Mẹ&Con - Một buổi sáng, bạn vào toilet, thử que và… choáng váng bảo với chồng: 'Chết rồi, có thai rồi anh ơi! Làm sao bây giờ khi mới tuần trước em cảm, uống thuốc lung tung, lại còn chưa chích ngừa Rubella nữa chứ!'. Bài viết này sẽ gợi ý những cách cho bạn 'chữa cháy'! Bí quyết giúp bầu làm việc tốt khi mang thai Phòng bệnh trước thai kỳ Bị stress liệu có thể có thai?

1. Giữ ấm cơ thể và tránh xa đám đông!

Mùa này, thời tiết chuyển lạnh, bạn rất dễ bị cảm lạnh, sốt, ho, sổ mũi. Chưa kể vi-rút cúm cũng “hoành hành” dữ dội hơn. Thực tế, lẽ ra để an toàn cho thai nhi, trước khidự tính có thai từ 3-4 tháng, bạn đã phải tiêm phòng cúm, Rubella. (Ghi nhớ: Vắc-xin ngừa Rubella tuyệt đối cấm với người đã mang thai vì vắc-xin này chính là vi-rút sống đã được giảm độc lực, vẫn ảnh hưởng rất lớn đến thai nhi).

Nhưng bạn đã không kịp để chuẩn bị chu đáo cho điều đó. Vậy thì bây giờ, để bảo vệ cho bé yêu – mầm sống mới tượng hình trong người, bạn cần sử dụng tối đa cách phòng tránh bệnh tự nhiên, bao gồm:

– Hạn chế tiếp xúc với đám đông, nếu bắt buộc phải tiếp xúc nên mang khẩu trang y tế.

– Tránh tuyệt đối việc đi thăm người bệnh ở bệnh viện, đi dự đám tang vì rất dễ nhiễm các vi-rút, vi khuẩn gây bệnh.

– Giữ cho không gian sống và không gian làm việc thoáng đãng, sạch sẽ, hút bụi, quét dọn, lau chùi thường xuyên. Hạn chế để máy lạnh cả ngày mà nên mở cửa sổ cho thoáng. Trường hợp phải ở trong máy lạnh, nên cho người làm vệ sinh máy lạnh sạch sẽ.

xin-loi-con-me-chua-kip-chuan-bi

– Mặc áo ấm để giữ ấm cho cơ thể vì khi bạn yếu, cảm lạnh, sức đề kháng của bạn rất kém, dễ mắc tiếp các bệnh khác. Bạn cũng nên cẩn thận tránh đứng, ngồi hoặc nằm ngay trước luồng thổi của quạt hay máy lạnh. Ngủ ban đêm nên đắp chăn vì mùa này đến khuya nhiệt độ dễ xuống thấp hơn, khiến bạn cảm lạnh.

– Vệ sinh răng miệng, đường hô hấp thường xuyên bằng nước muối, kem đánh răng.

– Rửa sạch tay bằng xà phòng diệt khuẩn trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi tiếp xúc với người khác.

– Ngay khi có bất kỳ triệu chứng sốt, đau họng, ho, hắt hơi nhiều, bạn nên báo với bác sĩ, tuyệt đối không ỷ y để đến khi trở nặng hoặc tự ý dùng bất kỳ loại thuốc nào (kể cả thuốc tây, thuốc bắc, thuốc nam…).

Ghi nhớ rằng nếu bạn mắc phải Rubella trong qua trình mang thai vì không kịp tiêm phòng trước đó, thai có thể bị chết lưu, sẩy thai, hoặc khiến đứa trẻ sinh ra chậm phát triển tâm thần và thể lực, dị tật bẩm sinh nở tim và mặt, mù, điếc, có vấn đề ở gan, lách, tủy xương…

2. Bổ sung gấp axit folic

Nếu như bạn có kế hoạch mang thai hẳn hòi, tìm đến bác sĩ trước khi dự tính làm mẹ, chắc chắn bạn sẽ được bác sĩ cho bổ sung axit folic ngay từ trước khi mang thai. Axit folic (còn gọi là vitamin B9) là một vitamin nhóm B cần thiết cho sự phát triển và phân chia tế bào của người, động vật, thực vật và cần thiết cho sự hình thành của tế bào máu.

Việc thiếu hụt axit folic trong khi mang thai có thể dẫn đến thai phụ bị thiếu máu hồng cầu, nguy cơ sảy thai, sinh non rất cao. Bào thai thì bị suy dinh dưỡng và bị khuyết tật ống thần kinh (nứt đốt sống, não úng thủy, thai vô sọ).

Bạn cần biết rằng những khuyết tật của ống thần kinh như kể trên thường xảy ra vào ngày thứ 28 sau khi thụ thai. Chính vì vậy, không phải đợi đến khi có thai mới bổ sung mà bác sĩ thường cho bổ sung từ 3 tháng đến 1 năm trước thời điểm có thai thì mới có thể đảm bảo hiệu quả dự phòng khuyết tật ống thần kinh cho thai nhi.

Với người bình thường, nhu cầu axit folic khoảng 180-200mg/ngày. Nhu cầu này với thai phụ tăng lên đến 400mg/ngày. Trong trường hợp bạn có thai không kịp chuẩn bị từ trước, hãy hỏi ý kiến bác sĩ để được bổ sung axit folic với liều lượng thích hợp, đúng cách ngay khi biết mình có thai. Bên cạnh việc uống thuốc, bạn cũng có thể bổ sung axit folic đơn giản thông qua chế độ ăn uống. Axit folic có nhiều trong rau màu xanh sẫm như rau mồng tơi, rau muống, súp-lơ xanh, gan heo, trứng…

3. Khám thai sớm, theo dõi thai kỳ chu đáo

Hãy đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt, cho bác sĩ biết bạn đã mang thai mà không hề biết. Nói rõ những loại thuốc bạn uống thời gian gần đây, những bệnh mà bạn mới mắc phải. Thai kỳ của bạn cũng cần theo dõi chặt chẽ hơn các thai phụ đã có sự chuẩn bị tốt từ đầu. Ngoài ra, bạn cũng cần bổ sung thêm một số vitamin cần thiết, theo chỉ định của bác sĩ.

Ghi nhớ rằng bạn không được bỏ qua bất kỳ xét nghiệm nào trong thai kỳ của mình, vì như đã nói, bạn cần được theo dõi chặt chẽ hơn đấy. Hãy tập cho mình cả thói quen cố gắng tìm hiểu thật nhanh về thai kỳ, về việc mang thai, sinh nở, đăng ký tham gia các lớp học tiền sản để trang bị “cấp tốc” cho mình những kiến thức quan trọng cần có, cho quá trình làm mẹ sau này.

4. Sữa – rất quan trọng với bạn! 

Sữa cung cấp một lượng Canxi rất cao, kèm theo hàng loạt dưỡng chất khác giúp bổ sung cho thai nhi đầy đủ những chất cần thiết, cũng như giúp bạn chống loãng xương. Mỗi ngày, bạn nên bổ sung từ 1-2 ly sữa. Trường hợp điều kiện kinh tế cho phép, có thể uống loại sữa dành riêng cho bà bầu. Nếu không, bạn bổ sung bằng sữa tươi tiệt trùng cũng khá tốt.

xin-loi-con-me-chua-kip-chuan-bi

Lưu ý là tuy bạn phải bổ sung gấp các chất cần thiết cho con để bù lại những thiếu hụt trong những ngày đầu tiên khi chưa biết mình mang thai, song điều đó không có nghĩa là bạn nên ép mình ăn/uống cả những thứ mà bình thường bạn không dung nạp được. Khi bạn cố “ép”, cơ thể sẽ phản ứng ngược, dẫn đến nôn mửa, tiêu chảy, dị ứng… sẽ ảnh hưởng đến thai nhi.

Đơn cử như với sữa. Một số người có thể uống sữa rất dễ dàng, nhưng một số người lại không thể dung nạp sữa, hễ uống vào là bị tiêu chảy, buồn nôn… Trong trường hợp đó, bạn không nên bổ sung dồn dập mà nên chia ra thành nhiều lần, mỗi lần chỉ uống một ít. Có thể kèm theo một vài lát bánh quy để mùi bánh át bớt mùi sữa mà bạn sợ đi. Trường hợp cuối cùng, nếu bạn đã làm đủ cách mà vẫn không thể dung nạp sữa thì cũng đừng quá lo lắng. Bạn có thể hỏi bác sĩ dinh dưỡng để bổ sung các chất tương đương thông qua những loại thực phẩm khác. Ví dụ như bạn có thể ăn sữa chua (dễ ăn và ai cũng hấp thụ được) thay vì uống sữa. Từ 2-3 hộp sữa chua mỗi ngày có thể bổ sung cho bạn lượng canxi mà thai phụ cần thiết. Tương đương với chất béo, vitamin… bạn cũng có thể bổ sung thông qua thực phẩm khác.

5. Và lên kế hoạch hợp lý cho những ngày sắp tới…

Bạn không kịp chuẩn bị cho việc có con, nhưng giờ thì bạn phải có kế hoạch cho chuyện đón bé chào đời nhé. Thử đặt ra những vấn đề cần giải quyết và bàn tính với chồng, cụ thể như chuyện điều kiện tài chính gia đình ra sao, công việc của bạn sẽ thế nào, ai là người cùng bạn chăm sóc bé sơ sinh, bạn có người thân nào có thể hỗ trợ, giúp đỡ trong những tháng cuối thai kỳ không…

Hãy chia nhỏ từng vấn đề và chuẩn bị thật hợp lý cho chúng. Tuy nhiên, nói như thế cũng không có nghĩa là bạn nên cuống cuồng lo lắng. Nên giữ cho tâm trạng mình thoải mái, tập “làm quen” với việc bạn đã mang thai và chuẩn bị đón một sinh linh bé bỏng chào đời. Bạn sẽ tự tin hơn với tất cả những cách thức “chữa cháy” này.

Nếu bạn đang gặp một số “trục trặc” về quan hệ gia đình…

Mang thai khi đang stress, vợ chồng đang cãi cọ (thậm chí dự tính chuyện ly hôn), khi đang thất nghiệp và cứ căng thẳng nhau vì điều kiện kinh tế gia đình không như ý sẽ rất dễ ảnh hưởng đến thai nhi, do mẹ dễ bị trầm cảm kéo dài.

Vì vậy, tốt hơn hết, trường hợp lỡ… có thai trong hoàn cảnh này, bạn nên cố gắng giải quyết hết những mâu thuẫn ấy theo hướng tích cực nhất có thể. Nếu cần thiết, hãy mạnh dạn đến gặp bác sĩ tâm lý, chia sẻ với người thân, bạn bè thân để mọi người có cách hỗ trợ cho bạn tốt hơn. Tranh thủ dành thời gian để tập một số bài tập yoga phù hợp với bà bầu như tập hít thở sâu, tập ngồi thiền để tĩnh tâm… 

Bác sĩ Trần Thị Phương Nga
(Trưởng Khoa sản – Phòng khám đa khoa Quận Phú Nhuận) 

Tags:

Bài viết liên quan