Tiêm chủng đầy đủ trước khi mang thai là việc làm cần thiết để bảo vệ cho mẹ và bảo vệ cho bé yêu sau này. Thế nhưng, không phải phụ nữ chuẩn bị làm mẹ nào cũng hiểu hết tầm quan trọng của việc đó.

Tiêm chủng trước khi mang thai

(Hình minh hoạ)

Tại sao lại cần tiêm chủng trước khi mang thai ?   

Nhiều phụ nữ nhăn mặt khi nghe bác sĩ tư vấn việc này trước lúc lập gia đình hoặc trước lúc có dự tính mang thai. Hầu hết cho rằng: “Tiêm chủng tốn tiền và mất công lắm bác sĩ ơi”, “Em khỏe mạnh trước giờ chứ có bệnh tật gì đâu”. Thậm chí, không ít phụ nữ chủ quan: “Mẹ tôi sinh cả chục đứa con, bà có đi tiêm chủng gì trước khi mang thai đâu mà con cái đứa nào sinh ra cũng… mạnh ù đó chứ!”.

Một số phụ nữ chuẩn bị làm mẹ khác lại phớt lờ việc tiêm chủng vì “hồi nhỏ đã chích ngừa đủ các thứ rồi cơ mà” hoặc “chưa kịp chích ngừa đã dính bầu luôn rồi”. Thực tế là, đã có không ít trường hợp, thai phụ không chích ngừa một số bệnh lẽ ra nên chích ngừa trước khi mang thai. Và vì thế khi chẳng may dính ngay những bệnh này trong chín tháng thai kỳ thì người lãnh đủ hậu quả chính là em bé trong bụng mẹ.

Một trường hợp mới đây, thai phụ mới 26 tuổi, tiền căn khỏe mạnh nên đã bỏ qua luôn việc chích ngừa Rubella trước thời điểm mang thai. Ðến tuần thứ 4 sau khi mang thai, chị bị sốt cao, phát ban dày khắp người. Xét nghiệm cho thấy bị nhiễm Rubella. Hậu quả là sau đó, bé sinh ra bị dị tật não, kém phát triển, đục thủy tinh thể, điếc và suy dinh dưỡng nặng. Ðến lúc này, mẹ có làm gì đi nữa cũng không bù đắp lại được cho đứa con bé bỏng của mình. Ðiều chắc chắn sẽ khiến người mẹ ân hận suốt đời là lẽ ra, Rubella là một bệnh có thể chích ngừa được và chị có trình độ Ðại học, đã tìm hiểu qua báo chí nên đã biết tầm quan trọng của việc chích ngừa nhưng vẫn lơ là.

Vậy bạn nên chích ngừa những gì?

* Rubella:

Bệnh thường lành tính và tự khỏi trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, nếu bị nhiễm trong thời gian mang thai, nhất là trong 3 tháng đầu hay tháng cuối thai kỳ thì có thể gây sảy thai, sinh non, thai chết lưu, dị dạng và những biến chứng rất nặng sau khi em bé ra đời. Việc nhiễm Rubella có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, vì vậy ngay cả người vốn có sức khỏe tốt, ít bệnh lặt vặt cũng không nên thờ ơ với việc chích ngừa bệnh này.

Muốn chích ngừa Rubella, bạn cần xác định trước đó mình từng tiêm chủng bao giờ chưa. Nếu đã từng chủng ngừa lần 1 thì bây giờ có thể chích lần 2. Nếu chưa bao giờ chích ngừa Rubella thì có thể xét nghiệm để xác định cơ thể đã có kháng thể Rub-IgG và Rub-IgM chưa. Nếu kết quả xét nghiệm dương tính trên 50 UI thì không cần chủng ngừa. Nếu dưới 50 UI thì chủng ngừa 1 lần. Nếu kết quả âm tính thì tiêm hai mũi cách nhau 6 tháng (hoặc có thể gần hơn nếu muốn có thai sớm).

Cần nhớ kỹ là sau khi chích ngừa Rubella, bạn cần áp dụng các biện pháp tránh thai an toàn trong vòng khoảng 2-3 tháng. Sau đó mới để có thai. Trong trường hợp “vỡ kế hoạch” trong thời gian vừa mới chích ngừa hoặc chích ngừa khi đã mang thai mà không biết thì cần phải tham khảo bác sĩ và theo dõi chặt chẽ quá trình phát triển của thai nhi.

Tiêm chủng để mẹ và con đều được miễn dịch trước những tác nhân bên ngoài

* Viêm gan siêu vi B:

Ở Việt Nam, một tỷ lệ rất lớn dân số bị nhiễm siêu vi viêm gan B nên bạn cần làm xét nghiệm xem mình có nhiễm chưa. Nếu chưa, nên chích ngừa viêm gan siêu vi B trước khi mang thai.

Xét nghiệm tối thiểu trước khi chích ngừa là HbsAg (cho biết có đang nhiễm hay không) và antiHBs (cho biết cơ thể đã được bảo vệ hay chưa). Nếu HBsAg (-) va antiHBs (+) nghĩa là đã bị nhiễm nhưng đã khỏi bệnh và cơ thể đủ sức tạo ra kháng thể bảo vệ nên không cần tiêm ngừa. Nếu HbsAg (-) và antiHBs (-) là có thể hoàn toàn chưa bị nhiễm thì nên chích ngừa. Nếu HbsAg (+) là cơ thể đang bị nhiễm mà chưa được bảo vệ, trường hợp này sẽ không chích ngừa nữa mà tùy tình trạng bệnh cụ thể bác sĩ sẽ quyết định theo dõi, điều trị thế nào.

Trường hợp HbsAg (-) và antiHBs (-), bạn nên tiêm ngừa viêm gan siêu vi B theo lịch: Hai mũi tiêm đầu cách nhau một tháng để tạo miễn dịch cơ bản, mũi thứ ba tiêm nhắc lại cách sáu tháng tính từ mũi đầu tiên. Cũng như Rubellla, trong thời gian đang chủng ngừa, phụ nữ không nên có thai. Trường hợp có thai ngoài dự tính phải tham khảo bác sĩ và có kế hoạch theo dõi sát sao quá trình tiến triển của thai nhi.

* Thủy đậu:

Thai phụ đang mang thai trong 5 tháng đầu nếu mắc thủy đậu thì sẽ tác động đến thai nhi, khiến bé sinh ra dễ bị ảnh hưởng về hệ thần kinh, mắt, dị tật chi… Chính vì vậy, ngay trước lúc mang thai, bạn đã nên chích ngừa bệnh này. Sau khi chích ngừa thủy đậu xong, bạn cũng không nên có thai ít nhất là trong vòng 2 tháng.

* Uốn ván:

Khác với những bệnh trên, bạn có thể chích ngừa uốn ván trước khi mang thai hoặc trong lúc đang mang thai (theo chỉ định của bác sĩ) mà hoàn toàn vô hại với thai nhi.

Lịch tiêm phòng uốn ván được thực hiện như sau:

• Thai phụ hoàn toàn chưa được tiêm phòng uốn ván thì hẹn tiêm 2 mũi cách nhau ít nhất 1 tháng và trước sinh ít nhất 15 ngày. Nếu thai phụ đến đăng ký sớm thì tiêm mũi đầu vào tháng thứ 4 hoặc 5 và mũi thứ hai sau đó 1 tháng.

• Thai phụ đã tiêm phòng uốn ván đủ 2 mũi hoặc mới chỉ tiêm 1 mũi trước đây thì hẹn tiêm 1 mũi vào tháng thứ 4 hoặc thứ 5.

• Thai phụ khi còn nhỏ đã được tiêm chủng mở rộng 3 mũi bạch hầu, ho gà, uốn ván thì tiêm thêm 1 mũi vào tháng thứ 4 hoặc thứ 5.

• Thai phụ đã được tiêm phòng 3-4 mũi uốn ván từ trước, lần tiêm cuối cùng đã trên 1 năm thì tiêm thêm 1 mũi nhắc lại.

• Thai phụ đã được tiêm 5 mũi uốn ván không cần tiêm bổ sung, vì với 5 mũi khả năng bảo vệ trên 95%. Nhưng nếu mũi thứ 5 đã trên 10 năm thì nên tiêm nhắc lại.

 

NGOÀI CHÍCH NGỪA, BẠN NÊN…

• Kiểm tra sức khỏe tổng quát trước khi mang thai để biết chính xác những bệnh lý đang có, lên kế hoạch ưu tiên điều trị trước hay sau khi mang thai, đánh giá nếu mang thai lúc đang còn bệnh (chưa điều trị dứt điểm) thì ảnh hưởng đến thai nhi thế nào.

• Kiểm tra xem vợ chồng có mang bệnh lý di truyền nào không. Nên quan tâm nhiều đến trường hợp bản thân vợ chồng hoặc trong gia đình của vợ chồng có người mắc các bệnh di truyền. Nếu cần thiết, nên xin ý kiến của bác sĩ để xác định mức độ nguy hiểm (mắc phải các bệnh di truyền) có thể xảy đến với thai nhi.

• Thay đổi những thói quen sinh hoạt chưa tốt của vợ và chồng. Ví dụ cả hai vợ chồng nên bỏ thuốc lá, bỏ rượu bia, tuyệt đối không sử dụng chất kích thích…

• Khám phụ khoa trước mang thai vì một số bệnh lý có khả năng ảnh hưởng đến việc có thai hoặc tiến triển thêm khi có thai.

Chống chỉ định

Bạn cần lưu ý hỏi bác sĩ về việc chích ngừa nếu như đang bị sốt cao, đang mắc các bệnh nhiễm khuẩn cấp tính nặng, đang bị nhiều mụn mủ ngoài da, đang bị chàm, đang điều trị các bệnh khớp, bệnh lý thận, đang có bệnh ung thư, đang có bệnh suy giảm miễn dịch bẩm sinh hoặc mắc phải.

Tags:

Bài viết liên quan

uống thuốc trị mụn

Bác sĩ giải đáp: Uống thuốc trị mụn có gây vô sinh không?

Mẹ và Con - Hiện nay trong lĩnh vực làm đẹp đã xuất hiện nhiều phương pháp trị mụn và gây ức chế sự phát triển của vi khuẩn gây mụn, ngăn ngừa sự tái phát của mụn. Trong đó, có nhiều chị em chọn cách uống thuốc trị mụn, tuy nhiên uống thuốc trị mụn có gây vô sinh không, có ảnh hưởng gì đến sức khỏe hay không? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây nhé!