Mẹ và Con - Con bị chảy máu cam có nguy hiểm không? Khi nào nên đưa bé đi bác sĩ? Khi con chảy máu cam, nên dạy con ngửa đầu ra sau hay cúi đầu về phía trước mới đúng?... là những điều mẹ có thể tìm hiểu qua bài viết sau đây.

Trước tiên, để trấn an các bậc cha mẹ đang lo lắng, hoang mang khi thấy trẻ chảy máu cam, Tạp chí Mẹ và Con xin được trả lời, việc con bị ra máu cam là chuyện bình thường, đặc biệt là khi con đang ở độ tuổi mẫu giáo, tiểu học. Thậm chí, trong vòng một tuần, một số trẻ có thể bị chảy máu cam tận 2 lần. Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này nhiều vô kể, có thể kể đến như: bé hiếu động hay thích ngoáy mũi, dị ứng, nhiễm trùng xoang, thời tiết hanh khô, hắt xì hơi quá mạnh hoặc xì mũi nhiều lần…

Vùng da ở mũi con còn mỏng. Vì thế, chỉ cần một chút tổn thương “xíu xiu” ở niêm mạc mũi cũng có thể làm con bị đứt rách hệ thống vi mạch, gây chảy máu cam. Tuy nhiên, nếu mẹ thấy con chảy máu cam kèm theo nhiều biểu hiện bất thường khác phải lập tức đưa bé đến bác sĩ để được thăm khám kịp thời, chẳng hạn như:

  • Chảy máu quá nhiều
  • Bé cảm thấy chóng mặt, không có sức lực
  • Nguyên nhân gây chảy máu cam do bé bị vấp ngã, chấn thương
  • Không cầm máu được, máu chảy không ngừng
  • Bé bị chảy máu cam thường xuyên trong cùng một ngày hoặc liên tục nhiều ngày
  • Bé bị hóc dị vật trong mũi
  • Chảy máu cam quá nhiều dù chỉ bị thương nhẹ
  • Nghi ngờ do tác dụng phụ của loại thuốc nào đó gần đây bắt đầu cho bé sử dụng…

chảy máu cam

Bé bị chảy máu cam nên ngửa đầu lên hay cúi xuống?

Đa số những bậc phụ huynh vẫn nghĩ rằng việc dạy con ngửa đầu ra sau một lúc khi chảy máu cam đồng thời lấy tay bịt mũi lại sẽ giúp ngăn chặn việc mất máu hiệu quả. Tuy nhiên, điều này là hoàn toàn sai và đi ngược lại với khoa học.

Theo các chuyên gia, việc dạy bé ngửa đầu ra sau mỗi khi bị chảy máu cam sẽ khiến máu trào ngược xuống cuống họng. Từ đây, máu sẽ chạy qua lỗ thông khí, có nguy cơ khiến con bị sặc máu. Nguy hiểm hơn, với tư thế này, con có thể dễ nuốt nhầm phần máu cam đang chảy ra, máu ngấm vào dạ dày sẽ gây nên hiện tượng buồn nôn, nôn. Không những thế, việc bịt mũi ở tư thế ngửa đầu ra sau để ngăn cản máu chảy ra ngoài sẽ càng khiến máu chảy ra nhiều hơn, có nguy cơ chảy vào cuống họng.

Khi phát hiện ra trẻ đang bị chảy máu cam, điều cấp bách cha mẹ nên làm là bình tĩnh cho con ngồi xuống ghế, đầu hơi cúi về phía trước, tiếp đến mới dùng tay kẹp hai cánh mũi và giữ nguyên trong vòng 10 phút. Lưu ý, cha mẹ nên cho bé kẹp đủ 10 phút, không được dừng lại giữa chừng để kiểm tra máu còn chảy ra hay không. Vì nếu dừng lại giữa chừng, con cần phải thực hiện lại từ đầu cho đủ 10 phút.

cách cầm máu

Nếu như sau 10 phút, cha mẹ vẫn không thấy máu dừng chảy, nên động viên con thử thêm một lần nữa. Nếu ở lần thứ hai này vẫn chưa thể cầm máu được. Tốt hơn, bạn hãy đưa con đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất để được sơ cứu đúng cách, kịp thời. Tuy nhiên, nếu trong trường hợp sau 10 phút vẫn thấy máu chảy ra nhưng với số lượng rất ít, song mẹ cũng không được chủ quan, hãy đưa con đến bệnh viện gần và sớm nhất có thể.

Những thao tác sai lầm khi bé chảy máu cam

Khi con vừa bị chảy máu cam, do quá lo lắng nên nhiều bậc phụ huynh đã thực hiện một số việc sau đây và điều này là hoàn toàn không nên nhé:

  • Nhét gạc y tế/bông gòn vào mũi: Đa số mọi người đều nghĩ rằng việc nhét bông băng hay gạc y tế vào mũi sẽ giúp cầm máu, máu sẽ được thấm vào gạc và không trào ra ngoài. Tuy nhiên, đây là điều được các bác sĩ khuyến cáo rất nhiều lần là không nên. Những vật liệu thông thường sẽ không đảm bảo vô khuẩn, đặc biệt là khi chúng sẽ trực tiếp tiếp xúc với niêm mạc ở mũi.
  • Lạm dụng nước muối: Thông thường, các bậc cha mẹ cho rằng việc xịt hoặc nhỏ mũi thường xuyên sẽ giúp làm ẩm niêm mạc mũi, không khô mũi sẽ không bị chảy máu cam. Tuy nhiên, đây lại là một suy nghĩ sai lầm. Việc xịt thuốc hoặc rửa nước muối chỉ là một phương pháp tức thời, lạm dụng sẽ khiến mũi khô hơn, kể cả những thiết bị tạo ẩm cũng thế. Bạn chỉ nên sử dụng đúng liều lượng có trên hướng dẫn sản phẩm nước muối sinh lý (không quá 3 lần/ngày).

Cách phòng ngừa con chảy máu cam

bé bị chảy máu

Trên thực tế, chúng ta không thể ngăn ngừa tuyệt đối tình trạng chảy máu cam được, kể cả bản thân người lớn. Tuy nhiên, các bác sĩ y tế cũng đã có một số lời khuyên để có thể bảo vệ khoang mũi con yêu tránh những nguy cơ mắc phải trường hợp này, chẳng hạn như:

  • Bạn có thể tham khảo ý kiến bác sĩ về việc dùng tăm bông bôi một chút sáp dưỡng da mỏng vào khoang mũi 2 – 3 lần mỗi ngày, đặc biệt là trước lúc ngủ. Bạn cũng có thể thay thế bằng các loại thuốc mỡ khoáng có tác dụng kháng sinh theo gợi ý của bác sĩ.
  • Cho bé tránh xa khỏi môi trường có khói thuốc lá. Hít phải khói thuốc lá có thể làm khô mũi, kích ứng.
  • Không cho phép trẻ móc, ngoáy hoặc chà xát khu vực mũi. Mẹ nên thường xuyên cắt ngắn móng tay cho con. Đồng thời cất giữ cẩn thận những món đồ chơi, vật dụng có kích thước nhỏ, tránh cho con bỏ vào mũi.
  • Nếu có điều kiện, bạn nên sử dụng máy tạo độ ẩm không khí trong nhà hoặc trong phòng bé để giúp con phòng ngừa tình trạng khô mũi, đặc biệt là trong mùa đông.
  • Không lạm dụng thuốc cảm lạnh cho con, vì những thành phần trong thuốc có thể khiến mũi bị khô, đôi khi chính chúng là nguyên nhân gây chảy máu cam ở bé hoặc làm cho tình trạng này trở nên nghiêm trọng hơn. Bạn chỉ nên cho con sử dụng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ, tránh tự ý sử dụng.
  • Cho con đeo khẩu trang thường xuyên khi ra ngoài…
  • Bổ sung cho con nhiều thực phẩm giàu chất xơ và cho con uống đầy đủ nước cần thiết hàng ngày.

Hy vọng qua bài viết trên, Mẹ và Con đã mang đến nhiều thông tin có ích giúp mẹ thêm kiến thức để đối phó với tình trạng chảy máu cam ở trẻ. Chúc mẹ áp dụng thành công và bé yêu luôn khỏe mạnh nhé!

Bài viết liên quan