Mẹ và Con - Đã có bao giờ bạn nghe ai đó nói "đang yên đang lành tự nhiên Tết", cảm giác chán Tết, nản Tết là có thật, tại sao lại như vậy? Cùng Mẹ và Con bàn luận về vấn đề này nhé!

Tết đến, xuân về là thời gian có thể nói là đẹp nhất trong năm. Đó là khi con người nô nức trang hoàng nhà cửa, sắm sửa những vật dụng mới để chào đón những điều tươi đẹp sắp đến. Tết cũng là lúc chúng ta được nghỉ ngơi, thư giãn, tận hưởng những chuyến du lịch hạnh phúc bên những người yêu thương. Nghe đến Tết, chúng ta thường có cảm giác hưởng thụ, vui chơi và tràn ngập niềm hân hoan, hứng khởi, nhưng đâu đó vẫn có người sợ tết, “đang yên đang lành tự nhiên Tết”. Cảm giác chán Tết, nản Tết là có thật. Vì sao lại như vậy?…

sơ tết

1. Chênh lệch nhận thức giữa các thế hệ

Cuộc sống ngày càng phát triển, những giá trị truyền thống tuy là một nét đẹp văn hóa cần được duy trì và gìn giữ, nhưng với rất nhiều bạn trẻ “tôn thờ” những ngày lễ phương Tây và cảm thấy rườm rà, phiền phức khi tổ chức tận hai dịp lễ ăn mừng trong năm. Đến ngày tết, bố mẹ thì mong con về đoàn tụ, sum họp, con cái thì lại có cuộc sống, dự định riêng mà cảm thấy vướng bận “chân tay” khi bắt buộc phải về nhà vào dịp này.

Một độc giả lớn tuổi của Tạp chí Mẹ và Con tâm sự rằng “Tôi có một thằng con đi du học 5 năm, nó vừa về Sài Gòn được 2 năm gần đây, những tưởng khi con về thì ba mẹ có thể gần gũi con những dịp quan trọng, nhưng 2 cái tết qua rồi, tôi vẫn nghĩ nó còn ở nước ngoài. Vì cứ tới dịp chuẩn bị, dọn dẹp nhà cửa thì nó lại đặt vé đi công tác, không thì lại đi du lịch với người yêu. Vợ chồng tôi trăn trở và có nói với nó hết lời thì nó vẫn không thay đổi ý định, chỉ bảo là con không muốn mệt mỏi chuyện nhà cửa, ba mẹ mời người giúp việc phụ dọn là được, sao phải bắt con ở nhà?”

Có những giá trị truyền thống dần bị mai một vì chúng ta không hiểu ý nghĩa và tầm quan trọng của việc duy trì những nét đẹp ấy. Như cậu con trai trong lời chia sẻ ở trên, người trẻ luôn có “thế giới” riêng, nào là công việc, tiền bạc, tình cảm, sự bận rộn làm họ muốn tối giản và cắt giảm nhiều thứ trong đó có cả những phong tục truyền thống. Mặc dù rất buồn nhưng chính người mẹ trong câu chuyện cũng không thể nào giữ chân con vì đã không đưa ra những lý do thuyết phục được con mình. Sự chênh lệch giữa các thế hệ tạo ra nỗi sợ cho các bậc phụ huynh cao tuổi. Phần lớn sợ rằng con cái mình không biết lo, con cái mình không về nhà, ngày Tết rồi cũng trở thành những ngày ảm đạm hơn cả ngày thường…

2. Kinh phí sắm sửa Tết là nỗi e ngại

sợ tết

Trang trí nhà cửa, mua đồ mới, chuẩn bị đồ ăn trữ tết, phong bao lì xì, quà cáp biếu tặng, biết bao nhiêu là khoản phải chi vào những ngày Tết. Trong khi kinh tế trong suốt một năm thì khó khăn, không ổn định, vậy mà giờ phải suy nghĩ đau đầu về một danh sác dài các thứ cần phải chi ra, đó quả thực là một nỗi sợ. Đặc biệt trong hai năm ảnh hưởng Covid vừa rồi, rất nhiều người thất nghiệp, nhiều công ty phá sản và nhiều dự án bị tạm dừng. Cảm giác mong mỏi đến Tết, được sắm sửa những thứ mới mẻ bị thay thế bằng nỗi ám ảnh vì kinh tế eo hẹp.

Nhìn những người vô gia cư trên đường phố, ta lại càng thấm thía nỗi sợ Tết. Trong khi cả thế giới dường như đang có một cái Tết đầm ấm thì họ vẫn một mình, như bao ngày, lủi thui một mình nơi góc vắng, bên vệ đường, hay một “xó nhỏ” tạm bợ nào đó, và khao khát cũng có được sự quan tâm, sự sum họp, sự đoàn viên như nhiều gia đình trong thành phố. Thường ngày họ cũng một mình như thế, nhưng nỗi cô đơn khi nhìn đường xá vắng vẻ, thưa thớt so với ngày thường thật nao lòng biết bao.

Mặc dù có thể ta không có quá nhiều tiền để chuẩn bị một cái tết “thịnh soạn”, nhưng cũng cố gắng chu toàn mọi thứ trong khả năng của mình và cùng lan tỏa không khí vui vẻ đó đến tất cả những người xung quanh ta. Nghĩ đơn giản như vậy thôi cũng sẽ giúp nỗi sợ vơi bớt đi phần nào.

3. Sợ những thủ tục “không thể từ chối”

Ngày còn nhỏ, đứa trẻ nào cũng mong đến để mặc đồ đẹp, để nhận lì xì. Nhưng lớn rồi sao mọi thứ thay đổi quá. Tết đến ta chỉ muốn trốn đi vì sẽ không phải gánh vác các trách nhiệm chuẩn bị, rồi như cúng kiếng, đi tới nhà từng người để chào hỏi , trao quà… Có biết bao thứ trên đời phải lo, mà còn lo Tết, thế chẳng phải nỗi sợ hay sao?

Ngoài ra, nhiều người còn ngán ngẩm cảnh mời bia, rượu, ăn nhậu xuyên suốt các mùng mà không tài nào từ chối khi có khách đến viếng thăm nhà. Nhiều người sợ ngồi cả đêm gói bánh và nấu bánh thức canh bánh chín cả đêm, vật và vật vựa đầu tóc đầy mùi khói. Có người thì sợ cảnh quét dọn cực nhọc, ngày thường thì nhắm mắt cho qua, nhưng đến tết thì phải hì hục quét dọn hết ngày mà vẫn chưa xong cái nhà. Người lại chán ngán nồi thịt kho hột vịt, ngày thường vẫn ăn được món này nhưng tại sao đến tết lại còn phải bị “tra tấn” với mùi thịt kho suốt cả ba, bốn mùng…

Tết mang nhiều giá trị đẹp của người Việt, nhưng không thể phủ nhận thực tế rằng ngày càng có nhiều người sợ tết vì muôn vàn lý do riêng, nhưng chung quy lại câu trả lời thường được nhận nhất đó chính là sự rườm rà. Còn bạn, bạn có sợ Tết không? Gửi thư về tâm sự với Mẹ và Con nhé!

Bài viết liên quan