào hỏi. Chúc bạn áp dụng thành công!

Bài viết liên quan