Chị bắt đầu cuộc gọi bằng tiếng khóc hức… hức… và câu hỏi: “Em có biết cảm giác bị chồng phụ bạc mà mình không có lỗi gì nó kinh khủng thế nào không?”. Tôi… quả thật không biết, vì chưa từng trải, mà anh cũng sắp nghỉ hưu rồi, sao lại có chuyện như vậy?
Chị bảo, chuyện mới bốn tháng nay thôi, nhưng không ngờ nó như một khối u ác tính, nhanh chóng ăn mòn hạnh phúc gia đình, tương lai các con, tiền bạc của anh và niềm tin của chị. Bắt đầu từ một buổi cả nhà anh chị đi ăn quán…
Cô nhân viên tiếp thị một thương hiệu bia nọ mặc áo bà ba kín đáo có khuôn mặt hiền hậu buồn buồn và những câu chào hỏi nhẹ nhàng, lễ phép. Cô không câu vai bá cổ, cũng không hoạt ngôn mời mọc, chỉ một lượt giới thiệu, mời chào và lui về một góc chờ khui bia.
Sau đó thêm lần nữa, anh chị có gặp cô nhân viên ấy ở một đám cưới. Theo chị biết chỉ là như vậy, nhưng bây giờ anh đã ra mặt công khai muốn cưới cô ấy làm “thứ phi” để cô sinh cho anh một đứa con trai, chứ ba đứa con gái của anh chị “chán ngắt hà!”.
Chán, là anh nói vậy thôi, chứ hai đứa lớn đã tốt nghiệp đại học, đã lấy chồng, nhưng hàng tháng mỗi đứa vẫn gửi cho cha mẹ mỗi người hai triệu “tiêu vặt”. Cô con gái út, anh chị không phải lo tiền học đại học vì đã có hai chị lo rồi. Anh làm ở một cơ quan văn hóa cấp huyện, lương bổng xem như chỉ đủ trà nước. Chị là giáo viên dạy toán cấp III đã về hưu. Bao nhiêu tiền ăn, tiền học để con cái có được ngày nay, bấy nhiêu tài sản gia đình bây giờ phải nói đều nhờ công sức của chị.
Hồi đó, một buổi lên lớp, buổi còn lại chị bán căng tin; hết phù phù thổi lửa nấu đậu đỏ làm món si rô – đá đậu thì tới chè đậu xanh, sữa đậu nành. Hết đậu phộng rang cuộn giấy thì đến rang bỏ bịch. Có bữa chị lên lớp mà khuôn mặt còn quệt ngang một vệt lọ, đôi tay còn bóng nước vì muội than văng trúng… Hết mía ghim thì tới mía ướp lạnh, nước mía… Hết thời gian nan cực nhọc đó thì đến tuổi hưu. Nhưng những “cua” những “khóa” của vốn kiến thức toán học không bao giờ cũ ấy đã mang lại cho gia đình chị những khoản thu nhập không nhỏ.
Anh vẫn thảnh thơi ngày hai buổi của một nhân viên phục vụ bộ phận tuyên truyền cổ động. Những tấm biển hiệu từ vẽ sơn đến cắt mút qua bàn tay anh đều sinh động đến không ngờ. Người ta đùa rằng, đôi tay anh tài hoa đến nỗi, vẽ xong một khóm hoa thì lũ bướm ở đâu kéo về đậu kín!
Tôi về cơ quan này làm việc, chỉ thấy anh ngồi chơi xơi nước, tháng dăm lần (có khi không lần nào) vào đợt cao điểm thì anh ngồi vào máy thiết kế vài hàng chữ, kiểu chữ, rồi chép ra, mang tới dịch vụ in khổ lớn nhờ in. Xong thì về đóng khung nhôm hoặc trét keo dán sắt, lồng vào đó khúc cây và hai sợi dây kẽm và đem treo…
– Em không biết đâu… năm chỉ vàng chị dành riêng cho ảnh “hậu thân”, ảnh đã cho “con đó” mất rồi. Giờ còn biểu chị phải chấp nhận nó, nếu không anh sẽ thắt cổ tự tử. Chị tất nhiên là không đồng ý. Anh giật liền sợi dây điện cột lên xà bếp, leo lên bàn bếp thòng đầu vô… Chị sợ quá, năn nỉ ảnh xuống. Ảnh bảo, không cho chết thì phải chia tài sản nhà đất, ti vi, tủ lạnh, máy giặt gì gì trong nhà cũng phải chia. Hai chiếc xe đứng tên ảnh thì ảnh lấy hết, nhưng mà chỉ chia tài sản chứ không có ly hôn. Để ảnh mang cho “con đó”, cho nó sinh cho anh một thằng con trai. Chị bảo, nó có chồng chứ không phải là gái góa, cùng lắm ông “qua đường” cũng được, sao lại nặng tình như vậy? Lỡ con nó sinh ra, không phải là con ông thì sao?
– Ảnh trả lời thế nào?
– Ảnh nói, “thì bỏ vài chục triệu đi thử ADN chứ nhằm nhò gì!”. Chị khóc, nói vợ chồng mấy chục năm gian khổ có nhau, giờ già rồi tự dưng sao lại vậy… Rồi còn uy tín, còn danh dự của anh với đồng nghiệp, của một người cha với ba đứa con nữa…
Nhưng ảnh bảo ai cười kệ họ, uy tín danh dự là thứ phù du, không ai thấy hình dạng vóc dáng nó cả. Mấy thằng đàn ông, thằng nào không bồ bịch, bà nọ bà kia? Còn mấy đứa con gái mà dám hó hé, ảnh sẽ “từ” hết cả đám! Nói xong, anh vác túi, lục tủ lấy hết tiền rồi leo rào ra ngoài – vì hai chiếc xe chị đã cất chìa khóa.
Anh nói vống vô: “Tôi đi, không cần tài sản gì cả, để tôi chết bụi chết bờ cho bà vừa lòng”. Nhưng rào cao, kẽm gai vướng ống quần nên anh phải leo trở vô và mắng chị cứ “quậy” lên đi, cho mất mặt với học trò, coi phụ huynh nào dám mang con tới nhờ dạy nữa không. Chị bảo, xem như tôi hết cách với anh rồi. Nhưng nếu anh không từ bỏ ý định điên rồ này thì tôi sẽ mách mẹ.
– Đem bà cụ ra chắc anh ấy sợ chết khiếp?
– Sợ à? Ảnh bây giờ như người mất trí vậy em ơi! Ném cả túi xách vào người chị, bảo: “Mày méc đi, bả chín chục tuổi rồi, lại bị điếc, làm gì được tao mà méc?”. Chị… thật sự hết cách rồi nên mới tâm sự với em, dù sao anh em cũng thân thiết… Em cũng trang lứa với “con đó”, em có thể phân tích tâm lý phụ nữ tuổi em, chỉ là ngưỡng mộ sự hào phóng, chỉ là quen qua đường với ảnh thôi… Nghen em… chị hết cách rồi… trăm sự chị mong chờ em đó… Hạnh phúc tương lai của chị và các con chị cũng xin ủy thác cho em.
Chiếc điện thoại đã nóng ran tai tôi, đầu dây bên kia chỉ còn tiếng tút… tút… ngân dài. Nhìn lại máy, đã 42 phút chị trò chuyện.
Khi rõ sự tình, tôi thật muốn phân tích tâm lý phụ nữ trẻ như lời chị nhờ. Nhưng mà là nói với chị chứ không phải nói với anh.
Sao chị nói rằng mình hết cách khi còn cả một bức tường vững chắc sau lưng là pháp luật, chính quyền địa phương, bà mẹ chồng, họ nhà chồng, tờ giấy kết hôn, ba đứa con và khối tài sản đứng tên chung hai người?
Hay vì chị sợ “mất mặt với học trò, coi phụ huynh nào dám mang con tới nhờ dạy nữa” như lời anh hù dọa? Nếu thật vậy thì chị đã tự thua. Sẽ không có phụ huynh nào ấu trĩ như vậy cả, đó chỉ là anh “đánh tâm lý” nhằm vào huyệt “sĩ diện” của chị thôi.
Hoặc vì chị sợ anh mất uy tín, danh dự với đồng nghiệp, con cái? Những thứ đó là của anh, giống như khúc gỗ, ngoài lớp dát sẽ là lớp lõi. Anh đã không tự mình giữ nó thì chị giữ làm gì một lớp dát đã bị mối mọt ăn?
Hoặc chị yêu chồng, muốn giữ cha cho con? Nhưng một người chồng như thế có đáng được yêu? Một người cha như thế có đáng phải giữ?
Tôi muốn nói với chị, thôi cứ để anh đi, tài sản phân chia rõ ràng theo công sức lao động và đóng góp của mấy chục năm dài. Rồi không quá nửa năm, anh sẽ tự động quay về, cúc cung chị như thánh mẫu…