Ra ở riêng có tốt không? Ngay từ ngày yêu nhau, chồng đã chắc nịch bảo với tôi: “Nhà anh neo người. Bố mẹ già rồi nên chắc chắn không thể ra riêng được. Em đồng ý thì mình cưới, không thì… anh thật chẳng biết làm sao!”.
Bảy người trong một căn nhà
Ban đầu tôi rất lưỡng lự với đề nghị này vì cũng như bao nhiêu cô gái khác, tôi ao ước có một mái ấm của riêng mình, có một cuộc sống độc lập, riêng tư, ít chuyện này chuyện kia với bố mẹ chồng. Song, vì rất yêu anh, lại nhận ra anh có nhiều ưu điểm mà cô gái nào cũng phải ước mơ nên tôi không thể bỏ lỡ chuyện cưới hỏi của mình chỉ vì lý do ở chung hay ở riêng như thế được. Tôi dự tính trong đầu, cứ cưới đã, sau này vài năm khi có con cái rồi, mình thuyết phục ra riêng chắc anh ấy sẽ nghe theo.
Thời gian đầu ở chung, tôi thấy mọi thứ ổn hơn mình lo lắng. Nhà bố mẹ chồng tôi khá chật, nhưng chia thành mấy tầng độc lập. Bố mẹ giao hẳn cho vợ chồng tôi tầng trên cùng nên lại càng ít có gì “đụng chạm” tới ai. Tôi đi làm cả ngày, chiều mới về, vào bếp phụ qua loa một chút rồi ăn cơm, dọn rửa. Đến chừng 8 giờ tối là có thể lên phòng riêng. Tính ra số tiếng đồng hồ tôi giáp mặt cùng bố mẹ, ở cùng một không gian phòng khách hay nhà bếp với bố mẹ chỉ có vài tiếng đồng hồ. Có gì mà không được cơ chứ!
Được một thời gian thì vợ chồng cô em chồng tôi vì một vài sai lầm trong kinh doanh nên phá sản, phải bán nhà trả nợ. Đương nhiên bố mẹ nào lại chịu được cảnh nhìn con cái mình phải bán nhà, đi thuê ở trọ trong điều kiện ngặt nghèo như thế bao giờ. Thế là ông bà bảo hai vợ chồng em cứ dọn về ở, ông bà sẽ để riêng một tầng cho.
Căn nhà chật giờ đông người thêm. Tổng cộng thành ra có đến sáu người. Cùng lúc ấy tôi đã bắt đầu mang thai. Nghĩ đến việc bảy người trong một căn nhà rộng không đến 90m2 mà ngán, tôi bàn với chồng hay tách ra riêng, vì giờ đã có cô em về ở cùng bố mẹ rồi thì đâu đến nỗi neo đơn nữa nhưng anh vẫn không đồng ý. Anh bảo ở chung thế này càng tiện, vì tôi mang thai, sinh nở sẽ có những người phụ nữ khác trong nhà cùng giúp đỡ, anh có đi công tác cũng đỡ lo tôi ở một mình.
Anh không chịu quan tâm đến lời cảnh báo của tôi rằng thực tế việc ở chung chưa bao giờ giản đơn. Nói thì nói là độc lập, riêng tư thế thôi, chứ luôn có những yếu tố phát sinh. Ngày trước, khi chỉ có một mình, chúng tôi gửi bố mẹ chồng mỗi tháng năm bảy triệu cũng đủ cho những khoản điện nước, chợ búa trong nhà.
Giờ có thêm gia đình cô em chồng. Tiền điện nước tăng vọt, các khoản khác cũng tăng. Mà cả hai thì đang giai đoạn túng thiếu, nợ nần nên đương nhiên chẳng có tiền để góp (có góp mẹ chồng tôi cũng không chịu lấy). Bà nhắc khéo chồng tôi rằng tháng này điện nước nhiều quá, rồi thì chợ búa cái gì cũng đắt đỏ.
Chồng tôi liền gửi tiền cho mẹ gấp đôi bình thường. Thú thật, tôi là đàn bà, lại sắp sửa sinh nở nên suy nghĩ cũng rất rõ ràng. Vợ chồng tôi lương bổng không cao, trước giờ sau khi gửi bố mẹ một khoản thì hai đứa cũng dành dụm được chút ít.
Giờ anh đưa nhiều như thế, trong khi lại chẳng phải tôi chi dùng, hóa ra vợ chồng tôi đang phải góp để “nuôi” cả gia đình cô em chồng à? Tôi biết, suy nghĩ này ích kỷ, song gần sinh nở rồi, tôi chỉ muốn vun vén cho gia đình nhỏ của mình. “Nuôi” thêm hai người lớn trong nhà đâu phải chuyện dễ dàng gì.
Bình thường, vợ chồng ra ngoài ăn cái gì ngon ngon, mua thêm một phần về cho bố mẹ là được. Giờ thì anh mua thành 3 – 4 phần. Tôi cản, chồng lại nhíu mày bảo: “Mua ít quá ai ăn, ai nhịn? Với lại người trong nhà không, mình ăn thì mua về cho em út cùng ăn chứ có sao!”.
Nói thật, tôi biết khi đọc những dòng này, những người ngoài cuộc sẽ bĩu môi bảo ngay: “Cô vợ sao mà tính toán quá! Có vậy cũng so đo!”. Nhưng cứ sống mà xem! Từng chuyện nhỏ như thế cứ lặp đi lặp lại mỗi ngày.
Đến cuối tháng, tôi ngơ ngác khi vợ chồng mình không còn dư một đồng, trong khi ăn uống, chi dùng vẫn chẳng có gì khác trước cả. Tôi bảo chồng là không được, hỏi anh hay vợ chồng mình ăn riêng. Anh lại la tôi, cho rằng tôi quá sức keo kiệt, tính “nhỏ nhen kiểu đàn bà”. Còn trong lòng tôi thì nơm nớp với chuyện sẽ sinh con và vẫn “chung” hết mọi thứ thế này.
Hàng loạt bất hòa nảy sinh
Ngày qua ngày, những gút mắc nảy sinh ngày một lớn hơn. Chồng tôi vẫn vô tư theo cách của anh, vẫn quan tâm đến gia đình “chung”, lo lắng cho em út. Tôi thì càng lúc càng khó chịu. Tôi sinh con xong, giai đoạn đầu ở nhà chăm con càng trở nên stress.
Chẳng hạn như con khó ngủ, nhà chật nên cách âm cũng không tốt, vậy mà em chồng tôi ở dưới mở ti vi ầm ầm. Tôi nhắc thì cô em vùng vằng. Món mẹ chồng tôi nấu thì toàn ưu tiên nấu các món em chồng tôi thích ăn hay chồng tôi thích ăn. Tôi muốn ăn món của riêng mình lại không thể mua riêng hay nấu riêng một ít, vì vài lần tôi làm thế, mẹ chồng tôi nói sao đó với chồng khiến anh la, bảo tôi rằng đến miếng ăn thôi cũng không muốn mời ai một câu “lấy thảo”, cái gì cũng chỉ muốn “riêng”.
Tiền bạc thì càng lúc càng khó khăn, vì tôi sinh con thu nhập vốn đã giảm đi nhiều. Chồng lại có đồng nào lo đưa cho mẹ chồng đồng đó. Khi chúng tôi cãi nhau, nhiều lần anh nhấn đi nhấn lại: “Hình như em không xem đây là gia đình mình, không xem đây là nhà mình. Cái gì em cũng chỉ muốn riêng, em luôn như người lạ trong nhà chứ không như một thành viên”. Tôi phát cáu. Những trận stress tơi bời vì chăm con, cộng thêm những ức chế, ngột ngạt trong căn nhà quá nhỏ, đi đâu cũng đụng mặt nhau khiến tôi không sao thở nổi.
Trong một trận cãi nhau điên cuồng với cô em chồng vì một chuyện lặt vặt gì đó, tôi đòi ẵm con đi và quả quyết với chồng: “Nếu anh không tính chuyện ra riêng thì em và con sẽ đi. Em hết chịu nổi căn nhà ngột ngạt và cảnh chung chạ này rồi”. Anh cho tôi một tát tai vì câu nói đó. Hôm ấy cả nhà náo loạn. Tôi thì hét hò, hàng xóm thì bu sang. Em chồng tôi thì phân bua kể tội tôi, lôi ra đủ chuyện để nói cho mọi người biết tôi như thế nào. Mẹ chồng tôi thì khóc lóc.
Cả một đêm mất ngủ. Chồng tôi đem mền gối xuống phòng khách nhỏ ở dưới đất nằm, không chịu lên phòng. Hôm sau, không biết nhà tôi bàn tính sao mà chồng bảo với tôi: “Nếu em muốn, mình sẽ thuê một phòng nhỏ để ra riêng! Nhưng anh nói trước, anh sẽ vẫn lo cho bố mẹ như hiện giờ, vì đây cũng là gia đình anh!”.
Sau đó chúng tôi dọn đi. Cuộc sống ở nơi ở mới “khỏe” hơn cho tôi về mặt tinh thần, nhưng vẫn vô cùng vất vả. Chồng lạnh nhạt hẳn. Anh ít nói chuyện với tôi, chỉ chăm sóc nựng nịu con. Hàng tháng, anh chỉ đưa cho tôi một khoản rất ít ỏi để lo cơm nước và sữa cho con. Tiền nhà và điện nước anh tự đóng. Anh cũng không cho tôi biết anh dư được bao nhiêu, kế hoạch dành dụm thế nào.
Một ngày, vô tình tôi đọc được những đoạn chat của anh với người bạn thân. Trong đó, anh bảo với bạn rằng tình cảm dành cho tôi đã giảm đi nhiều lắm, rằng anh chỉ đang cố gắng vì con còn quá nhỏ. Tôi ngỡ ngàng phát hiện từ những chuyện như anh được tăng lương cả mấy tháng nay anh cũng không hề nói với tôi.
Tôi biết thêm rằng anh vẫn thường xuyên về nhà bố mẹ ruột của mình, vẫn chăm chút cho gia đình “bên ấy”. Anh nói với bạn: “Bố mẹ chỉ có một, anh em là ruột thịt, còn vợ chồng thấy vậy thôi chứ chẳng biết bỏ nhau ngày nào”, rằng nếu tôi không hòa nhập được với gia đình anh, luôn xem gia đình anh là “người ngoài” thì sớm muộn vợ chồng tôi cũng sẽ chia tay.
Tôi lặng người khi đọc được những dòng ấy của anh.
Tôi thật sự cũng không biết rồi vợ chồng mình còn “chung” được bao lâu nữa, khi tôi phát hiện ra bây giờ dù đã được ra riêng, nhưng trái tim anh đã không còn hướng về tôi. Tôi không biết mình đúng hay sai. Tâm lý một người phụ nữ, tôi muốn dành mọi sự quan tâm cho con mình, chồng mình, cho gia đình nhỏ của mình thì có gì sai? Tôi không muốn chồng tôi chia sẻ và hướng quá nhiều sự quan tâm đến những người thân khác của anh. Nhưng tôi biết, trong quá trình “ra riêng” của mình, tôi đã không đủ khéo, đã làm cho chính trái tim chồng cũng “ra riêng” khỏi tôi rồi…