Mẹ và Con - Không phải lúc nào công việc cũng có thể thuận lợi như mong muốn. Vậy nếu một ngày chẳng may người ấy làm ăn thất bại, trút giận lên vợ con bằng những hành vi bạo lực thì chúng ta cần làm gì?

Không khó để thấy những trường hợp làm ăn thất bại dẫn đến buồn bã, thiếu tự tin vào chính mình, mất tinh thần, trầm cảm thậm chí tự tử. Và bên cạnh việc tự “hành hạ” mình, nhiều người lại trút giận lên vợ con. Vậy trong trường hợp nếu người bạn đời của mình làm ăn thất bại, cần làm gì?

Đánh đập vợ con mỗi ngày vì làm ăn thất bại

“Chào Tạp chí Mẹ và Con, chào bạn đọc. Có ai từng bị bạo hành gia đình vì chồng làm ăn thất bại chưa? Đã 45 tuổi, tôi cảm thấy nhục nhã khi phải đem chuyện gia đình để tâm sự cùng người khác nhưng hiện tại tôi cũng chẳng biết phải làm gì hơn.

Chồng tôi có đầu tư vào lĩnh vực chứng khoán và hùn hạp vốn để mở công ty xây dựng chung với vài người bạn thời đại học. Thời gian gần đây, toàn bộ chứng khoán anh ấy đầu tư đều thua lỗ khiến hai vợ chồng gần như trắng tay, mất hết tiền bạc để dành.

Mà phước bất trùng lai, họa vô đơn chí. Trong lúc chứng khoán đang xuống dốc thì công ty xây dựng của anh ấy cũng chẳng khá khẩm hơn là bao. Do chưa có kinh nghiệm trong việc kinh doanh nên anh ấy và bạn chẳng ký được hợp đồng nào, cứ phải lấy tiền tiết kiệm trả cho nhân viên rồi tiền cứ từ đó mà thâm hụt dần.

Tôi biết tâm lý anh chán nản vì làm ăn thất bại, nhưng đó cũng không phải do tôi hay do gia đình này. Vậy mà anh ấy về nhà, hằn học với vợ con, thậm chí còn có những hành vi bạo lực gia đình không thể chấp nhận được. Tôi phải làm gì bây giờ?”

– Tâm sự bạn đọc giấu tên –

làm ăn thất bại

Tâm lý thường gặp của người làm ăn thất bại

Người làm ăn thất bại thường có những diễn biến tâm lý như:

  • Trở nên tự ti: Họ cho rằng mình kém cỏi, không đủ tài năng nên mới dẫn đến những thất bại này.
  • Tự trách chính mình: Việc làm ăn thất bại có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân như do công ty, do đối tác, do các yếu tố ngoại cảnh,… Tuy nhiên, người từng thất bại trong chuyện làm ăn thường có tâm lý đổ lỗi cho chính mình, cho rằng chính mình mới là nguyên nhân chính dẫn đến thất bại này.
  • Mất động lực: Sau khi làm ăn thất bại thì người ta thường mất đi động lực để tiếp tục cố gắng phấn đấu mà thay vào đó là chán nản, muốn buông xuôi, không muốn làm gì khác.
  • Đổ lỗi: Bên cạnh những người có tâm lý tự trách bản thân thì có những người chưa bao giờ chấp nhận mình yếu kém. Họ là những người tự cao, luôn cho rằng bản thân mình đúng và tìm cách đổ lỗi, để người khác chịu trách nhiệm cho việc làm ăn thất bại của mình.

Chồng làm ăn thất bại về đánh đập vợ con thì nên làm gì?

Không nhân nhượng

Không chỉ trong đời sống vợ chồng mà trong bất kỳ tình huống nào, việc bạo lực mà đặc biệt là đánh đập vợ con là việc không thể chấp nhận được. Bạn càng nhân nhượng, càng im lặng thì chồng sẽ càng lấn tới mà thôi. Nếu không nghĩ cho bản thân thì bạn cũng nên nghĩ cho con cái của mình. Một đứa trẻ không thể lớn lên, phát triển bình thường nếu sống trong gia đình thường xuyên xảy ra bạo hành.

Vì thế, bạn nên yêu cầu chồng lập tức chấm dứt hành vi bạo hành phụ nữ và trẻ em, cho anh ta biết đây là việc làm sai trái và có thể khiến hôn nhân tan vỡ.

An ủi, chia sẻ cùng chồng

Vì tâm lý của người làm ăn thất bại thường khó ổn định nên ngoài việc cứng rắn, nói không với việc chấp nhận bị bạo hành thì bạn cũng nên an ủi, chia sẻ với chồng về “nỗi đau” và áp lực mà anh ấy đang chịu đựng. Hãy cho chồng biết rằng bạn vẫn luôn ở đây bên cạnh anh ấy, sẵn sàng giúp đỡ anh ấy, cùng anh ấy vượt qua khó khăn ở hiện tại bởi sau tất cả, gia đình mới chính là bến đỗ bình yên cho chúng ta tìm về.

Nhờ sự giúp đỡ của những người xung quanh

Nếu đã nhiều lần lên tiếng với chồng về việc anh ấy đánh đập vợ con khi làm ăn thất bại nhưng chồng vẫn không thể thay đổi, bạn có thể nhờ đến sự giúp đỡ của những người xung quanh mình thay vì chịu đựng việc này một mình.

Thời gian đầu tiên, bạn có thể tìm đến bố mẹ chồng hoặc chính bố mẹ của mình, anh chị lớn hơn trong nhà để tâm sự, trò chuyện với chồng vì đây là những người mà anh ấy tôn trọng, có thể tác động đến tư tưởng và hành vi của anh ấy.

Nếu sau nhiều lần được mọi người can thiệp, khuyên giải nhưng chồng vẫn tiếp tục vịn vào lý do làm ăn thất bại để đánh đập vợ con thì bạn nên nhờ đến sự can thiệp của các cơ quan chức năng để có thể giải quyết triệt để tình trạng này.

Chồng làm ăn thất bại về đánh đập vợ con thì nên làm gì

Ly hôn khi không còn tiếng nói chung

Thời xưa, mọi người cho rằng vợ chồng rạn nứt chỗ nào thì hàn gắn chỗ đó, cố gắng không nên ly hôn. Tuy nhiên, với cuộc sống hiện đại thì tư tưởng của con người cũng dần thay đổi. Nếu bạn đã cố gắng hết sức để an ủi chồng sau khi làm ăn thất bại nhưng chồng vẫn chìm trong nỗi đau của công việc và lấy đó làm cớ để bạo hành thể xác lẫn tinh thần của vợ con thì đã đến lúc bạn nên lấy hết dũng khí để ly hôn.

Lúc này, ly hôn chính là sự giải thoát, giúp bạn và con cái có cuộc sống hạnh phúc hơn, tránh được “địa ngục trần gian” được tạo nên bởi vỏ bọc gia đình. Trước khi ly hôn, bạn cũng nên chuẩn bị về mặt tài chính để đảm bảo mình có thể được nuôi con thay vì để con sống cùng với chồng và tiếp tục chịu cảnh bạo hành như bạn vẫn đang chịu đựng hằng ngày. Ngoài ra, bạn cũng có thể thu thập chứng cứ để tòa án giải quyết nhanh hơn nhé!

Dĩ nhiên, khi làm ăn thất bại thì ai cũng buồn rầu, chán nản. Đây là tâm lý rất dễ hiểu nhưng không phải vì vậy mà chúng ta lấy đây làm cái cớ cho sự nhẫn nhịn những hành động bạo lực của đối phương. Hãy cứng rắn để không làm nạn nhân của bạo lực gia đình, dù là nguyên nhân nào bạn nhé!

Bài viết liên quan

sự tự ti về bản thân

Tự ti về bản thân là cách bạn tự tay phá hủy thành tựu của mình

Mẹ và Con - Cảm giác tự ti về bản thân là một trạng thái tâm lý phổ biến mà hầu hết mọi người đều từng trải qua ít nhất một lần trong đời. Nhưng khi điều này trở thành một trạng thái cảm xúc thường xuyên, bạn có thể ngày càng trở nên tiêu cực hơn. Vậy chúng ta có thể làm gì để khắc phục tình trạng tự ti về bản thân?