Mẹ&Con - Mang thai bé đầu lòng, thai cứ dọa sẩy nên bác sĩ khuyên tôi giảm thiểu tối đa công việc. Chồng nằng nặc đòi tôi xin nghỉ việc hẳn, ở nhà dưỡng thai. Rốt cuộc, tôi 'dưỡng' như thế một lèo… 5 năm trời, cho đến khi con vào mẫu giáo! 9 bí quyết giúp bầu thoải mái nơi công sở Bí quyết giúp mẹ lấy lại tinh thần làm việc sau kỳ nghỉ sinh Bí quyết để không trở thành 'osin' ở nhà chồng

Từ người có thu nhập ổn định, tôi phải “dựa” toàn bộ vào chồng!

Chắc chắn nhiều người khi đọc đến dòng này sẽ mạnh miệng bảo rằng: Với phụ nữ, con cái, gia đình nên là số 1. Nghỉ việc và dựa hoàn toàn kinh tế vào chồng thì cũng có sao đâu. Chồng đi làm, lo kinh tế cho cả gia đình. Vợ toàn tâm toàn ý chăm sóc, nuôi dạy con. Như vậy còn ước ao gì nữa!

Thế nhưng, nói là nói vậy. Có ở trong cuộc mới hiểu. Không phải vô cớ khi ngày xưa còn học cấp 3, một lần cô giáo chủ nhiệm lại nói với cả lớp tôi: Con gái sau này trưởng thành, thành người vợ, người mẹ, dù thế nào cũng phải cố gắng đi làm hoặc có chút công việc buôn bán, kinh doanh của riêng mình. Nhỏ cũng được, kiếm tiền ít thôi cũng được, nhưng phải có, đừng phụ thuộc hoàn toàn kinh tế vào chồng.

phu-nu-dung-bao-gio-de-minh-le-thuoc-kinh-te-vao-chong

Thời điểm ấy, năm 18 tuổi, lời cô nói trôi tuột đi khỏi tâm trí của tôi. Nhưng đến lúc chính mình rơi vào, tôi mới dần cảm nhận một cách thấm thía. Năm đầu tiên nghỉ dưỡng thai và sinh nở, tôi thấy mọi thứ bình thường. Năm thứ hai, suốt ngày bận bịu với con, tôi cũng không kịp thời gian nghĩ đến điều gì khác. Nhưng sang đến năm thứ ba, rồi năm thứ tư, thứ năm, mọi chuyện bắt đầu khác hẳn.

Tôi tự nhận ra mình trở nên quẩn quanh, “ù lì” trong suy nghĩ. Ngày xưa tôi học không tệ. Trình độ đại học, tốt nghiệp loại khá, tôi ra trường rồi đi làm, tuy không phải là xuất sắc gì nhưng lương bổng cũng khá, ổn định, có thể tự lo cho mình, dư chút ít để dành dụm hoặc biếu bố mẹ tiêu xài. Suy nghĩ của tôi lúc đó cũng nhanh nhạy, công việc được giao luôn hoàn thành. Giờ thì khác. Ở nhà mấy năm trời, tôi bỗng dưng trở nên chậm chạp trong suy nghĩ. Ngoại trừ việc chăm sóc con, lo những bữa ăn cho gia đình, thời gian còn lại tôi dán mắt vào mấy bộ phim truyền hình dài tập trên tivi. Thỉnh thoảng gặp lại bạn bè, tôi bỗng buồn và nản khi nhận ra bạn bè của mình cứ liên tục thay đổi, ngày càng đi xa hơn trong khi cảm giác của tôi giống như mình đang thụt lùi.

Tôi thổ lộ với chồng ý định muốn đi làm lại, nhưng anh gạt phăng. Việc tôi ở nhà 5 năm trời đã tạo nên một nếp “lười” và gia trưởng trong anh. Anh muốn về nhà cơm canh có sẵn, con cái đã có tôi lo lắng, chăm sóc hoàn toàn. Nếu tôi đi làm lại, chắc chắn anh phải cùng tôi chia sẻ công việc nhà, lại chia ca đón con. Anh sẽ không còn được thoải mái đi nhậu với bạn bè đến tận khuya và về nhà nói gọn lỏn với vợ: “Vậy chứ em ở nhà suốt ngày để làm gì mà mấy việc cỏn con này cũng phải chờ tới anh?”.

Một khó khăn khác nữa mà tôi phải đối diện là sau 5 năm nghỉ ở nhà chăm sóc con nhỏ, tôi hoàn toàn như bị rơi ra khỏi guồng máy công việc, không biết mình bắt đầu lại ở đâu. Xin việc gì, ai nhận, tôi có thể làm được gì sau 5 năm “đứng lại”? Những câu hỏi ấy vặn xoắn trong tôi. Tôi nộp thử hồ sơ cho một số công ty tuyển dụng trên báo, nhưng bặt vô âm tín. Dường như chính người tuyển dụng cũng chẳng mặn mà gì với một ứng viên đã không đi làm suốt 5 năm, chỉ ở nhà chăm con.

Không công việc, không thu nhập, sống dựa hết vào chồng, tôi càng lúc càng stress và chán nản hơn. Tôi lo lắng cho tương lai của mình, tự hỏi chẳng lẽ từ giờ đến cuối đời mình toàn sống thế này sao? Rồi nếu lỡ chồng tôi có chuyện “chán cơm thèm phở” bên ngoài, tôi liệu có đủ sự mạnh miệng để ngăn cản anh? Ai biết được cuộc đời có thể xảy ra những chuyện gì. Nếu chẳng may có chuyện gia đình tan vỡ, tôi làm gì để có thể nuôi con và tự lo liệu cho bản thân mình?

Nỗi lo của tôi càng tăng khi chồng tôi bắt đầu có những dấu hiệu thiếu rõ ràng về tiền bạc. Thay vì đưa hoàn toàn lương bổng để tôi lo liệu gia đình như những năm đầu, giờ anh hay căn vặn những khoản tôi hỏi thêm, và chỉ đưa tiền cho tôi vừa vặn để chi tiêu trong gia đình. Những khoản dư còn lại, anh gửi tiết kiệm thế nào, hùn hạp làm ăn ra sao tôi không hề được biết. Có lúc tôi hỏi, anh lại bảo tôi cứ yên ở nhà mà lo cho con đi, chuyện kinh tế là chuyện… anh lo.

Bắt đầu lại, tôi đối diện muôn vàn khó khăn!

Đúng thế! Chẳng ai ủng hộ tôi, chẳng có cánh cửa nào rộng mở cho tôi. Sau 5 năm, tôi đã tạo cho tất cả mọi người cái ý nghĩ rằng sống như “cũ” là đã tốt rồi, tại sao lại cần thay đổi? Chỉ có tôi nhận ra tất cả những bất ổn của mình. Tôi muốn thay đổi, muốn đi làm trở lại. Tôi nuối tiếc lắm vì đã nghỉ quá lâu và quá nhiều, đến mức bây giờ như đã không còn cách trở về với “guồng quay” cũ. Nhưng thôi đành chậm còn hơn là… mãi mãi không làm.

Tôi cố sắp xếp lại thời khóa biểu hàng ngày của mình, âm thầm dành ra thời gian để ôn lại ngoại ngữ và những kiến thức cũ. Biết mình khó có thể xin việc theo cách thông thường, tôi vận dụng hết các mối quan hệ, nhờ bạn bè cũ để cố tìm một công việc với mức lương thật thấp cũng được, để có sự “bắt đầu”.

phu-nu-dung-bao-gio-de-minh-le-thuoc-kinh-te-vao-chong

Hơn 7 tháng sau những nỗ lực miệt mài đó, tôi mới tìm được vị trí thư ký tổng hợp ở một công ty gia đình. Chồng và gia đình chồng phản đối quyết liệt, vì cho rằng mức lương của tôi được trả còn kém hơn cả tiền… thuê một người giúp việc!!! Song tôi không chịu, tôi dùng đủ cách để nhẹ nhàng giải thích với anh về những ức chế trong tôi khi bạn bè cứ tiến xa còn tôi thì dừng lại, rằng tấm bằng đại học của tôi đang trở thành vô dụng, và chuyện gì xảy ra nếu chẳng may anh đau ốm, thất nghiệp trong khi kinh tế gia đình lại dồn cả vào anh?

Nói mãi, nói mãi, cuối cùng chồng cũng chịu cho tôi đi làm lại với lời “hứa” của tôi: Nếu như thấy mọi thứ không ổn thì sau 3 tháng tôi sẽ trở về làm… nội trợ!!! Những ngày mới bắt đầu đi làm thật khủng khiếp. Tôi bị la rầy vì làm chưa tốt việc, nơm nớp khi phải ở lại làm trễ và nhờ người thân đi đón con tan trường giúp. Chồng cau có vì những bữa cơm có phần “bê trễ”. Lương bổng thì chẳng bao nhiêu nhưng áp lực công việc quay trở lại, thứ áp lực mà tôi vốn đã lãng quên suốt mấy năm trời.

Có những lúc tôi thấy mình như không cố được nữa, muốn thôi buông tay, quay về lại cảnh nội trợ như xưa. Nhưng rồi, một người bạn thân đã nói với tôi: “Mày muốn con mày sau này lớn lên, bên cạnh tình yêu thương còn có sự kính trọng và nể phục mẹ hay muốn con nghĩ thầm rằng mọi việc nên hỏi bố, chứ mẹ toàn ở nhà quanh quẩn nấu cơm thì biết cái gì?”. Điều bạn nói đã khiến tôi nỗ lực hơn. Ba tháng, rồi sáu tháng trôi qua. Tôi dần quen việc, nhạy bén lên nhiều. Những lời chê bai, la rầy ban đầu đã kết thúc, thay vào đó thỉnh thoảng còn có lời khen.

Tinh thần tôi thoải mái hơn, không khí trong gia đình cũng đỡ căng hơn. Cuối cùng chồng tôi cũng đã bắt đầu quen dần với những tin nhắn của tôi khi thì nhờ anh đi làm về bắc giúp nồi cơm nếu tôi về muộn hơn, hoặc chia sẻ việc chăm sóc con. Tôi biết, tất nhiên mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Có những gia đình, sự phân chia chồng đi làm, vợ nội trợ ở nhà là hợp lý. Nhưng với tôi, được đi làm trở lại, bắt đầu trở lại là một niềm hạnh phúc thật sự. Bởi vì chỉ khi đó, tôi mới thấy mình không phụ thuộc, thấy mình có những niềm vui, những mối quan hệ bên ngoài, thấy mình đang tiến bước song đôi cùng chồng chứ không phải cách biệt quá lớn với anh. Và trên hết, tôi thấy mình trở thành một người mẹ năng động hơn, tự tin hơn, để bước từng bước cùng con trên một chặng đường dài. Chỉ riêng những điều bé nhỏ ấy thôi, với tôi đã là niềm hạnh phúc!

Nguyễn Trương Thục Linh
(Quận Tân Phú) 

Tags:

Bài viết liên quan

sự tự ti về bản thân

Tự ti về bản thân là cách bạn tự tay phá hủy thành tựu của mình

Mẹ và Con - Cảm giác tự ti về bản thân là một trạng thái tâm lý phổ biến mà hầu hết mọi người đều từng trải qua ít nhất một lần trong đời. Nhưng khi điều này trở thành một trạng thái cảm xúc thường xuyên, bạn có thể ngày càng trở nên tiêu cực hơn. Vậy chúng ta có thể làm gì để khắc phục tình trạng tự ti về bản thân?