Mẹ&Con  – Những dấu hiệu mọc răng ở trẻ mà phụ huynh dễ dàng nhận biết gồm: chảy nhiều nước bọt, quấy khóc, nổi mẩn quanh miệng, bỏ bú, biếng ăn…

Bé mọc răng đánh dấu một bước phát triển mới trong hành trình lớn lên đầy khó nhọc nhưng cũng vô cùng kỳ diệu của trẻ. Bởi khi đó, cơ thể trẻ sẽ có những thay đổi nhất định. Bên cạnh việc bú bằng sữa mẹ, trẻ sẽ bắt đầu ăn dặm, có khả năng nhai được các loại thức ăn xay nhuyễn hay băm nhỏ… Từ đó, nâng cao sức đề kháng của cơ thể. Bé sẽ phát triển khỏe mạnh và cao lớn hơn từng ngày.

Thông thường, quá trình mọc răng của bé sẽ bắt đầu vào khoảng tháng thứ 6 và cơ bản hoàn thiện vào khoảng 2 tuổi rưỡi hoặc 3 tuổi. Tuy nhiên, không phải đứa trẻ nào cũng có lịch trình mọc răng giống như vậy. Có những bé răng mọc rất sớm nhưng cũng có những trẻ đã hơn 1 tuổi mà vẫn chưa có dấu hiệu mọc răng.

Dưới đây là những dấu hiệu mọc răng ở trẻ:

Chảy nhiều nước bọt

Đây chính là dấu hiệu mọc răng ở trẻ dễ dàng nhận biết nhất. Nước bọt được tiết ra là do sự điều khiển của hệ thống thần kinh trung ương. Khi bé 3 – 4 tháng tuổi, bé sẽ bắt đầu tiết nước bọt nhiều. Đến 6 tháng tuổi, lượng nước bọt của bé sẽ nhiều hơn hẳn. Do lúc này khoang miệng của bé nông, chức năng nuốt nước bọt chưa phát triển hoàn thiện. Khi lớn hơn, các răng mọc đầy đủ thì tình trạng này sẽ giảm dần.

10 dấu hiệu mọc răng ở trẻ nhỏ mẹ phải biết 5
Trẻ hay chảy nước bọt khi mọc răng (Ảnh minh họa)

Thường xuyên quấy khóc

Mọc răng khiến bé cảm giác khó chịu, đau ngứa trong miệng và đôi khi là bứt rứt trong người nên bé hay quấy khóc. Tuy nhiên, quá trình mọc răng của các bé là khác nhau nên không phải bé nào cũng quấy khóc. Các mẹ có thể khắc phục tình trạng này bằng cách cho trẻ ngậm bình sữa hoặc mát – xa lợi, chân một cách nhẹ nhàng cho bé. Theo các chuyên gia, mát-xa ở ngón chân kích thích tuyến năng lượng trực tiếp kết nối giữa miệng và răng, giống như liều thuốc giảm đau răng lợi cho bé.

Cằm và xung quanh miệng nổi mẩn

Cằm và xung quanh miệng nổi mẩn là dấu hiệu mọc răng ở trẻ khá rõ. Do nước dãi của bé chảy nhiều nên các vùng da khô có thể xuất hiện các nốt mẩn đỏ. Khi mẹ thấy bé bị nổi mẩn hãy kiểm tra lưỡi của bé xem có phải bé có mọc răng hay không để chăm sóc phù hợp nhé. Một lưu ý dành cho các mẹ là không được để trẻ đưa tay lên gãi vì như vậy sẽ khiến cho các mẩn đỏ lan rộng ra. Mẹ có thể sử dụng bao tay cho bé để khắc phục tình trạng này.

Xuất hiện ho

Ho là một trong những dấu hiệu thường thấy khi bé mọc răng. Nguyên nhân bé ho là do nước bọt chảy nhiều. Những cơn ho này không nhiều, không kéo dài và cũng không có đờm. Các mẹ nên phân biệt ho do mọc răng và ho do bệnh lý ở trẻ. Thông thường, nếu bé ho nhưng không kèm theo sốt, khó thở hoặc các dấu hiệu bất thường khác thì mẹ không cần quá lo lắng. Tuy nhiên trong trường hợp bé ho nhiều thành từng cơn, có đờm, mẹ nên đưa bé đi khám.

Ngủ không đủ giấc

Khó ngủ cũng là một trong các dấu hiệu mọc răng ở trẻ. Do lợi bé ngứa ngáy nên bé hay quấy khóc và khó ngủ. Nếu có ngủ, giấc ngủ cũng không ngon và chất lượng. Trẻ hay bị giật mình, quấy khóc. Chính vì thế, những lúc như thế này mẹ nên dỗ dành, an ủi để bé ngủ được ngon hơn.

10 dấu hiệu mọc răng ở trẻ nhỏ mẹ phải biết 6
Trẻ ngủ không ngon giấc khi mọc răng (Ảnh minh họa)

Bỏ bú và biếng ăn

Khi mọc răng, bé sẽ cảm thấy khó chịu, đau nhức lợi. Vì vậy bé có thể bú kém, thậm chí bỏ bú và biếng ăn khiến các mẹ rất lo lắng. Tuy nhiên, mẹ không nên ép trẻ ăn hay bú bằng mọi cách nhé. Lúc này, mẹ nên kéo dài thời gian giữa các cữ bú để bé có cảm giác thèm ăn. Đồng thời, thức ăn dặm của trẻ nên băm nhỏ, xay nhuyễn để trẻ dễ ăn, dễ tiêu hóa. Trong trường hợp bé chán ăn kéo dài, sụt cân thì mẹ cần đưa bé đi khám bác sĩ để được điều trị kịp thời.

Thường xuyên nhai cắn

Khi răng nhú lên sẽ kích thích lợi khiến bé ngứa ngáy, khó chịu muốn gặm cắn mọi thứ xung quanh. Trẻ sẽ đưa lên miệng bất kỳ thứ gì có trong tay để cắn. Vì thế, tại giai đoạn này, mẹ nên chuẩn bị cho bé đồ ngậm nướu chuyên dụng để đảm bảo vệ sinh và không làm tổn thương lợi bé.

Sốt nhẹ

Theo các chuyên gia, răng mọc không phải là nguyên nhân gây ra sốt. Mà là do khi mọc răng, nướu răng sẽ bị sưng gây cảm giác ngứa, đau nhức, và khó chịu. Vì thế, trẻ hay cho tay hay bất cứ thứ gì đó lên miệng để làm giảm bớt những cảm giác khó chịu đó. Điều này vô tình làm cho vi rút, vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể bé. Để chống lại sự xâm nhập ấy, cơ thể bé sẽ tăng thân nhiệt lên. Kết quả là bị sốt. Vì vậy trong giai đoạn này mẹ cần thường xuyên theo dõi thân nhiệt bé để đảm bảo an toàn. Nếu bé sốt nhẹ mẹ có thể hạ sốt bằng cách chườm ấm, mặc quần áo thoáng mát, cho bú nhiều. Trong trường hợp bé sốt cao, mẹ cần đưa bé đi khám bác sĩ.

10 dấu hiệu mọc răng ở trẻ nhỏ mẹ phải biết 7
Trẻ bị sốt khi mọc răng (Ảnh minh họa)

Kéo tai, chà tay vào má

Các bậc phụ huynh có thể chưa biết lợi, tai, và má có chung một đường dây thần kinh. Có sự liên kết và tác động qua lại lẫn nhau nên hành động kéo tai, chà tay vào má cũng là dấu hiệu mọc răng ở trẻ mẹ không nên bỏ qua. Tuy nhiên, các mẹ cũng nên lưu ý trẻ kéo tai, chà tay thường xuyên có thể là biểu hiện của những bệnh khác như viêm tai. Vì thế, mẹ nên đưa trẻ đi khám bác sĩ để được chẩn đoán đúng bệnh và điều trị đúng cách nhé.

Tiêu chảy

Tuy chưa được khoa học chứng minh mối quan hệ giữa mọc răng và tiêu chảy nhưng nhiều bà mẹ chia sẻ trường hợp của con mình bị xuất hiện tiêu chảy nhẹ khi bé mọc răng hoặc đi tiểu nhiều hơn. Nguyên nhân có thể là do khi mọc răng, trẻ thường khó chịu, bứt rứt trong người, biếng ăn, dẫn đến hệ tiêu hóa kém. Kết quả là tiêu chảy xuất hiện. Đây là một biểu hiện khá nguy hiểm, nếu để lâu ngày ảnh sẽ hưởng trực tiếp tới sức khỏe của bé nên các bậc cha mẹ cần đưa con tới gặp bác sĩ để xác định tình trạng bệnh cho con.

Bài viết liên quan