Mẹ&Con – Lúc này, chúng ta đang ở vào giai đoạn giao thoa giữa mùa hè và mùa thu. Tiết trời có sự thay đổi lớn về nhiệt độ, độ ẩm. Đây là thời điểm thuận lợi để các bệnh thường gặp ở trẻ khi giao mùa phát triển.

Thời tiết giao mùa – “sứ giả” của dịch bệnh

Vào thời điểm chuyển đổi giữa các mùa, độ ẩm trong không khí tăng cao. Bên cạnh đó, nhiệt độ trong môi trường cũng không ổn định. Buổi sáng trời nắng, trưa có mưa, chiều nhiệt độ hạ thấp. Sự chênh lệch quá lớn giữa ngày và đêm, sáng và chiều cùng với độ ẩm lớn là nguyên nhân khiến cho các vi sinh có điều kiện phát triển. Lúc này, cơ thể của chúng ta, đặc biệt là trẻ nhỏ, rất nhạy cảm với môi trường nên không thể kịp thích nghi và sẽ phát sinh phản ứng kháng cự.

các bệnh thường gặp ở trẻ khi giao mùa

Vì sao trẻ là đối tượng nguy cơ?

Sức đề kháng kém

Trẻ nhỏ, nhất là trẻ sơ sinh, có hệ miễn dịch chưa toàn diện. Nồng độ các kháng thể trong máu thấp. Các bạch huyết cầu không có khả năng thay đổi nhiều hình dáng, khả năng hoạt động bị hạn chế nên rất yếu ớt trong việc chống lại sự xâm nhập của vật ngoại lai.

Thay đổi chế độ ăn uống

Thông thường, khi trẻ 6 tháng tuổi sẽ bước vào giai đoạn ăn dặm. Lúc này, lượng sữa mẹ cung cấp cho trẻ giảm đi, nồng độ kháng thể IgG của mẹ truyền qua sữa cũng không nhiều. Đó là nguyên nhân khiến cho cơ thể trẻ không thể phản ứng lại các cấu trúc hay vật chất lạ.

Môi trường ô nhiễm

Rất nhiều người nghĩ rằng, trẻ nhỏ mắc bệnh do môi trường ô nhiễm như nhiều khói bụi, hóa chất, nguồn nước và tác nhân khác khi đã chào đời. Trên thực tế, một nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng, trẻ bị phơi nhiễm các chất ô nhiễm từ khi còn nằm trong bụng mẹ. Vì thế, khi chào đời trẻ rất dễ mắc các bệnh về đường hô hấp, tim mạch… khi lớn lên.

Chăm sóc kém

Rất nhiều gia đình không chú trọng đến những biểu hiện của môi trường hoặc không biết cách hay xử lý phù hợp khi thời tiết giao mùa như: không giữ ấm cho trẻ vào buổi sáng sớm hoặc chiều muộn, chọn trang phục không phù hợp theo khung giờ khiến trẻ quá nóng hoặc quá lạnh, đưa trẻ đến nơi đông người…

Các bệnh thường gặp ở trẻ khi giao mùa

Viêm đường hô hấp

Vào thời điểm chuyển mùa, các loại vi rút hợp bào tồn tại trong không khí phát triển mạnh. Chúng dễ dàng phá vỡ hệ thống đề kháng chưa hoàn chỉnh của hệ hô hấp. Những vi rút này có thể khiến trẻ bị viêm phế quản, viêm phổi nhiều mức độ.

Các bệnh về hô hấp thường lây truyền qua đường miệng, nước bọt, tiếp xúc tay và các đồ dùng để ăn uống khiến cho bé bất ngờ sốt cao, đau đầu, lạnh, đau toàn thân, chán ăn, thở khó, đi phân lỏng.

Sốt phát ban

Sốt phát ban do vi rút sởi hoặc rubella gây ra và cũng thường lây truyền qua đường hô hấp, nhất là khi trong nhà có người bị bệnh. Do đặc trưng bệnh lây nhiễm do vi rút nên chỉ có thể điều trị các triệu chứng.

Khi bị sốt ban, bé sẽ mệt mỏi, đau đầu, sổ mũi, đau họng, viêm kết mạc, xuất huyết niêm mạc vòm họng. Hạch sau tai sưng đau. Mặt sẽ bắt đầu nổi những nốt đỏ li ti, sau đó lan nhanh ra toàn thân và chân tay.

Đau mắt đỏ

Các bệnh thường gặp ở trẻ khi giao mùa

Đau mắt đỏ còn có tên gọi khác là viêm màng kết, có khả năng lây lan nhanh. Bệnh thường có biểu hiện rõ nhất là mắt đỏ do cương tụ mạch máu và có gỉ mắt, mắt cuộm, đau nhức, chảy nước mắt… Bệnh thường tự hết sau 7 – 14 ngày. Tuy nhiên, nếu không điều trị đúng và kịp thời sẽ gây biến chứng viêm giác mạc, dẫn đến suy giảm thị lực sau này.

Viêm tai cấp tính

Một số thay đổi về nhiệt độ môi trường, đặc biệt là khi không khí trở nên lạnh hơn, trẻ nhỏ rất dễ bị viêm tai cấp tính, tỷ lệ lên đến 75% và biểu hiện ở nhiều mức độ như viêm tai xuất huyết, viêm tai mũ… Nguyên nhân chủ yếu là do vi khuẩn gram âm: Escheria coli và enterrococci. Bệnh sẽ khiến cho trẻ sẽ có cảm giác đau nhức, khó nghe, chảy dịch, buồn nôn, sốt cao…

Tiêu chảy

Bệnh thường gặp vào mùa thu đông ở bé có nhóm tuổi từ 3 – 24 tháng tuổi. Thông thường, vi rút gây tiêu chảy có thể xâm nhập vào cơ thể qua đường phân đến miệng và có biểu hiện ban đầu là nôn, sau 1 – 2 ngày thì bắt đầu đi ngoài. Bé có thể kèm theo triệu chứng ho hoặc sốt cao nên dễ lầm tưởng là bệnh có liên quan đến đường hô hấp, để đến khi phát hiện thì đã muộn. Bé có thể bị mất nước, trụy tim mạch và dẫn đến tử vong, nếu không được bù nước kịp thời.

Sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết là một trong các bệnh thường gặp ở trẻ khi giao mùa thời điểm cuối hè và đầu thu. Đây là lúc không khí ẩm thấp khiến muỗi dễ sinh sôi. Khi mắc bệnh, trẻ sẽ sốt cao đột ngột và liên tục (39 – 40 độ C) trong vòng 2 – 4 ngày. Có trẻ sẽ xuất hiện dấu xuất huyết dưới da mọc thành từng đám rải rác, nhưng cũng có trẻ không xuất hiện. Đồng thời, trẻ có thể xuất huyết ở niêm mạc miệng, đi tiêu ra máu… Bệnh không được phát hiện và điều trị sẽ khiến trẻ nguy hiểm tính mạng.

Quai bị

Quai bị còn có một tên gọi khác là bệnh viêm tuyến mang tai dịch tễ, là một bệnh lành tính, do paramyxovirus gây ra. Bệnh lây trực tiếp qua đường hô hấp với tỷ lệ biến chứng là 1/1.000. Trong đó, nguy hiểm nhất là nguy cơ viêm tinh hoàn, có thể ảnh hưởng đến ống dẫn tinh, một trong những nguyên nhân gây vô sinh.

Cách phòng các bệnh thường gặp ở trẻ khi giao mùa

Các bệnh thường gặp ở trẻ khi giao mùa
Các bệnh thường gặp ở trẻ khi giao mùa.
  • Hầu hết các bệnh thường gặp ở trẻ khi giao mùa đều do vi rút gây nên. Vì thế, các liệu pháp kháng sinh đều không hiệu quả, mà chỉ điều trị các triệu chứng đi kèm. Lời khuyên của các chuyên gia sức khỏe dành cho bạn là tăng cường sức đề kháng cho bé, tăng thêm khẩu phần dinh dưỡng hàng ngày để bé hấp thu tốt các dưỡng chất chống lại các tác nhân bên ngoài.
  • Giữ ấm cho bé vào sáng sớm và chiều muộn, hạn chế cho bé ra ngoài trời vào những thời điểm nhạy cảm trong khoảng thời gian từ 11:00 – 16:00. Nếu buộc phải đi ra ngoài, nên che chắn cho bé thật cẩn thận.
  • Hạn chế để bé tiếp xúc với nhiều người, đặc biệt là người bệnh trong gia đình. Tránh đi đến các khu vực công cộng như siêu thị, khu vui chơi, xe buýt, tàu hỏa…
  • Thường xuyên dùng nước muối sinh lý vệ sinh mũi để làm thông thoáng đường thở của bé. Ngoài ra, mẹ cũng đừng quên rơ lưỡi cho bé bằng nước muối hay dung dịch vệ sinh lưỡi có bán tại các hiệu thuốc và đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng.
  • Chú trọng vệ sinh môi trường sống, mở cửa để không khí lưu thông. Thường xuyên giặt giũ ga gối, chăn đệm, khăn bông, thảm chơi để loại bỏ bụi bẩn và các tác nhân gây bệnh.
  • Tiêm vắc xin phòng bệnh theo đúng hướng dẫn của bác sĩ. Đừng vì một số lời đồn thổi hay các trường hợp tai biến mà “trốn” tiêm chủng để tránh nguy cơ dịch bệnh bùng phát.

Bài viết liên quan