Mẹ và Con - Nhiều người cho rằng, trong hôn nhân cả hai vẫn nên luôn tôn trọng khoảng không gian riêng của đối phương. Trong chuyện tiền bạc cũng vậy. Liệu độc lập tài chính mang đến những được - mất gì trong cuộc sống hôn nhân?

Cuộc sống hôn nhân hiện đại, có rất nhiều thói quen và tư tưởng dần thay đổi để phù hợp với xu hướng phát triển chung của xã hội. Độc lập tài chính là một trong số đó. Có vẻ, câu nói ví von người vợ là “tay hòm chìa khóa” của gia đình đã không còn mấy phù hợp ở cuộc sống hôn nhân hiện đại? 

Chuyện vợ chồng độc lập chi tiêu, tiền ai nấy giữ, của ai nấy xài không còn hiếm gặp ở các gia đình hiện đại. Nhưng liệu, sự rạch ròi về tiền bạc sẽ được nhiều hơn mất? Hãy cùng Mẹ và Con tìm hiểu nhé!  

Độc lập tài chính trong hôn nhân, được gì?  

Độc lập tài chính trong hôn nhân cũng được xem là một biểu hiện của sự bình đẳng. Lúc này, cả vợ và chồng đều có toàn quyền quyết định việc sử dụng nguồn tiền của mình làm ra mà không phải phụ thuộc quá nhiều vào đối phương. 

Cuộc sống hôn nhân hiện đại đã “tiến hóa” và khác xưa rất nhiều. Vị thế của người phụ nữ trong gia đình thời nay cũng không còn như trước. Chúng ta đã biết tự lập, tự chủ trong nhiều vấn đề và dĩ nhiên, cả chuyện kinh tế. Việc phụ nữ độc lập tài chính gián tiếp cho họ vị thế không còn phải chịu đựng những thói hư tật xấu của các ông chồng gia trưởng. 

độc lập tài chính
Độc lập tài chính

Về phía các ông chồng, được toàn quyền sử dụng thu nhập của mình một cách chủ động, thay vì phải đưa hết cho vợ vào cuối tháng cũng giúp họ cảm thấy thoải mái hơn, và có trách nhiệm hơn trong việc quản lý chi tiêu để đảm bảo vẫn chăm sóc tốt cho gia đình, vừa thỏa mãn các nhu cầu cơ bản của cá nhân, mà không cần phải giấu giếm lập “quỹ đen” như trước. 

Có thể ví von câu chuyện độc lập tài chính giống như việc tự chăm sóc sức khỏe bản thân. Nếu có trách nhiệm trong việc chi tiêu, biết cách tiết kiệm chi tiêu và đảm bảo các khoản chi tiêu chung của cả gia đình thì cuộc sống vợ chồng hoàn toàn hạnh phúc, không bị ảnh hưởng gì tiêu cực.

Thậm chí, phòng ngừa được những vấn đề tranh chấp tài sản, hoặc so sánh ai làm được nhiều hơn từ đó dẫn tới những lục đục không đáng có trong gia đình. 

cách độc lập tài chính

Để vấn đề độc lập tài chính của vợ chồng không ảnh hưởng đến hôn nhân, cả hai cần thống nhất rõ ràng với nhau một cách rõ ràng về các khoản chi tiêu chung (điện, nước, nhà cửa, tiền chăm sóc con cái…). Việc này sẽ giúp vợ, chồng thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng góp, xây dựng cho tổ ấm chung bên cạnh việc thỏa mãn những nhu cầu cá nhân khác. 

Độc lập tài chính trong hôn nhân, mất gì?   

Bên cạnh những ưu điểm thì việc vợ chồng độc lập tài chính cũng tồn tại không ít những hạn chế. Theo đó, có rất nhiều ý kiến cho rằng, vấn đề này về bản chất không nằm ở tiền, mà chính là sự tin tưởng lẫn nhau của hai vợ chồng. 

Trong một gia đình, nếu người vợ hoặc người chồng cứ khư khư giữ lấy tiền của bản thân sẽ phần nào ảnh hưởng đến sự tin tưởng, sự tử tế dành cho đối phương. 

ưu nhược điểm độc lập tài chính

Bên cạnh đó, trong một gia đình, cả vợ lẫn chồng đều muốn có quỹ đen, hoặc tiêu xài riêng, hoặc phục vụ các chi tiêu cá nhân sẽ dẫn đến tình trạng cả hai “không cần nhau”. Sự giao tiếp giữa cả hai bị ảnh hưởng, mối liên kết giữa vợ và chồng thiếu sự gắn bó. Vì lúc này, ai cũng có một khoảng trời riêng mà đôi khi bỏ quên đến tổ ấm chung. 

Tổ ấm cần cùng chung tay, góp sức

Rất khó để có một câu trả lời thỏa đáng cho vấn đề vợ chồng có nên độc lập tài chính hay không? Trong gia đình thì ai là người thích hợp nhất để giữ vai trò quản lý chi tiêu? Bởi lẽ, tất cả mọi thứ còn phụ thuộc rất nhiều vào hoàn cảnh cụ thể của mỗi gia đình, cũng như cách họ nhìn nhận về cuộc sống hôn nhân.

Tuy nhiên, dù độc lập tài chính hay không, cuộc sống hôn nhân hẳn sẽ tốt đẹp hơn rất nhiều nếu cả hai cùng có ý thức chung tay góp sức với nhau về tất cả mọi điều. Xã hội hiện đại vẫn luôn đề cao sự bình đẳng, vun vén gia đình là trách nhiệm của chồng lẫn vợ chứ không phải của riêng ai. 

Lúc này, chuyện tiền ai nấy xài, hay ai là người giữ tiền không còn mấy quan trọng, mà quan trọng nằm ở cách hành xử sao cho hợp lý, dựa trên nền tảng tình yêu và sự tôn trọng lẫn nhau. 

vợ chồng độc lập tài chính

Lời khuyên từ chuyên gia

Theo các chuyên gia trong vấn đề hôn nhân và gia đình, trước khi bắt đầu bước vào cuộc sống hôn nhân, cả hai vợ chồng nên thỏa thuận với nhau về các quy tắc tài chính chung. Đồng thời, nên có trách nhiệm công khai khoản thu nhập thực sự và chi tiêu cá nhân của mình. 

Theo đó, đây có thể là số tiền bạn tiết kiệm được trước khi kết hôn; là số tiền được gia đình, bố mẹ cho; là số tiền bạn còn phải trả do vay mượn; là số tiền bạn chu cấp cho bố mẹ hàng tháng…tất cả đều phải được chia sẻ rõ ràng ngay từ đầu. 

Chuyện công khai rõ ràng về những vấn đề này sẽ góp phần tạo nên sự tin tưởng, cũng như thông cảm lẫn nhau giữa hai vợ chồng ngay từ đầu. Và đây cũng được xem là nền tảng cơ bản vô cùng vững chắc để vấn đề tiền bạc không trở thành yếu tố khiến hạnh phúc gia đình bị chi phối, ảnh hưởng.

độc lập tài chính gia đình

Ngoài ra, cả hai vợ chồng cần thống nhất với nhau về các quan điểm về tiền bạc. Việc này có vai trò xác định rõ các vấn đề về tiền bạc trong gia đình do ai nắm giữ và quản lý chính? Ai là người có khả năng chi tiêu một cách hiệu quả, khoa học? Khoản tiền mà chồng, vợ được phép chi tiêu trong 1 tháng là bao nhiêu? Những kế hoạch chi tiêu của cả gia đình cần hướng tới và đạt được trong ngắn hạn cũng như dài hạn là gì…

Tất cả đều này sẽ giúp cả vợ và chồng không còn cảm thấy lăn tăn trong vấn đề tài chính khi ở với nhau, cũng như biết cùng nhau cố gắng; trước khi quyết định một vấn đề gì cần phải có sự bàn bạc, thống nhất giữa hai vợ chồng.

Cuối cùng, sự thống nhất độc lập tài chính giữa vợ và chồng ngay từ đầu sẽ giúp không để xảy ra tình trạng so sánh, nghi kỵ, hạch sách lẫn nhau. Từ đó gây nên những tác động tiêu cực đến sự vui vẻ và thoải mái cũng như tin tưởng nhau hơn giữa cả hai. 

Bài viết liên quan

con riêng của chồng

9 cách giúp mẹ kế xây dựng mối quan hệ bền chặt hơn với con riêng của chồng

Mẹ và Con - Bạn có bao giờ tự hỏi: “Tại sao con riêng của chồng lại ghét tôi ngay cả khi tôi cố gắng trở thành một người mẹ tốt?” Hãy cùng tìm hiểu xem nguyên nhân vì sao mối quan hệ với con riêng của chồng lại gặp nhiều trục trặc đến vậy và cần làm gì để xây dựng mối quan hệ tích cực với con riêng của chồng bạn nhé!