Sui gia lâu ngày gặp nhau mà lại gặp trong hoàn cảnh chăm con đẻ, chín người mười ý nên nảy sinh không ít mâu thuẫn. Bạn là người ở giữa, làm sao để dung hòa mối quan hệ này? Kỹ năng chăm sóc trẻ sơ sinh cho mẹ

Chào chuyên gia!

Em không biết có bà đẻ nào đang gặp hoàn cảnh éo le như em không. Em sinh đã 2 tháng rồi nhưng thật sự chưa có ngày nào được vui vẻ trọn vẹn. Vì em bị đẻ non nên chồng không về kịp vì đi công tác xa. Bù lại, em được cả mẹ đẻ (ở thành phố) và mẹ chồng ở quê vô túc trực trong lần vượt cạn đầu tiên. Ban đầu em nghĩ mình thật sự hạnh phúc nhưng mọi chuyện không phải vậy, cuộc chiến sui gia và mâu thuẫn giữa em với mẹ chồng cũng bắt đầu từ đây.

Nhà chồng em có 6 anh em, ai cũng khỏe mạnh, học hành thành đạt nên mẹ chồng rất tự hào về điều này. Vì vậy, ngay khi em sinh xong mẹ chồng đã giành chăm hai mẹ con em với lời hứa chắc nịch “cả hai sẽ khỏe như trâu”. Có lẽ đọc tới đây nhiều người sẽ bảo em sướng như tiên nhưng ai ở trong chăn mới biết chăn có “rận”. Em sinh mổ, 4 ngày chưa có sữa nên mẹ chồng bắt em “đoạn tuyệt” với các món mặn, chỉ ăn chay và uống ít nước để sữa mẹ không bị loãng. Mẹ em không đồng tình với mẹ chồng nhưng nể bà sui lặn lội ở quê vào nên nhịn cho qua chuyện. Nhung em mới sinh xong, vết mổ còn đau cộng với việc ăn uống chỉ rau, đậu hũ nên sữa cũng chẳng có, mà em cũng không nuốt nổi cơm nữa. Có thể nói từ chuyện giặt giũ, ăn uống đến cách chăm sóc bà đẻ, hai mẹ đều trái ngược quan điểm. Em thích cách chăm sóc của mẹ mình hơn vì nó có tính khoa học nhưng cũng không dám nói ra vì sợ mẹ chồng buồn. Vợ chồng em cưới nhau đã 2 năm nhưng sui gia luôn hòa thuận, vui vẻ. Vậy mà bây giờ lại quay sang cạnh khóe, nói xấu nhau ngay bệnh viện. Chồng em về thấy vậy đã phân tích thiệt hơn nhưng không thay đổi được gì, em là người đứng giữa nên khó nói chuyện quá.

Giờ em đã về nhà riêng nhưng ngày nào cũng nghe hai mẹ gọi điện trách móc nhau khiến em mệt mỏi vô cùng. Em phải làm sao để dung hòa quan hệ sui gia và không bị mẹ chồng nói là bênh mẹ đẻ?

H.T.V (Q.7)

Sui gia gây chiến khi chăm đẻ 4

Những bất đồng giữa sui gia, mẹ chồng- nàng dâu trong thời gian chăm đẻ là điều khó tránh khỏi. Vì vậy, bạn chỉ có thể dung hòa mối quan hệ trên khi tìm hiểu nguyên nhân, tâm lý người trong cuộc để có những “bí quyết” hòa giải hợp lý nhất.

Coi cái tôi quá lớn: Khi chăm đẻ, người mẹ nào cũng muốn chứng tỏ sự chăm sóc của mình là hợp lý, kể cả bắt bẻ người còn lại. Bà ngoại thường nghĩ “Không ai chăm con tốt bằng mẹ đẻ”, trong khi bà nội cũng chẳng chịu nhún nhường “Đó là con dâu, là cháu đích tôn nên mình có quyền chăm nom”. Vì vậy, người này thường thấy khó chịu và hay chỉ trích những việc làm của người kia.

Thích thể hiện: Bà mẹ nào cũng muốn chứng tỏ mình quan tâm, yêu thương con cháu. Vì vậy, nhiều khi người mẹ này muốn nâng giá trị bản thân bằng cách nói xấu người mẹ kia.

Lối sống khác nhau: Mâu thuẫn thường xảy ra nếu một người mẹ chăm con theo kiểu truyền thống, một người chăm con theo khoa học hiện đại. Đơn cử như trường hợp của bạn: Mẹ chồng bắt con dâu mới sinh xong phải ăn chay trong khi mẹ đẻ thấy điều này thật vô lý.

Môi trường: Không gian trong bệnh viện thường chật chội, người này đụng người kia. Trong khi tâm lý phụ nữ hay tìm chuyện này chuyện kia để nói nên dễ đụng chạm nhau nếu không có cách cư xử khéo léo.

Sui gia gây chiến khi chăm đẻ 5

Nếu hiểu được điều này, vợ chồng bạn sẽ dễ dàng cảm thông với cách cư xử của hai người mẹ. So với nhiều người khác, việc bạn được hai người mẹ chăm sóc trong thời gian nằm viện cũng là một điều may mắn. Vì vậy, bạn chỉ cần khéo léo trong cách cư xử thì không chỉ trở thành ‘hòa giải viên” giỏi mà còn lấy lòng được mẹ chồng:

Thể hiện vai trò của nàng dâu: Thay vì phiền muộn, bạn hãy cảm nhận sự hiện diện của người thân hai bên là một niềm hạnh phúc và học cách chấp nhận những điểm khác của nhau. Khi con cái cảm nhận được hạnh phúc đó, họ sẽ bớt áp lực và nhìn nhận vấn đề đơn giản hơn.

Nhờ sự can thiệp của bác sĩ: Nếu sự chăm sóc của người thân thật sự không hợp lý, sản phụ nên khéo léo nhờ bác sĩ, y tá can thiệp và chia sẻ với ba mẹ, người thân hai bên về cách nuôi con khoa học.

Bày tỏ sự biết ơn: Bằng những cử chỉ và lời nói thân mật, sản phụ có thể bày tỏ tình cảm của mình đối với người thân hai bên. Nếu mẹ chồng hay mẹ đẻ có chăm sóc, nựng cháu quá mức thì cũng hãy xem đó là một niềm vui. Đồng thời, hai người mẹ cũng nên nhìn vấn đề theo hướng tích cực, hãy xem sự có mặt của sui gia là vì thương con thương cháu để dễ cảm thông cho nhau.

 

Tags:

Bài viết liên quan